Chúa nhật Tuần thứ III Thường niên A

Chúa nhật Tuần thứ III Thường niên A

3rd Sunday of Ordinary Time
Reading I: Isaiah 8:23-9:3 II: 1Cor 1:10-13,17

Chúa Nhật 3 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 8:23-9:3 II: 1Cr 1:10-13,17

Gospel
Matthew 4:12-23

12 Now when he heard that John had been arrested, he withdrew into Galilee;

13 and leaving Nazareth he went and dwelt in Caper'na-um by the sea, in the territory of Zebulun and Naphtali,

14 that what was spoken by the prophet Isaiah might be fulfilled:

15 "The land of Zebulun and the land of Naphtali, toward the sea, across the Jordan, Galilee of the Gentiles

16 the people who sat in darkness have seen a great light, and for those who sat in the region and shadow of death light has dawned."

7 From that time Jesus began to preach, saying, "Repent, for the kingdom of heaven is at hand."

18 As he walked by the Sea of Galilee, he saw two brothers, Simon who is called Peter and Andrew his brother, casting a net into the sea; for they were fishermen.

19 And he said to them, "Follow me, and I will make you fishers of men."

20 Immediately they left their nets and followed him.

21 And going on from there he saw two other brothers, James the son of Zebedee and John his brother, in the boat with Zebedee their father, mending their nets, and he called them.

22 Immediately they left the boat and their father, and followed him.

23 And he went about all Galilee, teaching in their synagogues and preaching the gospel of the kingdom and healing every disease and every infirmity among the people.

Phúc Âm
Mátthêu 4:12-23

12 Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê.

13 Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caph'acnaum, một thành ven biển Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali,

14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:

15 "Này đất Dơvulun, và Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi dân Galilê, miền đất của dân ngoại!

16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi"

17 Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.

19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá".

20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.

22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Interesting Details

• "Kingdom of heaven" is identical to "Kingdom of God." At that time and even now, the Jews avoid the word "God" out of respect. Other words or circumlocations were used to convey the same meaning.

• It is through the Church that Christ, and thus God, is present among all people. Through the Church, Christ calls everyone to eternal salvation. Kingdom of God is therefore the Church between the first and second coming of Christ.

• Jesus was a good strategist. He had a keen sense for geography, timing and people:

- Galilee was at the crossroads of the area. Major highways from Egypt to Syria ran through this area. Galilee was a small area but very fertile, and it had a large population. The smallest village had more than 15,000 people. Capernaum, considered to be the base of Jesus' ministry, was a Galilean medium-size town of different nationalities on the northwestern shore of the Sea of Galilee.

- Jesus called the fishermen during the off-season, when men commonly leave their fishing to others for awhile to follow some group interest.

- According to John 4:35-42, Simon, Andrew, James and John had met Jesus before this episode.

• Because of Jerusalem, the Judeans looked down on the Galileans as "country bumkins." Since Nazareth was in Galilee, Jesus was considered a Galilean.

• Fishery at the time of Jesus' public ministry was a major industry at the Sea of Galilee. Simon, Andrew, James and John probably were not poor folks but successful business men with a secure and stable lifestyle. Nets, boats, and family ties were signs of success among peer groups.

• Traditionally, disciples sought out a Rabbi to learn about the Law in order to become Rabbis themselves. In contrast, Jesus, a Rabbi, seeks disciples. Other Rabbis teach the Law. Jesus preaches the new Kingdom of God and seeks personal loyalty to His way.

• Synagogue was like a town center where the Jews gathered for community activities and religious ceremonies, e.g., teaching, administering of the Law, punishment. These religious ceremonies are not sacrificial in nature; sacrifices could be performed only in the temple.

Chi Tiết Hay

• Người Do Thái tránh dùng chữ "Thiên Chúa". Thay vì nói "Triều Đại Thiên Chúa", họ dùng "Nước Trời".

• Qua Giáo Hội Chúa Kitô thể hiện với mọi người. Qua Giáo Hội Chúa Kitô kêu gọi mọi người tham gia vào công trình cứu độ vĩnh cữu. Do đó, cho đến khi Chúa Giêsu lại đến, Triều Đại Thiên Chúa hiện nay là Giáo Hội.

• Đức Giêsu là một chiến lược gia giỏi. Ngài có một nhận định sắc bén về địa thế, thời điểm, và con người:

- Galilê là một giao điểm lưu thông chánh của các đại lộ từ Ai-cập đến Xyria. Galilê là một vùng tuy nhỏ nhưng rất trù phú và đông dân cư. Một làng nhỏ nhất trong vùng này có đến 15.000 dân. Đức Giêsu chọn Ca-phác-na-um làm tâm điểm cho sứ vụ của Ngài. Đây là một làng phía đông bắc của Biển Hồ Galilê với nhiều chủng tộc khác nhau.

- Đức Giêsu kêu gọi các người chài vào lúc mùa đánh cá đã chấm dứt. Lúc ấy họ rảnh rỗi để có thể đeo đuổi những hoạt động khác.

- Trong Gioan 4:35-42, các ông Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan đã gặp Đức Giêsu trước lúc này.

• Vì có Jerusalem, người Giuđê coi người miền Galilê là "nhà quê". Nadarét là một làng trong vùng Galilê, do đó Đức Giêsu được coi là người Galilê.

• Ngành ngư nghiệp là một kỵ nghệ quan trọng của vùng Biển Hồ Galilê vào thời đó. Các ông Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan có lẽ không phải là dân nghèo, nhưng mà là những thương gia với một sự nghiệp vững chắc và một đời sống ổn định. Lưới cá, thuyền bè và tình thân gia đình là những dấu hiệu của thành công trong mắt của các đồng nghiệp.

• Theo truyền thống, môn đệ chọn một người thầy (rabbi) để học Luật để trở thành một ông thầy. Trái lại, Đức Giêsu, một người thầy, lại tuyển chọn môn đệ. Các thầy khác dạy Luật, Đức Giêsu rao giảng về Triều Đại Thiên Chúa, và tìm sự thông hiệp với đường lối của Ngài.

• Hội đường (sygnagogue) là nơi người Do thái tụ họp cho những sinh hoạt cộng đồng và những nghi thức tôn giáo như là giảng dạy, trình luật và án phạt. Những lễ nghi cúng tế và thờ phượng chỉ được làm trong đền thờ.

One Main Point

BUILDING THE KINGDOM OF GOD TOGETHER WITH CHRIST

Jesus announced the beginning of the new Kingdom of God, which is on this earth. Penance and repentance are the prerequisites to enter this kingdom. This Kingdom of LOVE and HOLINESS is for all regardless of race or nationality. By this announcement, our Lord implies that God has intervened in a special way to save mankind. He also implies that we must be open to God's grace and reform our ways; we must take side, either with Him or against Him. Signified by the calling of Simon, Andrew, James and John into the Kingdom of God, Jesus invites us to join Him as His companions to participate in building the Kingdom of God. It is a mission.

Một Điểm Chính

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA KITÔ XÂY DỰNG TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA

Đức Giêsu công bố khởi đầu Triều Đại Thiên Chúa. Triều đại ấy ở ngay trên thế gian này. Ăn năn và sám hối là điều kiện tiên quyết để vào triều đại này. Triều Đại của Tình Yêu và Thánh Thiện này là cho cả nhân loại không phân biệt màu da hay chủng tộc. Đây là dấu chỉ Thiên Chúa can thiệp một cách đặc biệt để cứu rổi nhân loại. Ngài cũng muốn chúng ta phải mở lòng cho ân sủng của Thiên Chúa và cải thiện đời sống chúng ta. Chúng ta phải chọn hoặc theo Đức Giêsu hoặc chống lại Ngài. Qua sự kêu gọi các ông Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan vào Triệu Đại Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta cùng đồng hành với Ngài để xây dựng Triều Đại Thiên Chúa. Đó là sứ mệnh.

Reflections

1. Jesus called Simon, Andrew, James and John when He PASSED by as they were carrying on their daily tasks. Can I recognize God's call in my daily life to be His companion? Has God ever called on me?

2. Contemplate the attitude of Simon, Andrew, James and John when Jesus invited them to follow Him when He PASSED by. What would be my attitude in responding to God's calling?

3. The Church is the Kingdom of God now. How do I feel about the Church? In the concept of ministry and mission, what have I contributed in building the Church?

Suy Niệm

1. Chúa Giêsu gọi Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan theo Người ngay khi Người ĐI NGANG qua, trong lúc họ đang lo chu toàn những trách nhiệm hằng ngày riêng của họ. Trong cuộc sống hằng ngày, tôi có thể nhận định được lời mời gọi của Chúa để làm bạn đồng hành với Đức Kitô không?

2. Hãy suy gẫm về thái độ của các ông Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan khi Chúa Giêsu kêu gọi họ theo Người ngay khi Người ĐI NGANG qua. Tôi có thái độ nào để đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa?

3. Triều Đại Thiên Chúa là Giáo Hội hiện nay. Cảm nghĩ của tôi ra sao về Giáo Hội? Trong khái niệm sứ vụ (ministry) và sứ mệnh (mission), tôi đã đóng góp những gì để xây dựng Giáo Hội?

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Is 8,23b – 9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

MỤC LỤC

1. Ơn gọi. 
2. Galilê, vùng dân ngoại. 
3. Lựa chọn của Chúa Giêsu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
4. Suy niệm của André Sève.
5. Ơn cứu độ phổ quát – R. Veritas. 
6. Suy niệm của Charles E. Miller 
7. Trung tín với Chúa và trung tín với con người 
8. Tiếng gọi của Chúa 
9. Ánh sáng muôn dân 

SUY NIỆM

1. Ơn gọi.

Như chúng ta đã biết nỗi ưu tư số một trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian. Chính vì thế mà ngay khi bắt đầu cuộc sống công khai, Ngài đã chọn cho mình những môn đệ.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, đang lúc đi dọc theo bờ biển, Ngài đã gọi Phêrô và Andrê: Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Liền sau đó, Ngài cũng đã gọi Giacôbê và Gioan. Thái độ của những môn đệ đầu tiên này thật là mau mắn và dứt khoát. Các ông đã bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cha già mà đi theo Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Ngày hôm nay Chúa không hiện ra để kêu gọi chúng ta hay truyền dạy chúng ta phải làm điều nọ, điều kia, nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến với chúng ta qua các sự kiện, qua các biến cố cuộc đời. Bởi vì mỗi biến cố là một dấu chỉ của thánh ý Chúa. Mỗi sự việc là một bài toán mà đáp số là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận. Vì thế, cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài.

Thực vậy có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa, một thứ tiếng vọng lên từ bên trong, tuy âm thầm nhưng rất rõ, mời gọi nhưng không kém phần thúc thách. Đáp lại tiếng Chúa là bước vào một khúc quanh mới của đời mình và từ đó bản thân được đổi khác.

Ơn gọi của Mẹ Têrêsa Calcutta là một thí dụ. Mẹ sinh năm 1910 tại Nam Tư. Năm 18 tuổi Mẹ nhập dòng Đức Bà Lorettô ở Ái Nhĩ Lan. Sau đó được cử sang Ấn Độ để vào tập viện. Mẹ đã cống hiến gần 20 năm trời cho việc dạy môn địa lý tại một trường của nhà dòng dành cho các thiếu nữ thuộc những gia đình khá giả. Nếu Chúa không lên tiếng gọi, thì chắc cuộc đời Mẹ sẽ trôi đi êm đềm bên đám học trò giàu có. Thế rồi vào một ngày nọ, nhân đi qua một đường phố ở Calcutta, Mẹ bắt gặp một người đàn bà đang hấp hối trên vỉa hè. Chuột và kiến đã kéo đến gặm nhấm con người bất hạnh đó. Mẹ liền vực người thiếu phụ tới nhà thương. Mẹ nhất định cứ đứng ở trước cổng cho đến khi người ta mở cửa đón nhận bệnh nhân sắp chết. Từ biến cố này Mẹ cảm nhận được lời mời gọi của Chúa, muốn Mẹ hiến mình cho những kẻ bị bỏ rơi. Và thế là Mẹ xin ra khỏi dòng, đến sống ở một khu vực tăm tối của thành phố. Chắc hẳn lúc đó, Mẹ không ngờ mình sẽ là người sáng lập một hội dòng mới chuyên lo việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ.

Lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện đã đành. Điều quan trọng hơn là có dám đáp trả lời mời gọi của Ngài hay không. Nhiều khi chúng ta đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ như không hề nghe thấy tiếng Chúa, để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ. Bởi vì chúng có quá nhiều những sợi dây vấn vương quấn chặt lấy cuộc đời và bản thân, khiến chúng ta không dễ gì tháo gỡ được. Những sợi dây vấn vương ấy là tiền bạc, địa vị, vui thú... Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Chúa là giá trị tuyệt đối, vượt lên trên tất cả. Và như thế phải có tình yêu mãnh liệt mới có thể từ bỏ lập tực những gì chúng ta đang ôm ấp bởi vì từ bỏ là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Chúa.

2. Galilê, vùng dân ngoại (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi Gioan bị bắt, Đức Giêsu đã lánh qua Galilê.

Galilê là vùng ven, ít nguy hiểm cho Ngài. Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại. Người Do Thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa. Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người, và là nơi Đức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.

Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).

Đức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum. Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích. Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).

Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46), nhưng Đức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).

Hãy ngắm nhìn Đức Giêsu trên những nẻo đường.

Ngài rút về Galilê, Ngài đến Caphácnaum, đi dọc theo bờ biển. Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23), Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến. Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường. Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ. Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38). Đức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.

Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết. Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị, nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết để trở nên những người cộng sự của Ngài.

Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi. Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung. Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh. Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.

"Các anh hãy theo Tôi": một lời mời gọi lên đường. Hãy gắn bó với Tôi và chia sẻ thao thức của Tôi. Để lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép, êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô, êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.

Theo Chúa là chấp nhận ra khơi hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ, bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc. Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người, và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần bên.

Để đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán cải.

Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động, là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu, để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.

Đức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.

Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh. Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi?

Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.

Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?

Gợi Ý Chia Sẻ

• Đi kèm với lời giảng, Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ. Theo ý bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần phải làm gì kèm theo, để dễ được người nghe đón nhận?

• Đức Giêsu đã gọi bốn bạn trẻ khi họ đang tất bật với cuộc sống. Có khi nào Chúa gọi bạn lúc bạn đang vất vả kiếm sống không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay. Có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

3. Lựa chọn của Chúa Giêsu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Địa lý nước Do Thái chia làm ba miền. Miền Nam được gọi là Giuđêa. Miền Trung là Samaria. Miền Bắc là Galilêa. Thủ đô Giêrusalem thuộc về miền Nam. Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái. Hằng năm người ở mọi miền tuốn về Giêrusalem dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo. Có dinh thầy cả thượng phẩm. Có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Người ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người ở Samaria, coi Samaria là ngoại đạo vì người ở Samaria xây cất đền thờ riêng trên núi Garidim. Người ở Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với người Samaria. Còn miền Galilêa ở phía Bắc, tuy không có đền thờ đối nghịch với Giuđêa, nhưng bị Giuđêa khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không chọn rao giảng tại Giêrusalem. Bởi vì Giêrusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng lại kiêu căng hợm mình, loại trừ người khác. Khi mới sinh ra, Chúa Giêsu đã phải chạy trốn bạo vương Hêrôđê. Hôm nay Hêrôđê con ông lại ra lệnh giết thánh Gioan Baotixita chỉ để thỏa mãn ước vọng ngông cuồng của một phụ nữ. Chúa Giêsu đã không chọn Giêrusalem làm điểm xuất phát, bởi vì các thày thượng tế, các văn nhân, luật sĩ, biệt phái đã chai đá, luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không biết mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.

Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng quê nghèo khiêm tốn, nhưng dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc đã biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người. Người đã chọn Galilêa vì ở đây không có loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, chung sống hòa thuận. Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường đền thờ, bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý và dành riêng cho một giai cấp. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng. Đó là ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da. Đó là đi đến với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo. Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời. Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc. Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch. Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng. Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự. Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.

Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em. Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị. Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương. Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng. Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Chúa Giêsu có những lựa chọn khác với thường tình. Tại sao?

2) Tại sao Chúa không bắt đầu rao giảng tại thủ đô Giêrusalem, nhưng lại bắt đầu từ Galilêa, vùng đất dân ngoại?

3) Tại sao Chúa lại chọn tông đồ giữa đám thuyền chài thất học?

4. Suy niệm của André Sève.

ĐỨC KITÔ Ở NƠI NÀO MÀ KHÔNG CÓ AI BỊ LOẠI TRỪ CẢ

Matthêu thích tạo nên những toàn thể. Trước khi cống hiến cho chúng ta Bài Giảng Trên Núi đầy ấn tượng, ngài tổng hợp công việc truyền giáo của Chúa Giêsu trong cái bước đầu nhiều sóng gió, trong đó cái nhìn khám phá ra những chân trời càng ngày càng rộng lớn hơn. (Tôi đọc đến đoạn 23 bởi vì cắt đứt một bố cục hoàn toàn như vậy là điều đáng tiếc).

Động thái thứ nhất: Chúa Giêsu lui về Galilê, rời Nagiarét để lấy Caphanaum làm cơ sở hoạt động và bắt đầu giảng dạy.

Động thái thứ hai: Chúa Giêsu đi trên bờ hồ và nói với bốn người: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ đánh lưới người. Từ bỏ tất cả, họ theo Ngài”. Thế là khai sinh một Giáo Hội có bản chất truyền giáo.

Động thái thứ ba: Ngài rảo “khắp” miền Galilê. “Khắp” là từ mấu chốt. “Danh tiếng của Chúa Giêsu đồn ra khắp miền Syri; người ta đem đến cho Ngài tất cả những ai đau ốm; rất nhiều người theo Ngài”. Tầm nhìn không ngừng mở rộng ra và lời trích dẫn tiên tri Isaia rất có ý nghĩa: “Galilê của các dân tộc!”.

Galilê là ngã ba đường nơi có nhiều người qua lại, người ngoại giáo sống lẫn lộn với người Do Thái. Trong khi xác định rằng Chúa Giêsu chọn Galilê để truyền giáo, Matthêu muốn lưu ý ngay tầm vóc của sự cứu độ của Đấng Cứu Thế. Trước tiên được dành riêng cho người Do thái, sự cứu độ sẽ lan tỏa tới tất cả mọi người.

“Ánh sáng đã xuất hiện trên những người ngồi trong bóng tối và sự chết”.

Trước khi lắng nghe chi tiết những lời nói của Chúa Giêsu trước khi xem Ngài hành động, sự suy niệm của chúng ta cần phải có tầm cỡ cần thiết để không bao giờ thu hẹp bất cứ cái gì thuộc về sự cứu độ. Tôi không biết đã đọc ở đâu: “Chúa Kitô ở nơi nào mà không có gì đóng kín, nơi mà không có người nào bị loại trừ”. Tôi vui mừng, nhưng sau đó cảm thấy nực cười: trong lịch sử, nhân danh chính Chúa Kitô, có biết bao nhiêu là bức tường và biết bao nhiêu sự loại trừ.

Những người trẻ tuổi khó mà hiểu được những chia rẽ giữa những người Kitô hữu và những hình thức loại trừ. Ít nhất trên đểm này họ là những người thầy của chúng ta do sự cảm nhận Tin Mừng tế nhị hơn của họ. Biết bao lần tôi đã nghe những người Kitô hữu ở tuổi trưởng thành tỏ ra khinh bỉ một loại người nào đó. Họ nói “Bọn họ!”. Giống như thể có những người được Chúa thương riêng, những người Công Giáo và nhất là những người hành đạo, sau đó là vô số người bị Chúa quên lãng, những người mọi rợ, những quái nhân, những kẻ vô luân, những kẻ không tin có Chúa.

Không, “không tin có Chúa” chỉ có nghĩa khi nói về những người từ chối Thiên Chúa (nhưng họ từ chối Thiên Chúa nào?). Trước mặt Chúa, chỉ có những con cái của Ngài mà thôi. Điều này có khó chấp nhận hay không? Do đâu mà có sự loại trừ cuồng nhiệt như thế?

Có thể là do quan niệm “dân tộc được chọn” ít được giải thích cho sáng tỏ. Ở đây, tôi sẽ không tránh né một câu hỏi làm tôi luôn bối rối: ‘tại sao có sự chọn lựa của Thiên Chúa’. Tôi thường gặp câu hỏi này trong những bài phỏng vấn tôi, khi thì dưới dạng một sự khắc khoải, khi thì đầy tức giận. Người ta nói với tôi: ‘Bạn được sinh ra trong một gia đình Công Giáo, còn tôi được sinh ra trong một gia đình cộng sản triệt để vô thần. Do đó bạn có đức tin, còn tôi thì không. Tại sao Chúa của bạn cho những người này tất cả còn những người khác thì không cho gì hết?’. Tôi không trả lời được. Tôi không biết tại sao thế giới được chia ra thành người Do Thái, người Kitô hữu, người Hồi Giáo, người Phật Giáo, người theo thuyết không thể biết và người vô thần.

Tôi có thể nói lên hai điều. Trước hết khẳng định rằng Chúa ban tất cả hoặc không ban gì hết là sai. Những điều Ngài cho thì khác nhau và Ngài để cho những khác biệt đó hoạt động. Tạo vật của Ngài là một thế giới những sự khác biệt. Những nơi nào có con người hiện hữu thì nơi đó Chúa để mắt nhìn đến người đó. Ngài ban cho người đó những ơn sủng phù hợp với điều người đó làm nhằm hoàn thành nhiệm vụ làm người của họ, cho dù người đó sống vào thời kỳ nào, ở đâu và có nền văn hoá nào.

Tiếp đến, tất nhiên đã có một dân tộc được chọn: dân tộc Do Thái. Và một dân tộc thứ hai được chọn, đó là những người Kitô hữu nối tiếp dân tộc Do Thái (Matthêu nhấn mạnh rất nhiều trên sự liên tục này). Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế được các sứ ngôn loan báo. Ngài là Môisê mới của một dân tộc không biên giới. Người Kitô hữu chỉ được cứu độ để trở thành những kẻ cứu độ, để trở thành những dấu chỉ của sự cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được trao ban và được sống bằng nhiều cách mà không có kẻ nào bị loại trừ cả.

Ý tưởng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người sẽ giúp chúng ta tránh được việc co mình lại cố thủ và loại trừ. Chúng ta chỉ có quyền gọi Chúa Giêsu là “Đấng Cứu độ chúng con” nếu điều đó muốn nói với chúng ta: Đấng Cứu độ mọi người. Trong miền Galilê của các dân tộc đã bắt đầu một sự quy tụ mà không ai có quyền giới hạn cả.

5. Ơn cứu độ phổ quát – R. Veritas.

Đức Thánh Cha Phaolô II đã có lần mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi toàn thể Giáo Hội tại Mỹ Châu, hãy tìm giải pháp cho những vấn đề trầm trọng đang tác hại tại lục địa này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe một đoạn trong bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ cử hành tại Goađalubê:

“Giáo Hội đã có Tin mừng sự sống và sự can đảm của tiên tri, Giáo Hội lại có các nền văn hóa của chết chóc. Ước gì đại học của hy vọng này cũng là đại học của sự sống, đấy là tiếng báo động lớn của chúng ta, hãy kiến tạo một cuộc sống mới xứng đáng cho tất cả mọi người, cho các thai nhi đã được cưu mang trong lòng mẹ, cho những trẻ em bụi đời sống ngoài đường phố, cho những người dân bản xứ, cho những người dân Phi châu, cho những người di dân vì tị nạn, cho những người trẻ chiếm nhiều cơ hội để thăng tiến đời mình, cho những người già cả, cho tất cả những ai đang nếm trải sự nghèo khổ hay bị loại ra bên lề xã hội”.

“Đã đến lúc chúng ta phải nhất quyết loại trừ ra khỏi đại học Mỹ Châu này bất cứ sự tấn công nào chống lại sự sống. Xin đừng bao giờ có bạo lực, đừng bao giờ có khủng bố và buôn bán ma túy, đừng bao giờ có nạn tra tấn, hay những hình thức lạm dụng khác, cần phải chấm dứt việc kết án tử hình, đừng bao giờ có nạn khai thác bóc lột những kẻ yếu thế, đừng bao giờ có nạn kỳ thị chủng tộc, đừng bao giờ có những khu ổ chuột cùng khổ, đừng bao giờ có những tệ nạn như vậy. Đó là những tệ nạn không thể dung chấp được, những tệ nạn này kêu thấu đến tận trời cao và mời gọi các tín hữu Kitô hãy có một nếp sống khác, hãy dấn thân vào trong xã hội, mục kích phù hợp hơn với đức tin của mình”.

Những lời trên đây của vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là một tiếng vang của chính Tin mừng mà Chúa Giêsu đã mang đến cho nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm. Hiện nay tại các nhà thờ Anh giáo bên Anh Quốc, người ta đang thấy trưng bày những tấm bích chương có vẽ hình Chúa Giêsu giống hệt dung mạo của nhà cách mạng nổi tiếng Thêghê Bara, ông là một bác sĩ, đã từng là bạn của chủ tịch Fiđel Castro người Cuba, ông muốn quảng bá lý tưởng cách mạng bạo động cho toàn thể Châu Mỹ Latinh, thế nhưng ông đã ngã gục vào giữa thập niên sáu mươi. Chúa Giêsu quả thật là một nhà cách mạng nhưng Ngài không hề có Chủ trương dùng bạo động để thực hiện cách mạng. Hơn nữa, cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã thực hiện qua chính cuộc sống của Ngài và được Giáo Hội tiếp tục giảng dạy và thể hiện thiết yếu là cuộc cách mạng bản thân. Tính cách mạng ấy được Chúa Giêsu thốt lên khi bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài: “Hãy hối cải vì nước trời đã gần đến”.

Trong chương trình cách mạng ấy của Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp lẽ khôn ngoan nghìn đời của các nhà hiền triết Đông Tây: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có tu thân nghĩa là có sống cho ra người thì người ta mới có thể lãnh đạo gia đình, cai trị đất nước và mang lại thái bình cho thế giới. Khi nghe lời kêu gọi hòa bình của Giáo Hội, nhà độc tài Stalin đã thách thức, thử hỏi xem Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Có thể Stalin đã quên lời nhận xét của người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản là Lênin như sau: “Chỉ cần mười người như thánh Phanxicô nghèo, thì cũng đủ để cải tạo xã hội Nga”.

Quả thật ở bất cứ thời đại nào, thế giới cần nhiều vị thánh hơn là những con người tài ba. Khoa học và kỹ thuật đang tiến bộ với tốc độ nhanh chóng khiến chúng ta phải chóng mặt, các tiện nghi ngày càng tối tân, con số các nhà tỷ phú trên thế giới ngày càng gia tăng, của cải do con người tạo ra ngày càng ứ đọng, vậy mà tình hình thế giới được các phương tiện truyền thông đưa lên vẫn là một bức tranh xám xịt. Chiến tranh, chết chóc và nhất là đói khổ vẫn còn bao phủ phần lớn địa cầu của chúng ta. Bên này bán cầu thừa mứa của cải vật chất, thì bên kia bán cầu còn tới không biết bao nhiêu người đang phải lâm cảnh chết đói. Trong một quốc gia, một thiểu số nhỏ kẻ nắm giữ trong tay phần lớn của cải, còn số đông phải quằn quại trong khốn khổ.

Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy là giải pháp cho vấn đề nằm ngay trong chính lòng con người, bao lâu vẫn còn có những người chiếm giữ quyền hành trong tay và chối bỏ những quyền cơ bản nhất của người khác thì bấy lâu vẫn còn có một số người phải quằn quại đói khổ. Bao lâu con người chưa hối cải và sống cho ra người thì bấy lâu thế giới vẫn không bao giờ có được hòa bình thật sự.

Hãy hối cải, hãy sống cho ra người, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện mệnh lệnh này của Chúa Giêsu trong môi trường sống của chúng ta hằng ngày, thì không những chúng ta đóng góp vào cuộc cải tạo xã hội mà còn chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng, nước trời thực sự đang đến.

Đó là niềm xác tín, đó là niềm tin của chúng ta, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau nài xin Chúa ban cho chúng ta niềm tin này.

6. Suy niệm của Charles E. Miller

ĐỨC KITÔ GỌI ĐÍCH DANH TÊN CỦA CHÚNG TA NƠI PHÉP RỬA TỘI (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)

Ngày hôm nay thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu kêu gọi một số tông đồ. Ngài có thể kể câu chuyện này cách chung chung, nghĩa là chỉ thông báo cho chúng ta biết Chúa Giêsu tụ họp một số môn đệ ở chung quanh Người, thay vì ngài trình bày như thế, thánh Matthêu đã cho chúng ta biết tên của các vị tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi. Các tông đồ đó là Simon (sau này tên là Phêrô) và Andrê em của ông. Giacôbê và Gioan em ông. Có một điều gì đó đặc biệt nơi cái tên của chúng ta.

Trên một “sô” diễn trên tivi, có một bài hát diễn tả tình cảm thật đẹp khi chúng ta đi đến một nơi mà mọi người đều biết tên của bạn. Thật hồi hộp và cảm động biết bao khi bốn người dánh cá nghe thấy Chúa Giêsu gọi tên họ, mời gọi họ đi theo Người. Họ phải bịn rịn lắm khi từ bỏ nghề nghiệp, gia đình và nhà cửa để đi theo Chúa Giêsu. Họ đã thấy nơi Chúa Giêsu có điều gì đó rất khác với những chứng nhân trước đó. Phải có ánh sáng đức tin trợ giúp họ, để họ nhìn thấy Chúa Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa. Nhưng lúc ban đầu ánh sáng ấy không mạc khải cách kỳ diệu như tiên tri Isaia đã tiên tri khi ông viết: “Dân chúng đi trong tối tăm nay đã thấy ánh sáng lớn lao”. Nhưng đó mới chỉ là một ánh sáng mờ nhạt, một ánh sáng cho phép họ có những lúc vẫn còn nghi ngờ ở Chúa Giêsu, có lúc còn chối Chúa, hay bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người. Nhưng ánh sáng đó không hề tắt bao giờ. Đúng hơn, nó đang dần dần lớn lên và khi Chúa Thánh Thần ngự đến vào ngày lễ Hiện Xuống, ánh sáng đó đã trở thành một ngọn lửa chiếu sáng và ấm áp. Sự tận tuỵ đã thay đổi sự nghi hoặc.

Những điều đó cũng đã xảy ra cho chúng ta như thế. Qua Giáo Hội, lúc chúng ta chịu phép rửa tội, Đức Kitô đã gọi đích danh tên của mỗi người chúng ta. Người nói qua giọng vị linh mục: “Anna (hoặc Anrê) Linh (hoặc Long) (hay bất cứ tên nào) Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Chúng ta được trao cho một ngọn nến cháy sáng, biểu hiện cho đức tin của chúng ta. Cho dù lúc đó chúng ta là những đứa bé hay những người đã trưởng thành, chúng ta lãnh nhận ánh sáng đức tin. Đầu tiên ánh sáng ấy chỉ là một đốm sáng mờ nhạt nhưng với bí tích Thêm Sức, bí tích này kiện toàn phép rửa tội, ánh sáng đó trở nên sáng rực.

Với đức tin chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong thế gian, được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tin Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa, Tin Mừng mà chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe Thánh Kinh và những lời giáo huấn khác của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng sứ vụ truyền giáo đã dẫn Người lên Giêrusalem, nơi mà Người phải chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Đức tin của chúng ta dạy rằng nhờ việc chúng ta thông dự vào tiệc Thánh Thể, chúng ta được chia sẻ sự kỳ diệu của sự chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa.

Chúng ta theo Đức Kitô bởi chúng ta là thành phần của thân xác Người, thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội. Chúng ta có thể cảm nghiệm được tâm tình của Thánh Vịnh 27: “Chúa là ánh sáng và là Đấng Cứu Độ tôi, tôi còn sợ chi ai? Chúa là nơi nương ẩn của đời sống tôi, tôi còn sợ gì ai?”

Thánh Vịnh viết tiếp: “Một điều tôi xin Chúa, một đều tôi kiếm tìm, đó là được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi”. Chúng ta phải luôn luôn trung thành với ơn gọi phép Rửa của chúng ta, để được ở lại trong nhà Chúa là Giáo Hội của Người và đừng bao giờ nghi hoặc, hoặc bỏ rơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã kêu gọi đích danh tên chúng ta để chúng ta trở nên những người tiếp bước của Người.

7. Trung tín với Chúa và trung tín với con người (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Bài này cho thấy Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng. Người bắt đầu loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Việc này làm nổi rõ ngay từ đầu điều mà ta có thể gọi là lòng trung tín của Đức Kitô, trung tín với Chúa Cha và trung tín với con người. Thật vậy, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng về Nước Trời, chớ không phải một sứ điệp giới hạn về một thứ giải phóng trần gian nào. Làm như thế, Người trung tín với Chúa Cha với chính mình, với Thánh Thần. Đàng khác, Người đi khắp Galilêa, nghĩa là tìm đến với con người tại nơi họ ở và như họ là, Người khai thông những khả năng tốt nhất của họ (kể cả khả năng trở nên Tông đồ). Trong điểm này, Người đã trung tín với con người. Ở đây ta gặp một vấn đề lớn lao, vấn đề này đã được đặt ra cho Giáo Hội trong suốt lịch sử. Đó là: làm thế nào cống hiến tất cả sự phong phú nhân loại cho Phúc Âm và làm thế nào sống toàn bộ Phúc Âm trong thực tại con người? Người Kitô hữu phải hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, đồng thời trọn vẹn là con người, hay nói đúng hơn, trọn vẹn con người bởi vì trọn vẹn thuộc về Đức Kitô. Phải dùng tinh thần Phúc Âm hoàn lại tất cả đời sống con người cho chân lý của nó sự trong sáng, sự sung mãn của nó. Vì Tin Mừng về Nước Trời được loan báo cho toàn bộ đời sống con người.

Đâu là những con đường mà việc loan báo này đi theo?

1) Hãy trở lại, vì Nước Trời đã đến gần. Trở lại đi đôi với Nước Chúa điều đó có nghĩa gì? Phải chăng có nghĩa rằng Tin Mừng là lời loan báo về một cuộc thay đổi ách thống trị trên con người? Thật vậy, nếu theo bản chất con người được tự do chọn lựa ông chủ thống trị mình, thì nó luôn luôn có một ông chủ. Nếu nó không chọn Nước Chúa, nó tự buộc mình phải chịu những ách nô lệ (như bản năng, lòng ích kỷ, - tiền tài, quyền lực ma quỷ v, v…). Đức Kitô loan báo cho ta biết chọn lựa những điều giải phóng ta. Người gọi ta chọn lựa Thiên Chúa, tức là sự thống trị của Tình Yêu. Để phục hồi đời sống con người lại tình trạng nguyên vẹn của nó, phải từ bỏ ách nô lệ của sự ác và chọn lựa Chúa làm Đấng thống trị của Tình Yêu. Để phục hồi đời sống con người lại tình trạng nguyên vẹn của nó, phải từ bỏ ách nô lệ của sự ác và chọn lựa Chúa làm Đấng thống trị ta.

2) Chữa lành mọi bệnh tật. Đức Kitô dùng quyền năng của lòng nhân hậu để hỗ trợ lời rao giảng của Người. Những vụ chữa bệnh phần xác, ngoài giá trị riêng biệt nó có, còn biểu thị sự hồi phục con người tinh thần, tức là con người tự gốc rễ của nó. Hành động Đức Kitô nhằm phục hồi trọn vẹn điều mà tội lỗi đã muốn làm hư hỏng, tổn thương yếu nhược, phá huỷ. Đức Kitô trung tín với con người ở chỗ Người hành động để con người trở lại tình trạng nguyên vẹn đầu tiên như Thiên Chúa đã nghĩ tưởng, và như thế Người cũng trung tín với Thân Phụ Người, Đấng đã muốn cho tất cả mọi người khởi đầu từ đó mà trở nên con cái Người.

8. Tiếng gọi của Chúa (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu Albert Schweitzer làm “người hùng của thế kỷ”. Hai năm sau (1952). Albert Schweitzer được giải thưởng Nobel hoà bình. Schweitzer được toàn thế giới tuyên dương là một thiên tài đa dạng: Ông vừa là một triết gia lừng danh, một nhà thần học nổi tiếng, một sử gia đáng kính, một nhạc công sôlô trong dàn nhạc và còn là một bác sĩ thừa sai nữa.

Nhưng điểm nổi bật nhất nơi ông là niềm tin Kitô giáo sâu sắc. Chính niềm tin này đã khiến ông thành “người hùng của thế kỷ”: Năm 21 tuổi, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến cuộc đời còn lại cho những người thiếu thốn bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó. Và thế rồi, vào sinh nhật thứ 30 của ông, nhằm ngày 13/10/1905, ông đến một hộp thư ở Paris gởi một số thư về cho bố mẹ và bè bạn thân thiết nhất, báo cho họ biết ông sắp sửa ghi tên vào đại học để lấy bằng y khoa, sau đó ông sẽ đi Phi Châu sống như một bác sĩ thừa sai để phục vụ đám dân nghèo.

Những lá thư của ông lập tức bị phản đối ngay. Bà con và bè bạn ông đồng loạt phản đối dự tính mà họ cho là điên rồ của ông. Họ bảo ông là một người đem chôn dấu tài năng đã được uỷ thác cho ông… Tuy nhiên, Schweitzer vẫn khăng khăng thực hiện những ý định của mình. Năm 38 tuổi, ông trở thành một bác sĩ y khoa thực thụ. Năm 43 tuổi, ông đến Phi Châu mở một bệnh viện cạnh bờ rừng của khu vực gọi là Phi Châu xích đạo. Tại đây, ròng rã suốt hơn bốn mươi năm trời, ông đã dùng hết tài năng và sức lực để đêm ngày tận tuỵ săn sóc những người dân bản xứ nghèo nàn bệnh tật, với tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái. Sau cùng ông đã chết ở đó vào năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi.

Thưa anh chị em, động lực nào đã khiến ông Albert Schweitzer quay lưng lại với danh vọng và của cải trần gian để dấn thân làm việc cho đám dân cùng khổ nhất trong đám dân nghèo ở Phi Châu như thế?

Theo lời ông, thì một trong những động cơ thôi thúc ông làm điều đó chính là do ông suy gẫm Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ông đã lắng nghe tiếng gọi của Ngài và quyết tâm đáp lại bằng cách dấn thân phục vụ dân nghèo ở Phi Châu. Ông nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao tôi lại được phép sống một cuộc đời hạnh phúc như thế đang khi chung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau khổ”.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi và đòi hỏi những ai đã nghe tiếng kêu gọi của Ngài phải có một đáp trả dấn thân cụ thể: Hãy sám hối! Hãy sống Tin Mừng Nước Trời! Hãy loan báo Tin Mừng cho đồng bào, cho nhân loại! Có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa gọi. Một thứ tiếng vang lên từ bên trong, nhẹ nhàng nhưng rõ nét, mời gọi nhưng không kém phần thúc bách. Đáp lại tiếng Chúa là bước vào một khúc quanh của đời mình, và tứ đó đời mình đổi khác.

Chúa Giêsu gọi tôi như xưa Ngài đã gọi các môn đệ đầu tiên bên bờ hồ Galilê. Chúa vẫn hay gọi con người một cách bất ngờ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó. Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan, bốn vị này đã từng quen biết ít nhiều với Chúa Giêsu, nghe lời Ngài giảng và thấy Ngài làm phép lạ, nhưng họ không ngờ là một ngày nào đó, Ngài sẽ gọi họ làm Tông đồ. Đức Giêsu đi dọc theo bờ biển như một sự tình cờ. Ngài tình cờ thấy bốn anh em đang làm việc, kẻ quăng chài, người vá lưới. Tất cả ở trong một bầu khí êm đềm và huynh đệ. Đức Giêsu biết việc Ngài sắp làm. Ngài gọi những người Cha muốn. Tiếng gọi của Ngài vang lên thật bất ngờ. Tiếng gọi đưa đến những chia cắt không thể nói là không đau đớn. Các môn đệ đầu tiên đã phải từ giã nghề chài lưới, nghề đã nuôi sống gia đình họ và đã giúp họ trưởng thành, nghề đã đem lại cho họ biết bao kỷ niệm vui buồn. Chấp nhận bỏ nghề là chấp nhận bấp bênh. Các ngư phủ nay phải sống trên bờ, để đi theo một ông thợ mộc cũng đã bỏ nghề! Hơn nữa, họ còn phải từ giã gia đình và họ hàng thân thuộc. Họ đã coi Chúa Giêsu hơn cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tương lai. Thái độ của các môn đệ đầu tiên thật đáng phục. Đó là thái độ lý tưởng của người nghe Chúa gọi, và sẵn sàng theo Ngài ngay lập tức.

Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gọi mỗi người chúng ta hôm nay. Không phải một người đã chết từ 20 thế kỷ gọi chúng ta, nhưng là một Đấng đang sống. Ngài gọi đúng tên từng người trong chúng ta và Ngài muốn giao cho chúng ta một công tác đặc biết. Chúa Phục Sinh hôm nay vẫn cứ mời gọi từng người chúng ta cộng tác với Ngài trong chương trình vĩ đại, đó là chương trình cứu độ toàn thế giới. Tôi có nghe tiếng Ngài không? Tôi có muốn nghe được tiếng của Ngài không?

Nhiều khi chúng ta giả vờ không nghe tiếng Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và đoạn tuyệt. Có nhiều tạo vật đang quấn lấy đời ta, không dễ gì gỡ được: Tiền bạc, sự ổn định, sự thoải mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thoả mãn nơi thân xác… Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài như giá trị cao nhất vượt trên mọi giá trị. Phải có tình yêu lớn lao mới có thể từ bỏ lập tức những gì chúng ta đang ôm ấp. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Đời người Kitô hữu là một cuộc lắng nghe không ngừng những tiếng gọi mời của Chúa. Chỉ những ai biết yêu mới nghe thấy và dám thực hiện ý Chúa tỏ lộ qua từng ngày, từng biến cố của đời mình.

Có thể nói, một trong những hoạt động chính của Chúa Phục Sinh là cất tiếng gọi con người. Ngài không ngừng mời gọi với một sự kiên nhẫn lạ lùng. Ngài gọi con người dưới trăm ngàn hình thức. Không phải chỉ là gọi ai đó đi tu, nhưng Ngài còn gọi cả giáo dân theo Ngài, theo Ngài bằng cách ở lại gia đình và môi trường xã hội để làm chứng cho Ngài, như một Albert Schweitzer, một Kitô hữu, một triết gia, một nhà thần học, một sử gia, một nhạc công sôlô và là một bác sĩ thừa sai. Chúa Giêsu vẫn cứ gọi và lay động trái tim mọi người, kể cả những kẻ chưa biết Ngài. Đời chúng ta là một chuỗi những tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi nào cũng mới mẻ và cụ thể. Nếu chúng ta đáp lại, Ngài sẽ đưa chúng ta đi xa hơn trong tình bạn, qua những tiếng gọi mới.

Các môn đệ đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành vi từ bỏ thực sự. Chúa không mời gọi mọi người từ bỏ gia đình để sống đời thánh hiến, nhưng Chúa lại mời gọi tất cả chúng ta bỏ tính ích kỷ và cứng cỏi của mình để sống yêu thương tha nhân. Bỏ cái gì ngoài mình, không phải là điều quá khó. Nhưng bỏ chính bản thân mình với những dự tính, ước mơ, điều đó khó hơn nhiều.

Thưa anh chị em, nghe tiếng Chúa, đáp lại bằng cách từ bỏ và đi theo, đó là chu trình mà người tín hữu phải sống nhiều lần trong ngày, trong đời: “Hãy theo Thầy”. Chúa cứ nói với tôi câu đó hoài trong suốt đời tôi, và tôi hiểu rằng theo Chúa là được triển nở trong tự do yêu mến.

9. Ánh sáng muôn dân

Thiên Chúa là Ánh Sáng. Đúng thế, sách Sáng Thế Ký kể lại rằng: ngày thứ tư, Thiên Chúa dựng nên các tinh tú trên bầu trời. Ngài xếp đặt chúng để chiếu tỏa ánh sáng cho địa cầu và phân chia ngày đêm. Và như vậy, ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng.

Trong Cựu ước, ánh sáng vốn thường được dùng để nói lên vinh quang của Thiên Chúa.

Thực vậy, Thiên Chúa đã hiện ra với ông Maisen trong bụi gai bốc cháy:

- Bấy giờ ông Maisen nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: mình phải lại xem cảnh tự kỳ lạ này mới được, vì sao bụi cây lại không cháy rụi?

Thiên Chúa cũng đã hiện diện giữa dân Ngài qua áng mây và cột lửa. Sách Xuất Hành ghi lại:

- Khi ra khỏi Ai Cập, Đức Chúa đi đằng trước họ, ban ngày thì ở trong cột mây để hướng dẫn, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy.

Ngày Thiên Chúa ký kết với dân Do thái giao ước tại Sinai, lúc bấy giờ ngọn núi rực sáng như bốc cháy. Sách Xuất Hành ghi lại:

- Bấy giờ mây bao phủ núi…Vinh quang Đức Chúa xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Israel.

Thế nhưng, Thiên Chúa không phải chỉ là ánh sáng tự nhiên bên ngoài, con mắt chúng ta có thể trông thấy, mà hơn thế nữa, Ngài còn là ánh sáng siêu nhiên bên trong để soi dẫn bước đường chúng ta đi và ban cho chúng ta sự sống.

Thực vậy, Thiên Chúa đã dùng luật pháp và lời các tiên tri để hướng dẫn đường đi nước bước cho con người. Ngài chính là đèn soi lối cho họ. Ngài là ánh sáng và là ơn cứu độ của họ.

Khi mở mắt chào đời, chúng ta nhìn thấy ánh sáng và chúng ta chính thức bước vào cuộc sống. Cũng vậy, nếu bước đi trong ánh sáng của Chúa, nếu bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được vào cõi sống với vinh quang bất diệt.

Đối với chúng ta ngày hôm nay, Đức Kitô chính là nguồn sáng duy nhất.

Thực vậy, trong đêm Giáng Sinh, ánh sáng của Chúa đã bao phủ khi sứ thần loan báo tin vui. Thánh Luca ghi nhận:

- Kìa sứ thần Chúa đứng bên họ và vinhquang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.

Tiếp đến, ánh sáng của ngôi sao lạ cũng đã chiếu soi để dẫn đưa ba nhà đạo sĩ phương đông đến tìm gặp và thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem.

Khi Chúa biến hình trên đỉnh Tabôrê, khuôn mặt Ngài sáng ngời và y phục Ngài trở nên trắng tinh như tuyết. Đây phải chăng chính là một hình ảnh báo trước vinh quang phục sinh của Ngài, bởi vì Ngài chính là ánh sáng thế gian.

Sau cùng, Ngài đã dùng luồng ánh sáng chói lòa để quật ngã thánh Phaolô trên con đường Đamas, biến thánh nhân từ một kẻ thù địch trở thành một tông đồ nhiệt thành đem Tin mừng đến cho muôn dân.

Thế nhưng, điều quan trọng hơn nữa Đức Kitô chính là ánh sáng chiếu soi tâm hồn, dẫn bước chúng ta trên con đường tìm gặp Chúa.

Thực vậy, ngày hôm nay khi Ngài bắt đầu cuộc sống công khai, thánh Matthêu đã áp dụng lời tiên tri Isaia sau đây cho Ngài:

- Đoàn dân ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

Chính Ngài cũng đã xác nhận:

- Ta là ánh sáng thế gian, ai tin Ta sẽ không đi trong tối tăm.

Ánh sáng ấy sẽ dẫn chúng ta tới vùng đất của sự sống vĩnh cửu, nếu chúng ta biết bước theo sự soi dẫn của Ngài, có nghĩa là nếu chúng ta biết tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.

Hẳn chúng ta không thể nào quên được một hình ảnh sống động vào đêm thánh vọng Phục sinh, khi cây nến cháy được rước và tiến lên từ cuối nhà thờ trong bóng tối dày đặc, vị linh mục đã xướng:

- Ánh sáng Chúa Kitô.

Phải, ánh sáng Chúa Kitô đã chiếu dọi vào tâm hồn mỗi người, thế nhưng chúng ta có tiếp nhận ánh sáng ấy hay chúng ta lại ưa thích sự tối tăm? Giống như người đau mắt ghét bỏ ánh sáng, thậm chí có kẻ còn ra sức dập tắt ánh sáng ấy.

Cuộc đời chúng ta là một tấm bi kịch, một cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta phải có thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt:

- Chọn ánh sáng hay bóng tối? Cố gắng trở nên con cái Thiên Chúa hay con cái thế gian?

Mỗi người phải thành thực trả lời với Chúa và chính câu trả lời ấy sẽ ảnh hưởng tới tương lai và ấn định số phận đời đời của chúng ta.

Top