Chúa nhật 22 Thường niên năm C (Lc 14,1. 7-14)
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Bài đọc 1: Hc 3, 17-18.20.28-29
Càng tự hạ, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
Bài trích sách Huấn ca.
17Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.
18Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
20Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
28Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,
vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.
29Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ,
kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.
Đáp ca: Tv 67, 4-5ac.6-7ab.10-11 (Đ. x. c.11b)
Đ.Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
xin ban cho kẻ khó nghèo có chỗ nương thân.
4Những người công chính
múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời,
niềm hoan lạc trào dâng.5acHãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người.
Danh Người là Đức Chúa.
Đ.Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
xin ban cho kẻ khó nghèo có chỗ nương thân.
6Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.7abKẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc.
Đ.Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
xin ban cho kẻ khó nghèo có chỗ nương thân.
10Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu,
gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho.11Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu,
Ngài cũng luôn nâng đỡ,
bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo.
Đ.Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
xin ban cho kẻ khó nghèo có chỗ nương thân.
Bài đọc 2: Hr 12, 18-19.22-24a
Anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
18 Thưa anh em, khi tới cùng Thiên Chúa, anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, 19 có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa.
22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, 23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. 24a Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su.
Tin mừng: Lc 14, 1.7-14
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:
8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng:
‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.
10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.
11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.
13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. \
14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Người Pharisêu thường hay kiêu hãnh. Họ luôn tìm vinh dự trước mặt người đời. Họ thích được chào hỏi, thích được ca tụng.
Nơi mỗi người chúng ta cũng thường thích được trọng vọng và tìm mọi cách để được chỗ nhất trong xã hội. Nhưng đã mấy ai trong chúng ta biết tha thiết với vinh quang vĩnh cửu ? Ðể được vinh quang đó, ta phải làm gì ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng vinh quang vĩnh cửu mới là quan trọng. Cuộc sống này sẽ mau qua, cuộc sống mai sau mới tồn tại mãi. Ước gì từ cuộc sống này, chúng con biết gắn bó với Chúa, biết thân tình với anh chị em chúng con. Nhờ đó chắc chắn chúng con sẽ được hạnh phúc trong vinh quang muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
2. Suy niệm (Lm Giuse Vũ Hữu Hiền)
Bài Tin Mừng hôm nay nói về những bữa tiệc: bữa tiệc do thủ lãnh những người Biệt phái mời chúa Giêsu và bữa tiệc trong dụ ngôn Đức Giêsu kể.
Hình ảnh bữa tiệc luôn gợi lên sự sum họp yêu thương vui vẻ, bình an và no đủ. Nhưng những bữa tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay thì xem ra không mấy vui vẻ.
Khi Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc do thủ lãnh người Biệt phái mời, mjững người Biệt Phái cố dò xét để bắt lỗi người.
Trong bữa tiệc, các khách dự tiệc ngấm ngầm tranh chấp, cố gắng làm sao để mình được ngồi vào chỗ nhất, chỗ cao hơn người khác.
Còn bữa tiệc trong Dụ ngôn của chúa Giêsu thì cho thấy chủ tiệc đãi khách với tất cả ý đồ vị lợi, chỉ mời những người có lợi cho mình thôi.
Đúng là những bữa tiệc không vui.
Tuy nhiên qua hình ảnh của một bữa tiệc có người nghèo khổ, tàn tật, đui mù, què quặt được mời, Chúa Giêsu muốn chúng ta liên tưởng đến tiệc cưới Nước Trời, trong đó vị vua trên trời mở tiệc cưới, mời tất cả những kẻ ăn mày, ăn xin, nghèo khổ, tàn tật, không trừ một ai. Khi được sinh ra ra đời là người ta đã được mời vào dự tiệc cưới Nước Trời đó rồi. Người ta cũng được mời cùng với Chúa Giêsu xây dựng tiệc cưới Nước Trời đích thực ở trần gian bằng cách mang lấy tâm trạng của chính Chúa Giêsu để dự tiệc cưới. Đó là tâm tình yêu thương phục vụ trong khiêm tốn, sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho người dự tiệc, giống như Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ trong bữa Tiệc ly.
Nếu không có tâm tình yêu thương khiêm tốn phục vụ, người ta không những không xây dựng được bữa tiệc Nước Trời êm vui hạnh phúc ở trần gian này, mà còn gây ra bao nhiêu thảm cảnh, gây ra những hiềm khích xung đột trong gia đình, trong xã hội, và gây ra bao nhiêu cuộc chiến tang thương mà chúng ta thấy đang diễn ra trong thế giới hôm nay.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết yêu thương và khiêm tốn phục vụ trong mọi sinh hoạt của ta để ta cùng với chúa Giêsu làm cho mọi nơi chúng ta sinh sống trở thành tiệc cưới nước trời đích thực
Thánh lễ chúng ta đang cử hành chính là một bữa tiệc cưới Nước Trời tiêu biểu ở trần gian, trong đó Chúa Cha là chủ tiệc. Và để phục vụ cho bữa tiệc này thì chúa Giêsu đã hết sức khiêm tốn trở thành của lễ, đổ hết máu mình trên cây thập giá và trở thành của ăn, của uống nuôi sống chúng ta. Khi rước Chúa thật hoặc rước Chúa cách thiêng liêng trong Thánh lễ này, xin chúa cho mỗi người chúng con cũng biết yêu thương khiêm tốn phục vụ như chúa Giêsu. Amen.
3. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Nhân dịp dự một bữa tiệc và thấy thái độ của những khách được mời, Chúa Giêsu đưa ra bài học về chỗ ngồi, tượng trưng cho địa vị:
- Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.
- Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.
- Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên”.
B - Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Ba mức độ giá trị của địa vị:
- Địa vị do chính mình dành lấy: kém nhất và dễ lung lay nhất.
- Do người khác trao cho mình bởi nhận thấy khả năng và phẩm chất của mình: vững vàng hơn.
- Do chính Thiên Chúa đặt cho mình: đúng và vững chắc nhất.
2. “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra ở đời. Bởi đó tôi chẳng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Chỉ xin Chúa giúp tôi làm tròn nhiệm vụ Ngài giao trong hoàn cảnh và thân phận hiện nay của tôi.
3. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ: càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”)
4. Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.
- Con có thấy gì không?
- Một hộp vàng, mặt và những cây kim.
Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói: “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy”.
Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả.
4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
HÃY Ở KHIÊM NHƯỜNG
+++
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu là con người nhẹ nhàng, dễ thương, hoà đồng với hết mọi người, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, tốt xấu. Xem chừng ra Ngài muốn xa lánh bọn luật sĩ và biệt phái vì, theo Tin mừng của thánh Mátthêu và Marcô, họ là những kẻ thù của Đức Giêsu. Nhưng thánh Luca cho biết Đức Giêsu vẫn giao du với người biệt phái, vì trong số họ vẫn có nhiều người tốt, có cảm tình với Ngài, và hôm nay cho biết Ngài còn đến dùng tiệc tại nhà một ông biệt phái. Còn về phía những người biệt phái, họ vẫn nghi kỵ và theo dõi Ngài, và có thể bắt bẻ Ngài về bất cứ một phương diện nào.
Hôm nay Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lãnh biệt phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực khách, để làm cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời cảm thấy khó chịu, vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng tự đánh giá mình, hãy để cho người ta đánh giá và định đoạt. Ngoài ra, Ngài còn khuyên họ hãy có tinh thần bác ái vô vị lợi khi mời khách đến dự tiệc, đừng tính toán hơn thiệt… Và giáo huấn của Ngài được kết tụ trong câu: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (Lc 14, 11).
Theo kinh nghiệm hằng ngày, trong con người chúng ta có sẵn mầm mống của sự kiêu ngạo và kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu, từ đó phát sinh ra các nết xấu khác. Sở dĩ chúng ta kiêu ngạo là vì chúng ta chưa biết mình, chưa nhận ra chân dung con người thật của mình. Nếu nhìn thẳng vào mình, chúng ta sẽ thấy mình quá yếu đuối, bất toàn, đầy những nết xấu. Một khi đã nhìn ra con người thật của mình thì chúng ta chỉ chú tâm vào việc sửa mình, canh tân con người mình cho nên hoàn hảo. Với cái nhìn thẳng thắn và thành thật đó, tự nhiên chúng ta sẽ có thái độ khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Hc 3, 19-21.30-31
Đoạn sách Huấn ca này gom góp nhiều huấn dụ khôn ngoan về sự khiêm nhường. Bài học mà người thầy muốn huấn dụ học trò là: hãy ở khiêm nhường. Các vị công hầu vương bá thì theo đuổi mộng làm chủ thế giới và loài người, những người tín hữu của Chúa thì biết rằng mọi sự mình có là do Chúa thương ban. Vì thế, họ khiêm tốn tận dụng những ơn Chúa ban để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa.
Theo bài huấn dụ hôm nay thì:
- Ai làm việc khiêm tốn thì được người ta yêu mến.
- Chính Thiên Chúa cũng yêu thương những kẻ khiêm tốn.
- Ai kiêu căng thì rước lấy sự tai hại vô phương cứu chữa.
+ Bài đọc 2: Dt 12, 18-19.22-24a
Thánh Phaolô so sánh bầu khí giữa Cựu ước và Tân ước. Trong đạo cũ, người Do thái có ông Maisen làm trung gian, họ đến cùng Thiên Chúa trong bầu khí e dè sợ sệt với những hiện tượng bên ngoài làm cho người ta khiếp sợ.
Nay trong Tân ước, các Kitô hữu có Đức Kitô làm trung gian, họ được sống trong bầu khí cởi mở thân tình, họ tiến tới cùng Thiên Chúa, được tham gia vào cộng đoàn con cái Thiên Chúa, họ được tự do tụ họp về trong “Thành đô Thiên Chúa hằng sống để dự hội vui”(Dt 12, 22), họ cung kính thờ Chúa và sống hiệp thông cùng các thiên thần và các thánh trong niềm an vui tin cậy.
+ Bài Tin mừng: Lc 14, 1.7-14
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bữa tiệc tại nhà một ông thủ lãnh biệt phái tại Pêrê.
Chính trong khung cảnh một bữa ăn tại nhà một ông biệt phái để cho Đức Giêsu tham gia vài “câu chuyện trong bàn ăn”, những lời khá bất ngờ trong dịp này. Theo tập tục, trong bàn tiệc, các khách mời lần lượt góp chuyện, nhưng thường là những vấn đề nhẹ nhàng dễ chịu. Còn Đức Giêsu, Ngài không ngại làm người nghe khó chịu khi chọn đề tài là sự khiêm tốn (Lc 12, 7-11).
Qua bàn tiệc Chúa dạy ta:
- Thái độ nên có là khiêm tốn nhũn nhặn, đừng nhảy tót lên chỗ cao, mà bị mời xuống thì quê mặt.
- Đối với khách mời, nên vì lòng quảng đại hiếu khách mà mời, không nên vì lợi lộc riêng tư.
Hai lời dạy áp dụng vào Nước trời cũng hợp: Nước trời chỉ dành cho kẻ khiêm nhường và có tinh thần khó nghèo (Lc 14, 21).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy biết nhìn xuống
I. ĐỨC GIÊSU ĐI DỰ TIỆC
1. Đức Giêsu được mời đi dự tiệc
“Một ngày sabát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa” (Lc 14, 1).
Đức Giêsu không xa lánh những người biệt phái, Ngài cũng giao du với họ, đôi khi còn ăn uống với họ. Hôm đó, vào một ngày sabát, Đức Giêsu được mời vào nhà ông thủ lãnh biệt phái để dùng bữa. Người biệt phái này được gọi là thủ lãnh, vì ông có nhiệm vụ điều khiển nhóm biệt phái, thường trong nhóm biệt phái có nhiều thủ lãnh khác nhau.
Biến cố này xảy ra vào khoảng tháng giêng hay tháng hai năm 30. Họ thường dùng bữa với nhau một cách vui vẻ và thoải mái. Họ là những người biết luật và giữ luật kỹ lưỡng. Họ đã nghe nói về Đức Giêsu qua các dư luận khác nhau. Hôm nay họ mới lợi dụng cơ hội hiếm có này để quan sát Ngài lần đầu tiên.
Việc Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một người biệt phái chứng tỏ Ngài là một con người dễ thương, hoà đồng, có khả năng đi đến với hết mọi người. Việc dùng bữa tại nhà ông biệt phái cho thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người biệt phái không nhất thiết là tiêu cực như quan niệm trong Tin mừng Matthêu và Marcô, coi hạng biệt phái là thù địch của Ngài. Và như vậy, cho thấy Đức Giêsu muốn nêu lên khía cạnh Ngài sẵn sàng ban ơn cứu độ cho cả những người biệt phái nữa.
Vào bàn tiệc, Đức Giêsu quan sát một vòng, và thấy ngay một thói xấu thường xảy ra nơi những người biệt phái là chọn chỗ nhất, chỗ danh dự (Mt 23, 5-7). Họ cho đây là một thói quen nên không thấy ngượng ngùng gì.
2. Giáo huấn của Đức Giêsu
Trong bữa tiệc, người ta thường nói chuyện vui vẻ, có những câu chuyện vui, có cả những chuyện tiếu lâm nữa, cốt làm cho bữa tiệc càng thân tình, làm cho khách ăn càng ngon miệng. Riêng Đức Giêsu trong dịp này, Ngài không nói chuyện vui mà Ngài đưa ra một giáo huấn làm cho người nghe phải khó chịu. Giáo huấn ấy đề cập tới hai điểm: việc dự tiệc và đãi tiệc, nghĩa là nói đến sự khiêm nhường và bác ái vô vị lợi.
a) Việc dự tiệc.
Khi thấy người ta chen lấn nhau chọn chỗ nhất, chỗ danh dự, Đức Giêsu đưa ra cho họ những lời giáo huấn. Lời giáo huấn của Ngài là bài học xử thế khéo léo ở trong xã hội khi giao tế với nhau. Ngài nói với họ dựa theo một đoạn trong sách Châm ngôn: “Trước mặt vua, con đừng kiêu hãnh, đừng dành giật chỗ người vị vọng. Vì thà để người ta mời con: “Xin mời ông lên” còn hơn là bị hạ xuống trước mặt quan tướng” (Cn 25, 6-7).
Đàng khác, việc sắp xếp chỗ là của chủ nhà, vì chủ nhà mới biết địa vị ngôi thứ của khách mời. Còn người tự chọn chỗ danh dự cho mình là người tự tô vẽ cho mình có khi không đúng sự thật, có thể bị mời xuống hàng dưới. Như vậy, danh dự của mình không phải do tự mình tô vẽ, mà do thực tế khách quan người ta công nhận nơi mình và đặt mình ngồi vào đó. Kẻ tự tô vẽ danh dự có thể bị vỡ mặt.
Từ trong quan niệm về cách xử sự giao tế ở trần gian, Đức Giêsu bước sang lãnh vực tôn giáo. Theo đó, danh dự thật không phải là người trần gian gán cho mà danh dự đó phải do Thiên Chúa ban cho. Mà Thiên Chúa thường nâng cao kẻ thấp hèn. Vì thế Ngài nói: “Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
b) Việc đãi tiệc
Đức Giêsu lại tiếp tục đưa ra lời khuyên khác về tinh thần bác ái vô vị lợi. Theo thói người đời, trong tiệc cưới thì người ta mời người thân, bạn bè, ân nhân… chứ ai mời người nghèo khó đến dự tiệc? Thế mà Đức Giêsu lại khuyên người ta làm những việc có vẻ ngược đời: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14, 13).
Khi mời dự tiệc, người Do thái luôn làm theo óc tính toán, phải có lợi. Cái lợi là sẽ được người ta đền đáp, đúng là “ăn sang ăn giả”. Ngược lại, Đức Giêsu dạy làm ơn và phục vụ không cần người ta đền đáp, vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp và sẽ được đền đáp trọng hậu. Vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù là những người loan báo Nước trời. Do đó, đến với người nghèo khó là dấu hiệu ta thủ đắc Nước trời cách chắc chắn.
II. NÓI VỀ KIÊU NGẠO VÀ KHIÊM NHƯỜNG.
Trong câu nói của Đức Giêsu: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, chúng ta thấy câu nói này có hai vế với hai tính cách trái ngược nhau, đó là kiêu ngạo và khiêm nhường.
1. Ai nâng mình lên
Ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có giá trị và được mọi người công nhận, và tôn trọng giá trị của mình. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1, 26-27; 9, 6), nhưng ở mức độ hoàn hảo của một tạo vật giới hạn, đương nhiên kém Ngài rất xa vì Ngài ở mức độ hoàn hảo của một Thiên Chúa vô hạn. Mức hoàn hảo của con người về sau lại bị tổn thương vì tội nguyên tổ. Vì thế, từ sâu thẳm, con người vẫn muốn vươn lên hoàn hảo, muốn sống yêu thương, muốn thực hiện Chân Thiện Mỹ, nghĩa là muốn càng ngày càng trở nên giá trị hơn, giống Thiên Chúa hơn. Đấy quả là một chiều hướng rất tốt.
Nhưng do tội lỗi và nhất là tính kiêu ngạo, sự xấu đã nhập vào bản thể của con người, khiến cho chiều hướng tốt ấy bị lạc hướng. Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, có giá trị thật (điều này khó, đòi hỏi con người cố gắng nhiều và quên mình đi), thì con người lại muốn trở nên có vẻ hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương, như có giá trị, như giống Thiên Chúa. Điều này giảm bớt cho con người biết bao khó khăn và nỗ lực. Thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự từ bên trong, con người tìm cách để mình có vẻ như, hay được coi như, và được đối xử như có giá trị, bất chấp bên trong có giá trị thực hay không (JKN).
Như chúng ta đã biết kiêu ngạo dẫn đến thảm hoạ cho nhân loại qua lời cám dỗ của ma quỉ: “Ông bà sẽ nên như những vị thần, biết điều thiện ác” (St 3, 5) trong câu chuyện ông A dong và bà Evà ăn trái cấm, và được gọi là tội tổ tông truyền.
Theo sách giáo lý công giáo, số 1866 thì kiêu ngạo được xếp vào “các mối tội đầu” phát sinh ra các tội và các nết xấu khác. Đó là: “Kiêu ngạo, hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh”.
Chúng ta thừa hiểu rằng ai cũng mang trong mình mầm mống của sự kiêu ngạo. Nó thường núp bóng dưới nhiều hình thái khác nhau:
- Tự ái là khi bị sỉ nhục liền cảm thấy mất mặt, sinh ra tức giận và tìm cách hạ bệ đối phương ngay.
- Khoe khoang tức là lợi dụng mọi cách mọi dịp để làm cho mình được nổi bật hơn kẻ khác.
- Ganh đua là khi thấy người khác hơn mình thì khó chịu, rồi tìm dịp xoi mói hay tìm cách đưa mình lên.
Tất nhiên, tất cả những biểu hiện đó là xấu, đôi lúc là tội nữa và trái ngược lại với sự khiêm nhường.
Truyện: Chiếc tầu Titanic
Kỷ niệm đáng ghi nhớ và đáng học hỏi nhất cho con người thời nay là câu chuyện chiếc tàu Titanic. Người ta nghĩ rằng bàn tay con người có thể làm nên một con tàu không thể chìm là một sự vô cùng kiêu ngạo. Mọi con tàu do con người chế tạo đều có thể chìm. Bằng việc tuyên bố chúng ta có thể làm ra một con tàu không có thể chìm được với kỹ thuật tân tiến hiện đại đã thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm 12, 3; 1Cr 4, 7).Tinh thần kiêu căng đó đã thúc đẩy người ta viết vào mạn tàu mấy chữ: “No Pope, no God”: Không có Giáo hoàng, không có Thiên Chúa! Và trong chuyến hải hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, sự gì đã xảy ra như chúng ta đã biết. Một tai hoạ đã giáng xuống như câu chuyện xây tháp Babel trong Cựu ước (St 11, 4).
2. Ai hạ mình xuống
Đối lại với tính kiêu ngạo, Đức Giêsu đã khuyên ta hãy ở khiêm nhường. Chính Ngài đã phán: “Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).
Vậy khiêm nhường là gì? Và thế nào mới được gọi là khiêm nhường? Phải chăng khiêm nhường là tự hạ mình xuống, phủ nhận giá trị thực của mình hay giảm thiểu nó đi? Không phải thế, đức khiêm nhường mang nhiều chiều kích sâu xa hơn và tốt đẹp hơn nhiều. Khiêm nhường không phải là ít nghĩ về mình, mà là không nghĩ gì về mình, bởi vì: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ” (Mc 10, 45).
Nhà giảng thuyết trứ danh của nước Pháp, cha Lacordaire đã nói: “Khiêm nhường không phải là thấy mình xấu xa hơn, tầm thường hơn, nhưng là biết rõ những gì ta còn thiếu”. Khiêm nhường lấy sự thật làm nền tảng. Tự gắn cho mình cái sai ta không có, phóng đại những lỗi lầm ta không phạm, từ chối không nhìn nhận những khả năng của mình, tự cho mình thua kém mọi người, đó không phải là cách sống khiêm nhường; nhưng đó là dấu hiệu của một quan điểm sai lầm, hay một khuynh hướng bệnh hoạn. Muốn thực hiện khiêm nhường chỉ cần nhìn nhận những khuyết điểm, thấy mình tội lỗi, giới hạn, biết rằng trong tất cả mọi lãnh vực có nhiều người khác vượt xa tôi:
Ở nhà nhất mẹ nhì con,
Ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta.
Một lần nữa, ta phải khẳng định rằng, khiêm nhường không là gì mà chính là chấp nhận sự thật về mình. Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường là “Humility”. Chữ Humility do chữ La tinh “Humus” có nghĩa là đất, tro bụi mà từ đó con người đã được tạo dựng theo như sách Sáng thế đã mô tả (St 2, 7). Do đó, khiêm nhường có nghĩa là hạ mình xuống tới đất. Nó nhắc nhở chúng ta lời kêu gọi của Giáo hội trong ngày thứ tư Lễ Tro về sự thật của thân phận con người: “Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”.
Truyện: Đọc truyện Tây du ký
Ai trong chúng ta cũng đã có lần được xem phim Tây du ký của Trung quốc. Một cuốn phim thật hay và hấp dẫn người xem từ đầu tới cuối và còn muốn xem nhiều lần. Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta thấy các nhân vật trong phim cũng hợp với lời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Những hạng tôn mình lên làm Tề Thiên Đại Thánh: bằng trời, bằng thánh vĩ đại, làm Đại vương, Ma vương, Nữ vương, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa đều bị lột mặt nạ là những đồ khỉ, nhện, thỏ, rắn rết, heo, bò, dê, ngựa, hổ, báo, sư tử, quỷ vương, buộc phải hiện hình trở về kiếp sống quái vật.
Những thứ nâng mình lên như thế thì nhiều vô kể.
Những thứ hạ mình xuống thì ít lắm. Chỉ thấy có Đường Tăng. Ông luôn luôn xưng mình là bần tăng, vô tài, bất lực trước mọi thử thách nguy hiểm, ông chỉ biết thương người, cầu kinh, khấn Phật, cầu kẻ này, nhờ kẻ kia, nhờ cả đến con khỉ Ngộ Không dẫn đường chỉ lối, cứu giúp, giải vây. Chính nhờ hạ mình xuống mà ai cũng thương mến, kính phục và liên kết với ông. Chính nhờ sự hạ mình xuống mà ông tránh được hiểm hoạ tranh chấp, đánh lộn, oán thù. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông đã lãnh được bộ Kinh dạy ông thành Thánh, thành Phật. Ông đã hạ mình xuống thì được mọi người tôn lên.
Ngoài thứ khiêm nhường thật ra, lại còn thứ khiêm nhường giả tạo nữa. Điều quan trọng ta cần phải đạt được là sự khiêm nhường đích thực bên trong, chứ không phải là sự khiêm nhường giả bộ bề ngoài. Khuynh hướng giả trá nói trên cũng có thể thúc đẩy chúng ta làm ra vẻ khiêm nhường. Chẳng hạn, khi mình có tài hoặc khả năng đặc biệt được nhiều người chiếu cố, nhờ cậy thì mình giả vờ hạ bệ mình bằng cách thoái thác, từ chối, nhưng kỳ thực đó là thủ thuật buộc người ta phải luỵ phục, nài nỉ thêm. Lại có người vì để được một lợi lộc gì hay để đạt được một tham vọng nào đó, thì luôn tỏ ra nhã nhặn, hiền lành, dễ bảo trước mặt người có quyền để lấy lòng, mua chuộc. Hoặc vì yếu thế mà phải tỏ ra luỵ phục, nhưng sau lưng thì phê bình chỉ trích, nói xấu người ta.
Người khiêm nhường đích thực không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vênh vang khi được ca ngợi tôn vinh. Chỉ có những người khiêm nhường đích thực ấy mới luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc, thanh nhàn, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu quí.
Phải thành thật với mình, nhận ra cái ưu điểm và khuyết điểm của mình và luôn nhận ra mình còn yếu đuối cần có sự trợ giúp của Chúa vì: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!” “Các con hãy ngồi vào chỗ cuối!” Đức Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại lời đó. Trước mặt Thiên Chúa, phải biết mình yếu đuối, nhỏ bé, ở chỗ cuối, để rồi hoàn toàn trông cậy vào Chúa, đồng thời hoàn toàn từ bỏ niềm cậy trông vào sức lực của riêng mình. Phải nhỏ bé như trẻ thơ mới được vào Nước trời (Lc 9, 48).
Truyện: Nhận thức đúng thân phận mình
Tương truyền rằng trước cánh cửa nhà mồ bị khoá chặt, hồn nữ hoàng Sissi gõ cửa. Từ nơi thăm thẳm vang lên giọng nói oai nghiêm của vị cha già giữ cửa:
- Ai đó?
Hồn nữ hoàng kiêu sa đáp:
- Tôi là Nữ hoàng Áo quốc, Hoàng hậu xứ Hungary.
Tiếng vị cha già lạnh lùng:
- Ta không biết.
Tưởng người giữ của chưa hiểu biết về mình, hồn nữ hoàng lại gõ cửa. Lần này tiếng hỏi của vị cha già gắt hơn:
- Ai đó?
Hồn nữ hoàng lại cao giọng đáp:
- Ta là nữ hoàng Elizabeth Sissi của Áo quốc, Hoàng hậu xứ Hungary, Hoàng hậu xứ Bôhême, Hoàng hậu của Giêrusalem, nữ lãnh chúa của xứ Transylvanie, đại quận chúa của Toscane và Cracovie…
Lại một lần nữa cha già trả lời:
- Ta không biết.
Nghe xong tiếng trả lời của cha già: “Ta không biết”, vừa thất vọng đau đớn vừa tủi nhục xấu hổ, hồn nữ hoàng vội quì xuống, lột bỏ hết mọi chức tước cao ngạo của trần thế và khiêm tốn thưa lại một cách giản dị:
- Con là Elisabeth Sissi, một kẻ có tội đáng thương và con tha thiết cầu xin Chúa nhân từ xót thương.
Tức thì tiếng chìa khóa tra vào ổ, vị cha già lên tiếng ân cần nói:
- Con hãy vào đi.
Dù câu chuyện chỉ là giả tưởng, nhưng dụng ý của nó muốn nói rằng: giá trị đích thực của một con người ở đời này và đời sau không hệ tại nơi những gì bên ngoài mình có được hay mình chiếm được, mà là do biết rõ mình thế nào. Nghĩa là khi còn sống phải biết sống làm sao, để mọi người yêu mến kính phục và khi đã qua đời lại được Chúa xót thương và được thần thánh hỗ trợ, thì mỗi người chúng ta gắng sức học hỏi và sống theo bí quyết căn bản này: “Khiêm nhường”. Vì đây chính là chìa khoá để mở được cánh cửa vào thiên đàng (Quê Ngọc).
3. Hạ mình xuống để phục vụ
Đức Giêsu phán: “Con Người đến không phải được phục vụ nhưng đến để phục vụ” (Mc 10, 45). Phục vụ là hành động của một người tôi tớ, mà người tôi tớ thì phải phục vụ cho ông chủ. Đức Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ chúng ta, để tôn chúng ta lên làm Chúa, còn Ngài lại trở thành tôi tớ. Ngài làm gương cho chúng ta về tinh thần bác ái vô vị lợi.
Sách có chữ rằng: “Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly”: Giàu có thì thiên hạ bâu, nghèo khó thì bà con rời rạc.
Theo cách xử sự thông thường người ta thích những người giàu có, giao du với họ trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Nếu có phục vụ người ta thì cũng chỉ phục vụ “theo nguyên tắc: “Do ut des”: cho đi để lấy lại… Chỉ những ai có tinh thần siêu nhiên và siêu thoát thì mới có thể có được một sự phục vụ vô vị lợi.
Phục vụ là: “cho đi”, nhưng cái cho đi cũng có nhiều lý do:
- Người ta có thể ban cho vì bổn phận. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa và cho loài người có thể như cách chúng ta trả thuế lợi tức, như phải thanh toán một bổn phận không thể trốn tránh được, lòng không vui chút nào.
- Người ta có thể cho hoàn toàn vì động cơ tư lợi. Dầu có ý thức hay không, người đó có thể coi của mình cho như một thứ vốn đầu tư. Họ kể mỗi món tiền cho đi cho thêm một con số vào trương mục của mình trong ngân hàng của Chúa. Cho cách này không phải do lòng rộng rãi, mà chỉ là sự ích kỷ có tính toán.
- Có người cho để cảm thấy mình là người trên. Cho như thế có thể là một sự độc ác. Việc đó làm tổn thương người nhận hơn là từ chối thẳng thừng. Làm như vậy, người ban cho đứng trên bậc cao của mình để nhìn xuống người thọ nhận. Người đó có thể vừa cho vừa thuyết giáo trên đầu kẻ nhận một bài giảng vắn tắt và đầy tự mãn. Thà không cho gì hết còn tốt hơn là chỉ cho để thoả mãn tính khoe khoang và tính thích cậy quyền. Các rabbi Do thái có câu nói rằng: cách cho tốt nhất là khi kẻ ban không biết mình cho ai và kẻ nhận cũng không biết mình nhận từ đâu.
- Có người cho vì không thể không làm thế. Đó là cách cho duy nhất thành thật. Luật của Nước trời là kẻ nào ban cho để được thưởng công, kẻ đó sẽ được phần thưởng, nhưng kẻ nào ban cho mà không nghĩ đến phần thưởng thì phần thưởng của kẻ ấy sẽ chắc chắn. Chỉ có một sự ban cho đích thực là cho, vì sức mạnh của tình yêu tràn ra không thể kìm chế. Thiên Chúa ban cho vì Ngài yêu thương thế gian và chúng ta cũng phải làm như vậy.
III. BÀI HỌC CHO NGÀY HÔM NAY
Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài đã không làm trước, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Bài học về khiêm nhường và bác ái hôm nay được minh hoạ bằng chính cuộc sống của Ngài mà thánh Phaolô đã ca tụng trong thư gửi cho tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 6-9).
Đoạn thư Philipphê ngầm so sánh Đức Giêsu với A dong và nói lên cái nghịch lý giữa “lên” và “xuống”. Adong đã muốn lên “bằng Thiên Chúa” và kết quả là đẩy loài người xuống vực sâu. Còn Đức Giêsu tuy vẫn là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải đòi cho luôn luôn được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã khước từ tất cả, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn. Kết quả là Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban chính hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… Thật đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Chúng ta cũng thường theo con đường của Adong tưởng rằng: khẳng định được mình khi nâng mình lên trước mặt những người khác. Những cái “mình” mà ta khẳng định ấy chỉ là những dáng vẻ bề ngoài, chỉ là ảo tưởng, chứ không phải là bản thân đích thực của ta.
Triết gia Socrate đã khởi đầu triết lý của mình bằng câu: “Anh hãy tự biết mình”. Biết mình là cái khó vô cùng. Người ta có thể biết được nhiều sự trên trời dưới đất, biết được những cái xa xôi, biết được cả những cái cực kỳ tinh vi, nhưng có cái gần nhất mà không biết. Đó là bản thân mình.
Còn triết gia Blaise Pascal thì nói: “Tôi chỉ biết có một điều là tôi chẳng biết gì cả”. Nếu không biết được gì khác thì làm sao biết được mình vì biết mình là một điều khó.
Vì vậy, mọi sự cần bắt đầu với việc tu thân, canh tân chính đời sống của mình. Để làm được điều căn bản này cần phải biết nhìn xuống và nhìn vào bản thân mình, biết khiêm tốn nhìn vào cuộc sống của mình theo ánh sáng Lời Chúa, để được soi sáng mà nhìn thấy những gì tiêu cực, xấu xa cần được thanh luyện sửa chữa.
Truyện vui: Phải biết nhìn xuống
Có một hoàng tử nọ tên là Mukasaki, có một thái độ tự cao tự đại đến độ cả khi đi, ông cũng không bao giờ nhìn xuống đường. Ông bước đi trong tư thế làm oai, ngực đứng thẳng, mắt ngước lên, mọi người trong vùng đặt cho hoàng một tên riêng là: “Người không bao giờ nhìn xuống” và hoàng từ Mukasaki xem ra cũng rất thích biệt hiệu này, ông tuyên bố: “Những bậc vĩ nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trời cao mà thôi”.
Một ngày nọ, hoàng tử được mời đến dự đại tiệc tại cung đình. Để khoe cho mọi người nhìn thấy bộ áo cẩn ngọc quý giá có một không hai của mình, hoàng tử quyết định không ngồi xe ngựa, nhưng hiên ngang đi bộ từ nhà đến cung đình, dĩ nhiên là với thái độ kiêu hãnh không bao giờ nhìn xuống. Dân chúng tuốn ra hai bên đường trầm trồ khen áo đẹp và quý, điều này lại làm cho hoàng tử thêm kiêu hãnh. Hoàng tử đến cung đình sau hết mọi người, và hiên ngang bước vào. Mọi người cười rộ lên, hoàng tử kiêu hãnh nói:
- Tại sao mọi người cười tôi như vậy?
Một trong những người khách mới trả lời:
- Xin hoàng tử nhìn xuống đôi chân mình sẽ biết lý do tại sao?
Hoàng tử nhìn xuống, mặt bỗng đỏ bừng lên vì hổ thẹn. Cả hai đế giày của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa, vì không bao giờ nhìn xuống, hoàng tử giẫm lên không biết bao nhiêu đống phân ngựa từ nhà đến cung đình để dự tiệc.
Hoàng tử trong câu chuyện vui trên không bao giờ nhìn xuống và đã giẫm lên những đống phân ngựa. Nếu chúng ta không biết nhìn lại mình, kiểm điểm cuộc sống mình để biết canh tân khỏi những khuyết điểm và tật xấu, thì chắc chắn chúng ta sẽ chồng chất không biết bao nhiêu tật xấu. Tự phụ kiêu ngạo làm ta nên mù quáng trước những tật xấu của chính mình. Thêm vào đó, chúng ta lại dễ chiều theo khuynh hướng moi móc chuyện xấu của anh chị em, và như thế càng ngày chúng ta càng lún sâu vào trong tật xấu mà không hay biết gì cả (R.Veritas).
5. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
ÔNG THẬT CÓ PHÚC
Trong chế độ làng xã ngày xưa, khi cần bàn việc chung,
dân làng họp nhau ở đình, ngồi trên những chiếc chiếu.
Chiếu được trải theo địa vị cao thấp.
Người chức sắc, cao niên, đỗ đạt, thì ngồi chiếu trên,
tiếp theo là những người địa vị thấp dần, ngồi chiếu dưới.
Hẳn ai cũng muốn ngồi chiếu cao hơn, nên cũng có ganh đua.
Đức Giêsu được ông thủ lãnh nhóm Pharisêu mời ăn tiệc.
Ở đây không có chiếu, nhưng có chỗ, chỗ cao và chỗ thấp.
Ngài nhận thấy khách mời cứ thích chọn chỗ cao,
nên Ngài mới kể cho họ một dụ ngôn như một lời khuyên.
Đức Giêsu khuyên họ khi đi ăn cưới, đừng ham ngồi chỗ cao,
kẻo bị chủ tiệc mời xuống để nhường cho bậc vị vọng hơn.
Như thế rốt cuộc lại phải xấu hổ xuống ngồi chỗ thấp nhất.
Ngài khuyên họ nên chọn ngồi chỗ thấp nhất,
biết đâu chủ tiệc sẽ đến nói: “Mời bạn lên cao hơn!”
Như thế bạn sẽ được vinh dự trước mặt mọi người dự tiệc.
Lời khuyên trên đây của Đức Giêsu có thể bị hiểu lầm,
bị coi là một mánh khóe để tìm thành công,
hay chỉ là một bài học khôn ngoan về cách ứng xử.
Thật ra Đức Giêsu không dạy người ta giả hình.
Ngài dạy ta sống khiêm tốn thực sự.
Ngài đụng vào những cái “tự” mà ai cũng có:
tự phụ, tự đắc, tự hào, tự kiêu, tự mãn…
Ai cũng thấy mình xứng đáng ở chiếu trên và chỗ cao.
Các kinh sư và người Pharisêu thường chọn chỗ cao
trong hội đường và trong đám tiệc (Lc 11, 43; 20, 46).
Đức Giêsu nhắc nhở ta về sự sắp xếp của Thiên Chúa:
“Ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống;
Ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (Lc 14, 11).
Ngài khuyên ta đừng đánh giá mình cao, đừng sợ mất mặt.
nhưng hãy để Thiên Chúa lo liệu cho chỗ của mình.
Sau đó Đức Giêsu còn khuyên ông chủ tiệc về việc mời ai.
Đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hay láng giềng đại gia,
nhưng hãy mời người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù.
Lời khuyên này hẳn làm ông chủ tiệc ngỡ ngàng
vì nó đi ngược với nguyên tắc bình thường có qua có lại.
Ông ta còn có thể bị sốc khi Đức Giêsu đưa ra lý do tại sao:
nếu mời những người thân quen, giàu có, họ sẽ mời lại;
còn nếu mời những người nghèo khó, tàn tật, mù lòa,
họ sẽ không thể mời lại, không thể đền đáp.
Nhưng chính việc họ không thể đền đáp lại là mối phúc,
vì Chúa sẽ đền đáp vào ngày người công chính phục sinh.
Một lần nữa, Đức Giêsu lại mời chúng ta để Thiên Chúa lo,
khi làm việc tốt mà không mong đền đáp (Lc 14, 14).
Đức Giêsu hay mời chúng ta làm những việc khác thường,
vì Thiên Chúa có cái nhìn rất khác với chúng ta.
Khi đãi tiệc, ai cũng muốn mời khách có tiếng tăm, địa vị,
chẳng ai mời những người bị xã hội coi khinh.
Mời người có chức quyền là nâng đẳng cấp của mình lên.
Giúp đỡ người nghèo là một chuyện,
còn mời người nghèo dự tiệc ở nhà mình là chuyện khác.
Mời người nghèo khổ dự tiệc là làm một cuộc cách mạng,
là chấp nhận mình và gia đình mình bị mất tiếng tăm.
Hội Thánh không chỉ hiệp hành vào ngày tận thế,
khi những người nghèo, tàn tật, đui mù, què quặt
được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 14, 15.21).
Hội Thánh cần có chỗ cho mọi thành phần từ bây giờ,
để ai cũng được nói, được nghe, được tham dự.
Không ai thấy mình bị kỳ thị hay bỏ rơi,
nhưng vui vì được đóng góp cho cộng đoàn Dân Chúa.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, khi cầu nguyện
chúng con thường chỉ biết ngửa tay xin
mà quên rằng Chúa cần chúng con đưa tay cộng tác.
Chúa muốn ban ơn cho trái đất bị tàn phá
qua tay chúng con.
Chúa muốn chữa lành cho nhân loại khổ đau
qua tay chúng con.
Chúa không hiện ra để giúp từng người
nhưng Chúa muốn đến thăm họ
qua sự hiện diện của chúng con.
Chúa thích chúng con làm nhịp cầu
để Chúa tuôn đổ tình thương trên mọi loài thụ tạo.
Lạy Chúa Giêsu là vị Trung Gian của Chúa Cha,
xin dạy chúng con làm trung gian theo cách của Chúa,
nối kết những khác biệt, xóa bỏ những loại trừ,
hàn gắn những vết thương, và coi kẻ thù như bạn,
nhờ đó nhân loại hôm nay được hòa giải với nhau
và với Thiên Chúa. Amen.
6. Suy niệm (song ngữ)
Bài Đọc I: Huấn ca 3:17-18, 20, 28-29
II: Do Thái 12, 5-7.11-13
22st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Sir 3:17-18, 20, 28-29
II: Hebrews 12:18-19, 22-24a
Gospel 1 On a sabbath he went to dine at the home of one of the leading Pharisees, and the people there were observing him carefully. 7 He told a parable to those who had been invited, noticing how they were choosing the places of honor at the table. 8 ”When you are invited by someone to a wedding banquet, do not recline at table in the place of honor. A more distinguished guest than you may have been invited by him, 9 and the host who invited both of you may approach you and say, ‘Give your place to this man, ‘ and then you would proceed with embarrassment to take the lowest place. 10 Rather, when you are invited, go and take the lowest place so that when the host comes to you he may say, ‘My friend, move up to a higher position.’ Then you will enjoy the esteem of your companions at the table. 11 For everyone who exalts himself will be humbled, but the one who humbles himself will be exalted.” 12 Then he said to the host who invited him, “When you hold a lunch or a dinner, do not invite your friends or your brothers or your relatives or your wealthy neighbors, in case they may invite you back and you have repayment. 13 Rather, when you hold a banquet, invite the poor, the crippled, the lame, the blind; 14 blessed indeed will you be because of their inability to repay you. For you will be repaid at the resurrection of the righteous.” |
Phúc Âm 1 Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 ”Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. 12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. |
Interesting Details · This is the last of the six accounts of Jesus’ activities on the Sabbath in Luke. The Sabbath has been a cause of conflict stories with the Pharisees before. (4:16-30; 4:31-37; 6:1-5; 6; 6-11; 13:10-17). · The setting of the meals also has been used for other confrontations: washing of hands, eating with sinners... If Jesus eats a meal with a Pharisee on a Sabbath, there surely will be a conflict. · It was common in the ancient Mediterranean world that a meal is a setting for philosophers and teachers to offer their wisdom. But for Luke, the image of Jesus at table is that of one who accepts and receives all kinds of people. · First parable. Choosing the lowest place at table could be a common advice on social behavior. However, in Jesus’ teaching, the point is not about etiquette but the kingdom behavior, as v.11 makes clear: “... the one who humbles himself will be raised up”. · Second parable. Hosting can be a way of putting others in your debt, but why put in your debt those who cannot pay? A banquet is also an opportunity for a host to acknowledge humility. In the kingdom, God is host and who can repay God? · Luke’s list of the fringe people: the poor, crippled, lame, and blind, also repeated in the next story where the invited guests refuse to come (15-24) - is his list of kingdom people. That has been clear since Mary’s song (1:46-55). · (v.14) Resurrection. The Pharisees, who believe in the resurrection are stung by Jesus’ parable. In the confrontation, instead of trapping Jesus, they fell into their own trap |
Chi Tiết Hay · Phúc Âm thánh Luca có sáu đoạn kể lại các việc Đức Giêsu đã làm trong ngày Sabát. Đây là đoạn sau chót. Ngày Sabát đã nhiều lần là nguyên nhân cho việc chạm trán của Đức Giêsu với các người Biệt Pháị (Xem các đoạn 4:16-30; 4:31-37; 6:1-5; 6: 6-11; 13:10-17). · Các bữa ăn cũng thường là nơi diễn ra các xung khắc khác về nguyên tắc và lề luật: việc rửa tay trước khi ăn, việc dùng bữa với những người tội lỗi,... Khi một đoạn Phúc Âm kể lại Đức Giêsu dùng bữa với một người Biệt Phái mà lại vào ngày Sabát thì việc đụng độ là điều đương nhiên sẽ phải xảy rạ · Trong thế giới cổ xưa ở vùng Tiểu Á, các triết lý gia và các nhà thông thái thường dùng khung cảnh một bữa ăn để giảng dạy, truyền bá sự hiểu biết của mình. Nhưng Luca đã dùng khung cảnh này để diễn tả hình ảnh một Đức Giêsu đón nhận tất cả mọi lớp người vào dự một bữa tiệc do Ngài khoản đãị · Dụ ngôn thứ nhất. Việc lựa chọn chỗ ngồi thấp nhất có thể chỉ là một lời khuyên thông thường về một thái độ lịch sự. Nhưng ở đây, đặc biệt hơn, Đức Giêsu muốn nói đến một đức tính siêu nhiên: đó là sự khiêm nhường “... ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” · Dụ ngôn thứ haị Mời người khác dự tiệc có thể làm cho họ mắc nợ. Vậy tại sao lại cứ mời những người không có khả năng trả nợ? Đây là một dịp để Đức Giêsu giảng dạy thế nào là khiêm nhường: Khi Thiên Chúa mời mọi người vào dự tiệc trong vương quốc của Ngài, ai có khả năng trả nợ được cho Ngàỉ · Những người được Luca kể ra ở đây cũng sẽ được lập lại trong đoạn Phúc Âm kế tiếp, kể lại sự việc những người được mời dự tiệc nhưng đã kiếm cớ thoái thác. Đó là những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Những người mà Đức Mẹ Maria đã kể đến trong bài ca Magnificat. · Ngày kẻ lành sống lạị Những người Biệt Phái tin tưởng vào sự sống lạị Qua câu chuyện này họ chính là những người bị khước từ sự sống đời saụ Tưởng đã giăng được bẫy để bắt lỗi Đức Giêsu, ngờ đâu chính họ lại rơi vào bẫy này |
One Main Point Humility is not a matter of putting ourselves down, but humility is recognizing that we are nourished, gifted by God and then reaching out to others in the same way. |
Một Điểm Chính Khiêm nhường không có nghiã là tự coi mình không có giá trị gì. Trái lại, khiêm nhường là nhìn nhận mình được Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng những ân sủng, được Ngài ban cho những khả năng chuyên biệt, và rồi biết dùng những món qùa này để phục vụ tha nhân. |
Reflections 1. In which way am I nourished and gifted by God? 2. Out of this gratitude, how have I reached out to others to share what God gives them through me? |
Suy Niệm 1. Tôi đươc Chúa nuôi dưỡng ra sao và ban cho những khả năng nào? 2. Để tỏ lòng biết ơn, tôi dã chia sẻ thế nào những qùa tặng mà Chúa dã ban cho tôi. |
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy