Chúa Giêsu người miền nào?

Chúa Giêsu người miền nào?

Chúa Giêsu người miền nào?

TGPSG -- Đứng ngắm nhìn hang đá cuối nhà thờ giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Xóm Mới, một bé gái hỏi mẹ.

- Mẹ ơi, sao Đức Mẹ và Thánh Giuse đen nhẻm vậy; Còn Chúa Giêsu thì bé tí lại còn đen nữa!                                                                              

- Trước câu hỏi của con trẻ. Bà mẹ đã chỉ vào tấm bảng nói về “Ý nghĩa hang đá Giáng sinh 2023” và giải thích:

Hưởng ứng lời mời gọi của ĐTC Phanxicô “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh” trong sứ điệp truyền giáo”, Dịp Trung thu 2023 vừa qua, giáo xứ Hà Nội đã tổ chức thăm và phát quà cho các cháu dân tộc K’Hor  ở Kala Di Linh và từ đó Linh mục (Lm) chánh xứ Giuse Vũ Minh Danh đã nghĩ ra ý tưởng thực hiện hang đá với bộ tượng Giáng sinh "Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse" bằng hình ảnh người dân tộc K’Hor, và cùng cầu nguyện cho tiến trình phong Chân phước của Đức cha sớm được hoàn tất.

Ý NGHĨA HANG ĐÁ GIÁNG SINH 2023

Kính nhớ Đức cha Jean Pierre Marie Cassaigne. - Di Linh- Làm Đồng

1. Vị thừa sai Tin mừng cho người K'Hor (Thượng) tại Di Linh - Lâm Đồng :

+ Linh mục Jean Pierre Marie Cassaigne là một trong số 25 gương chứng nhân truyền giáo, do các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trực thuộc Bộ Loan Bao Tin Mừng cho các Dân Tộc, đề nghị như là mẫu gương về đức tin và về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các chứng nhân truyền giáo này là những người nam nữ, là các thánh hay các vị tử đạo –đã được tuyên thánh hoặc chưa được tuyên thánh– tại các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới tổ chức vào tháng 10 năm 2019.

2. Tông đồ người phong (Trại phong Di Linh) :

+ Ngày 24 tháng 01 năm 1927, Lm Jean Cassaigne đến Di Linh. Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến nhân lực kể cả giáo dân người K’Hor.

+ Những hoa quả mà Lm Jean Cassaigne dâng lên Thiên Chúa :

- Vào lúc 05 giờ chiều ngày 07 tháng 12 năm 1927, ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, bông hoa đầu tiên đã nở trên đất Thượng khi một người đàn bà Thượng được Lm Jean Cassaigne rửa tội trước khi chết.

- Ngày 19 tháng 3 năm 1930, K’Brai, người Thượng K’hor, được rửa tội lấy tên thánh là Giuse. Đây là bông hoa đầu mùa với bao nhiêu công khó của Lm Jean Cassaigne.

- Một ngày cuối năm 1928, trong chuyến thăm viếng làng Thượng xa, Cha Jean Cassaigne tình cờ gặp gỡ những người cùi đầu tiên. Họ xuất hiện như những con ma đói, thân hình xác xơ, kẻ mất tay, người sứt mũi, miệng chảy nước lòng thòng, tất cả họ như què quặt. Với trái tim mục tử, Cha quyết định thành lập làng cùi. Khu đất được chọn là khoảng đất trống dưới chân đồi mang biệt số 1081 gần mé ruộng, cách nhà xứ Di Linh gần 1.000 mét.

- Ngày 11 tháng 4 năm 1929, làng cùi Di Linh chính thức được công nhận. Tổng số người cùi ngày khánh thành là 21 người, đến cuối năm, con số lên 33 người, và 4 năm sau, con số là 100.

- Ngày 02 tháng 4 năm 1932, Cha Jean Cassaigne bị bắt buộc phải về Pháp để chữa căn bệnh sốt rét mà Cha đã gặp phải khi lên Di Linh.

- Ngày 22 tháng 2 năm 1933, sau 9 tháng tĩnh dưỡng ở Pháp, Cha trở lại Sài Gòn. Năm 1936, họ đạo Công Hinh được thành lập.

- Ngày 15 tháng 8 năm 1936, ngôi nhà nguyện họ đạo Công Hinh được khánh thành và chọn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm bổn mạng nhà thờ. Đầu mùa Xuân năm 1939, Cha Jean Cassaigne cùng với anh K’Brai đi thăm các làng Kulbum, B’Sout, K’Rot rồi từng bước hình thành giáo điểm Kala, và ngày nay là xứ đạo Kala khá lớn của Giáo phận Đà Lạt.

Sau 14 năm lãnh đạo xứ Di Linh (từ 21.01.1927 đến 01.06.1941), Lm Jean Cassaigne đã gầy dựng cho vùng này một địa vị đáng kể trong cộng đồng Hội Thánh: một nhà thờ vừa phải với một nhóm 795 giáo dân gồm: 15 người Pháp, 134 người Kinh, 218 người Thượng, 350 giáo dân tại Công Hinh, 78 người Thượng tại làng cùi, và chưa kể 133 tân tòng đang dọn mình chịu phép Rửa Tội.

3. Đức Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn (14 năm) :

Ngày 20 tháng 2 năm 1941, Toà Thánh bổ nhiệm linh mục Jean Pierre Marie Cassaigne làm Giám mục (Mục tử Tông đồ của Giáo Hội), vị trí Đại diện Tông Toà Hạt Đại diện Tông Tòa Sài Gòn. Sau những ngày do dự, mặc dầu tâm hồn nặng trĩu, nhưng ngài đã đáp lại Giáo Hội bằng sự vâng phục.

Sau 14 năm làm Giám mục Sài Gòn, năm 1955, Đức Cha Jean Cassaigne từ chức và trở lại Di Linh.

Kể từ sau năm 1955, Đức cha Jean Cassaigne Sanh tiếp tục phục vụ bệnh nhân tại Kala Di Linh-Lâm đồng mặc dù bản thân còn mang thêm bệnh sốt rét rừng, lao xương, lao phổi… Nhiều người muốn đưa ngài về Pháp chữa trị nhưng ngài từ chối: "Tôi là người Pháp nhưng trái tim tôi là của người Việt Nam. Tôi muốn sống trong đau khổ và chết nơi đây. Việt Nam là quê hương của tôi".

4. Lễ gi 50 năm cửa Đức cha Jean Cassaigne - Di Linh (31.10.1973 - 31.10.2023)

Đầu năm 1973, Đức cha Jean Pierre Marie Cassaigne lâm vào trạng thái lúc tỉnh lúc hôn mê. Cho đến ngày 31 tháng 10 năm 1973 thì ngài đã được Chúa gọi về.

Với ngọn đèn rực sáng đức tin và tình bác ái mà Đức cha Jean Casaigne đã thắp sáng bằng sự dâng hiến tất cả cho Chúa với khẩu hiệu “ Bác ái và Tình yêu (Caritas et Amor)” Thế nên giờ đây mọi người gần xa đã tiếp nối vòng tay yêu thương của ngài trong xứ vụ tông đồ .

CẢM NGHIỆM CỦA BẢN THÂN VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ :

Đứng nhìn trước hang đá giáng sinh, tôi tự hỏi: Tại sao Chúa Hài Nhi Giêsu lại được sinh ra tại làng Bêlem, thuộc miền Giuđêa, Israel. Trên một cánh đồng giữa đêm mùa đông giá rét, trong một cái hang dành riêng cho những con chiên, bò. Được đặt nằm trong máng cỏ hôi tanh. Sinh ra trong cảnh bần hàn như những người nghèo khổ nhất.

Và tôi chợt nhận ra rằng: Thiên Chúa đã đến với con người với thân phận bé nhỏ yếu hèn và bần hàn nhất, Không ngai vàng quyền lực, không giàu sang phú quý mặc dù Người là Thiên Chúa của trời đất vạn vật. Điều đó đã làm cho tôi liên tưởng đến sự hiện diện của Gia đình Thánh Gia nơi những người anh em dân tộc K’Hor trên Kala Di Linh - Lâm Đồng thông qua mẫu tượng hang đá Người Dân tộc mà giáo xứ Hà Nội - Xóm Mới đã làm.

Khi xưa thời cựu ước Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng cho công trình cứu độ của Người, thì ngày nay Thiên Chúa đã chọn những người Kitô hữu thông qua Bí tích Thánh Tẩy làm dân riêng của Người. Ngoài ra Chúa Giêsu còn chỉ dạy cho chúng ta biết ai là người thân của Người: “Khi nhà thông luật hỏi để thử Chúa rằng: Làm cách nào để được sự sống đời đời? Chúa nói cho ông về điều răn yêu thương: mến Chúa yêu người. Nhưng ông còn muốn hỏi cụ thể thêm để bào chữa. Bởi lẽ trong Luật có nói là yêu người thân cận như chính mình, nhưng ai là người thân cận? Chúa đáp lại ông bằng cách kể dụ ngôn người ngoại đạo Samaritano nhân lành”.

Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hang đá Giáng sinh giống như một cái giếng nhỏ để từ nơi đó có thể kín múc được sự gần gũi của Thiên Chúa, nguồn hy vọng của niềm vui. Hang đá giống như một Tin Mừng sống động, một Tin Mừng của gia đình. Hang Bêlem phải là nơi mà mọi người đến để có được vui mừng trong niềm vui mà họ chưa từng nếm trải. Niềm vui mà khi họ trở về nhà đều tràn ngập niềm hạnh phúc và bình an. Sự điều độ, sự kinh ngạc mang đến cho bạn niềm vui, niềm vui thực sự chứ không phải niềm vui giả tạo”.

Trong tâm tình đó, chúng ta hãy Hiệp Thông cùng Giáo Hội để cùng nhau Hiệp Hành trong Lời dạy của Chúa Giêsu về Tám mối phúc: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ”.

Bài & Ảnh: Phêrô Công Nguyên (TGPSG)

Top