Chống dịch covid trong tình yêu
Ngày 22/7 đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giuse, tôi cùng hơn 100 tu sĩ đã rời nơi an toàn của cộng đoàn tu trì đến bệnh viện Hồi sức covid 19 (Bv Ung bướu 2) để sống giới răn yêu thương của Chúa trong đại dịch Covid. Đồng hành cùng chúng tôi còn có các Tình Nguyện Viên (TNV) tôn giáo bạn, các ni sư, các bạn trẻ Phật Giáo và Tin Lành. Chính tình yêu đã nối kết chúng tôi thành một đại gia đình, nơi mọi người cùng chia sẻ với nhau phần ăn, công việc, niềm vui và nỗi buồn trong suốt hai tháng phục vụ tại bệnh viện.
Chúng tôi không biết nhiều về chuyên môn, đến từ các dòng tu khác nhau, cùng tâm trạng lo lắng, sợ hãi…không biết mình phải làm gì giúp cho bệnh nhân... Nhưng rồi tình yêu, lòng thương cảm với những bệnh nhân Covid đã thúc bách, gắn kết và giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn vất vả. Chúng tôi được chia thành từng nhóm cùng với ca kíp các nhân viên y tế, đã làm việc 6 tiếng mỗi ngày trong bộ đồ bảo hộ, ở khoa phòng đóng kín, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Công việc của chúng tôi là gom rác khoa phòng, lau dọn giường bệnh, cho bệnh nhân ăn, hỗ trợ vệ sinh cho bệnh nhân như thay tã, lau tắm cho họ. Trong những công việc đó, điều đã chạm đến trái tim của từng người TNV chúng tôi là hàng ngày đã chứng kiến sự sợ hãi, lo lắng và cô đơn của các bệnh nhân. Thấu hiểu tâm trạng của họ chúng tôi biến sự xa cách không thân thiết giữa TNV với bệnh nhân thành tình thân thể hiện qua lời động viên: “Cô ơi, cố gắng lên nhé, ráng ăn mà về với gia đình”.
Sr Phượng chia sẻ: “Ngày lên khoa thấy bệnh nhân nào ăn được cơm, em cảm thấy vui ghê lắm…”
Có những TNV tìm mọi cách liên hệ với gia đình bệnh nhân, cho họ nói chuyện với người nhà để họ an tâm. Nếu bệnh nhân cần chúng tôi làm ngay, chứ không hứa, vì hôm nay bệnh nhân tỉnh nhưng mai họ đã đặt nội khí quản.
“Mình làm được gì cho bệnh nhân thì cố gắng làm ngay cho họ trong những giờ phút cuối cùng, không thì lòng áy náy vô cùng”. Bạn Toại Phật giáo tâm sự.
Ngoài công việc được phân công, nhìn thấy những nhu cầu của bệnh nhân, một số trong chúng tôi đã tìm cách nối kết các ân nhân chung tay hỗ trợ cho các bệnh nhân tã, sữa, trái cây... Có những TNV chúng tôi mặc dầu không có chuyên môn y tế, nhưng với sự ham học hỏi dần dần thành thạo, giúp bênh nhân làm những động tác vật lý trị liệu đơn giản như vỗ lưng, tập hít thở…
Chứng kiến những bệnh nhân ra đi trong sợ hãi có, bình an có.... làm tôi cũng như các TNV khác cảm thấy sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Đứng trước cái chết, tiền bạc, danh vọng, chức vụ không là gì… không giữ lại được, nhưng tình thân giữa người ở lại và người đã mất luôn còn mãi.
Không chỉ đối diện với công việc hàng ngày, chứng kiến những tâm trạng lo lắng, sợ hãi của từng bệnh nhân, chứng kiến cái chết trước mặt mình, một số TNV cũng cảm thấy đau xót, bất lực khi nhận thông tin từ gia đình có người thân mất vì Covid mà mình không có thể tự tay chăm sóc hay gặp mặt lần cuối. Riêng tôi ngoài những giờ chăm sóc bệnh nhân trong khoa hàng ngày tôi còn phải chạy lên xuống để chăm sóc cho 4 chị em trong Hội Dòng của tôi cũng đang nằm điều trị tại bệnh viện này. Khi chứng kiến từng chị em ra đi trước mắt mình trong sự bất lực, tôi cũng cảm nhận được niềm vui vì chị em tôi đã chiến đấu tới cùng trong cuộc chạy đua sống linh đạo Mến Thánh Giá đến trọn đời trong sự bình an.
Bên cạnh các TNV làm việc tại các khoa phòng, chúng tôi có nhóm TNV môi trường phụ trách vận chuyển rác các khoa phòng, lau dọn các thang máy của bệnh viện, nhờ nhóm TNV này mà công việc vệ sinh rác thải tại các khoa được xử lý nhanh và sạch sẽ. Thật sự nếu không có các bạn hy sinh làm việc này rác thải y tế tại các khoa sẽ chất đống tràn ra cả lối đi.
Nói đến công việc của TNV thì không thể thiếu nhóm TNV dinh dưỡng, chuyên lo chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân và nhân viên y tế với hàng ngàn xuất ăn mỗi ngày. Với sự năng động và sáng tạo của các bạn trẻ nhóm dinh dưỡng, mọi người khi xuống căn tin bệnh viện ngoài nhận được phần ăn ngon miệng mà cũng cảm thấy vui và giảm bớt căng thẳng với những tấm hình rất Cute cùng những dòng chữ dí dỏm (Chúc bạn ăn ngon miệng; Cố lên nhé bạn ơi! Hạnh phúc khi cho đi...).
Hai tháng phục vụ tại bệnh viện không dài cũng không ngắn nhưng đã để lại trong lòng mỗi TNV chúng tôi thật nhiều kí ức, vui có, buồn có, hụt hẫng có, lo lắng có, sợ hãi có.... nhưng tôi tin rằng mỗi người chúng tôi cảm nghiệm niềm vui cho đi và chúng tôi nhận được rất nhiều niềm vui nhận lại từ các bệnh nhân, từ các y bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên y tế tình nguyện. Họ là chiến sĩ áo trắng cống hiến cả cuộc đời để dành lại sự sống cho bệnh nhân đặc biệt trong mùa dịch này.
Do số lượng bệnh nhân nhiều nhân viên y tế thiếu nên một số y bác sĩ và điều dưỡng từ các bệnh viện miền Bắc vào Nam để hỗ trợ. Mặc dù khác vùng miền, khác quan niệm nhưng vì lòng mến mọi người bỏ ý riêng để cùng hợp tác làm việc nên ai trong khoa đều vui vẻ và làm việc rất ăn ý. Thời gian 2 năm dịch, họ hy sinh thời gian họ ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân khá nhiều, ĐD Dũng Bv 74 kể: “ Chúng em trước khi vào Nam đã hỗ trợ chống dịch tại Vĩnh Phúc 2 tháng rồi, cách ly vài tuần thì lại có thông báo vào Sài Gòn chống dịch.... nhớ hai thằng cu nhỏ ở nhà, tối nào cũng gọi điện thoại nói chuyện với chúng...”
Nỗi nhớ nhà nhớ con, nhớ bố mẹ, nhớ vợ (chồng) thể hiện trong đôi mắt của họ. Thời gian nghỉ, hầu như ai cũng cầm chiếc điện thoại gọi về nhà. Sự tân tình và nhiệt huyết của y bác sĩ lan tỏa đến từng TNV chúng tôi, chúng tôi rất khâm phục họ, nó làm tan biến sự mệt mỏi và cũng là động lực giúp chúng tôi cố gắng nhiều hơn.
Tôi rất ấn tượng bác sĩ Đại trường khoa lầu 4A, chị em trong kíp tôi gọi bác là “Anh hùng chống dịch” vì sự vui tươi, tận tình, đặc biệt là người có 1 không 2 trong khoa đã đồng hành cùng bệnh nhân từ lúc khởi đầu. Tôi cũng không quên được hình ảnh của bác sĩ Thuận Bv 74, một bác sĩ tận tụy. Bác ít khi ngồi nghỉ tại chỗ, lúc nào tôi cũng thấy bác tươi rói, dạo quanh các phòng bệnh…
Tôi thầm tạ ơn Chúa và cám ơn các y bác sĩ, TNV và quý trên, ân nhân đã đồng hành để cho chúng tôi trải nghiệm những ngày tháng đầy ý nghĩa. Nó mãi là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn sau này và giúp nhau mở lòng hơn đối với người nghèo và bệnh nhân. Dịch Covid đã cướp đi bao sinh mạng con người, kinh tế đình trệ, mọi người mất việc làm, đói khổ.... Trong cái u ám và tuyệt vọng cũng luôn lóe lên niềm hy vọng. Tôi tin sẽ có những người quý trọng sự sống hơn, mọi người sống giá trị hơn, tình người ấm áp trong yêu thương và chia sẻ…
“Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em”
(Ga 13, 31-34)
Nt. Maria Hoàng Thị Ngọc Hoa
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly