Chiều kích tôn giáo của công cuộc kiến tạo hòa bình
TGPSG/Vatican News -- “Chiều kích tôn giáo của việc kiến tạo hòa bình” là chủ đề của một hội nghị quốc tế diễn ra tại Vatican, tập trung vào vai trò của Giáo hội Công giáo cùng các tôn giáo và tổ chức khác đang dấn thân vì hòa bình.
Trong bối cảnh thế giới bị tàn phá bởi nhiều cuộc xung đột nghiêm trọng - điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “cuộc Thế chiến thứ ba từng phần” - một hội nghị quốc tế kéo dài hai ngày tại Vatican đang tìm hiểu vai trò của các tác nhân tôn giáo trong việc kiến tạo hòa bình.
Diễn ra từ ngày 10 đến 11-7-2025, hội nghị - với chủ đề “Chiều kích tôn giáo của việc kiến tạo hòa bình” - đã được Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội (PASS) tổ chức, trong sự phối hợp với Trường Keough về Các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học Notre Dame và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO).
Một trong những diễn giả là Giáo sư Josefina Echavarría, Giám đốc Dự án Peace Accords Matrix tại Đại học Notre Dame.
Trả lời Vatican News, bà mô tả hội nghị là “một cơ hội để tìm hiểu: các giá trị đức tin và lãnh đạo tôn giáo đóng góp như thế nào cho tiến trình đàm phán hòa bình và hàn gắn các xã hội bị chia cắt bởi chiến tranh.”
Đức tin như nền tảng chính danh và hòa giải
Giáo sư Echavarría cho biết các nhà lãnh đạo tôn giáo thường mang đến thẩm quyền luân lý và tính chính danh cho tiến trình hòa bình, đặc biệt khi lòng tin giữa các bên đối lập còn mong manh hoặc hoàn toàn đổ vỡ.
Là người Colombia, bà Echavarría cũng chia sẻ kinh nghiệm sống trong một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá và tham gia tiến trình hòa bình. “Tại Colombia,” bà nói, “Giáo hội Công giáo, thông qua Caritas Colombia và các tổ chức khác, đã đóng vai trò trọng yếu trong việc làm trung gian các cuộc khủng hoảng khi thực thi thỏa thuận hòa bình năm 2016.”
Nói về công việc tại Dự án Peace Accords Matrix, bà chia sẻ: “Chúng tôi kết hợp nghiên cứu học thuật về hòa bình với thực tiễn xây dựng hòa bình, với các cuộc đàm phán, và với việc đồng hành cùng xã hội dân sự ngay tại thực địa trong quá trình chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình, đồng thời hy vọng đóng góp vào công cuộc hòa giải.”
Dẫn chứng từ các ví dụ như Ủy ban Sự thật và Hòa giải ở Nam Phi và hoạt động của Cộng đồng Sant’Egidio tại Mozambique, bà nhận định rằng các nhân vật tôn giáo thường có vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy đối thoại và hàn gắn sau nhiều năm bạo lực.
“Sau chiến tranh, con người không chỉ cần được bảo đảm an ninh, mà còn cần được tôn trọng phẩm giá, được đón nhận và có niềm hy vọng. Và rất thường khi, những nhu cầu đó được đáp ứng tốt nhất bởi những người có thể đánh động trái tim và lương tâm,” bà giải thích.
“Tạo mối dây truyền thông với nhau đã là rất khó, xây dựng lòng tin lại càng khó hơn. Nhưng chúng tôi thường nhận thấy rằng: các tác nhân tôn giáo trong công cuộc kiến tạo hòa bình có khả năng đặc biệt trong việc quy tụ các bên đối nghịch lại với nhau.”
Một nền tảng cho đối thoại và hợp tác
Hội nghị sẽ bàn thảo nhiều chủ đề như vai trò ngoại giao của Tòa Thánh, vai trò trung gian của giới thế tục trong các xung đột mang yếu tố tôn giáo, và tầm quan trọng của các sáng kiến liên tôn. Theo ban tổ chức, hội nghị không nhằm đưa ra một văn kiện chung kết, mà nhằm khơi dậy sự hợp tác bền vững giữa các học viện, cộng đồng tôn giáo và các chuyên gia dấn thân trong lĩnh vực kiến tạo hòa bình.
“Chúng tôi hy vọng đây là sự khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài,” Giáo sư Echavarría chia sẻ, đồng thời ghi nhận sự tham gia của các nhà trung gian đến từ nhiều bối cảnh đa dạng như Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Âu.
Giáo dục, tạo năng lực và chuyển hóa lâu dài
Giáo sư Echavarría nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hòa bình, không chỉ trong trường học mà còn trong các môi trường không chính thức - nơi có thể nuôi dưỡng mối dây truyền thông, làm trung gian và sự cảm thông.
“Công cuộc kiến tạo hòa bình có một mặt kỹ thuật,” bà giải thích, “từ cách thúc đẩy đàm phán cho đến cách đồng hành với các nạn nhân. Nhưng cũng có một mặt rất con người: đó là cách chúng ta học nhìn thấy người dễ bị tổn thương, cách chúng ta xây dựng lòng tin và giúp người khác có đủ khả năng chọn một hướng đi mới.”
Trong một thế giới nơi thường dân ngày càng bị cuốn vào làn đạn của các cuộc xung đột hiện đại, bà cho rằng điều thiết yếu là phải đưa nạn nhân vào tiến trình kiến tạo hòa bình và bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe.
“Chúng ta phải bảo đảm rằng các thỏa thuận hòa bình không chỉ chấm dứt chiến tranh hôm nay, mà còn ngăn ngừa chiến tranh ngày mai.”
Hình tư liệu: Giáo sư Josefina Echavarría trong một buổi hội thảo
Những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha
Khi được hỏi về tác động của những lời kêu gọi hòa bình từ Đức Thánh Cha, Giáo sư Echavarría khẳng định tầm quan trọng của những lời kêu gọi đó - đối với cả những người đang tham chiến lẫn những người đang tìm kiếm sự chữa lành.
“Tiếng nói của Đức Thánh Cha chạm đến hàng triệu người: các chiến binh, các nạn nhân, và cả những người kiến tạo hòa bình. Đó là một lời kêu gọi lương tâm và lòng can đảm,” bà nói.
“Chúng ta cần chuyển từ phản ứng khẩn cấp sang cộng tác sáng tạo,” bà nói. “Và hội nghị này là một bước tiến theo hướng đó,” bà Echavarría bổ sung, nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách của tinh thần cộng tác.
Và nhắc lại rằng “chúng ta không thể tiếp tục phản ứng trong tình trạng khẩn cấp hay chỉ để tồn tại trong hoàn cảnh này,” bà nói: “Chúng ta cần tiến thêm một bước nữa - cùng nhau suy nghĩ về cách tiến về phía trước và xây những nhịp cầu. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến thời điểm đó, và tôi tin hội nghị này là một minh chứng cụ thể."
Tác giả: Linda Bordoni
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Phẩm giá con người sẽ ra sao nếu Kitô giáo suy thoái?
-
Rèn luyện khả năng phân định -
Khóa học “Các phong cách giáo dục của cha mẹ” -
Rôma dưới lòng đất: Một thế giới ẩn giấu và huyền nhiệm -
Khi người Công giáo hẹn hò với những người không Công giáo -
Năm điều cần biết về lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu -
10 cách Satan đang tấn công con cái chúng ta trong nền văn hóa hiện nay -
Bí tích Thánh Thể - phương dược chữa lành tội lỗi -
Tham dự lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô -
Lễ Mình Máu Thánh Chúa: Tỏa sáng thực tại Đức Kitô cho tha nhân
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Sức mạnh của sự dịu dàng -
10 cách Satan đang tấn công con cái chúng ta trong nền văn hóa hiện nay -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa