Chiều kích nhân học của lời khấn khiết tịnh
Ngày nay, chiều kích đầu tiên được đề cập khi trình bày các lời khấn: chiều kích nhân học. Bài này nói tới chiều kích nhân học của lời khấn khiết tịnh.
Theo chiều kích nhân học, sự khiết tịnh được nhìn trong phạm vi tình yêu. Sự khiết tịnh là một thực tại sâu xa của con người và là chất xúc tác mang tính xã hội mạnh mẽ dẫn tới sự biến đổi. Đó là một lời mời gọi quyết liệt hướng tới sự thân tình làm tăng thêm sức mạnh cho chúng ta để yêu mình, yêu người khác và yêu Thiên Chúa.
Điều này cho chúng ta hiểu làm sao tình yêu như là một nhu cầu nền tảng của con người hiện diện trong ba cấp độ của cái tôi/chính mình: tâm-thể lý, tâm lý-xã hội, tinh thần-lý trí. Chúng ta nhìn nhận chân lý này như là sức đẩy và khởi điểm để đào sâu ý nghĩa của sự khiết tịnh.
Tình yêu là một quan điểm được dùng trong việc học hỏi về sự khiết tịnh vì nó làm nổi bật và đem lại ý nghĩa cho sự khiết tịnh như là một nhân đức Kitô giáo vì Kitô giáo trước tiên là đạo tình yêu. Bằng cách nhìn nhận tầm quan trọng của chiều kích nhân bản, người ta có thể nắm được nền tảng của lời khấn khiết tịnh là nối kết mối tương quan yêu thương, tình bạn, mối thân tình với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa và với tạo vật.
Sự khiết tịnh sẽ dễ hiểu hơn khi đặt trong viễn ảnh của tình yêu vì tình yêu nhấn mạnh đến những nhu cầu sâu xa cơ bản (nguyên mẫu) của con người, sự thân tình, một sự đáp trả trong việc dâng hiến trọn vẹn tình yêu và là hành động hướng tới sự hòa nhập và trọn vẹn của tính dục. Tình yêu là trung tâm trong sự trưởng thành và tăng trưởng tình cảm của con người.
I. Xác định những yếu tố nhân bản trong tình yêu qua ba cấp độ đời sống tâm linh
Khiết tịnh sâu xa là một thực tại nhân bản. Những yếu tố nhân bản trong sự khiết tịnh là nền tảng cần thiết để hiểu rõ hơn về sự khiết tịnh của Đức Kitô và của những người thánh hiến.
Ba cấp độ trong đời sống con người:
* Thân thể (body): vật chất/đụng chạm được.
* Tâm (psyche): chỉ toàn bộ hiện tượng tâm lý bao gồm cảm giác, cảm xúc, tưởng tượng, ký ức và ước muốn.
* Tinh thần (spirit): nguyên tắc của sự sống và của hoạt động cần cho sự sống.
1) Cấp độ tâm-thể lý
Nhận biết mình, chấp nhận mình và tự đánh giá mình là những nhân tố cần thiết cho việc hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa. Người ta sẽ không hiểu đầy đủ tính dục hoặc thế giới trừ phi họ nhìn nhận cách sâu xa trước tiên thân xác của họ, nhận ra ý nghĩa của thân xác.
Thân xác con người được dựng nên để phản ứng, có cảm giác, cảm nghĩ, tìm tòi, để được thỏa mãn. Như thế thân xác được lôi kéo hay chối từ những con người hay những hoàn cảnh. Ở cấp độ thể lý, người ta tìm sự đụng chạm, nắm giữ, thỏa mãn. Sự lôi cuốn tính dục ở đây có thể là lòng thương (= đơn giản là sự thương cảm/đồng cảm, thỏa mãn của một nhu cầu).
2) Cấp độ tâm lý-xã hội
Chúng ta là những hữu thể có nhu cầu gặp gỡ nhau, được nhìn nhận, hoạt động với nhau, thông tri và liên lạc. Chúng ta cần tình yêu, sự săn sóc và chú ý...Tuy nhiên, chúng ta giới hạn trong những gì chúng ta có và chúng ta là. Chúng ta được tạo dựng để lớn lên nhờ sự hoạt động hỗ tương với người khác và sự thân thiện với người khác. Tôi cần được bổ túc bởi người khác... Nhờ đó tôi vượt qua sự sự tự bảo vệ, tự khẳng định qua việc hợp tác với người khác.
Nhờ cấp độ này, người ta hình thành một tình bạn đích thực mà nơi đó có sự nhìn nhận giá trị của người khác như là một đối tượng bên ngoài tôi... Cấp độ này được đánh dấu bởi một tình yêu độ lượng (= muốn điều tốt cho người khác). Điều này chính là năng lực tiềm tàng của cấp độ thứ hai. Những đòi hỏi của xã hội và của những con người trở thành những yếu tố quan trọng trong sự hiện diện của ta đối với thế giới chứ không chỉ đơn giản là sự thỏa mãn thân xác; một sự lớn lên bên trong chứ không chỉ đáp lại những kiểu cách bên ngoài do một sự thỏa mãn tức thời.
3) Cấp độ tinh thần-lý trí
Ở cấp độ này, con người tìm thấy một nhu cầu bẩm sinh được tạo dựng để suy tư, phán đoán, đánh giá, vượt qua những hướng chiều về vật chất, hiện tại, tức thời để làm thành những quan niệm phi vật chất và dài lâu hơn. Chúng ta suy tư về những giới hạn và phương tiện và lấy quyết định. Có một ước muốn về sự tự siêu thăng, vượt qua nhu cầu của mình, dựa trên một sự thật bên ngoài mình. Cấp độ này dẫn chúng ta đến thế giới tinh thần của tình yêu, sự thật và sự thiện, do đó, làm cho chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc, quyết định theo tính tự nhiên và óc vị lợi. Điều này dẫn ta đến sự dâng hiến trọn vẹn, không chỉ đơn giản vật chất hay tương quan nhưng là quà tặng của tâm hồn cho người khác.
Ở cấp độ này tình yêu hơn là sự lôi cuốn, hơn cả một sự hợp tác. Tình yêu là quà tặng tự trao ban trọn vẹn, tự do, vô điều kiện cho Thiên Chúa và người khác. Tình yêu đích thực phát xuất từ đau khổ, từ bỏ sự thoả mãn, cuối cùng là sự quên mình. Điều này có thể đưa chúng ta từ sự hoàn thành ước nguyện của mình tới sự tự siêu thăng, và từ sự siêu thăng tới Thiên Chúa.
II. Các loại tình yêu dựa trên các cấp độ đời sống tâm linh
1) Tình yêu chủ quan (Cấp độ tâm-thể lý)
Sự lôi cuốn dựa trên thỏa mãn cảm giác và ước muốn cảm xúc. Ở đây con người trở thành đối tượng, phương tiện cho sự sự thỏa mãn cá nhân. Cơ sở của loại tình yêu này là giá trị của thỏa mãn. Sự thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của tôi trở thành ưu tiên (tình yêu nhục dục).
2) Tình yêu độ lượng (Cấp độ tâm lý-xã hội)
Lòng độ lượng, tình bạn, sự tốt lành là những từ đồng nghĩa liên quan đến cấp độ này. Theo thánh Tôma Aquinô, tình yêu ở cấp độ này là lòng ước muốn, những cảm nghĩ vị tha dành cho người khác. Khách quan hơn, là sự nhận biết những giới hạn của kẻ khác và muốn cho kẻ khác được đầy đủ. Cơ sở của loại tình yêu này là giá trị của người khác.
3) Tình yêu trọn vẹn hay tình yêu điên rồ (Cấp độ tinh thần-lý trí)
Cấp độ này là điểm gặp gỡ giữa tình yêu con người và tình yêu Thiên Chúa. Đây là tình yêu trọn vẹn và cao cả nhất. Tuy nhiên loại tình yêu này chỉ trở thành một nhân đức kitô giáo khi chúng ta nhìn nhận trật tự tự nhiên, nơi người khác và nơi chúng ta đều phát xuất từ Thiên Chúa, được Người hướng dẫn và đặt sự hiện diện của ta nơi Người. Đó là một tiêu chuẩn mới để đánh giá dựa trên thứ tự của ước muốn: ước của tôi, của người khác và của Thiên Chúa.
Ân sủng hoạt động trong cấp độ này, biến đổi tình yêu nhân loại thành tình yêu nhân đức. Tình yêu trở thành nhân đức khi mà sự chọn lựa của chúng ta ở bất cứ cấp độ nào đều có sự hiện diện của Thiên Chúa và đáp lại Người, vì Người. Cơ sở của tình yêu này là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu thúc đẩy tôi dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.
III. Sự khiết tịnh tu trì như là sự từ bỏ dựa trên ba cấp độ đời sống tâm linh
Có những đòi hỏi liên quan đến sự chọn lựa đời sống độc thân khiết tịnh. Trong mọi chọn lựa cuộc sống đều đòi hỏi sự từ bỏ. Chúa Gêsu nói: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện , thì hãy bán những gì anh có, đem cho người nghèo, rồi đến theo tôi (Mt 19,21).
Chúng ta từ bỏ gì trong tư cách là người thánh hiến cho Thiên Chúa?
1) Cấp độ tâm-thể lý
Chúng ta không từ bỏ được thân xác chúng ta nhưng là những phương tiện diễn tả và thực hiện những điều sai trái đối với hướng đi của chúng ta. Từ bỏ sự thích thú thỏa mãn thể xác/tính dục hoặc bất cứ hành động biểu trưng hoặc dẫn đến sự hòa hợp tính dục. Điều này bao gồm: hôn, hành vi thể lý thân mật, âu yếm, những cái nhìn lôi cuốn... bất cứ hành vi, cử chỉ ngược với tình yêu trọn vẹn và duy nhất mà chúng ta dành cho Đức Gêsu. Mặc dù chúng ta phải từ bỏ những diễn tả nhục dục nhưng chúng ta không loại bỏ nam tính hay nữ tính của chúng ta. Ví dụ : sự mạnh mẽ, sự tế nhị, dịu hiền, nhạy cảm, thân mật ... trong từng bối cảnh riêng, là những phương tiện đặc biệt hiện thân sự hiền lành của Đức Kitô.
2) Cấp độ tâm lý-xã hội
Chúng ta từ bỏ một tình bạn thân thiết và trung thành của một người yêu, một sự bổ túc mật thiết của một người nam hay một người nữ đem lại cho chúng ta một sự bảo đảm và niềm vui trong cuộc sống. Ở cấp độ này, người tu sĩ không từ chối tình bạn, nhưng phải đặt tình bạn phụ thuộc và hòa nhập với sự cảnh giác nghiêm ngặt nội tâm, trong một tình yêu không phân chia của mình. Chúng ta từ bỏ nhu cầu được chú ý, được săn sóc và thỏa mãn một sự hiện diện thân mật, những lời hứa hẹn và an ủi dẫn đến sự độc chiếm, kích thích tính dục và đời sống hôn nhân.
3) Cấp độ tinh thần-lý trí
Sự khiết tịnh cho người tu sĩ một cái chết (từ bỏ) mang tính cứu chuộc. Từ chối hôn nhân, chúng ta dành cho Chúa Gêsu cái ước muốn được con cháu nhớ tới/hồi tưởng. Chúng ta từ bỏ một người bạn đường duy nhất, được dành cho chúng ta hoàn toàn, một người vợ hay một người chồng, với họ chúng ta có thể chia sẻ điều sâu xa nhất. Chọn Chúa Gêsu là một quyết định. Cấp độ ba này đem lại ý nghĩa cho hai cấp độ kia. Trong cả ba cấp độ chúng ta từ bỏ không chỉ thú vui nhục dục mà còn là những khát vọng tự nhiên trong linh hồn và tâm trí chúng ta và khả năng đạt được và ước muốn thiên đàng trần thế tự nhiên, đó là tình yêu giữa người nam và người nữ.
Sống sự khiết tịnh thánh hiến đòi hỏi một sự tiết dục hoàn toàn. Đây thực sự là một của lễ toàn thiêu, và chỉ có một kinh nghiệm đức tin và tình yêu trong cuộc sống hằng ngày có thể duy trì một sự cân bằng giữa giá trị tích cực cúa sự khiết tịnh và những khía cạnh tiêu cực của sự từ bỏ nhờ đó, có thể đạt được một sự khiết tịnh phong phú và lành thánh và một tình yêu tròn đầy và thánh thiện.
IV. Sử dụng và lạm dụng lời khấn khiết tịnh đựa trên ba cấp độ của bản thân.
Sự khiết tịnh thánh hiến là một phương tiện có hiệu năng để hướng dẫn những năng lực tự nhiên và thiêng liêng của con người phục vụ vương quốc Thiên Chúa. Yêu Chúa vô điều kiện bao gồm cả việc yêu người khác. Mục tiêu của sự khiết tịnh là làm cho bản tính tự nhiên của con người đạt được sự hoàn hảo. Với người tu sĩ, đó là tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa. Tự do của trái tim có nghĩa là giải thoát khỏi tính ích kỷ để chỉ tìm một mình Thiên Chúa.
1) Cấp độ tâm-thể lý
a) Thủ dâm : tự tìm khoái cảm. Giáo hội dạy rằng thủ dâm là vấn đề trầm trọng. Thủ dâm xảy ra có thể do giận dữ, sợ hãi, bị tổn thương, buồn chán, thất bại hoặc do một nhu cầu không được thỏa mãn. Những người thủ dâm thường xuyên có thể là do gặp khó khăn trong tương quan với người khác, trong truyền đạt thông tin, thiếu lòng tin và thiếu sự quan tâm của kẻ khác...
b) Hoạt động thể xác (đồng giới hay khác giới).
c) Tôn thờ/coi thường thân xác: hoặc chăm chút bản thân quá đáng như kiêng ăn/chưng diện; hoặc là không để ý tới chăm sóc thân xác, trong việc ăn uống, không lo thuốc men khi đau bệnh.
d) Tạp chí, tiểu thuyết, phim ảnh khiêu dâm: tìm thỏa mãn trong các phương tiện trên.
2) Cấp độ tâm lý-xã hội
Vấn đề tình bạn là một loại hình về sự tương quan tình cảm trong cấp độ tâm lý-xã hội. Điều này không chỉ được phép mà còn được khuyến khích như là một phương tiện tốt để cụ thể hóa tình yêu Thiên Chúa trong chúng ta, và của sự siêu thăng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, trong khi tình cảm cần thiết trong các mối tương quan, tình cảm không được là sức mạnh lèo lái cuộc đời chúng ta. Nó không được gây ra khoái cảm, nhưng phải được hòa nhập vào trong một chương trình của tình yêu.
Tình bạn với người cùng giới hay khác giới cần một mức độ trưởng thành của những người liên quan. Cả hai phải giữ một sự tự do nội tâm làm cho tâm trí họ phải bám rễ vào Thiên Chúa.
a) Dấu hiệu một tình bạn trong sáng
* Đặt nền trên Thiên Chúa. Thiên Chúa là điểm quy chiếu của tình bạn. Họ không làm điều gì gây chi phối lòng trí. Có tinh thần cầu nguyện sâu xa. Người tu sĩ không hiểu rõ ơn gọi của mình và tình yêu sẽ khó có được tình bạn của những người độc thân.
* Cam kết lớn lên trong ân huệ đời sống độc thân. Một tình bạn đẹp củng cố và làm hoàn hảo sự khiết tịnh.
* Không loại trừ, không sở hữu (người nào).
* Tình bạn đích thực giới hạn những cuộc gặp gỡ thường xuyên và lâu giờ.
* Tình bạn lành mạnh không dẫn tới việc kích thích dục vọng.
* Tôn trọng và nhìn nhận tính hỗ tương toàn vẹn của nhau.
b) Những biện pháp phòng ngừa (trường hợp rơi vào cảm xúc yêu một người nào)
* Không gặp nhau trong nơi kín đáo/riêng lẻ. Tốt hơn nên cùng có sự hiên diện của người thứ ba trong lúc gặp gỡ.
* Bày tỏ với người hướng dẫn/linh hướng. Đừng giữ riêng tình cảm cho mình.
* Kiên nhẫn với chính mình. Cần bình tĩnh trong những cơn bão tố tình cảm. Đừng vội vàng quyết định. Hỏi ý kiến và xin lời khuyên giúp đỡ.
* Tránh liên hệ nhiều qua điện thoại, thư từ, thăm viếng.
* Học cách cười chính mình khi để trái tim đôi khi rung động quá vội vàng.
3) Cấp độ tinh thần-lý trí
a) Loại bỏ tính ích kỷ ngược với việc phục vụ: tình yêu và bác ái liên quan tới Vương quốc Thiên Chúa được cụ thể hóa trong việc phục vụ yêu thương. Nhưng có thái độ ích kỷ núp bóng lòng vị tha, luôn đi ngược với việc phục vụ. Chẳng hạn như tự đề cao chính mình: Trong cách nói: "Tôi", "chương trình của tôi", "ý kiến của tôi"....
b) Khoảng cách lý tưởng hóa, trí thức hóa: những người quá đề cao tư tưởng. Họ không dám đi ngược lại những tư tưởng/giá trị trí thức không phù hợp với giá trị của người tôi tớ Thiên Chúa.
c) Phục vụ, hoạt động thiêng liêng vì lý do riêng, ích kỷ; tự hào trong tình yêu
Ngay cả những giá trị và những tư tưởng về tình yêu, đời sống cộng đoàn, đời sống thiêng liêng cũng có thể được sử dụng vì mục tiêu ích kỷ. Chúng ta có thể dùng tình yêu để pho trương tính tự hào của mình... "Tôi tốt như thế đó..."
bài liên quan mới nhất
- Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
-
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc