Chiếc áo màu hồng của cha
Hãy trân trọng những gì mình đang có, đừng để lúc mất đi mới chợt giật mình hối tiếc.
“Vì sao bao gian lao kia, cha không bao giờ kể
Vì sao những nỗi mất mát, cha chỉ giữ riêng mình”
Nhà nó ở cách thị xã Ngã Bảy chừng 5 km, chỉ có một miếng đất cỏn con để dựng một căn nhà lá trú tạm, không có đất cát để làm ăn. Những ngày gần Tết, đám bạn học của nó ai cũng khoe được cha mẹ mua cho đồ mới. Nó buồn buồn ngồi ở góc lớp, không tham gia vào cuộc trò chuyện, vì nó có đồ mới đâu mà để khoe. Một đứa hỏi:
- Ê, Diễm! Bạn mua quần áo mới chưa?
- Mình… mình….
Đứa khác bỉu môi:
- Nhà nó nghèo rớt mồng tơi. Mẹ cũng không có, làm sao mà có quần áo mới được chứ!
Đám bạn mỉa mai, rồi phá lên cười. Con bé cảm thấy tủi thân và hờn giận cha nó vì đã không cho nó cuộc sống đầy đủ như các bạn khác. Nó chưa hiểu để có tiền cho nó đi học, cha nó phải vất vả như thế nào với nghề thợ hồ. Hằng ngày tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông phải chạy vội đi chợ, rồi cọc cạch đạp chiếc xe “lão làng” đến trường đón nó.
Hôm nay, thấy bóng dáng nó từ đằng xa, cha nó vẻ mặt hớn hở gọi lớn, nhưng nó chỉ đáp lại bằng một thái độ lạnh nhạt, dửng dưng. Nó “quê” với bạn bè vì có một ông bố nghèo… Từ bây giờ, nó ước cả thế giới không ai biết đó là cha nó.
- Hôm nay con học thế nào? Tốt không? Nay cha có tiền mua thịt cho con ăn này! Con vui không?
Nó mím môi không nói gì, chỉ lẳng lặng cúi đầu bước lên xe. Cha nó hiểu tất cả, đôi mắt buồn sụp xuống, nước mắt ông lặng lẽ chảy. Trách được ai khi khả năng ông chỉ làm được tới đó. Không gian thật im lặng, tiếng chiếc xe đạp cũ kêu cót két to hơn mọi ngày. Đâu phải cha nó vô tâm, thờ ơ, không nhớ mua đồ tết cho nó chứ. Nhưng… bây giờ cha nó chưa có đủ tiền. Mới tuần trước, nó bị sốt nên số tiền tiết kiệm trong nhà cũng cạn kiệt rồi. Công việc khuân vác chẳng được bao nhiêu, phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới có đủ tiền trang trải cuộc sống cho cả hai bố con.
Cha của Diễm bước ra từ cô nhi viện khi mới 13 tuổi, đấu tranh với cuộc sống bụi đời để tồn tại. Hơn 30 tuổi, ông quen được mẹ nó khi cả hai cùng làm thuê trong một quán cơm. Cuộc sống vất vả, nhưng ông mãn nguyện với người vợ xinh đẹp và một đứa con sắp chào đời. Thế nhưng, chuyện tương lai chẳng ai nói trước được điều gì. Ngày nó vừa biết gọi tiếng “mẹ” cũng là ngày mẹ nó dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới vì không chịu được cảnh nghèo khổ khi sống với cha nó. Cha nó đau lắm, hận lắm nhưng vì thương nó, cha chôn sâu tất cả đau khổ trong lòng để yêu thương, chăm sóc nó. Ông cố gắng làm việc để có tiền lo cho con có cuộc sống đầy đủ, được bằng bạn bằng bè, nhưng vận may vẫn chưa mỉm cười với ông. Ông thương con lắm và chỉ biết hứa với lòng sẽ cố gắng hết sức cho con gái được vui.
Đang chở con giữa trưa nắng, ông chợt mơ đến… chiếc áo đầm màu hồng. Thời gian gần đây, ngày nào đi làm cha nó cũng để ý đến cái đầm màu hồng trong shop quần áo ở gần công trường, ông chấm cái áo này lâu lắm rồi, lẽ ra đã mua cho nó từ tuần trước, nhưng số tiền ít ỏi còn lại trong nhà phải dùng để chữa bệnh cho nó. Nên cái đầm đến bây giờ vẫn chưa mua được, ông sợ sẽ có ai đó mua nó trước mình, nên lúc nào cũng phải ngó qua rồi mới yên tâm đi làm tiếp.
Mấy ngày nặng nề cũng đã qua, con bé đã vui vẻ cười nói trở lại khi cha nó hứa sẽ mua cho nó cái đầm mới màu hồng - màu mà nó thích nhất. Trưa nay cha sẽ mua áo mới cho nó. Nó cảm thấy rất vui, cứ ngóng cho hết giờ học để gặp cha. Hôm nay nó tự đi ra cổng chờ cha đến chứ không ngồi lì trong sân trường đợi cha nó như mọi ngày vì sợ bạn bè biết người đàn ông nghèo khổ đó là cha nó. Sao mà hôm nay cha lâu đến quá, chắc là đang đi mua áo rồi. Càng chờ nó càng thấy thời gian kéo dài vô tận. Nó bước xuống lề đường để nhìn cho rõ cha hơn. Từ xa, thấy bóng dáng cha bên kia đường với chiếc áo màu hồng trên tay lái, nó chạy thật nhanh đến cha. Bỗng nó nghe một tiếng “rầm” và không hiểu sao nó thấy đau khủng khiếp. Tiếng kêu, tiếng chân người và hình như có nhiều người bao quanh nó là những gì nó còn mang máng nhớ trước khi ngất lịm.
Vừa chạy xe đến đó, cha nó nhìn thấy hết tất cả. Chiếc xe tông phải nó vội vàng chạy mất. Ông sững sờ không tin vào mắt mình. Ông nhảy xuống khỏi xe đạp, chạy lao vào con. Đôi tay run run, ông rẽ đám đông đến bên con, gào lớn:
- Diễm, cha mua áo đầm cho con rồi này! Con tỉnh dậy, cha chở về nhà rồi mặc thử cho cha xem nhé! - Cha nó nghẹn ngào trong nước mắt.
Nó được cha cùng những người tốt bụng đưa ngay đến bệnh viện. Cũng may là nó chỉ ngất vì gãy chân quá đau và quá sợ thôi chứ không bị chấn thương sọ não. Trong lúc dưỡng thương, nó phải nằm yên một chỗ không làm được gì cả. Được cha chăm sóc chu đáo, nó thấy hối hận về thái độ mà nó cư xử với cha trước kia.
Dạo này thấy cha hay ở nhà, nên cũng vài lần nó thắc mắc:
- Sao cha không đi làm, cha ở nhà nhiều quá người ta đuổi việc cha thì sao?
- Uhm… uhm… cha đổi việc khác rồi con gái cưng à! Việc này nhẹ nhàng hơn mà cũng có nhiều tiền hơn.
Nó phấn khởi:
- Vậy hả cha, vậy thì từ bây giờ cha sẽ ở nhà với con nhiều hơn.
Cha nó cười nhưng miệng chát đắng. Thật ra, chẳng có công việc nhẹ nhàng cũng chẳng có việc nào có nhiều tiền hơn như cha nó nói. Từ khi nó gặp tai nạn, cần có người ở bên chăm sóc, ông quyết định bỏ công việc khuân vác để đi bán vé số dạo, vừa sắp xếp được thời gian như ý muốn, lại vừa dễ dàng đi về với nó. Rồi ông cũng mới trải qua một cuộc phẫu thuật bí mật mà ông đang giấu nó.
Mà cũng lạ lắm, kỳ này nó thấy ông cứ lạ lạ sao đó, rồi dạo gần đây còn có một người phụ nữ lạ mặt cứ thường xuyên lui đến. Thậm chí vài lần nó nghe có tiếng cãi cọ phía bên ngoài.
- Anh trả lại con cho tôi! Nó là con gái tôi anh có quyền gì ngăn cản tôi đưa nó đi.
Tiếng quát lớn ấy là của người phụ nữ ăn mặc đẹp, váy sang, giày cao gót, phấn trắng, son đỏ. Nó cố gắng nghe để hiểu sự việc, nhưng thực sự trong tiềm thức nó không nhớ người đàn bà này là ai, nó có quen biết sao?
- Cô bỏ con đi theo người khác. Giờ cô về đón con. Cô có cảm thấy xấu hổ không?
- Tôi không nói nhiều với anh! Con là do tôi sinh ra. Anh nhìn xem căn chòi rách nát này có xứng đáng để con tôi ở. Anh làm gì có tiền mà nuôi nó ăn học. Chi bằng anh giao nó cho tôi chăm sóc, ít nhất nó được ăn sung mặc sướng, học hành tốt. Tôi sẽ lo cho nó tất cả.
Cha nó im lặng không nói như đang suy nghĩ điều gì.
Cho đến một ngày, người phụ nữ ấy lại đến. Cha nhìn nó, giọng khô khốc:
- Diễm, đây là mẹ của con. Con đi với mẹ con để có cuộc sống tốt hơn nhé!
- Cô đem nó đi đi!
- Cha định bỏ con sao cha? Nó bàng hoàng.
- Cha … con sống với mẹ con sẽ tốt hơn. Cha nhìn nó, hai mắt đỏ hoe, vết nhăn trên trán giật giật, người sạm nắng chai sần khổ sở.
- Con không đi với bà ta đâu! Bà ta đâu có phải là mẹ con. Con đâu có biết bà ta!
- Là mẹ con đó. Con đi với mẹ đi! Cha không cần con nữa. Cha không muốn lo cho con nữa. Cha!… Nó khóc ôm chầm lấy chân ông.
Cha gỡ tay nó ra, đẩy mạnh:
- Con đi đi! Đi ngay cho cha! Cha nói con phải nghe lời chứ!
Người phụ nữ lên tiếng khinh khỉnh:
- Con đã nghe ông ta nói rồi đấy! Ông ta không cần con. Mẹ sẽ lo cho con được hạnh phúc, ăn sung mặc sướng, muốn gì cũng sẽ có hết, chứ ở đây mà chết đói à!
Nó đi theo người phụ nữ mà cha nó nói là mẹ nó. Cha không cần nó nữa nên nó phải đi. Nó giận cha bỏ nó! Ngày nó rời nhà, ngoài trời mưa to lắm. Nó ngồi trong chiếc xe sang trọng, ngoái nhìn lại căn nhà nhỏ xiêu vẹo mà chẳng biết mình đang buồn hay đang vui.
Căn nhà nhỏ xa dần. Nó chợt bật khóc. Mẹ nó cứ thế im lặng lái xe đi.
***
Thấm thoát đã hơn 5 năm từ ngày nó rời xa cha nó. Nó tung tăng dạo bước với đám bạn đang bước vào tuổi xuân thì. Cuộc sống thật dễ chịu, nó muốn gì được nấy vì mẹ muốn bù đắp cho những thua thiệt mà nó đã phải chịu. Đời sống sung túc nơi phố thị đã khiến nó thay da đổi thịt, xinh xắn theo kiểu của một cô tiểu thư nhà giàu. Đang vui vẻ cười đùa cùng đám bạn, nó chợt khựng chân trước một cửa tiệm khi nhìn thấy cái áo đầm màu hồng được trưng bày trong tủ kính, cái áo đầm đó… Quá khứ cơ cực bất chợt ùa về. Trong lòng nó chợt bùng lên một nỗi nhớ: ở quê nhà còn có một người cha đã từng nuôi nó khôn lớn. Một người đàn ông gầy gò, kham khổ mà chân chất đã từng chăm sóc nó chu đáo khi nó bị gãy chân. Không biết bây giờ cha ra sao. Từ lúc nó bị cha bỏ đến giờ cũng đã mấy năm rồi. Nó còn giận mà mẹ cũng chẳng nói gì nên chưa từng nghĩ sẽ về thăm ông, nhưng hôm nay những kỷ niệm cũ như một ma lực kéo nó trở về với hình ảnh căn nhà lá xiêu vẹo năm xưa.
Ngay hôm sau, nó vội vàng thu xếp về thăm quê. Căn nhà cũ nhìn thật hoang vu, lạnh lẽo. Cha nó đâu? Nó băng đồng sang hỏi hàng xóm. Người ta cho nó biết rằng gần một tháng trước cha nó đã qua đời vì bệnh nặng. Trước khi nhắm mắt, ông ấy cứ gọi tên nó, chỉ mong được gặp mặt nó được một lần. Ông nhớ nó lắm, nhưng nó nào hay biết. Người ta đưa cho nó một cái hộp, trong đó là bức hình mà nó chụp lúc tiểu học. Hồi ấy, nó thích chụp hình lắm nhưng làm gì có tiền mà chụp nhiều, chỉ duy nhất một tấm này mà thôi. Trong tấm hình, nó đang cười toe toét. Nhưng người ngoài hình nước mắt dâng trào. Dưới cuối cái hộp là một quyển sổ nhỏ được bọc cẩn thận. Nó run run lật vội, thì ra là mấy trang nhật ký của cha. Nó lướt qua trang đầu:
- Con gái yêu của cha! Hôm nay, chào mừng con đến với thế giới mới. Cha ở đây đợi con đã lâu rồi! Cha hạnh phúc lắm, khi thấy con quơ quơ đôi tay nhỏ xinh trên chiếc giường trong trạm xá. Cha hứa sẽ chăm sóc và yêu thương con thật nhiều!
Trang thứ 2, trang thứ 3, rồi thứ 4…… Những trang cuối cùng là dòng chữ run run:
Ngày … tháng …
Hôm nay cha biết con đau và sợ lắm. Cha xin lỗi vì đã không đến sớm hơn để đón con, để con bị tai nạn. Con gái à! Cha đã rất sợ, sợ con sẽ xảy ra chuyện gì vì con là tất cả của cha. Cha có lỗi với con nhiều lắm, vì đã không cho con một cuộc sống sung sướng. Con gãy chân, cha cũng không có đủ tiền trả viện phí cho con. Con đừng trách cha nhé! Cha chỉ có thể đổi quả thận của mình để cho con có một đôi chân lành lặn. Chỉ là một quả thận thôi mà! Không sao đâu con gái, cha sẽ sớm khỏe lại để tiếp tục đi làm, lấy tiền mua cho con thật nhiều quần áo đẹp, thật nhiều đồ ăn ngon nhé! Cha yêu con nhiều.
Ngày … tháng…
Mẹ đến đón con. Cha không muốn xa con. Nhưng ở với cha con khổ quá. Chắc con ở với mẹ sẽ tốt hơn, nhưng mà nhìn con đi lòng cha đau như cắt từng khúc. Con là tất cả của cha. Giờ này chỉ còn cha một mình … Ước chi cha còn có con ở đây.
Ngày … tháng …
Mấy nay cha đau nhiều. Bác sĩ nói cha nên chuẩn bị sẵn sàng. Ừ, thì cha sẵn sàng hết, chỉ có một điều không sẵn sàng được đó là … Trời ơi! Cha sẽ không còn cơ hội nào để gặp được con một lần nữa. Con biết cha nhớ con nhiều thế nào không?
Ngày … tháng …
Cha đau lắm, cha mong được gặp con, một lần thôi.
Ngày .. tháng…
Có lẽ đây là dòng chữ cuối cùng cha viết cho con. Cha đã mệt lắm rồi. Cha sắp chết! Chắc chắn là cha không thể nào gặp lại con được nữa rồi. Ở với mẹ, con sống thật hạnh phúc và sung sướng nhé! Cha yêu con lắm. Khi chết rồi, linh hồn cha sẽ luôn ở bên với con và cầu nguyện cho con…
Những dòng chữ cứ nhòe dần đi …
Nó chợt thấy một nỗi hối hận dâng trào. Tại sao nó chỉ nghĩ được là cha ghét bỏ nó mà không nghĩ được là cha phải hy sinh vì nó! Tại sao cả mấy năm trời nó không mảy may nghĩ đến việc về thăm lại cha! Tại sao nó lại vô tâm với cha như vậy! …
Hàng ngàn câu hỏi tại sao cứ bao quanh. Nhưng người mất rồi, không thể nào trở về được nữa mà cũng chẳng có tấm hình nào còn lại để nó nhớ về cha. Tất cả những gì còn lại chỉ là hình dáng cha hao gầy năm cũ và một nỗi nhớ mênh mông! Nó thầm thĩ:
- Cha ơi, con vô tâm quá, cha tha lỗi cho con nhé!
Trên bầu trời những áng mây lững thững nhẹ trôi, nơi đây Cha vẫn còn con và chiếc áo màu hồng...
Giuse Nguyễn Lộc Thọ (TGPSG)
Lớp Tác Viên Tin Mừng IV
bài liên quan mới nhất
- Ba tôi là máng thông ơn Chúa
-
Người Thầy chân chính -
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi... -
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ