Câu chuyện người Samari nhân hậu nơi bệnh viện dã chiến

Câu chuyện người Samari nhân hậu nơi bệnh viện dã chiến

Câu chuyện người Samari nhân hậu nơi bệnh viện dã chiến

TGPSG-- Từ những ngày Sài Gòn bắt đầu bùng phát dịch bệnh và đặc biệt hơn là tham gia thiện nguyện nơi bệnh viện dã chiến. Một trong những câu chuyện tôi đọc lại nhiều nhất là dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Luca. Hơn thế nữa, tôi cứ suy đi nghĩ lại lời của đức thánh cha Phan-xi-cô: “Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định trở thành người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu hay thành những người vô cảm thờ ơ. Và nếu chúng ta chịu nhìn vào lịch sử cuộc sống của chính mình và của toàn thế giới, tất cả chúng ta đều giống, hay từng giống, mỗi nhân vật trong câu chuyện dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều có trong mình một điều gì đó của người đàn ông bị thương, một điều gì đó của tên cướp, một điều gì đó của những người qua đường, và một điều gì đó của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu”(1). Khi mới tới bệnh viện, tôi nghĩ rằng những bệnh nhân ở đây là những người đang bị tổn thương, những nhân viên y tế và thiện nguyện viên như là những người sa-ma-ri nhân hậu; còn lại một số khác là những khách qua đường. Nhưng qua những người tôi gặp, tôi nhận ra rằng hầu như trong mỗi con người đều có trong bản thân ba nhân vật của dụ ngôn.

Tôi gặp một chị lao công đang đi làm việc tại bệnh viện dã chiến, lúc vào làm đơn giản chỉ như một khách qua đường vì nhu cầu mưu sinh. Nhưng rồi khi làm việc dần dần trong câu chuyện chị chia sẻ với tôi có cho thấy đó cũng là một người Samari nhân hậu. Chị nói rằng đi làm đây chị ý thức hơn về trách nhiệm với người bệnh, với các thiện nguyện viên cũng như nhân viên y tế. Chị cũng chạnh lòng khi thấy những người bị lây nhiễm và nói rằng mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Thế rồi khi bị lây nhiễm chị như trở thành một người bị thương bên vệ đường. Chị kể về thái độ không tốt của một số người cùng dãy trọ, một số người khác khi nghe tin biết chị bị lây nhiễm…dần dần những ngày điều trị nơi đây, chị có nhiều tổn thương hơn. Gặp gỡ và nghe câu chuyện của chị, tôi nghiệm ra rằng “chính trận cuồng phong này đã bộc lộ tính mong manh của chúng ta và để lộ ra những điều hoàn toàn giả tạo và phù phiếm mà xung quanh chúng… Giữa cơn bão táp này, mặt nạ của những cách thức mà chúng ta đã dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, luôn lo lắng về dáng vẻ bề ngoài đã bị rơi xuống, một lần nữa để lộ ra ý thức hiển nhiên và đáng chúc phúc này: chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em với nhau” (2).

Đang miên man suy nghĩ về chị lao công, tôi gặp một chú lao công đang trong giờ làm việc. Chú cho tôi biết chú là một người học không đến nơi đến chốn. Nhìn bên ngoài, chú cũng chỉ là một người lao công như người qua đường. Nhưng cách cư xử của chú làm tôi thấy đó là một tâm hồn của người Sa-ma-ri nhân hậu. Mặc dầu đã gần 14g chiều nhưng tôi thấy chú vẫn chưa thu dọn khu vực lầu 4, chú đứng nói chuyện với tôi, chú cho biết giờ này còn có các cô các chú vừa phục vụ trong phòng bệnh ra đang nghỉ nên cho các cô các chú nghỉ tí đỡ mệt đã. Tôi thấy chú rất tinh tế và biết nghĩ cho người khác.

Việc suy nghĩ và hành động cho người khác cũng được thể hiện nơi một điều dưỡng viên từ Hà Nội. Là tình nguyện viên và khi đi thì bố mẹ đều ngăn cản. Nhưng anh nói với tôi, mọi người nơi đây đang cần anh hơn gia đình. Mặc dầu ra đi cũng sợ lây nhiễm, mà thương bệnh nhân nên xung phong lên đường. Khi tan ca, ra ngồi bên ngoài, thấy khuôn mặt anh có chút đăm chiêu, tôi hỏi thăm. Anh nói hôm nay là sinh nhật của con trai tròn một tuổi, mọi người đang vui cùng nhau bên chiếc bánh sinh nhật. Tôi lặng buồn vì thấy trong anh cũng bị tổn thương khi không ở bên cạnh con trai khoảnh khắc nhiều ý nghĩa này. Nhưng vượt lên trên những điều đó cũng là tinh thần của một người Sa-ma-ri nhân hậu. Anh chăm sóc các bệnh nhân với tình yêu thương và tôi thấy “Anh cũng cho những bệnh nhân một thứ mà trong thế giới đảo điên của mình, chúng ta thường bám lấy thật chặt: anh đã cho họ thời gian của mình. Chắc chắn, anh đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, những nhu cầu, dấn thân và mong muốn của riêng anh. Nhưng anh đã có thể đặt mọi thứ sang một bên để đến trước những người bị thương, dù không hề quen biết họ, anh coi đó là điều xứng đáng để cống hiến thời gian và sự quan tâm của mình” (3).  Anh như tâm sự “tôi không thể thu gọn cuộc sống của mình vào mối liên hệ chỉ với một nhóm nhỏ, thậm chí không phải chỉ là gia đình của mình mà thôi, bởi vì không thể hiểu bản thân mình nếu không có những mối quan hệ rộng lớn hơn, không chỉ mối liên hệ hiện tại mà còn là mối liên hệ đã có trước và đã định hình nên tôi xuyên suốt cuộc đời tôi” (4). Sự mở ra cũng được thể hiện nơi bác sĩ trưởng khoa của tôi.

Bác sĩ trưởng khoa nơi tôi làm việc, người đã có mặt từ đầu khi bệnh viện dã chiến thành lập. Chị đến với bệnh viện do sự sắp xếp của cấp trên. Chị lúc đầu cũng có suy nghĩ là chấp hành để cho xong nhiệm vụ được giao. Nhưng những ngày làm việc cùng và quan sát, tôi thấy chị là người có tấm lòng rất đẹp. Chị không bao giờ la rầy hay to tiếng với ai dù đôi lúc thấy chị khá mệt vì công việc. Ngoài những công việc chuyên môn của một bác sĩ, chị cũng quan tâm đến bệnh nhân từ những việc nhỏ nhất. Chị nhớ tên bệnh nhân, những bệnh nhân nặng thì chị quan tâm hơn và dặn chúng tôi phải chăm sóc kỹ hơn; chị cũng không ngại đút những thìa cháo cho các bệnh nhân, thay áo quần cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng chị cũng hỏi thăm và cảm ơn những người thiện nguyên viên. Qua chị và những người khác, tôi thấy rằng “lúc này chỉ còn hai loại người: những người chăm sóc một ai đó đang bị thương tích và những người đi ngang qua; những người cúi xuống giúp đỡ và những người nhìn đi hướng khác và vội vàng bỏ đi. Ở đây, mọi phân biệt, mọi nhãn hiệu và mặt nạ của chúng ta đều rơi xuống: đây là khoảnh khắc của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Liệu chúng ta có cúi xuống và giúp người khác đứng lên không? Đây là thách thức hiện nay và chúng ta không nên sợ hãi khi đối đầu với nó. Trong thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp thiết. Có thể nói rằng, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải là kẻ trộm cướp hay người qua đường, đều là người bị thương hoặc đang mang người bị thương trên vai” (5).

Không chỉ có bác sĩ trưởng khoa, mà cả những điều dưỡng viên cùng làm với tôi như chị Mỹ, anh Xuyên, chị Xuyến, chị Mai, chị Vân, chị Lương… đến từ những bệnh viên khác nhau, từ những vùng miền khác nhau nhưng cứ gọi nhau là anh em và rất vui vẻ trong lúc làm việc. Họ tận tình chăm sóc bệnh nhân nhưng cũng quên cùng nhau tạo ra những khoảnh khắc kỉ niệm qua những bức ảnh kiểu cách. Họ như diễn tả “yêu những người khác khi ở xa cũng như khi ở gần”. Họ cùng chúng tôi và những người khác đang cố gắng xây dựng những tình bạn xã hội, xây dựng tình huynh đệ đại đồng qua sự cởi mở và đón nhận nhau. Chính thái độ và cách cư xử của họ cho tôi thấy rằng “Thiên Chúa tiếp tục gieo nhiều hạt giống tốt lành trong gia đình nhân loại chúng ta. Một lần nữa, đại dịch gần đây cho phép chúng ta nhận ra và trân trọng tất cả những người ở quanh chúng ta, giữa cơn sợ hãi, vẫn đã phản ứng bằng cách trao ban mạng sống của chính họ trên những tuyến đầu. Chúng ta có thể nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta được dệt nên và được duy trì như thế nào bởi chính những con người rất bình dị, những người không hề nghi ngờ gì, đã viết nên những sự kiện quan trọng trong lịch sử chung của chúng ta: đó là các bác sĩ, y tá, dược sĩ, nhân viên siêu thị, người dọn dẹp, người chăm sóc, người vận chuyển, những người nam nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ nhu yếu phẩm và an ninh, các tình nguyện viên, các linh mục, tu sĩ, v.v… họ hiểu rằng không ai được cứu một mình cả”(6).

Những hạt giống tốt lành này cũng có nơi chính những bệnh nhân, những người nhìn bên ngoài là những người bị tổn thương nhưng sâu thẳm cũng là những người Samaria nhân hậu trong cách họ cư xử với nhau, trong cách họ lo lắng cho chúng tôi, rồi chia sẻ với nhau những gì họ có... nơi họ tôi thấy rằng “tình yêu thương thì không quan tâm việc người anh chị em đang bị thương phát xuất từ nơi này hay nơi kia. Bởi vì chính “tình yêu đã phá vỡ xiềng xích ngăn cách và chia cắt chúng ta, xây nên những nhịp cầu. Tình yêu thương cho phép chúng ta xây dựng một gia đình tuyệt vời, nơi đó tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà mình… Tình yêu thì biết xót thương và đầy nhân phẩm” (7).

Chính qua những người tôi gặp, tôi như đang đối diện với lời thách thức của Đức Giê-su là “gạt bỏ mọi dị biệt và, đứng trước đau khổ, sẵn sàng đến gần người khác mà không cần thắc mắc. Tôi không nên nói tôi có người thân cận để giúp đỡ, mà bản thân tôi phải là người thân cận cho người khác (8). Thách đố này không chỉ ngay trong giai đoạn dịch bệnh mà là một giai đoạn sau dịch bệnh.

Sau đại dịch, chúng ta có kinh nghiệm của một người bị tổn thương, cũng có kinh nghiệm của một người khách qua đường và kinh nghiệm của một người Sa-ma-ri nhân hậu. Ta biết những nỗi đau, những mất mát của bản thân và người khác. Ta cần sự xoa dịu và chữa lành, ta cũng biết kinh nghiệm xoa dịu và chữa lành vết thương cho người khác. Ta có thể vẫn sống như khách qua đường bàng quang với nỗi đau của người bên cạnh vì nghĩ rằng đó chỉ là những người không liên quan đến cuộc sống của ta. Ta cũng có thể tiếp tục xây những tháp ngà với sự an toàn của gia đình, của cộng đoàn, của nhóm nhỏ …hay chúng ta sẽ hoán cải để xây dựng những chiếc cầu yêu thương, nối kết bằng tình bằng hữu xã hội, cùng nhau xây đắp văn hóa tình thương. Chúng ta cùng nhau phải nhìn nhận rằng “Sự tổn thương, sự mong manh, nỗi sợ hãi và nhận thức về những giới hạn mà đại dịch gây ra, đã vang lên lời mời gọi chúng ta hãy suy xét lại về lối sống của mình, về các mối liên hệ của chúng ta, tổ chức xã hội của chúng ta, và trên hết, ý nghĩa của sự hiện hữu của mình (9). Dù cuộc sống dần trở lại bình thường, nhưng những tổn thương của đại dịch vẫn còn. Khi đó chính chúng ta có quyền chọn lựa cách sống của ta, những kinh nghiệm trong đại dịch sẽ cho ta những bài học quí giá để sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.

Chúng ta có thể chọn thực hiện lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho người thông luật “hãy đi và làm như người Samaria nhân hậu, ông sẽ sống”. Quả thật, sự sống của mỗi người được quyết định qua mối tương quan của người đó với Thiên Chúa và tha nhân. Mỗi con người không phải là một hữu thể khép kín nhưng là một hữu thể tương quan, luôn mở ra và đi đến với người khác, cúi xuống với người bên cạnh. Sau đại dịch chúng ta vẫn còn trên cùng một hành trình với tư cách của một người bị tổn thương cách này hay cách khác. Mỗi chúng ta được mời gọi cùng cố gắng “phục sinh cảm hứng về tình huynh đệ phổ quát, qua việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc hồi sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ (11). Chúng ta được mời gọi góp phần vào trong sự tái sinh bằng những món quà chúng ta có thể trao tặng cho người khác và thụ tạo.

Từ món quà của chúng ta, chúng ta có thể làm nảy sinh cuộc sống, sức khỏe cho người khác, bệnh tật và đau khổ có thể góp phần vào văn hóa giúp đỡ, cho đi, hy vọng và sự sống. Chúng ta có thể tiếp tục bước đi trong câu hát của lời kinh hòa bình, của tình yêu thương đồng thoại và vũ trụ như thánh Phan-xi-cô As-si-si, người có thể gọi muôn vật muôn loài là anh, là chị và gọi tất cả mọi người là anh em.

(1) Tông huấn Tất cả là anh em  của đức giáo hoàng Phan-xi-cô, # 69.

  1. Ibid., ( # 32).
  2. Ibid., ( # 63)
  3. Ibid., ( # 89).
  4. Ibid.,  ( # 70)
  5. Ibid., ( # 54)
  6. Ibid., ( # 62)
  7. Ibid., ( # 81)
  8. Ibid., ( # 32)
  9. Ibid.,  (# 25)
  10. Ibid., (# 8)

Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam

 

Top