Cảm nghiệm sau 2 tuần phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến
TGPSG-- Đã qua 2 tuần được phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến, tôi đã học và trải nghiệm với bao nhiêu là cung bậc cảm xúc.
Nhớ lại lúc dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mỗi ngày tiếng còi xe cứu thương một dồn dập. Mỗi tiếng còi vang lên là một lần làm tim tôi đau nhói, vì biết rằng có thêm một bệnh nhân nữa đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lần tôi đã tự hỏi bản thân có thể làm gì cho họ?
Rồi văn phòng tu sĩ gửi đi bức thư kêu gọi Tình Nguyện Viên phục vụ cho bệnh nhân Covid 19. Đọc thư, tôi có một cảm nhận rất mạnh mẽ về lời mời gọi cá vị mà Chúa dành cho tôi. Sau khi cầu nguyện và được sự động viên của chị em trong nhà dòng, tôi đã quyết định xin đăng ký tham gia nhóm Tình Nguyện Viên. Có nhiều cuộc gọi đến từ người thân, chị em trong dòng và bạn bè, người này hỏi thăm, người kia khuyến khích và cũng có người bày tỏ sự lo lắng cho tôi. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm chính mình đang đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nên sự tin tưởng và phó thác thì lớn hơn những điều khác.
Sau ngày chích ngừa, tôi bị đau đầu và sốt suốt một ngày một đêm, tưởng chừng không thể đi cùng đoàn theo dự định. Tuy nhiên, sự khát khao được đi phục vụ cùng với sự quan tâm chăm sóc của chị em trong cộng đoàn đã cho tôi sức mạnh để vượt lên chính mình. Tôi đã lên đường với một tâm trạng của một người Môn đệ Thầy Giêsu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho các bệnh nhân.
Sau buổi gặp mặt chung, tôi biết nơi mình được gửi đến là cơ sở II Bệnh viện Ung Bướu Thủ Đức. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về những ngày sắp tới của mình. Không biết mình sẽ làm gì? Mình có thể giúp gì cho những bệnh nhân? ... Nói chung suy nghĩ nhiều nhưng tôi không thể mường tượng được công việc mình sẽ làm là gì.
Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.
Đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn nơi làm việc và nơi ở. Sau khi được cô y tá trưởng hướng dẫn cặn kẽ, chúng tôi biết công việc của mình là hỗ trợ các bác sĩ khi có nhu cầu và làm vệ sinh cho bệnh nhân cũng như mọi nơi khác trong khoa, chúng tôi lo chuẩn bị sẵn sàng để ngày hôm sau bắt tay vào việc. Nhóm của tôi gồm 16 người được phân công ở khoa Cấp cứu, chia làm 3 ca 4 kip để làm việc theo ca như ekip của khoa.
Ngày đầu tiên, tôi được phân công làm ca đêm nhưng tôi đã háo hức dậy ngay từ sáng sớm để cầu nguyện cho sự bình an của mỗi người và tiễn anh chị em đi làm ca sáng.
Sau khi ca một về chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao của khoa và việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất nguy hiểm cho phục vụ. Có ý kiến khuyên chúng tôi không nên tiếp tục vì chúng tôi không học ngành y. Sự hoang mang lẫn lo lắng bao trùm lên cả nhóm. Chúng tôi đã quyết định nghỉ một ngày để ngồi lại với nhau cùng phân định. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi đã quyết định tham gia đội Tình Nguyện Viên, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những nguy hiểm sẽ gặp. Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều đi đến quyết định: ở lại tiếp tục làm việc vì nơi đây rất cần chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa.
Kinh nghiệm của ca trước đã giúp tôi cẩn trọng hơn trong việc trang bị đồ phòng hộ. Lần đầu vào ca, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm việc gì. Các bác sĩ và y tá khá bận rộn nên không có thời gian để quan tâm chỉ dẫn việc cho chúng tôi. Một chút cảm thấy mình vô dụng trước hàng núi công việc họ đang phải gánh vác. Lòng ao ước để có thể chia sẻ gánh nặng của họ đã cho cho tôi sự chủ động để quan sát và tìm cách hỗ trợ. Một thái độ tích cực và sẵn sàng đã giúp tôi và các thành viên trong nhóm nhạy cảm hơn và mau chóng thích nghi với công việc.
Mỗi khi tan ca, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đã làm trong ngày để giúp nhau trong công việc. Giờ đây, mọi công việc đã trở nên rất quen thuộc, tinh thần và lòng hăng say mỗi ngày một gia tăng khi chúng tôi nhìn thấy được những biến chuyển tốt hơn của bệnh nhân, cảm nhận được niềm vui ánh lên nơi khóe mắt của bệnh nhân. Đó chính là động lực làm cho mỗi kíp chúng tôi đều mong đến ca của mình đi làm, để và có thể thăm hỏi, khuyến khích tinh thần họ.
Nhanh thật, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi đã thành thạo, không còn cảm thấy băn khoăn lo lắng về công việc nhưng khuôn mặt của mỗi người lại mang những ưu tư về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Giờ đây, không ai còn chia sẻ về sự lo lắng hay việc sợ bị nhiễm bệnh nữa, mà thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, và làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ của chúng tôi được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…
Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”
Thủ Đức ngày 5-8-2021
Nt. Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành
bài liên quan mới nhất
- Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính
-
Cách nuôi dưỡng lòng hiếu khách -
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh -
Người chăn dẫn dân mình như người mục tử (Tv 78, 52) -
Sứ vụ của bình an -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình -
Bài học từ những mất mát trong đời -
Kinh Dâng Hiến (Suscipe): Tình yêu dâng trao -
Suy tư của một số giám mục, linh mục và tu sĩ về Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ -
Con sẽ không bao giờ bỏ rơi ông bà!
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19