Bế tắc dịch bệnh trong ‘Bộ phim đời mình’
TGPSG – Mới tuần trước, trong buổi họp linh đạo online của nhóm MVTT Tân Sơn Nhì, chị Têrêsa Nguyễn Thị Ánh vẫn còn vui vẻ kể lại những câu chuyện về tình hàng xóm láng giềng rất nồng ấm trong thời dịch bệnh Covid: những tô canh, chén cháo ưa thích được mang qua gửi tặng cho nhau; người trong nhà có nhiều thời gian gần gũi bên nhau… Thế mà vào chiều tối hôm qua, 21-7-2021, đã nghe tin chị Têrêsa Ánh đột ngột qua đời vì Covid…
Vâng, đúng là Chúa có thể gọi ta về với Chúa vào bất cứ lúc nào. Và trước khi lìa đời, hẳn là mỗi người sẽ được Chúa tạo cơ hội để có thể, vào một thời điểm nào đó trước lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’, có thể nhìn lại toàn thể đời mình ở trần gian, giống như đang xem một bộ phim với bao nhiêu kịch tính, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu hỉ nộ ai ái ố, bao nhiêu ánh sáng và bóng tối… Và đó chính là ‘bộ phim đời mình’.
NHẬP ĐỀ
Chúng ta đã từng xem những bộ phim truyện thú vị, và Chúa cũng muốn ta ý thức rằng, ‘bộ phim đời mình’ - bao gồm những gì ta đã sống thật và thực hiện trong suốt cuộc đời - cũng sẽ vô cùng thú vị, không thua kém bất kỳ bộ phim điện ảnh nào trên đời, vì đó là ‘bộ phim’ từ muôn thuở Chúa đã muốn cùng ta thực hiện để làm nên một câu chuyện yêu thương tuyệt vời rất thật giữa ta với Chúa.
Khi xem lại ‘bộ phim đời mình’ ấy, hẳn ta cũng sẽ thấy có những bế tắc xem ra khó vượt qua được, giống như những bế tắc của nhiều người trong thời dịch bệnh Covid này: những dang dở về công việc, khó khăn trong sự nghiệp, khủng hoảng trong những mối tương quan…
Và cũng giống như trong bộ phim truyện ‘Mười Điều Răn’ lẫy lừng do Cecil B. DeMille đạo diễn, khi dân Israel bị đại binh Ai Cập rượt đuổi đến Biển Đỏ, họ đã đi đến đường cùng, hoàn toàn bế tắc, không tìm ra lối thoát. Nhưng nhờ sự tin tưởng và làm theo Lời Chúa để giơ gậy lên trên mặt biển, ông Môsê không những đã cứu dân Israel thoát khỏi bế tắc khủng khiếp lúc ấy, mà còn tạo ra một khởi đầu cho Israel trở thành Dân của Chúa, một Dân thánh của Giao ước thần linh.
Cũng vậy, khi mời gọi ta xem lại toàn thể ‘bộ phim đời mình’, hẳn Chúa cũng muốn ta phát hiện ra những gì còn bế tắc trong ‘bộ phim đời ta’, để rà soát lại từng ‘bộ phận làm phim’, và cùng Chúa giải gỡ những khâu còn bế tắc, rồi edit (dựng phim) lại cho thành một ‘bộ phim’ hoàn chỉnh, hầu khi ra trước tòa Chúa, ta có thể dâng lên Chúa ‘bộ phim hoàn hảo của đời mình’.
Tất nhiên, cần phải xác định rằng, diễn xuất trong ‘bộ phim đời mình’ ấy - không được hiểu theo nghĩa ‘trình diễn bên ngoài’ (diễn sâu, diễn giỏi để che đậy những gì không có thật trong thực tế). ‘Bộ phim đời mình’ ở đây được hiểu là tất cả những diễn biến có thật của mỗi người, đã làm nên cuộc sống thật, với diễn viên chính là mỗi người chúng ta trong tương quan có thật với Thiên Chúa và tha nhân.
Bài viết này muốn trình bày ‘24 khâu’ của quá trình thực hiện phim truyện - được linh mục Benedict Rajkumar diễn giảng trong khóa học TOT online do Signis Asia tổ chức vào giữa tháng 6.2021- mong người đọc có thể nhìn vào các khâu làm phim rất hấp dẫn ấy ra mà đem ra đối chiếu với quá trình thực hiện ‘bộ phim đời mình’.
Hy vọng việc đối chiếu như thế sẽ gợi ý cho ta xây dựng đời mình tốt đẹp hơn, hoàn thành ‘tác phẩm đời mình’ theo đúng ý Chúa nhiều hơn.
Và nếu có cơ hội, ta cũng có thể kinh qua những khâu điện ảnh cần thiết mà tạo ra được những phim truyện thực sự có giá trị, cho dù những tác phẩm điện ảnh đó dài hay ngắn, đơn sơ hay hoành tráng...
Vâng, làm phim truyện - nhất là những phim truyện dài - là một quá trình công phu, đòi hỏi phải thực hiện nhiều công việc khác nhau, cụ thể là có 24 khâu chính yếu phải thực hiện, đáp ứng 24 yêu cầu thiết yếu nhất trong hoạt động của ngành công nghiệp điện ảnh, sẽ được lần lượt kể ra dưới đây.
Sau khi xem lướt qua từng khâu làm phim truyện, mỗi người nên đặt ra một vài câu hỏi cho chính mình để áp dụng vào việc thực hiện ‘bộ phim đời mình’. Ví dụ, sau khi xác định được khâu ‘Kịch bản (Script)’, ta có thể đặt câu hỏi: Chúa đã muốn kịch bản đời tôi phải như thế nào? Tôi đã hình dung ra kịch bản đời tôi chưa, và có nỗ lực cùng với Chúa viết trọn kịch bản ấy không? Ơn gọi của tôi (linh mục, tu sĩ, giáo dân…) đã được triển khai ra sao trong kịch bản đời tôi?
‘24 KHÂU THIẾT YẾU’ CỦA QUÁ TRÌNH LÀM PHIM TRUYỆN
01. Kịch bản (Script)
Mỗi bộ phim truyện đều dựa trên một câu chuyện, và mỗi câu chuyện này trước tiên đều được thuật lại bằng chữ viết dưới dạng kịch bản.
Chính kịch bản sẽ quyết định phạm vi thực hiện của bộ phim - từ diễn viên, đạo diễn đến nhạc sĩ, biên đạo múa và mọi sự khác - đều cần được nhắc đến trong kịch bản.
Kịch bản quy định mỗi diễn viên và cả đoàn làm phim cần phải làm những gì, vì thế, kịch bản đóng vai trò chính yếu của việc làm phim.
02. Dàn diễn viên và đoàn làm phim (Cast and Crew)
Dàn diễn viên (Cast) là tất cả những người làm việc trước ống kính, trong khi đoàn làm phim (Crew) bao gồm những người làm việc phía sau máy quay phim.
Công việc của đạo diễn và giám đốc casting là tìm kiếm các diễn viên và nghệ sĩ phù hợp nhất với các nhân vật, và đưa ra lựa chọn phù hợp, dựa trên các bài kiểm tra và thử vai trên màn hình.
Về cơ bản, ngay cả khi công đoạn lựa chọn diễn viên đã hoàn tất, việc lựa chọn thêm các diễn viên hoặc nhân viên của đoàn làm phim vẫn có thể tiếp tục trong những công đoạn làm phim kế tiếp.
03. Sản xuất (Production)
Ngành công nghiệp điện ảnh có thể là một liên doanh hái ra tiền, nhưng lợi nhuận chỉ có được khi nhà sản xuất sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư cho bộ phim ngay từ lúc đầu.
Nhà sản xuất phim chính là người trang trải chi phí cho dàn diễn viên và đoàn làm phim, cũng như thanh toán mọi chi phí phát sinh trong quá trình làm phim: xây dựng phim trường, quay phim, dựng phim, quảng bá phim…
Và như thế, nhà sản xuất phim đóng vai trò hết sức quan trọng, và là khởi đầu không thể thiếu cho 24 khâu công việc chính yếu phải thực hiện của quá trình làm phim.
04. Đạo diễn (Direction)
Đạo diễn (Director) là thuyền trưởng của con tàu. Bộ phận đạo diễn - bao gồm đội ngũ trợ lý đạo diễn và đạo diễn liên kết - được điều khiển bởi đạo diễn chính.
Bộ phận đạo diễn chịu trách nhiệm trên toàn bộ quá trình làm phim. Đạo diễn phải điều hành tất cả mọi người trong mọi khâu làm phim, điều khiển họ làm việc và khai thác những gì đạo diễn muốn có được từ nơi họ.
05. Quay phim (Cinemotography)
Đạo diễn có thể chỉ đạo bộ phim, nhưng chính nhà quay phim mới là người cung cấp những thước phim với toàn thể những hình ảnh sống động đáng nhớ. Vì thế, quay phim là một khâu thiết yếu của việc làm phim. Một bộ phim không đẹp trên màn ảnh sẽ không có nhiều người xem và do đó không thể đáp ứng được mục đích của nó.
06. Âm nhạc (Music)
Âm nhạc là trái tim của bộ phim vì ngôn ngữ âm nhạc mang tính phổ quát, trực tiếp lôi cuốn trái tim khán giả, và truyện phim nhiều khi ẩn sâu trong âm nhạc của nó.
Giám đốc âm nhạc sẽ sáng tác nhạc và bài hát cho bộ phim theo tình huống của câu chuyện và theo sở thích của đạo diễn. Giám đốc âm nhạc cũng cần đến một nhóm các nhạc sĩ và kỹ sư âm thanh, những người đưa ra ý tưởng âm nhạc cho phim.
07. Chỉ đạo đóng thế (Stunt Direction)
Mặc dù không phải tất cả các bộ phim đều có các pha nguy hiểm giống với loại phim hành động, nhưng các bộ phim nói chung vẫn thường hàm chứa những pha chuyển động có mức độ vượt quá tầm của người bình thường.
Ngay cả một cú nhảy đơn giản trông rất dễ dàng trên màn ảnh cũng có thể là một công việc đòi hỏi nhiều công phu, cần đến sự tham gia của các ‘chỉ đạo viên’ và diễn viên đóng thế - những người khiến những hành vi khó thực hiện được diễn ra suôn sẻ, tự nhiên.
Chính vì vậy, ‘chỉ đạo đóng thế’ là một trong những khâu quan trọng. Những hành động khó làm và những phân cảnh đóng thế cách hoàn hảo đã từng làm nên dấu ấn thu hút của nhiều bộ phim.
08. Biên đạo múa (Choreography)
Đội ngũ biên đạo múa - gồm biên đạo, trợ lý biên đạo và vũ công - tạo ra các bước nhảy, diễn tả một số khía cạnh của truyện phim hoặc đơn giản chỉ phục vụ cho mục đích giải trí.
09. Chỉ đạo nghệ thuật (Art Direction)
Vẻ đẹp quyến rũ của bộ phim hoàn toàn phụ thuộc vào công việc của bộ phận Nghệ thuật.
‘Chỉ đạo nghệ thuật’ chịu trách nhiệm về thiết kế phim trường, màu sắc của địa điểm, v.v. Khi diễn viên và đạo diễn đang thể hiện hết sức mình, thì phim trường nơi họ đang thể hiện sẽ đóng một vai trò quan trọng giúp cho những diễn xuất của họ được tốt đẹp và bộ phim được thành công.
Những cảnh phim xa hoa đòi hỏi phim trường phải xa hoa và ngược lại. Điều này cần đến ‘chỉ đạo nghệ thuật’. Từ việc thiết kế phim trường, cho đến việc sắp xếp địa điểm sao cho luôn phù hợp với yêu cầu của từng phân đoạn phim và toàn thể bộ phim, ‘chỉ đạo nghệ thuật’ đều làm việc dựa trên góc nhìn hình ảnh của phim để tạo ra trải nghiệm sáng tạo đầy hấp dẫn trong từng lĩnh vực cần thể hiện.
10. Dựng phim (Editing)
Các nhà dựng phim (editors) đảm nhận phần hậu kỳ quan trọng nhất của quá trình sản xuất phim, đó là làm cho bộ phim có được một chuỗi cảnh quay hợp lý nhất.
Đạo diễn sẽ gửi tất cả các đoạn phim đã được quay đến ‘studio dựng phim’ để người dựng phim chỉnh sửa, lắp ghép, phân loại màu, tạo các hiệu ứng hình ảnh…
Chỉ có tài năng xuất sắc của người dựng phim mới có thể tạo ra những chuỗi cảnh quay hấp dẫn khiến người xem đắm chìm hoàn toàn vào nó.
Thường được gọi là nghệ thuật vô hình, việc dựng phim chính là một công việc đầy tính sáng tạo khi sử dụng kỹ thuật biên tập phim ảnh để nối kết các cảnh quay với nhau một cách tự nhiên đến mức mọi chuyển đổi đều liền mạch và diễn ra suôn sẻ, không để lại một dấu vết chỉnh sửa nào.
Trên thực tế, chính sự tinh tế trong kỹ thuật dựng phim đã khiến bộ phận này trở nên hết sức nổi bật trong thế giới điện ảnh.
11. Lồng tiếng (Dubbing)
Lồng tiếng sau khi quay phim là công việc rất cần thiết để làm cho bộ phim trở nên hoàn mỹ hết mức có thể.
Mặc dù các diễn viên đôi khi cũng lồng tiếng cho lời thoại của chính họ, nhưng thường thì chính các nghệ sĩ lồng tiếng sẽ cho mượn giọng nói của họ để nâng cao chất lượng âm thanh và tạo sự thú vị cho người xem. Như vậy, lồng tiếng cũng là một khâu thiết yếu trong quá trình làm phim.
12. Chụp ảnh tĩnh (Still Photography)
Nhiếp ảnh cũng là một trong những điều kiện tiên quyết của quá trình làm phim.
Các bức ảnh và hình chụp khác nhau của các nhiếp ảnh gia sẽ được sử dụng để làm các bích chương và các tài liệu quảng cáo, nhằm làm gia tăng doanh thu tại phòng vé của các rạp chiếu phim.
13. Trang điểm (Makeup)
Vì là một phương tiện sử dụng hình ảnh, nên phim ảnh luôn quan tâm nhiều đến vẻ đẹp bên ngoài của các diễn viên.
Không chỉ vì nhu cầu thẩm mỹ mà thôi, vẻ đẹp bên ngoài của các diễn viên cần phải được trang điểm sao cho thật giống với các nhân vật mà họ đang thể hiện. Trang điểm đóng vai trò thật linh hoạt ngay cả trong việc giúp diễn viên diễn tả cảm xúc.
Nhân viên trang điểm làm việc hết sức mình để thiết kế và điều chỉnh diện mạo của dàn diễn viên và đoàn làm phim sao cho phù hợp nhất với nhân vật của họ trước ống kính.
14. Thiết kế trang phục (Costume designing)
Trang phục luôn cần phải phù hợp với bản chất của nhân vật, giúp mang lại sự rung cảm cho các nhân vật được miêu tả.
Đội ngũ thiết kế trang phục - bao gồm các nhà thiết kế và các nhà tạo mốt tài năng - có nhiệm vụ tạo ra trang phục cho từng nhân vật xuất hiện trong phim.
15. Thiết kế quảng cáo (Publicity Designing)
Trong thời buổi cạnh tranh ngày nay, việc quảng bá cho một bộ phim cũng quan trọng như chính nội dung hấp dẫn của bộ phim.
Việc thiết kế quảng cáo trải dài trên nhiều phạm vi, từ thiết kế áp phích, quảng cáo trực tuyến, đến các buổi gặp gỡ với giới truyền thông để đánh giá phản ứng của công chúng, qua đó nhận định mức độ say mê của khán giả, khi bộ phim được tiếp thị như là một tác phẩm tuyệt vời và đầy thú vị.
Quảng cáo như vậy đóng một vai trò rất lớn trong việc cuốn hút khán giả đến xem phim.
16. Âm thanh (Audiography)
Cho dù là một phương tiện chủ yếu sử dụng hình ảnh, phim ảnh cũng gây biểu cảm nơi nhiều loại giác quan khác nhau, bao gồm cả thính giác.
Vì thế, âm thanh đóng một vai trò khá quan trọng trong việc biến điện ảnh trở thành một phương tiện có tính nghệ thuật đúng nghĩa. Ngay cả với các diễn viên, ngoài ngôn ngữ cơ thể và cách thể hiện cảm xúc, chính những đối thoại của họ đã giúp họ góp một phần rất lớn trong việc tạo ra một bộ phim hay.
Các nhân viên và kỹ sư âm thanh chủ yếu thực hiện 3 công việc: lồng tiếng, thu âm và tạo hiệu ứng âm thanh. Việc triển khai kỹ thuật để làm cho hoàn hảo từ âm thanh nền cho đến cách phát âm và những câu nói được thốt ra, sẽ giúp khán giả nghe rõ để hiểu được nội dung phim với những cảm xúc sâu xa.
17. Điều phối diễn viên phụ (Junior Artist Agents)
Cần có những nhân viên điều phối và sắp xếp để những diễn viên phụ xuất hiện trong các cảnh phim khi được yêu cầu.
18. Diễn viên phụ (Junior Artists)
Ngoài diễn viên chính của phim, tất cả những diễn viên khác xuất hiện trên màn ảnh đều là diễn viên phụ, kể cả nhân vật phản diện.
Tuy nhiên, diễn viên chính, cho dù có hoàn hảo đến đâu đi nữa, thì vẫn cần đến sự xuất hiện của nhân vật phản diện và các diễn viên phụ mới có thể tỏa sáng được.
Ngoại trừ nhân vật phản diện, những diễn viên phụ thường chỉ xuất hiện thoáng qua trên màn ảnh.
Nhưng cho dù chỉ là vũ công làm nền hoặc chỉ là một trong rất nhiều người tạo nên đám đông, không liên quan đặc biệt đến cốt truyện, diễn viên phụ vẫn rất cần thiết cho bộ phim, mà nếu thiếu họ thì cũng không hoàn thành được bộ phim.
19. Điều hành sản xuất (Production Executives)
Nếu nhà sản xuất phim (producer) là người bỏ tiền của mình vào dự án làm phim, thì vị điều hành sản xuất (production executive) là người chịu trách nhiệm chính.
Công việc của nhà điều hành sản xuất bao gồm tất cả các khía cạnh của việc làm phim, từ giám sát việc phân bổ tiền để đáp ứng tất cả các yêu cầu, đến việc xin phép quay ngoại cảnh, giám sát việc sản xuất dưới góc độ kỹ thuật...
20. Trợ lý sản xuất (Production Assistants)
Trợ lý sản xuất là những người làm việc xung quanh phim trường (sets of movies) trong tư cách là các trợ lý phim trường (set assistants, set boys).
Từ những trợ lý văn phòng xử lý điện thoại, giao hàng và viết kịch bản, cho đến những trợ lý có nhiệm vụ đảm bảo rằng buổi quay không bị cắt ngắn vì những xáo trộn bên ngoài, tất cả đều là những trợ lý sản xuất, đều tham gia vào việc sản xuất ra bộ phim với các năng lực khác nhau trong suốt quá trình làm phim.
21. Kỹ thuật viên ngoại cảnh (Outdoor Unit Technicians)
Các kỹ thuật viên ngoại cảnh là những người chăm lo kỹ thuật của việc quay ngoại cảnh, bao gồm: những người xử lý máy quay khi máy quay không được sử dụng đến, những người thợ điện đảm bảo việc cung cấp điện không bị gián đoạn, những người lo khâu an ninh cho toàn bộ đơn vị quay phim…
22. Người dọn dẹp và tài xế xe phim (Production Women and Cinema Drivers)
Người dọn dẹp của đoàn phim (Production women) thực hiện tất cả các công việc dọn dẹp trong cơ sở quay phim dưới sự chỉ đạo của các trợ lý sản xuất.
Tài xế xe phim là người điều khiển phương tiện di chuyển, đồng thời trông coi máy phát điện và các thiết bị khác trong xe quay phim.
23. Ánh sáng ngoài trời (Outdoor Light)
Ánh sáng là yếu tố quyết định trong các bộ phim, tác động trên cảm xúc của người xem tùy theo mức độ hấp dẫn và thẩm mỹ của ánh sáng và bóng tối.
Cũng giống như kỹ thuật quay phim, ánh sáng ảnh hưởng trên máy quay phim đến mức độ nó có thể xây dựng hoặc phá vỡ bộ phim. Để điều chỉnh yêu cầu này của ánh sáng, những người phụ trách đèn ngoài trời phải làm việc suốt ngày đêm trên phim trường để sắp xếp các thiết bị và công cụ chiếu sáng cần thiết.
24. Công nhân xưởng phim (Studio Workers)
Công nhân xưởng phim - gồm các thợ đúc, thợ sơn, thợ mộc, thợ điện… - là những người làm việc dưới sự hướng dẫn của người chỉ đạo nghệ thuật, giúp vị này thiết kế phim trường, màu sắc của địa điểm… Các phim trường ngoạn mục trở thành điểm thu hút khách du lịch sẽ không thể hình thành nếu không có sự tham gia của các công nhân xưởng phim.
KẾT LUẬN
Làm một bộ phim truyện để xem trong vài giờ đồng hồ thôi mà phải kinh qua cả một quá trình 24 khâu chủ yếu, rất bài bản chi li như thế. Còn ‘bộ phim đời mình’ kéo dài suốt cuộc sống trần gian và còn dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu nữa, thì cần phải thực hiện như thế nào?
Ước gì những đối chiếu này sẽ làm cho ta cảm thấy cần phải nghiêm túc hơn trong việc xây dựng cuộc đời của mình, và gợi cảm hứng để cộng tác với nhau mà thực hiện được những bộ phim truyện loan báo Tin Mừng đầy lý thú và sinh nhiều hoa trái.
Vi Hữu (TGPSG) 22.7.2021
Benedict Rajkumar (Giảng viên khóa TOT 6.2021)
bài liên quan mới nhất
- Phim ngắn “Đứa con thất lạc” được thực hiện với công cụ AI
-
Mở án phong chân phước cho Sơ Clare Crockett -
Phim ngắn ‘Hãy cho tôi vào’: Tiếng cầu cứu nhức nhối -
Gặp gỡ vị linh mục đóng vai Chúa Giêsu trong phim ngắn ‘The Word’ của Ấn Độ -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
"Kinh Dâng Hiến": Hành trình trở về từ vực sâu -
Tình bạn với Chúa và với nhau trong Phim ngắn “Sứ mệnh 2” -
Giải tỏa nỗi niềm cùng với Đức Giêsu trong phim ngắn “Sứ Mệnh 1” -
Phim “Bức Tượng”: Hành trình dẫn đến niềm tin -
Cấu trúc phim “Cuộc Gọi” và hình ảnh Đức Mẹ
bài liên quan đọc nhiều
- Trong sương mù của “vỏ kén vàng”
-
Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới -
Đạo đàm mùa Chay 2023 với Phim ảnh -
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
Phim “For Love Alone - Chỉ vì yêu thương” -
Bộ phim 'Linh mục Stu' phát hành vào cuối tuần Phục Sinh 2022 -
Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con” -
Phim ngắn 2 phút mô tả sức mạnh từ gương sáng của người cha