Ban Mục vụ Gia đình: Chung kết Cuộc thi viết về “cha”

Ban Mục vụ Gia đình: Chung kết Cuộc thi viết về “cha”

WGPSG -- Người Công giáo con cháu Lạc Hồng sống “đạo hiếu” theo truyền thống dân tộc, cũng là giới răn thứ tư trong Mười điều răn Đức Chúa Trời. Ðây là nét đẹp của người Công giáo Việt Nam.

Với mong muốn khơi gợi và làm sống lại giá trị nhân bản trong nếp sống gia đình và xã hội ngày nay, đặc biệt là chữ hiếu, Cuộc thi Chung kết “Viết và Thuyết trình về Cha” đã được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn lúc 14g30 ngày 14/3/2012.

Đến tham dự Cuộc thi có Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục Giáo phận Vinh kiêm Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc HĐGMVN, Cha Tổng Đại diện TGP TPHCM GB Huỳnh Công Minh, Cha Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn, xơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP - Đặc trách chuyên đề, Ban Giám khảo cùng hơn 300 tham dự viên.

Tổng cộng có 19 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng, Kontum, Bình Thuận, Sài Gòn, Cần Thơ... Các bài thi được thí sinh trình bày bằng cả con tim của mình, đã để lại cho người tham dự những cảm xúc dạt dào, yêu thương dành cho người cha mình. Không ít lần tham dự viên và thí sinh cùng nghẹn ngào, xúc động và đồng cảm khi trình bày về người cha, một người cha thật tuyệt vời hay chưa hoàn thiện, dù còn hay đã khuất núi:

- Người cha tuyệt vời

Có những người cha đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, làm đủ mọi ngành nghề cho con cái ăn học thành nhân, thành tài; đã cùng con băng rừng lội suối mấy ngày trời để đưa con ra huyện học hành... Để tỏ lòng tri ân công ơn của cha, qua bài thơ “Cha mình”, thí sinh Nguyễn Thi Thanh Hương đã diễn tả:

Cánh cò cõng nắng còn mòn mỏi
Cha cõng tháng ngày đổi cái ăn
Mai sau hết cảnh nhọc nhằn
Con nên người tốt công danh giữa đời
(...)

Khi nói về phương pháp giáo dục con cái của cha mình, thí sinh Nguyễn Thị Bình Tâm đã kể về “Nguyên tắc vàng của cha tôi”:

1. Luôn có mặt trong bữa cơm gia đình
2. Luôn có mặt trong giờ kinh gia đình
3. Luôn có mặt trong giờ ngủ

Lúc đầu bản thân chị rất khó chịu, nhưng dần theo năm tháng, những nguyên tắc này đã ăn sâu vào suy nghĩ và cách sống của chị và gia đình chị, để rồi hiện nay, vấn đề không phải là “giờ ăn, giờ ngủ, giờ kinh sách” mà điều quan trọng là “luôn có mặt”.

- Người cha đau khổ

Thế nhưng, vẫn có những người cha chịu thương chịu khó, ước mong tạo điều kiện tốt cho con cái nên người, nhưng sóng gió cuộc đời cứ mãi đeo bám và không chịu buông tha. Cảm thương hoàn cảnh gia đình và đặc biệt nhớ về người cha, nhân ngày giỗ 21 năm, anh Nguyễn Minh Thông ở Đà Nẵng (bị liệt), đã nhờ em gái vào trình bày bài thơ “Phận làm cha”:

Chúa trao bổn phận làm cha
Lao khổ làm ăn nuôi cả nhà
Không trách không than khi chạy vạy
Chẳng buồn chẳng tủi lúc bôn ba
(...)

Cảm động thay, khi anh A Lăng Tạo - Dân tộc C’tu, sinh viên năm cuối trường Đại học Kỹ thuật TP.HCM, đã thổn thức khi nói về cha: Vào năm 1998, khi con được nhận giấy báo nhập học cấp 2 tại huyện, đó cũng là vào mùa mưa lũ tràn về, đường đi đến trường phải mất 3 ngày đi bộ, trên con đường rừng quanh co, hiểm trở ấy, và biết bao đồi dốc, sông suối hung dữ, cha vẫn dẫn con đến huyện học, vì mong ngày mai đời con tươi sáng, đến bây giờ con vẫn còn nhớ lời cha năm nào: “Cha mẹ không biết chữ, thì con phải biết chữ con ạ, để sau này con bớt khổ”.

Anh Phạm Lê Anh Kiệt (khiếm thị), sinh viên Đại học Khoa học Huế, đã xóa đi sự tự ti mặc cảm, khẳng định mình tàn nhưng không phế khi viết bài thơ “Tảo mộ” để tưởng nhớ về người cha đã quá cố, dù chỉ bằng sự tưởng tượng của mình:

Chiều xuân nhạt nhạt nắng trở chiều
Bên đồi thanh vắng gió hiu hiu
Thao thức nắm mồ hay màu áo?
Cỏ rộn chân trời bóng liêu xiêu
Con nghĩ về cha con biết yêu
Xuân qua xuân lại có bao nhiêu
Cuộc đời lam lũ qua sương gió
Mưa nắng chở che bốn năm chiều
(...)

- Người cha chưa hoàn hảo

Bên cạnh đó, thực trạng gia đình không thiếu những người cha “Chưa hoàn hảo” như: say rượu, bất tài, ỷ lại... Thế nhưng, hình ảnh người cha vẫn luôn in sâu vào tâm trí người con.

Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng không ngần ngại kể về người cha bê tha, rượu chè của mình. Chị đã nhiều lần cố quên đi người cha ấy, nhưng càng cố quên thì trái tim càng u uất, nặng nề và không thể quên được... Để rồi, khi mẹ chị đau bệnh, cha chị đã thức dậy thật sớm để nấu cháo cho vợ, lo các công việc trong gia đình thường ngày của vợ con... Lúc đó, sau 25 năm, chị mới nhận ra những điều tốt đẹp của người cha. Nghĩ lại, ngoài lúc say rượu ra, cha chị cũng chịu khó và có óc sáng tạo, lại khéo tay và có hiếu với bà nội.

Ngược lại, thí sinh Nguyễn Thanh Tùng, qua bài dự thi “Thư gửi ba”, đã viết: “...Con ghét bia rượu! Con ghét cái mùi hôi hám đó!” - Anh đã từng nhiều lần hét lên như thế mỗi khi ba say...

Rồi như truyện cổ tích: Ba bỏ rượu và trở thành Ủy viên giáo họ - chức vụ đầu tiên trong cuộc đời ba tại giáo xứ. Giờ đây anh tự hào về ba, và cảm nghiệm trong lòng lời tạ ơn Thiên Chúa.

- Người cha tinh thần

Đối với đạo Công giáo, người cha tinh thần, người cha thiêng liêng vẫn luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp cho những người con. Tuy không có công sinh nhưng có công dưỡng... Nữ tu Maria Catarina Phan Thị Linh, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Giáo phận Huế, đã đi xe lửa từ Huế vào Sài Gòn, với ước mong được bày tỏ lòng lòng tri ân đối với Đấng Sáng lập Hội Dòng, Đức cha Eugène Maria Joseph, qua bài thơ “Lặng thầm bên cha”:

Lặng nhìn cha vùi sâu trong lòng đất
Một cuộc đời vẹn nghĩa khúc yêu thương
Hai ba tuổi đã hăng hái lên đường
Gieo chân lý tình thương vào đất Việt
(...)
Tri ân cha! Tâm tình người con nhỏ
Ước mong đời bỏ ngỏ lối yêu thương
Gieo tin yêu đến khắp mọi nẻo đường
Cho cuộc sống tràn tình thương nhân ái
(...)

- Cha là ngọn núi Thái Sơn

Anh Phạm Duy ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai đến cổ động cho thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hương bộc bạch: Lắng nghe các bài thi, đặc biệt các bài trình bày về người cha đã khuất núi, tôi thật xúc động và nhớ về công ơn của cha mình! Thế nhưng, ơn sâu nghĩa nặng này mấy ai hiểu thấu!” Bài thơ “Cao dần một ngọn Thái Sơn” của thí sinh Bùi Văn Bồng đã giúp chúng ta hiểu rằng: Chỉ qua năm tháng, hình ảnh người cha mới đi sâu và lớn lên trong lòng người:

Trong lòng con núi Thái Sơn
Dáng hình cao ngất, gió vờn mây bay
Núi cao thêm mỗi tháng ngày
Cứ theo tâm tưởng đắp dày công cha
(...)

Nhận xét về cuộc thi, Đức cha Phaolô phát biểu: “Có bài báo đã phân tích: Giới trẻ ngày nay có nhiều thách đố, căng thẳng, xung đột với cha của mình! Vì vậy, cuộc thi đã giúp cho người trẻ nhận thức được “người cha” phải là “cái nóc”, là “núi Thái Sơn” trong tâm trí họ”. Ngài cầu chúc cho chất lượng cuộc thi ngày càng đa dạng và tốt đẹp hơn.

Trong giờ giải lao, cả Hội trường đã sôi động hẳn lên với những tiết mục thật bất ngờ và đặc sắc của Ảo thuật gia Hoàng Thiên và tiếng hát của ca sĩ Thanh Sử.

Kết quả Cuộc thi:

Lúc 17g45, Ban Giám khảo đã công bố kết quả:

Thể loại Văn:

Giải nhất - Thí sinh Nguyễn Thanh Tùng với bài dự thi “Thư gửi ba”
Giải nhì - Thí sinh Nguyễn Thị Bình Tâm với bài dự thi “Nguyên tắc vàng của cha tôi”
Giải ba đồng hạng - Thí sinh Nguyễn Thành Công với bài dự thi “Cha tôi”
Giải ba đồng hạng - Thí sinh Bùi Đức Dương (Dân tộc Mường) với bài dự thi “Bố tôi”

Thể loại Thơ:

Giải nhất - Thí sinh Nguyễn Thi Thanh Hương với bài dự thi “Cha mình”
Giải nhì - Thí sinh Phạm Lê Anh Kiệt (khiếm thị) với bài dự thi “Tảo mộ”
Giải ba - Thí sinh Phan Thị Linh với bài dự thi “Lặng thầm bên cha”

Cuộc thi khép lại lúc 18g00, mọi người ra về mang theo những tâm trạng, những suy nghĩ khác nhau về người cha của mình, nhưng chắc chắn sẽ yêu thương, kính trọng và biết ơn cha của mình nhiều hơn nữa. Xin một lòng khắc sâu tâm tình tri ân cha mẹ:

Ơn nghĩa mẹ cha thắm cuộc đời
Dù con bay nhảy đến muôn nơi
Tình cha muôn thuở hằng soi lối
Ơn nghĩa mẹ hiền sáng trăng trôi.

Top