Bài học về đức tin từ một trong những họa sĩ vĩ đại nhất
TGPSG / OurSundayVisitor -- Người ta nói rằng một bức tranh có giá trị hơn hàng ngàn lời nói. Điều này đặc biệt đúng trong bức tranh “Bữa tối ở Emmaus” của họa sĩ Michelangelo Caravaggio (1570-1610), một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thời kỳ Baroque Ý.
Bức tranh mô tả bốn nhân vật: Chúa Giêsu và hai môn đệ đang ngồi ăn cùng nhau, còn người giữ quán trọ hoặc người hầu bàn thì đứng gần đó.
Trong Tin Mừng theo Thánh Luca (24,13–35), hai môn đệ đang đi bộ từ Giêrusalem đến Emmaus, một thị trấn cách thành thánh vài dặm. Trên đường đi, có một người lạ đến cùng đồng hành. Họ cùng nhau bàn luận về những biến cố gần đây, trong đó quan trọng nhất là việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Người lạ bắt đầu giải thích ý nghĩa của những sự kiện ấy.
Khi đến Emmaus, họ ghé vào một quán trọ để nghỉ và dùng bữa. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và bẻ ra. Ngay lập tức, hai môn đệ nhận ra người lạ chính là Chúa. Ngài đã sống lại từ cõi chết! Ngài đang cử hành Bí tích Thánh Thể. (Các Kitô hữu đầu tiên gọi Bí tích Thánh Thể là “nghi thức bẻ bánh.”)
Đức tin chuẩn bị tâm hồn để thấy phép lạ
Caravaggio là một thiên tài, với khả năng phi thường trong việc khắc họa cảm xúc và phản ứng của con người trên gương mặt nhân vật ông vẽ.
Trong bức tranh này, Chúa Giêsu bình thản và nghiêm trang. Ngài đang trao ban Thánh Thể cho các tín hữu, cũng như Hội Thánh vẫn làm điều ấy trong Thánh Lễ ngày nay.
Hai môn đệ thì sững sờ, bàng hoàng. Trên gương mặt họ hiện rõ đức tin. Họ nắm bắt được sự thật rằng một phép lạ – được quyền năng Thiên Chúa thực hiện – đang xảy ra ngay trước mắt họ. Trong tấm bánh, họ thấy thân thể Chúa Giêsu – Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Trong chén rượu, họ thấy máu châu báu của Chúa, vừa mới đổ ra vì họ và vì tất cả tội nhân. Rõ ràng, họ thấy Chúa Kitô đang sống — trong “nghi thức bẻ bánh” (Lc 24,35)!
Nhờ có đức tin, các môn đệ đã lập tức nhận ra Chúa Giêsu. Họ hiểu điều đang diễn ra: Chúa đã chiến thắng sự chết. Ngài đang trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài, hoàn tất chính lời Ngài đã phán trong bữa Tiệc Ly, rằng phải lặp lại phép lạ ấy — trao ban Thân Mình và Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng tâm linh những ai tin.
Ngược lại, nét mặt của người giữ quán trọ biểu lộ sự không hiểu gì. Ông ta không thấy điều gì phi thường, vì ông không có đức tin. Gương mặt ông chỉ phản ánh sự tò mò mơ hồ về việc Chúa Giêsu đang làm gì, và tại sao điều đó lại khiến hai người kia xúc động đến thế.
Caravaggio đưa ra một bài học: Đức tin mở mắt con người. Đức tin nối kết những mảnh ghép. Đức tin soi sáng bóng tối.
Thiên Chúa không áp đặt đức tin lên chúng ta
Đức tin nơi Thiên Chúa và nơi Chúa Kitô không phải là một linh cảm, một giải pháp cuối cùng, hay một điều ước mơ hồ sinh ra từ tuyệt vọng hoặc hoang mang. Đức tin mang lại sự nhận thức, cái nhìn sâu sắc.
Đức tin được ban cho một số người, như các môn đệ trên đường Emmaus, nhưng không phải cho tất cả, như người giữ quán trọ. Đức tin là một món quà từ Thiên Chúa, nhưng không phải là sự may mắn được phân phát ngẫu nhiên theo ý thích của Ngài. Đức tin không bị áp đặt lên ai cả. Mặc dù ân sủng của Thiên Chúa là điều không thể thiếu, thì sự sẵn lòng của con người trong việc chấp nhận giá trị và tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc về Thiên Chúa cũng rất quan trọng.
Sự khiêm nhường là điều kiện để đón nhận món quà đức tin. Mà để khiêm nhường — tức là biết nhận ra giới hạn bản thân, từ bỏ sở thích cá nhân, và kiềm chế bản năng — đòi hỏi sự quyết tâm.
Đức tin không dành cho những người thiếu xác tín hoặc hờ hững. Đức tin không phải là nắm bắt lấy hy vọng mong manh hay một cách để “cảm thấy dễ chịu”.
Tin Mừng theo Thánh Luca nêu tên một trong hai môn đệ trên đường Emmaus là Clêôpát (Lc 24,18). Trong Tin Mừng Gioan có nhắc đến “Maria, vợ ông Clôpát”, có mặt khi Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 19,25). Phải chăng chồng của Maria cũng chính là người môn đệ trên đường Emmaus?
Nếu đúng, thì rất có thể Clêôpát đã nghe vợ kể tường tận về cái chết của Chúa — một thất bại và là dấu chấm hết, theo cách nhìn của con người. Thế nhưng, trên đường đến Emmaus, ngay cả trước bữa ăn, Clêôpát vẫn tin. Bằng cách nào đó, bất chấp nỗi kinh hoàng của thập giá, ông vẫn biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ thế gian.
Tác giả: Đức Cha Owen F. Campion
Biên dịch: Viên Dung (TGPSG) theo Our Sunday Visitor
bài liên quan mới nhất

- Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng
-
Không có gì là vô giá trị trong tay Chúa -
Đức Thánh Cha Phanxicô yêu mến Đức Mẹ và đầy tình thương xót -
Phục vụ trẻ bất hạnh tại Bê Lem -
Trên Quảng trường Thánh Phêrô, thế hệ Phanxicô tiễn biệt vị Giáo hoàng của mình -
Dịu dàng: Cuộc Cải Cách của Đức Phanxicô -
Người nghèo tiễn biệt lần cuối Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong lễ an táng -
Các lãnh đạo Hồi giáo: ĐTC Phanxicô mẫu gương đối thoại liên tôn -
Ngôi mộ của ĐTC Phanxicô nói lên cuộc đời ngài -
Đức Thánh Cha Phanxicô mang thông điệp thương xót đến cho Châu Phi
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita”