Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh
Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thánh
Lc 2,22-40
“Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh,
dành cho Chúa” (Lc 2,23)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa được nghe một câu chuyện rất đẹp về cuộc đời của Chúa Giêsu Chúa của mọi người chúng ta. Câu chuyện này xảy ra vào lúc Giêsu mới được sinh ra. Câu chuyện có liên hệ đến những người làm cha mẹ và một người làm con.
1 Câu chuyện có liên với Đức Mẹ và Thánh Giuse.
Chúng con biết theo luật của Cựu ước, Thiên Chúa truyền dạy cho dân Do thái phải dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, để con người nhìn nhận quyền phép Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người, và trời đất muôn vật. Do đó, hôm nay chúng con thấy Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, đã đem Chúa Giêsu Hài Đồng người con yêu dấu của mình lên đền thánh Giêrusalem mà dâng cho Thiên Chúa.
Chúng ta hãy tập dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Chúa muốn.
Nhưng cha hỏi chúng con: Chúa muốn chúng ta dâng cho Chúa những gì đây ? Chúng ta có thể dâng cho Chúa tất cả mọi sự: những đau khổ khó khăn trong cuộc sống, những vui buồn chúng ta gặp trên đời, những thành công thất bại vv và vv. Có lần Chúa nói với thánh Giêrônimô rằng Chúa ngài còn muốn chúng ta dâng cả tội lỗi của mình nữa. Lạ quá dâng tội lỗi để làm gì ? Thánh nhân ngạc nhiên hỏi Chúa thì Chúa bảo để Chúa tha thứ cho. Ôi thật lạ lùng tình thương của Chúa. Riêng đối với cha thì cha thích dâng cho Chúa những lời tạ ơn vì cha cảm thấy mình nhận được nhiều ơn Chúa quá
Chúng con hãy nghe câu chuyện này:
Vào buổi sáng kia, một cô giáo dạy nhà trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tật đẹp trên chiếc khăn bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những bông hoa màu vàng nhạt và em nói với cô giáo:
- Có phải Chúa đã làm ra những bông này phải không ? Em muốn gọi dây nói để cám ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp như thế.
Câu nói của em bé làm cha cảm động quá.
Nhưng rồi tự nhiên cha lại cảm thấy buồn. Chúng con biết tại sao không ?
Tự nhiên cha nhớ đến câu chuyện này: Hồi ấy có hai Thiên Thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà những người giàu có cũng như những người nghèo khổ để thăm mọi người, trẻ em cũng như người già nhân tiện cũng để điều tra xem con người cầu nguyện với Chúa như thế nào.
Sau một thời gian hai Thiên Thần gặp lại nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời.
Chiếc giỏ của một Thiên Thần thì nặng như chì, con chiếc giỏ của Thiên Thần kia nhẹ như bông gòn.
- Anh mang gì mà nặng nề thế. Một Thiên Thần hỏi:
Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời:
- Tôi thâu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại.
- Còn anh, cái giỏ của anh sao mà có vẻ nhẹ thế ?
- À tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ cám ơn Chúa vì những ơn lành Người thương ban cho họ. Buồn quá chúng con.
Cha nhớ Chard Edman sau khi chú giải đoạn Tin Mừng về việc Chúa chữa 10 người phong cùi, có nói: “ Có lẽ 9/10 người ta sẽ quên những ơn người ta nhận được”.
Chúng ta đừng vô ơn với Thiên Chúa như thế chúng con. Hãy luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh như lời Thánh Tông đồ nhắc nhở mọi người chúng ta ngày tết vừa qua.
2. Tiếp đến câu chuyện có liên hệ tới Chúa Giêsu.
Về Chúa Giêsu thì Tin Mừng ghi: Ông Simêon bồng bế Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Chúa Giêsu được ca tụng là Ánh Sáng cho muôn dân.
Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Báo nguyệt san Missi xuất bản tại Paris nước Pháp, vào đầu tháng một năm 1950, đã kể lại lịch sử con “Đom Đóm” như thế này: đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 749 kể từ ngày lập nước Roma, là đêm Chúa cứu thế Giáng Sinh. Ngôi sao lạ chiếu sáng cả một góc trời. Thế mà hang lừa, nơi Đức Mẹ sinh Chúa cứu thế lại tối đen như mực. Trời đông đã lạnh như buốt, mà gió heo may còn lùa hơi lạnh vào thân. Thánh Giuse phải bịt kín cửa hang lại, nên Đức Mẹ không thấy đường lấy áo mặc cho Chúa Hài Đồng. Nhưng kìa một con sâu nằm dưới rơm rạ, cảm thấy nỗi lúng túng của Đức Mẹ, liền bò ra khe cửa, giơ tay hứng lấy một luồng sáng của ngôi sao lạ. Con sâu cẩn thận, giấu ánh sáng trong lòng bàn tay, rồi bò trở vào. Nó bò lên gấu áo Đức Mẹ, rồi bò lên cao nữa, cho đến khi ngang tầm mắt Đức Mẹ, nó liền mở tay ra, tức khắc một luồng sáng bất ngờ tỏa xuống mặt Hài Nhi. Đức Mẹ sung sướng được nhìn con lần đầu tiên. Bà vội vã lấy áo mặc cho con. Xong xuôi rồi, Đức Mẹ nâng con sâu lên, rồi âu yếm nói: “Cảm ơn sâu đã vô cùng tế nhị, cảm thông nỗi khốn khổ của ta, và đã không ngại hy sinh giúp đỡ ta. Này đây, ánh sáng sâu đang giữ, Ta đã xin con Ta cho sâu được giữ nó mãi mãi. Mỗi khi màn đêm bao trùm vạn vật, sâu hãy bay lên giữa vòm trời, tỏa ánh sáng xanh xanh huyền diệu cho môi tạo vật. Và từ nay, thiên hạ sẽ không gọi ngươi là con sâu nữa, mà gọi ngươi là con Đom Đóm vì con mang ánh sáng.
Chúng con có biết: Tại sao Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh được cử hành vào ban đêm không ? Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho giáo dân dự lễ ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca “đêm thánh vô cùng”) ? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm ?
Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do căn bản nhất là : Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như Ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu ; Ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Thực ra, các sử gia chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Nhưng Giáo Hội đã chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Ngài vì hai lý do :
a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm.
b/ Xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo.
Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan mọi tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.
Ánh sáng là thứ quan trọng khiến Chúa đã tạo thành nó trước cả khi tạo dựng trời đất. Sách Sáng Thế Ký nói với chúng ta điều đó. Một khi đã có ánh sáng, thì nhiều sự vật tươi đẹp cũng hiện hữu theo đó.
Nếu quan sát xung quanh, chúng ta thấy rằng ánh sáng giúp chúng ta trong rất nhiều phương diện. Chẳng hạn, ánh sáng mặt trời làm cây cối phát triển, sưởi ấm và hong khô áo quần chúng ta. Nhờ ánh sáng, chúng ta nhìn thấy những vật chung quanh. Ánh sáng như phương dược tiêu diệt nhiều loại vi trùng.
Chúng ta thường treo những dây đèn sáng để trang hoàng nhà cửa trong ngày lễ hội, tiệc tùng. Chúng ta đốt đuốc thắp đèn để soi đường đi, cũng như hấp dẫn cá để đánh bắt trong đêm.
Ngược lại, đêm tối là lúc nghỉ ngơi. Không có gì phát triển trong bóng tối. Nếu trời tối quá lâu, mọi thứ sẽ chết. Chúng ta cũng gán cho bóng tối là giờ của tội lỗi giờ của hành vi xấu, giờ của Satan. Chúng ta cảm thấy bất ổn và sợ sệt những khi tăm tối. (Frank Mihalic)
Lạy Chúa Giêsu Ánh sáng,
Xin hãy chiếu tỏa vào tâm hồn mọi người chúng con để chúng con thấy được hạnh phúc vì chúng con được làm con Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B