Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Thường niên năm C

Lc 6,27-38
"Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha."

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng hết sức độc đáo của Chúa Giêsu do thánh Luca ghi lại.

Đây là câu chuyện nói cho chúng ta biết về lối sống của Chúa Giêsu cách tuyệt với nhất.

Vậy thử hỏi Chúa đã sống như thế nào? Thưa Chúa đã sống trọn vẹn lý tưởng yêu thương mà Chúa luôn giảng dạy. Bài Tin mừng hôm nay là một minh chứng cụ thể.
Cha hỏi chúng con: sống yêu thương là sống như thế nào chúng con?
Có nhiều cách nhưng cách rõ rệt và cụ thể nhất đó đó là phải biết tha thứ cho nhau.
Cha hỏi tiếp:
- Tại sao phải tha thứ chúng con? Thưa vì hận thù sẽ làm cho cuộc sống này mất đi nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Cha chắc chúng con còn nhớ lời của nhà văn Alfred D'Souza mà cha đã nói với chúng con tuần trước: Đời sống có hạnh phúc hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ và cách sống của mỗi người" Vậy thì muốn có hạnh phúc chúng ta không được nuôi dưỡng cưu mang hận thù trong lòng. Sẽ chẳng có hạnh phúc cho những ai cứ nuôi dưỡng cưu mang mãi trong lòng sự hận thù và đeo đuổi mãi sự báo thù trong cuộc sống của mình.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Đây là câu chuyện do nhà Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể. Câu chuyện như sau: có một người hành khất kia đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy một hòn đá ném vào người hành khất

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng, ông đi theo đoàn người áp tải, tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng trong lòng ông.
Nhưng cuối cùng khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại mang nặng hòn đá từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây cũng chỉ là một kẻ khốn khổ đâu có hơn gì ta”.

Hận thù tai hại như thế đó chúng con.

Thánh Mahasma Gandhi nói: "Thế Giới đã mệt mỏi vì hận thù. Tôi cảm thấy không thể nào chất chứa trong lòng sự hận thù oán ghét đối với bất cứ một tạo vật nào. Nhờ sự huấn luyện lâu năm trong việc tự chủ và cầu nguyện, hơn 40 năm nay, tôi đã chấm dứt được sự giận ghét và oán thù bất cứ một người nào. Kẻ thù của bạn sẽ đầu hàng khi bạn làm cho họ kiệt sức, nhưng họ sẽ chịu thua khi tâm hồn bạn từ chối, không tiếp tục sử dụng bạo lực nữa. Một trái tim dù chai đá tới đâu cũng trở nên mềm mại trong lò lửa của Tình yêu"
Karl Menninger nói: "Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận".

Lev Tolstoy còn nói mạnh hơn "Tình yêu diệu kỳ. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống".Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy điều đó.
Một hiệp sỹ dũng cảm tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng, ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy giữa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.
Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng chữ Latinh câu này: "Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục".
Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi Ngài bị đánh đòn, với hàng chữ "Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa".

Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập Giá, hàng chữ là: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm". Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà với nhau. (Góp nhặt)

Đọc trong lịch sử của các vĩ nhân trên thế giới, cha thấy Mục sư Martin Luther King là người đã biết đem tình yêu vào cuộc sống một cách rất tuyệt vời.
Lịch sử còn ghi lại: Ngày 4-4-1968 mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hằng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông.

Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để ôn hòa đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc mầu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia  đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.

Những ai đã nghe nói về Martin Luther King đều không thể quên được tinh thần yêu thương tha thứ của ông với những bất công do nạn kỳ thị chủng tộc gây ra. Câu chuyện sau đây do ông kể lại là một bằng chứng:
Chú bé da đen tên là Tom, theo thói quen, vừa tan trường là chạy đi phân phát báo cho các trường để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Hôm ây chú bé bất ngờ mót tiểu quá, thay vì chạy đến một gốc cây hay là bờ tường, nó chạy ngay vào nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng, vừa để tiểu và cũng vừa để cho biết một lần.

Được vào trong nhà vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, Tom thấy sung sướng. Bất ngờ Tom nghe có tiếng chân người bước nhanh đập trên nền nhà đi về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở trong đó, chưa kịp phản ứng gì thì em đã bị người da trắng vừa mới ập tới, đánh Tom một cái làm em ngã dúi vào nhà vệ sinh. Kèm theo với cái đạp lên thân đó là những lời nguyền rủa thằng bé da đen đã dám vi phạm luật lệ của bang Alabana Mỹ. Theo đó thì người da đen bị cấm không được bén mảng đến những nơi dành cho người da trắng, kể cả nhà vệ sinh.
Được chứng kiến cảnh đau lòng trên, ông Martin Luther King khuyên chú bé Tom da đen:
- Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi, cháu có thể lựa chọn giữa hai thái độ, hoặc là cháu nhanh chạy ra khỏi nhà vệ sinh kia nhặt những cục đá lên rồi liệng vào người da trắng đã hạ nhục cháu kia, rồi cháu chạy về khu vực của người da đen và đề nghị với những người da đen như thế này: Một ngày kia, chúng mình sẽ giết sạch những người da trắng.

Nhưng cũng còn một thái độ, một sự lựa chọn khác nữa cao thượng hơn thái độ trên đây nhiều, đó là cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giêsu ngày xưa, Ngài cũng đã bị người ta xô té mấy lần trên đường vác thập giá. Nhưng lần nào cũng thế, Ngài cũng chỉ im lặng, chỗi dậy để tiếp tục đi đến đồi Golgotha. Cháu hãy tha thứ cho người da trắng kia đã hạ nhục cháu. Cháu Tom ơi!  Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da đen Hoa- Kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương mới làm được việc đó!

Chúng ta hãy nhớ: "Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận".Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top