Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Thường niên năm A
Mt 5,17-37
“Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri;
Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.(Mt 5,17)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Lời Chúa chúng ta vừa nghe nói với chúng ta về giá trị của Lề Luật trong cuộc sống.
Luật là do Thiên Chúa ấn định. Luật luôn đi liền với hiện hữu, nói một cách dễ hiểu hơn thì Luật luôn có mặt và tồn tại cùng với tất cả những gì có trên đời.
Khi vũ trụ được dựng nên, ta thấy có Luật vũ trụ.
Khi con người và thế giới được hình thành ta thấy có luật tự nhiên. Rồi kể từ đó luật luôn có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống con người.
Trên trời chúng ta thấy có luật hàng không. Dưới nước chúng ta thấy có luật đường thủy, đường sông v…v…
Trong các sinh hoạt của con người trong vũ trụ, ở đâu chúng ta cũng có luật kèm theo.
Ngày 8 tháng 2 năm 2020, gõ nhẹ vào phím tìm từ “Luật” trong máy vi tính, Google cho chúng ta một kết quả thật đáng kinh ngạc: Khoảng 162.000.000 kết quả (0,39 giây). Xét như thế thì chúng ta thấy luật bao trùm chi phối mọi lãnh vực của cuộc sống con người.
A. Luật của CUỘC SỐNG.
Cha hỏi chúng con luật nhiều như thế nhưng có luật nào quan trọng và được nhiều người đặt mình dưới sự chi phối của Luật đó hay không ?
Có ba thứ luật này. Đó là Luật rừng, luật công bằng, luật bác ái yêu thương.
1. Luật Rừng.
Tại sao người ta gọi luật này là Luật rừng ? Sở dĩ người ta đặt tên như thế bời vì loại luật này là luật của cầm thú, luật dựa trên sức mạnh, dựa trên cơ bắp chứ không dựa trên bất cứ giá trị tốt đẹp nào của con người.
Ngày nọ các anh chị bự trong rừng bắt được một con chiên xả ra làm 3 phần. Sư tử, cọp, beo, gấu họp nhau để chia. Sư tử đứng ra chia:
- Phần thứ nhất thuộc về tao vì tao là Vua thú vật nên hưởng trước hết.
- Phần thứ hai thuộc về tao vì tao có công nhiều. Tao lớn tiếng, rộng họng la lối nên chiên mới hoảng sợ không dám chống cự nên tụi bay mới bắt được nó và nó vì sợ tao nên mới dừng chân để chúng bay bắt.
- Còn phần thứ ba, đứa nào ngon giỏi nhào vô lấy đi… sẽ biết tay tao…
Beo, gấu cúp đuôi, cụp tai, cúi đầu rút lui, không con nào dám tranh cãi.
Đó là luật rừng.
2. Luật Công Bằng.
Luật công bằng có từ thời Môisen. Lúc này cuộc sống con người đã khá hơn. Chúa làm ra luật này để Môisen dùng mà trị nước. Luật này được đặt trên một nguyên tắc: Mắt thế mắt, răng đền răng. Đây là luật có đi có lại.
Chúng ta hãy nhìn lên đỉnh đồi Golgotha lúc Chúa Giêsu bị hành hình một cách hết sức bất công và tàn nhẫn. Hãy nhớ lại những gì xảy ra lúc đó. Giữa những tiếng sỉ nhục của bao người dành cho Chúa, thì có một tiếng nói lẻ loi, ít ỏi được vang lên: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái đâu!” (Mt 23,39)
Đó là tiếng nói của công bằng. Công bằng có gan làm thì có gan chịu. Làm đến đâu thì phải chịu đến đó.
3. Luật Bác Ái Yêu Thương.
Luật này do chính Chúa Giêsu thiết lập. Chúa thiết lập luật này vào một hoàn cảnh rất đặc biệt: Lúc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13,34-35)
Một bà mẹ đang van xin vua Napoléon I ân xá cho con trai của bà. Hoàng đế liền tuyên bố rằng:
- Ta không thể tha thứ cho con trai bà được vì anh ta đã phạm tội lần thứ hai, và lẽ công bằng đòi hỏi ta phải xử tử hắn thôi!.
Bà mẹ khẩn khoản:
- Thưa ngài, tôi không dám đòi hỏi lẽ công bằng, tôi chỉ van xin lòng thương xót của ngài mà thôi.
Hoàng đế nói thẳng thừng:
- Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót!
Bà mẹ lại kêu lên:
- Thưa ngài, nếu con tôi xứng đáng, thì không còn gọi là lòng thương xót nữa. Vâng, con trai tôi bất xứng, nhưng tôi chỉ dám van xin ngài dủ lòng thương xót đến nó mà thôi.
Cuối cùng, hoàng đế đã động lòng thương:
- Thôi được rồi, ta sẽ tha cho nó chỉ vì lòng thương xót của ta mà thôi.
Đó là luật bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương vượt lên trên sự công bằng.
B. Chúa kiện toàn luật pháp.
Cha đố chúng con thế nào là kiện toàn ? Ai trả lời cho cha ?
Kiện toàn là làm cho nó tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, hoàn hảo hơn.
Vậy theo Chúa thì luật nào là luật hoàn hảo nhất ?
Chúng con hãy thử tưởng tượng xem: Một người đặt mình dưới sự chi phối của Luật rừng và sống với sự hướng dẫn của luật đó thì giá trị đời sống của họ sẽ ra sao. Có thể nói giá trị cuộc sống của họ không hơn gì loài cầm thú. Người đời vẫn gọi những loại người này là loài thú có hai chân. Sống mà như thế thì thà đừng có mặt ở trên đời này có lẽ còn hay hơn.
Còn nếu như một người đặt cuộc sống của mình dưới sự chỉ dẫn và chi phối của luật công bằng thì sao ? Chắc chắn giá trị cuộc sống của người đó sẽ cao hơn. Họ đã xứng đáng làm người. Cha thấy hầu như mọi hệ thống luật pháp trên thế giới hôm nay đều cố gắng hướng con người vào con đường này. Cuộc sống có đi có lại ngày hôm nay đã được các xã hội loài người chấp nhận và cổ võ. Sống được như thế cha thấy giá trị của cuộc sống cũng đã rất tốt đẹp nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở tầm cỡ con người.
Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã không muốn dừng lại ở đây. Chúa đề nghị chúng ta phải vươn lên tới một cuộc sống cao cả hơn. Cuộc sống của những người CON THIÊN CHÚA, cuộc sống được thông phần vào cuộc sống của Thiên Chúa. Đó là cuộc sống yêu thương. Những ai biết đặt cuộc sống của mình trên nền tảng này, họ sẽ làm cho cuộc sống của họ thành cuộc sống của người CON THIÊN CHÚA.
Từ cuộc sống bị coi như ngang hàng với cầm thú, Chúa đưa con người lên cao hơn một bậc để họ sống xứng danh là con người. Tới đây thì cuộc sống đó đã đẹp, nhưng Thiên Chúa vì yêu thương con người chưa muốn giá trị cuộc sống con người dừng lại ở đó. Phải làm cho cuộc sống của con người cao cả hơn, xứng danh với công trình tạo dựng của Thiên Chúa hơn, đó là cuộc sống của những người CON THIÊN CHÚA.
Chính trong ý hướng này mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa kêu gọi người ta không được giết người, không được rẫy vợ mình, không được ngoại tình, không được bội thề v…v… Vì những điều ấy một cách nào đó còn do ách công bằng chi phối. Hãy cố gắng vươn lên và vượt qua để cho tình yêu thương được nảy mầm và lớn lên làm cho cuộc sống của chúng ta xứng đáng là CON THIÊN CHÚA hơn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B