Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm C
BÀI 1:
Lc 4,21-30
"Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi." (Lc 4,29-30)
Chúng con thân mến,
1. Chúng con vừa được nghe lại một đoạn Tin Mừng do thánh sử Luca thuật lại.
Theo thánh Luca thì sau khi Chúa giảng đạo và làm phép lạ ở Capharnaum, hôm nay, Chúa Giêsu về thăm Nagiaret là quê quán của Ngài. Ngài vào trong hội đường ngày Sabat và giảng dạy. Mọi người đều thán phục. Nhưng ngay sau đó họ cũng nảy ý tưởng ghen tị và muốn Chúa làm phép lạ ngay tại quê hương mình. Lý do vì dù sao Chúa cũng phải ưu tiên cho quê quán hơn chỗ khác chứ! Và chúng con thấy Chúa Giêsu đã từ chối. Chúa từ chối vì Chúa thấy họ chưa có lòng tin. Đối với Chúa, đức tin, ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa phải được ban phát cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì cho dân Do Thái hay cho người đồng hương Nagiareth mà thôi. Vì Thiên Chúa là Cha chung tất cả mọi người chứ không riêng của ai.
Sau đó Chúa Giêsu dùng hai thí dụ trong Cựu ước để nhắc nhở cho những người Nagiareth rằng họ đừng có ỷ mình là dân được Chúa chọn để đòi ân huệ nọ ân huệ kia, mà phải có lòng tin. Lòng tin là điều cần thiết đối với Chúa. Không có niềm tin thì sẽ chẳng có gì.
Chúa nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Siđon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi". (Lc 25-27) Đó là những điều những người Do thái ai cũng biết. Bởi vậy khi nghe Chúa nhắc lại hai câu chuyện đó, những người ở Nagiareth ai cũng hiểu là Chúa trách họ vì họ đã không tin Ngài.
Chúng con có biết tại sao họ không tin Chúa không?
Lý do họ không tin bởi vì họ nhìn Chúa với hai con mắt bằng thịt. Với hai con mắt bằng thịt, họ chỉ nhìn thấy Chúa như một con người, một con người bình thường như tất cả những người khác. Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? (Lc 4,23)
Họ không tin bởi vì họ chỉ nhìn thấy cái diện mạo bên ngoài của Chúa, chứ không nhìn thấy Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu chuộc nhân loại. Chính vì cái nhìn sai lầm đó đã khiến họ không thể tin Chúa và cũng vì thế mà khi Chúa từ chối không làm những gì họ mong đợi thì họ đã có một thái độ cự tuyệt: "Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành -- thành này được xây trên núi, họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực"Lc 4,29-30) cho Ngài chết đi.
2. Thật "tội nghiệp" cho Chúa! Đáng lý ra thì những người Nagiareth phải dành cho Chúa một cuộc đón tiếp thật long trọng mới phải. Chúa trở về Nagiareth không phải chỉ như một con người thông thường. Tin Mừng nói trước đó Chúa đã làm rất nhiều những việc lạ lùng tại Capharnaum. Lý ra họ phải hân hoan tin Chúa để được Chúa ban cho những hồng ân không những như mà còn hơn cả những nơi khác. Rất tiếc họ đánh mất một cơ hội ngàn vàng để được Chúa ban ơn. Lý do tạo sao? Chỉ vì họ không biết nhận ra những gì quí giá mà họ có ở trước mặt. Chỉ vì họ ích kỷ hẹp hòi. Chỉ vì họ nhìn không biết nhìn xa.
Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện vui. Câu chuyện như thế này. Đây là câu chuyện mà những người Đức thường kể cho nhau về việc phải có một cái nhìn xa để thấy hạnh phúc Thiên Chúa dành cho mình mỗi ngày.
Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực… Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.
Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:
- Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.
Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm ái chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…
Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:
- Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.
Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn thấy mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn… Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc cho bằng ngày hôm đó.
Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường. Chúa Giêsu hôm nay cũng chịu một cảnh tượng tự như vậy. Chúa đã bị đuổi đi và cơ hội đã không bao giờ trở lại.
Chúng ta hãy coi chừng. Đừng bao giờ xem thường những hồng ân của Chúa
Giá trị của cuộc sống chính là được gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh, có người đần độn… Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như thánh Phaolô “tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.
BÀI 2: KHÔNG ÐƯỢC CHẤP NHẬN
Lc 4,21-30
21 Hôm ấy, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Ðức Giêsu lên tiếng nói trong hội đường Nagiaréth rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" 23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphárnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" 24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. 27 Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi".
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -- thành này được xây trên núi họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
1. Thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện gì trong bài Tin Mừng Hôm nay?
a. Chuyện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều ở trong hoang địa.
b. Chuyện Chúa Giêsu hoá nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.
c. Chuyện Chúa Giêsu về Nagiareth công bố chương trình làm việc của Chúa và bị người Nagiareth chống đối.
d. Chuyện Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng tại Giêrusalem.
2. Thái độ của những người Nagiareth như thế nào?
a. Đầy phẫn nộ trước những Lời của Chúa.
b. Họ chỉ thấy Chúa như một con người bình thường giữa họ và mọi người.
c. Họ không thể chấp nhận Chúa như là người được Thiên Chúa sai đến với loài người.
d. Tất cả đều đúng.
3. Thái độ của Chúa Giêsu như thế nào?
a. Rất can đảm và không nhượng bộ.
b. Chúa rất sợ và muốn tháo lui.
c. Chúa muốn im lặng và rút lui êm đềm.
d. Không muốn tranh cãi và ăn thua với họ.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B