Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
Mc 10,35-45
“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống
làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10,45)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Marcô ghi lại.
Cha đố chúng con với câu chuyện trong bài Tin Mừng này, thánh Marcô muốn nói với chúng ta điều gì?
...
Khó quá phải không chúng con?
Đây cha gợi ý cho chúng con: Thánh Marcô muốn nói đến tinh thần con người phải có khi muốn đi theo Chúa Giêsu.
1. Muốn đi theo Chúa trước hết phải biết hy sinh quên mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi muốn theo ai thì con người thường hay nghĩ đến vấn đề Lợi lộc vật chất.
Câu chuyện bà Dêbêđê và hai con Giacôbê và Gioan giúp chúng ta thấy điều đó.
Chúng con thấy bà mẹ và hai con của bà đã muốn gì khi đi theo Chúa. Họ muốn chiếm hai cái ghế quan trọng nhất trong Nước Chúa. Ước muốn của họ chứng tỏ họ quá tham lam và ngây thơ. Tham lam vì muốn chiếm hai chỗ cao nhất trong Nước Trời. Ngây thơ vì nghĩ rằng trong Nước Trời cũng có những chỗ béo bở, nhiều bổng lộc cần chiếm lấy để hưởng thụ.
Chúa Giêsu đã dội một gáo nước lạnh vào lòng tham nóng bỏng đó. Ngài khước từ dứt khoát điều họ nài xin: “Ngồi bên hữu hay bên tả Ta là thuộc quyền Cha Ta” (Mc 10,40). Ngược lại Ngài hứa ban cho họ điều mà họ chẳng muốn chút nào: “Chén Ta uống các con cũng sẽ uống. Phép rửa Ta sắp chịu các con cũng sẽ chịu.” (Mc 10,39) Chén đây là cuộc khổ nạn, còn phép rửa đây là sự chết.
Quả thật Chúa Giêsu không mang lại cho những ai theo Ngài của cải và sự thịnh vượng trần thế, nhưng Ngài cho người đó được chung hưởng sự sống, tình yêu, ơn cứu độ, và hạnh phúc trường sinh. Nhờ đó mỗi người thực hiện được vận mệnh vĩnh cửu của mình. Được như vậy là quá nhiều rồi, chẳng có mối lợi nào lớn hơn.
Chúng con biết mẹ Têrêsa là nữ tu dòng Đức Bà Loretto người Albania, được sai sang phục vụ người nghèo ở Ấn Độ. Tại đây, chị chứng kiến cảnh nghèo đói thê thảm, cảnh trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, cảnh người già bệnh tật nằm chết bên những đống rác. Xúc động trước cảnh tượng đó và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chị lăn xả vào việc phục vụ. Chị lập trung tâm tiếp đón những người hấp hối để săn sóc họ, hầu họ được chết và được chôn cất như một con người. Lập nhà trẻ mồ côi. Xây bệnh viện, xây trường học. Công việc ngày càng nhiều. Chẳng bao lâu một dòng mới ra đời: Dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái. Ngoài ba lời khấn như các dòng khác, còn có lời khấn phục vụ người nghèo. Hiện nhà dòng có mặt trên 132 quốc gia. Chị Têrêsa được cả thế giới biết tiếng và thân thương gọi là mẹ Têrêsa. Người ta bảo mẹ là Thiên thần giáng thế. Mẹ được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó giải Nobel hòa bình Nobel năm 1979. Khi mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia đến dự đám tang. Nước Ấn Độ, đa số là Ấn Độ giáo, vốn chả ưa gì Công giáo, nhưng đã chôn cất mẹ theo nghi thức quốc tang, 21 phát đại bác đã tiễn đưa linh hồn mẹ về Thiên Đàng. Mẹ là nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì sao, thưa vì mẹ khiêm tốn phục vụ những người nghèo túng, cùng khổ nhất bằng tình thương vô vị lợi.
Như vậy, dầu cuộc sống có chịu thua thiệt, nhưng xét cho cùng thì đâu có thua thiệt gì. Trái lại một cuộc đời như vậy là một cuộc đời thành tựu. Chẳng có thể có một sự thành tựu nào lớn và quan trọng hơn vì đây là một sự thành tựu vĩnh cửu.
2. Thứ đến đi theo Chúa thì phải đi trên con đường Chúa đi. Con đường đó Chúa đã nói thật rõ: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cứu độ muôn người” (Mc l0,45).
Đây là một trích đoạn trong trang Nhật ký của một nữ tu Dòng Phaolô Sài Gòn đang phục vụ tại khoa ICU điều trị Covid 19.
Xin Hãy Cầu Nguyện Cho Chúng em Và Các Bệnh Nhân.
Qúy chị khóa 7 thương mến! hôm nay em viết cho các chị trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Em đang ở giữa chiến trường trong cuộc chiến chống covid. Em đã đến phục vụ tại bệnh viện điều trị Covid được 2 tuần rồi. Em muốn viết mấy dòng chia sẻ với các chị và tha thiết xin mọi người hy sinh cầu nguyện thật nhiều cho những đau khổ này mau qua. Vì quả thật em đang chứng kiến những điều mà chưa ai chia sẻ trên truyền thông, hằng ngày mắt thấy, tai nghe biết bao đau khổ, không thể diễn tả hết.
Các bác sĩ, nhân viên đã quá mệt mỏi, nhưng em khâm phục tấm lòng của họ. họ vẫn nỗ lực hết mình giúp bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng. Hằng ngày em làm việc tại khoa ICU, Khoa bệnh nặng nhất, Vì thế các bệnh nhân ở đây đều là giai đoạn cuối và khó qua khỏi. phần lớn đã hôn mê, chỉ vài người còn tỉnh và nói được. Rất đau lòng khi thấy những con người nằm mê man, trần trụi với bao nhiêu là máy móc, dây ống khắp người...nhưng ai nấy đều đang quằn quại chiến đấu để giữ lấy sự sống.
Ngày nào em cũng chứng kiến cảnh người hấp hối và chết, chỉ biết đứng lặng người, cầu nguyện và phó linh hồn cho Chúa. Những người ra đi trong đau đớn, cô đơn vì không có 1 người thân, trần trụi không mảnh đồ và được đưa xuống nhà xác để chờ đi hoả táng. ... Em không thể kể hết bao đau thương ở đây. số bệnh nhân ngày càng nhiều, số người trẻ tuổi cũng tăng. Mỗi người là 1 hoàn cảnh, 1 câu chuyện đau thương. chúng em dù không có chuyên môn và làm việc trong môi trường vô cùng nguy hiểm, dù mặc đồ bảo hộ nhưng vẫn có thể nhiễm bất cứ lúc nào.
Nhưng cả đoàn ai cũng nỗ lực góp sức, chỉ mong làm được điều gì đó cho các bệnh nhân trước khi quá trễ. nhiều nơi vẫn còn bình an, xin các chị cầu nguyện thật nhiều, vì nếu tiếp tục thế này, không biết sẽ như thế nào. em cũng không thể online thường được, xin quý chị cầu nguyện cho chúng em có sức khỏe để tiếp tục phục vụ.
Vì cứ mỗi lần đi test là sợ lắm, sợ mình nhiễm và lây cho các thành viên khác trong đoàn, cảm ơn các chị thật nhiều, mọi người cũng phải giữ gìn sức khỏe nha.
Vào một đêm giông tố tại thành phố Philadelphia, bên Mỹ một anh thư ký đang ngồi sau quầy tiếp tân của một khách sạn. Anh lấy sách ra đọc vì tưởng rằng không ai vào khách sạn lúc nửa đêm, và vì khách sạn cũng đã hết chỗ.
Nhưng có một cặp vợ chồng ăn mặc lịch sự bước vào hỏi thuê phòng. Anh có thể trả lời thẳng thắn là “khách sạn hết chỗ”, nhưng thấy bên ngoài trời mưa lớn quá, nên anh lễ phép thưa:
- Thưa ông bà, khách sạn đã hết phòng rồi! Nhưng tôi sẽ thử xem. Có cách nào giúp ông bà tạm trú qua đêm không. Xin ông bà ngồi chờ một lát.
Mười lăm phút sau, ông quay lại, hướng dẫn hai vị khách đến phòng riêng của ông và nói:
- Ông bà thông cảm, đây không phải là phòng tốt nhất trong khách sạn, nhưng là nơi yên tĩnh nhất. Ông bà tạm nghỉ vậy! Tôi sẽ cho người mang nước nóng lên để ông bà dùng trước khi đi nghỉ. Chúc ông bà ngủ ngon!
Một năm rưỡi sau, một khách sạn lớn nhất New York có tên là Waidorf Astria ra đời, chủ khách sạn là ông John Jacob Astria đã đích thân đến mời người thư ký khách sạn nhỏ ở Philadelphia về làm quản lý khách sạn cho ông. Vì chính ông và người vợ đã được viên thư ký này nhường phòng riêng cho họ trong một đêm mưa bão.
Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 28 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 26 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B