Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B
Mc 10,2-16
“Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.” (Mc 10,)
Thiếu nhi chúng con yêu quí.
Chúng con vừa nghe một đoạn Tin Mừng do Thánh Marcô ghi lại.
Có ai nói cho cha biết bài Tin Mừng hôm nay nói về vấn đề gì không nào?
- Dạ thưa cha về vấn đề hôn nhân.
- Rất đúng. Thế hôn nhân đây là hôn nhân nào chúng con?
- Dạ thưa hôn nhân do Chúa thiết lập.
- Lại đúng nữa! Chúng con giỏi! Đúng thế, vì hôn nhân do Chúa thiết lập nên khác với hôn nhân ở ngoài xã hội do con người quy định. Chúng ta phải nhớ thật kỹ điều này.
Điều khác biệt quan trọng nhất giữa hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập và hôn nhân do loài người quy định là hôn nhân của Chúa được Chúa nâng lên hàng một Bí Tích.
Điều khác biệt thứ hai của hôn nhân do Chúa thiết lập là hôn nhân này có hai đặc tính rất quan trọng. Hai đặc tính này cũng do chính Chúa đòi buộc. Chúa đòi buộc làm sao thì đây chúng con hãy nghe Lời Chúa “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”(M 10,7-9)
Cha hỏi chúng con: Qua những Lời như thế chúng ta có thể rút ra được điều gì không nào?
Thưa ta có thể rút ra được hai điều thật quan trọng. Hai điều đó là Chúa muốn hôn nhân do Chúa thiết lập là hôn nhân giữa MỘT người nam và MỘT người nữ cũng như cuộc sống hôn nhân đó là cuộc sống BỀN VỮNG mà Giáo Hội thường nói một cách vắn gọn là đơn hôn và vĩnh hôn.
Bây giờ cha đi vào chi tiết
1. Đơn hôn một vợ một chồng.
Tại sao Chúa muốn như thế chúng con?
Đây chúng con hãy nghe sách Giáo Lý Chung cắt nghĩa cho chúng ta. Sách Giáo Lý Chung số 1601 nói “Giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích”.
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này. Câu chuyện xảy ra ở mãi tận nước Trung Hoa và là nước Trung Hoa thời xưa chứ không phải nước Trung Hoa thời nay. Thời đó thời nhà Đường (618-904) có một danh tướng tên là Phòng Huyền Linh. Ông tướng này có một người vợ tuyệt đẹp. Hơn nữa lại là người có đức hạnh tên là Lư. Lúc còn trẻ, ông tướng này rất nghèo. Một hôm ông lâm bệnh nặng và nghĩ mình sắp chết, nên ông gọi vợ đến và dặn dò rằng :
- Bệnh tôi nguy quá. Nàng còn trẻ tuổi không nên ở góa, và hãy liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.
Lư thị nghe chồng nói thế thì buồn lắm. Bà khóc nức nở, rồi vào sau màn, khoét một mắt bỏ đi.Bà làm thế là cốt ý để cho chồng biết rằng dù chồng có bất hạnh mà chết đi, thì nàng cũng quyết chí ở vậy chứ không lấy ai nữa.
Không bao lâu ông Phòng Huyền Linh khỏi bệnh. Ông ra sức học hành và thi đỗ làm quan tới chức tể tướng. Dù quyền cao chức trọng nhưng ông vẫn một lòng yêu mến, kính trọng người vợ của ông, không hề có ý muốn lấy người tì thiếp nào nữa. Người ngoài bảo ông làm thế là vì ông sợ Lư thị, vợ ông có tính hay ghen. Chính vua Đường Thái Tôn (627-650) cũng nghĩ như vậy nên một hôm nhà vua muốn thử Lư phu nhân. Nhà vua cho hoàng hậu gọi Lư phu nhân vào bảo:
- Theo phép thường, các quan to trong triều vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, ta muốn ban cho tướng quân một mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không chịu nên nhà vua nổi giận và mắng rằng:
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Sau đó nhà vua sai người đưa đến một chén rượu, giả làm chén thuốc độc mà phán rằng:
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc nầy!
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm ngay lấy chén mà uống hết trước mặt mọi người.
Nhà vua thấy thế liền nói :
- Đến ta cũng phải sợ, huống chi là Huyên Linh! (LPNT, MV)
Quá hay phải không chúng con.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình giữ được cuộc sống hôn nhân như thế.
2. Bây giờ cha nói đến đặc tính thứ hai: vĩnh hôn.
Vĩnh hôn là chung thuỷ với nhau trọn đời.
Chúa nói thật rõ: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9)
Sách Giáo Lý Chung nói rất hay về vấn đề này. Cha không có giờ để nói hết. Cha chỉ trích một vài ý quan trọng.
Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã thực hiện sự kết hợp đó: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9)
Sự hiệp thông phàm nhân này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ sự hiệp thông trong Đức Kitô, được ban tặng nhờ bí tích Hôn Phối. Sự hiệp thông đó càng thâm sâu hơn nhờ cùng sống đức tin chung với nhau và cùng lãnh nhận bí tích Thánh Thể chung với nhau.(Số 1644)
Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, đôi phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa, một tình yêu hướng dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa.(số 1648)
Cha kể cho chúng con câu chuyện này:
Câu chuyện này xảy ra ở mãi tận Roma vào năm 1028.
Khi ấy vua Constantin IX là người đang cai trị đế quốc Roma thấy mình bị bệnh không biết chết lúc nào. Nhà vua có một nàng công chúa rất xinh tên là Theodora. Và cũng vào thời điểm đó tại Roma có một nhà quí tộc được mọi người quí trọng tên là Romanus. Romanus là người Công Giáo đã gia đình. Nhà vua cũng rất quí mến ông này. Chính vì thế mà lúc gần chết nhà vua cho mời Romanus đến với mục đích là để truyền ngôi cho ông đồng thời gả luôn công chúa Theodora cho ông nữa.
Romanus vào chầu. Khi biết được ý định của nhà vua, Romanus bái quì hết lòng cám ơn lòng thương của vua, nhưng ngay sau đó ông cũng trình cho vua biết là mình đã có vợ.
Nhà vua không thèm để ý tới lời tâu. Vua tức giận truyền cho ông, nếu chịu lấy nàng công chúa thì sẽ được sống và được kế vị ngai vàng bằng không thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đàng nào thì chọn. Sau đó nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.
Sau một ngày Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua:
- Dây hôn phối ràng buộc ông với vợ là do Thiên Chúa kết hợp và thế gian không ai có quyền tháo cởi. Vua ra sức nài ép song vô ích.
Sau đó những gì phải tới cũng đã tới. Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.
Cám ơn Romanus đã để lại cho nhân loại một tấm gương tuyệt vời về lòng chung thuỷ. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B