Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 20 mùa Thường niên năm B
Ga 6,51-58
“Ðây là bánh từ trời xuống,
không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6,58)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng con vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Gioan ghi lại.
Chẳng cần phải nói dài chúng con cũng thấy đây là đoạn Tin Mừng được trích từ bài giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu.
Nói thế có nghĩa là bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe khó hiểu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta khó hiểu hơn.
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa những lời tuyên bố của Chúa: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”(Ga 6,51).
1. Chúng ta phải hiểu lời Chúa làm sao?
Lời Chúa rõ ràng quá. Chúng ta không thể hiểu cách nào khác.
Khi người Do thái phản ứng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52), người ta cứ tưởng Chúa sẽ dịu giọng lại, nhưng ai dè Chúa còn mạnh miệng quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (Ga 6,53-55)
Bằng nhiều phép lạ xuyên qua suốt dòng lịch sử của Giáo Hội chúng ta thấy những lời quả quyết của Chúa Giêsu là điều không thể hiểu cách nào khác.
Vào năm 700, lịch sử vẫn còn ghi lại. Tại Lanciano, Ý. Trong thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, vì một chút nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cho nên, ngay sau khi đọc lời truyền phép, phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.
Cho đến nay, sau 13 thế kỷ, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô - Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.
Trong suốt dòng thời gian, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.
Rõ ràng là Chúa muốn hiến Mình và Máu Thánh Chúa làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta.
Chỉ có một điều là làm sao chúng ta có thể “ăn thịt và uống máu” Chúa được?
Ở đây cha thấy Chúa thật khôn ngoan vô cùng. Chúa hiểu thật rõ, chẳng ai có thể làm như thế. Việc ăn thịt người từ xưa đến nay luôn là một điều mọi người ghê sợ và nhiều quốc gia cấm kỵ.
Vậy thì Chúa làm thế nào để giải quyết?
Thưa Chúa dùng con đường Bí Tích.
Sách Giáo lý chung viết rất hay: “Bạn hỏi: làm thế nào Bánh trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi lời nói và mọi tư tưởng”(1106).
Bí tích là sáng kiến độc đáo tuyệt vời của Chúa. Bằng Bí tích Thánh thể Chúa đã biến bánh thành Mình Thánh Chúa, rượu thành Màu Thánh Chúa để những ai tin Chúa có thể lãnh nhận một cách dễ dàng. Thiên Chúa có quyền làm như thế.
Khi thánh nữ Ghertrude suy niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi làm sao Chúa có thể tự hạ mình xuống thấp như thế để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu đã trả lời bà bằng câu chuyện sau:
Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:
- Hôm nay hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố ?
- Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.
Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.
Rồi Chúa nói với thánh Ghertrude:
- Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.
2. “Ta là bánh và là bánh trường sinh” (Ga 6,35,48).
Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác ở đời này - mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mãi về sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) - bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu là sự sống đã đạt tới mức độ hoàn hảo khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành “Thần khí ban sự sống” cho chúng ta. (1Cr15,45).
Marthe Robin sinh năm 1902 tại Drôme (Pháp) trong một gia đình tiểu nông. Ngay từ nhỏ, sức khỏe của cô rất kém, nhưng bù lại tính tình lại luôn lạc quan vui vẻ. Năm 16 tuổi cô bị tê liệt, có lẽ vì bị viêm màng não. Luôn sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Sau hai năm chữa chạy, bệnh tình của cô đỡ hơn đôi chút. Năm 20 tuổi, cô cảm thấy như Chúa thúc đẩy muốn cô phải hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa qua việc chịu đau khổ. Năm 1925 tức năm cô được 23 tuổi, sức khỏe cô suy giảm trầm trọng, cô bị tê liệt hoàn toàn. Từ đó cô không thể rời khỏi giường. Cô luôn bị bệnh mất ngủ, không ăn uống gì được, chỉ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Tháng 9.1923, trong một thị kiến, cô được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô và được in năm dấu thánh trên mình. Kể từ đó cứ vào ngày thứ sáu hàng tuần, cô bước vào cuộc thương khó của Chúa Kitô. Cô chỉ còn sống nhờ tình yêu và cho tình yêu Chúa Kitô thôi. Năm 1940, cô bị mù hoàn toàn. Năm 1980, cột sống cô bị vẹo đi, khiến cô bị đau đớn vô cùng. Cô qua đời ngày thứ sáu đầu tháng 6 năm 1981 thọ 79 tuổi. 56 năm không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ việc rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày.
Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành thời giờ để viếng Chúa, cả khi lúc về già, sức yếu lực tàn ngài vẫn giữ thói quen ấy. Những lúc chân ngài bị đau, ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Khi ngài sốt sắng cầu nguyện thì mặt ngài sáng lên như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Đối với các thanh thiếu niên, Ngài luôn cổ vũ các em yêu mến Mình Màu Thánh Chúa. Ngài nói:
- Nếu chúng con muốn Chúa ban cho chúng con nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Ngài. Nếu chúng con ít đi viếng Chúa, ma quỉ sẽ tấn công chúng con. Nếu chúng con muốn ma quỉ xa lánh chúng con, chúng con hãy siêng viếng Chúa. Nếu chúng con muốn chiến thắng ma quỉ, chúng con hãy ẩn núp dưới chân Chúa Giêsu. Nếu chúng con không viếng Chúa, chúng con sẽ muốn thua ma quỉ. Chúng con thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỉ. Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể thì ma quỉ sẽ không thể chiến thắng chúng con được. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B