Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
(Ga.2,2)
A. Chúng con yêu quí,
Chúng con vừa nghe một đoạn Tin Mừng. Tin Mừng hôm nay thuật lại một câu chuyện xảy ra vào những ngày đầu tiên trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Câu chuyện một đám cưới tại Cana, một thành phố nhỏ gần quê hương Nazareth của Chúa.
Cha đố chúng con đám cưới hôm nay có gì đặc biệt hơn nhiều đám cưới chúng ta thường gặp trong cuộc sống hằng ngày của mọi người?
- Thưa đám cưới hôm nay có sự tham dự của Chúa Giêsu và Đức Maria, mẹ của Chúa!
- Rất đúng!
Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng con còn thấy gì nữa không?
Xem ra gia đình này thuộc loại khá giả vì có tới 6 cái chum lớn. Mỗi cái có thể chứa được khoảng 80 - 120 lít nước dùng để rửa tay theo thói tục của người Do Thái. Có lẽ gia chủ đã không nắm vững được số người dự tiệc nên không dự trù đủ số rượu cho đám tiệc, chính vì thế mà bữa tiệc bị thiếu rượu bất thình lình.
Đối với người Do thái thì việc thiếu rượu trong một bữa tiệc nhất là tiệc cưới thì là một điều sỉ nhục và bẽ mặt với khách được mời dự tiệc và xóm làng. (Vì chúng con biết nước Do thái là nước trồng nho nên họ uống rượu rất nhiều. Bởi thế việc để cho một bữa tiệc thiếu rượu là một việc không thể tha thứ).
Cha hỏi tiếp chúng con: Đứng trước một việc hệ trọng như thế, ai là người đã phát hiện ra điều đó?
- Đức Mẹ.
Rồi với bản chất tế nhị và bén nhạy của một phụ nữ, Đức Maria đã nhận ra ngay sự bối rối, lo âu của gia chủ. Và Tin Mừng ghi lập tức Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu và nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi” (Ga.2,3).
Chúa Giêsu trả lời Đức Mẹ làm sao chúng con có nhớ không?
- Chúa trả lời: “Thưa bà, chuyện đó có can gì đến tôi và bà, giờ tôi chưa đến” (Ga.2,4).
Câu trả lời này có làm cho chúng con ngạc nhiên không?
Ngạc nhiên quá đi chứ! Xem ra có vẻ chói tai quá! Nhưng chúng con nên biết: Theo phong tục Do Thái, người con quen gọi mẹ là bà nơi công cộng, để tỏ ý kính trọng chứ không phải bất kính.
Đức Mẹ biết Chúa Giêsu chỉ nói thế thôi, chứ không phải là Chúa từ chối, nên Ngài bảo các gia nhân: “Chúa bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga.2,5). Quả thật, Chúa Giêsu đã gọi gia nhân bảo đổ nước cho đầy 6 chum đó, rồi múc nước vừa đổ vào đưa cho người quản tiệc.
Người quản tiệc vừa thử xong thì vô cùng ngạc nhiên vì không phải là nước mà nước đã biến thành rượu. Và Tin Mừng kể: “Chúa Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này để bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin Người” (Ga.2,11).
B. Bây giờ cha hỏi chúng con: Phép lạ này nhắc nhở chúng ta điều gì ?
* Chẳng cần nói dài dòng, cha có thể trả lời ngay: Về vai trò của Đức Mẹ trong cuộc sống của chúng ta.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này:
Cha Silvanus và mục sư Henry đến lâu đài Patien để xin hoàng tử trợ giúp tài chính cho mình. Linh mục Silvanus thì xin tiền xây nhà thờ, còn mục sư Henry thì xin tiền xây trường học. Đến nơi, họ được hoàng tử tiếp riêng từng người rất tử tế. Mục sư Henry được mời vào trước. Lát sau, khi bước ra, vẻ mặt của mục sư buồn xo vì không được trợ giúp gì cả. Đến lượt linh mục Silvanus vào. Một lúc sau, ông trở ra, vẻ mặt hớn hở tươi vui khác thường. Tay xách một túi tiền. Mục sư Henry thắc mắc hỏi vì sao mà linh mục lại được hoàng tử giúp vậy? Linh mục Silvanus cho biết:
- Lúc đầu, hoàng tử cũng từ chối tôi, nhưng khi tôi nhìn thấy hoàng hậu, tôi nhờ bà bầu cử cho. Được bà hoàng hậu nói giúp, lúc đó hoàng tử mới nhận lời bà yêu cầu mà giúp tôi.
Đấy chúng con thấy tiếng nói và sự bầu cử của người mẹ thật có giá trị như thế nào.
* Tiếp đến là sự có mặt của Chúa trong gia đình Chính nhờ chủ nhà mời Chúa Giêsu và các môn đệ đến dự tiệc cưới, mà Ngài đã ban cho ông một phép lạ đặc biệt. Qua việc tham dự tiệc cưới này, Chúa Giêsu đã thánh hóa và chúc phúc cho đời sống hôn nhân và gia đình, nhất là những gia đình biết mời Chúa đến.
Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vị sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái, thường lập đi lập lại với những người nghe Mẹ rằng: “Tình yêu bắt đầu ngay từ trong gia đình”. Một lần kia, Mẹ kể lại câu chuyện sau:
- Trong số các cộng tác viên của tôi, có một cặp vợ chồng kia trước đây sống rất hạnh phúc nhưng rồi chỉ một thời gian sau họ sống lạnh nhạt với nhau. Một hôm, cả hai đến gặp tôi. Tôi bảo:
- Tôi không hiểu tại sao anh chị có thể đem Chúa Giêsu đến với những người khác trong khi chính bản thân anh chị không thể đem Ngài đến cho nhau? Làm sao anh chị có thể nhận ra Ngài đang ẩn mình nơi những người nghèo khổ, trong khi anh chị không biết khám phá ra Ngài trong tâm hồn của nhau?. Thế rồi, cả hai bắt đầu cuộc tranh cãi gay gắt ngay trước mặt tôi. Họ dốc sạch bầu tâm sự và mọi tranh cãi giận hờn đã ôm ấp trong lòng từ bao lâu nay... Một lát, tôi bảo họ: “Thôi đủ rồi! Anh chị đã nói tất cả những gì cần nói với nhau rồi. Bây giờ anh chị hãy vào Nhà thờ cầu nguyện và mỗi người hãy nói với Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm những gì đã nói với nhau lúc nãy! Rồi tôi cùng đôi vợ chồng cùng bước vào nhà thờ, họ quỳ gối xuống gần bên nhau trước nhà tạm và thinh lặng... Một lúc sau, người chồng quay sang nhìn người vợ với tất cả sự trìu mến. Ông ôm lấy vợ và nói:
- Em là người yêu duy nhất trên đời của anh và là tất cả kho tàng quý giá của anh đang có...
Và từ hôm đó hai vợ chồng làm hòa cùng nhau, đồng thời trở thành những cộng tác viên đắc lực của tôi và là mẫu gương cho nhiều gia đình khác...
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B