Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm B
Ga 6,41-51
“Tôi là bánh trường sinh.” (Ga 6,48)
Thiếu nhi chúng con yêu quí
Cha hỏi chúng con: Ai sinh ra chúng con nào?
- Dạ thưa, cha mẹ.
- Đúng! Cha mẹ sinh ta chúng con. Cha mẹ sinh ra chúng con để chúng con làm gì?
- Thưa để làm người.
- Cũng rất đúng?
- Cha hỏi thêm, khi chúng con được lãnh Bí Tích Rửa tội chúng con trở thành ai?
- Thưa cha, chúng con trở thành Con Thiên Chúa.
- Rất hay! Sau khi được chịu phép Rửa tội, chúng ta thành Con Thiên Chúa, tuyệt với quá. Mình là người mà lại được trở thành Con Thiên Chúa. Ôi sao mà hạnh phúc thế!
Như vậy là mỗi người chúng ta có hai tư cách: Một làm con người, một làm con Thiên Chúa!
1. Bánh của con người.
Khi làm người chúng ta mỗi người đều có một thân xác. Thân xác của chúng ta muốn sống thì phải ăn.
Trong bài nói chuyện tại sở y tế thành phố HCM ngày 28.8.1980, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cho biết: “Giống như cái cây cần hút chất nuôi dưỡng từ lòng đất để phát triển, con người cũng cần thông qua ăn uống, có đầy đủ chất dinh dưỡng mới có thể sống, phát triển và hoạt động bình thường .
Nhu cầu dinh dưỡng gồm 3 loại:
- Một là nhu cầu để tạo cơ thể.
- Hai là nhu cầu để tạo nhiệt lượng cần thiết cho hoạt động.
- Ba là nhu cầu bảo vệ cơ thể.
Không ăn uống con người không thể tồn tại.
Ăn uống không đủ thì con người không thể sống khỏe mạnh.
Con người không thể sống mà không có cơm bánh.
Chúng con có thấy mấy tháng nay những người ở thành phố chúng ta phải lo lắng về của ăn thức uống như thế nào không? Chưa bao giờ cha thấy như vậy. Cám ơn Chúa đã mở lòng cho có nhiều người tốt bụng ở mãi xa xôi gửi thực phẩm giúp đỡ thành phố của chúng ta.
Chúng con hay nghe câu chuyện này: Đây là câu chuyện có thực. Câu chuyện về một nhà thám hiểm. Sau hai ngày lang thang trong sa mạc, nhà thám hiểm nọ đã cạn hết lương thực, cũng như cạn sức hết sức lực cùng niềm hy vọng. Ông ta cố gắng lê gót đi thêm một ngày nữa, nhưng chung quanh chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đã đến được một ốc đảo. Sau khi xoa dịu được cơn khát, ông lại bị cơn đói hành hạ. Chính lúc đó, ông chợt thấy một bị da đóng kín nằm lăn lóc nơi ông đang quằn quại vì đói. Ông hy vọng tìm được trong cái bị da mà ai đó đã vất lại, một chút gì để ăn, để rồi có thể đi cho hết cuộc hành trình qua xuyên sa mạc. Ông cố mở bị da ra và mắt ông hoa lên. Thay vì lương thực là điều bây giờ ông đang cần thiết nhất lúc này, thì ông lại chỉ thấy trong bị toàn là kim cương. Trong nỗi thất vọng ê chề của cơn hấp hối, ông đã cay đắng thốt lên:: “Giữa chốn sa mạc tôi đang chết đói thế này thì kim cương mà để làm gì?”
Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm khác băng sa mạc ngang qua chỗ ấy, họ thấy một bộ xương đang ôm chặt cái bị da, trong đó có cả một kho tàng nhưng nó đã trở nên vô ích đối với người chết đói trong sa mạc.
Câu chuyện Elia vừa nghe cho chúng ta thấy việc ăn uống cần thiết như thế nào.
Chuyện kể rằng sau khi đã chiến thắng 450 ngôn sứ Ba-an và tiêu diệt họ, ngài bị vua A-khap dùng tay bà I-de-ven lùng bắt. Thấy mạng sống mình lâm nguy, ngài đã bỏ trốn. Khi tới Bơ-e Se-va thuộc Giu-đa, ngài để đứa tiểu đồng lại đấy, còn ngài thì đi một ngày đàng trong sa mạc. Ngài đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ngài xin cho được chết và nói: “Lạy Ðức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Rồi ngài nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn!” Ngài đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ngài có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ngài ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Ðức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Ngài dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ngài đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa.(1Vua 19,4-8)
Như vậy chúng con thấy tiên tri Isaia nhờ được ăn bánh Thiên Chúa ban mà đi hết được đoạn đường dài để đến nơi Chúa chỉ định.
2. Bánh của những người là con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã nói cho chúng ta về một loại bánh mới mà Chúa gọi là bánh trường sinh: Bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6,50-51).
Thứ bánh mà Chúa nói đây là bánh cho linh hồn.
Nếu thân xác con người cần một thứ bánh vật chất để sống cuộc sống làm người trên trần gian này thì linh hồn con người cũng thế! Linh hồn cũng cần một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh trường sinh để có thể sống cuộc đời làm Con Thiên Chúa ở đời và nhất là đời sau được hưởng cuộc sống đời đời với Chúa.
Như vậy chúng con thấy: Đối với Chúa, cả hai cuộc sống đều quan trọng. Nếu chỉ lo cho cuộc sống đời này mà đánh mất cuộc sống đời sau thì thật là thảm bại, Chính Chúa đã cảnh cáo mọi người về điều đó.”Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”(Mt 16,26)
Cuộc sống đời này sớm muộn gì cũng phải kết thúc bằng cái chết. Chẳng ai sống mãi trên cõi đời này. Khi sự chết đến thì tất cả đều phải nhường bước.
Vua Charles Quint (1519 - 1558) thân hành đến thăm vị quan trung thành nhất đang yếu nặng khó qua khỏi. Để tỏ ra biết ơn người đã suốt đời tận tụy với mình, Vua nói:
- Khanh có thể xin trẫm ơn nào cũng được.Trẫm muốn thưởng lòng trung thành của khanh và làm nhẹ phần nào cơn đau của khanh.
Nghĩ ngợi một lát kẻ liệt đưa mắt nhìn vua và nói:
- Tâu Hoàng thượng, hạ thần chỉ ao ước được sống thêm mấy ngày thôi, chẳng muốn xin gì khác nữa.
Vua Charles nói:
- Việc đó quá sức ta, vua chúa trên đời đều chịu, không tài nào kéo dài hơn sự sống thêm một giây.
Nghe vua trả lời như vậy, kẻ liệt quay vào vách, thở dài, và vừa rướm nước mắt vừa nói: “Tôi thực là ngu dại, tôi đã cống hiến cả một đời để phụng sự nhà vua, thế mà vua không thể cho tôi sống thêm một ngày. Giả như tôi khôn ngoan hơn đem cái đời dài ấy mà phụng sự Thiên Chúa thì chẳng những Chúa có thể cho sống thêm mà lại cho cả sự sống đời đời nữa.”
Bởi vậy mỗi người phải biết chăm lo cho cuộc sống đời đời mai sau. Làm sao để cho cuộc sống đời này chấm dứt, chúng ta được trở về trời với Chúa.
Để kết thúc cha muốn gửi đến chúng con câu chuyện này.
Một ngày nọ, triết gia Diogenes (412BC-323BC) của Hy Lạp đến giữa chợ thành Athène của nước Hy Lạp dựng lên một chiếc lều. Ngay trước lều ông gắn một tấm bảng có ghi đậm hàng chữ này: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao báo đó, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogenes 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogenes nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
Nhận được lời khôn ngoan đó, vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú nên ông đã cho viết treo lên trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông cũng đều có thể đọc thấy...”Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
Mỗi người chúng ta cũng vậy. Hãy luôn nghĩ tới cuộc sống đời đời của mình, để sống cho thật xứng đáng hàu mai sau khi Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng để về Thiên đàng với Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B