Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 11 Thường niên năm B
Mc 4,30-34
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ,
tùy theo mức họ có thể nghe.(Mc 4,33)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng ngắn.
Cha đố chúng con trong bài Tin Mừng hôm nay có mấy dụ ngôn?
- Thưa có...hai dụ ngôn.
- Đó là những dụ ngôn nào?
- Thưa cha đó là dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải.
- Giỏi! Chúng con thật giỏi.
Bây giờ chúng con nghe cha cắt nghĩa về hai dụ ngôn này cho chúng con.
1. Trước hết là dụ ngôn hạt giống.
Chúng con đã thấy hạt giống bao giờ chưa?
- Dạ thưa cha đã thấy.
- Hạt giống gì kể cho cha nghe coi.
- Thưa cha, hạt lúa, ở nhà con con thấy ba con gieo hạt cải, rồi ba con còn gieo mấy cây đậu……
- Rất đúng! Cha cám ơn con.
Thế chúng con có biết tại sao mà một hạt giống có thế trở thành một cây không?
……….
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:
Một hôm có một ông giáo sư sinh học cầm một hạt lúa giống trong tay ngắm nghiá, và nghĩ: “Tôi biết chính xác các chất cấu tạo hạt lúa này. Nó gồm có Nitro, hidro, và carbon. Tôi biết thật rõ tỉ lệ từng đơn chất. Tôi có thể chế ra hạt lúa y như thế. Nhưng khi tôi gieo xuống đất tôi chẳng thấy nó nảy mầm cũng như chẳng trở thành cây! Sau một thời gian tôi thấy các chất cấu tạo nên nó bị đất thẩm thấu và tan biến hết. Ngược lại khi tôi gieo hạt lúa tự nhiên. Tôi thấy nó nảy mầm và trở thành cây lúa khoẻ mạnh. Tại sao có sự khác biệt đó? Nguyên nhân vì đâu? Hạt giống tôi tạo ra chẳng đem lại một kết quả gì còn hạt giống tự nhiên là hạt thóc thì đem đến một kết quả hết sức kỳ diệu. Nó nảy mầm rồi lớn lên, trở thành một cây lúa nặng trĩu những hạt lúa khác! Tại sao vậy? Thưa bởi vì hạt lúa chứa một nguyên lý bí mật mà người ta gọi là “nguyên lý sự sống”.
Một nguyên lý bí mật mà người ta gọi là “nguyên lý sự sống”. Đó chính là sứ khác biệt giữa hạt giống do con người làm ra và hạt giống Thiên Chúa ban tặng cho loài người.
Chúng con hãy nghe Chúa mô tả: “Một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”(Mc 4,27-29)
Chúng ta tự hỏi khi nói như thế Chúa muốn ám chỉ đến điều gì?
Thưa Chúa muốn nói rằng hạt giống Nước Trời mà Thiên Chúa gieo xuống trần gian là Đức Giêsu cũng là một việc kỳ diệu như thế. Con người không thể hiểu nổi vì đó là công việc Thiên Chúa đã làm vì yêu thương con người. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!
2. Nước Thiên Chúa giống như hạt cải (Mc 4,31)
Hạt cải Chúa nói ở đây là hạt cải bên Đất Thánh. Cây cải bên Đất Thánh khác cây cải ở Việt Nam ta. Cây cải bên Đất Thánh rất lớn. Chúng con vừa nhìn thấy cây cải trong video mà cha chiếu cho chúng con. Cây cải bên Đất Thánh lớn như vậy.
Khi so sánh một hạt cải nhỏ xíu với một cây đã lớn đến độ chim trời có thể đến làm tổ thử hỏi Chúa muốn ám chỉ về điều gì?
Trước khi trả lời, chúng con hãy nghe câu chuyện này: Đây là câu chuyện dụ ngôn về hạt giống:
Đường xe lửa kiêu hùng thẳng băng chạy mất hút vào nơi chân trời xa xăm. Hàng ngày không biết bao nhiêu xe chở đầy hành khách, hàng hóa đi qua con đường sắt này. Con đường sắt rất hãnh diện vì sức mạnh của nó. Nó tự hào khen thầm:
- Không ai có sức mạnh bằng tôi, không ai đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước bằng tôi.
Không lâu sau, một hạt giống nhỏ được chim bay ngang thả xuống nằm im bên cạnh đường. Anh đường sắt kiêu ngạo hỏi:
- Hạt giống bé nhỏ kia ơi, sao mi dám cả gan đến gần bên ta, mi có hay sức mạnh của ta không?
Hạt giống khiêm tốn trả lời:
- Tôi biết lắm chứ và tôi rất kính phục anh, nhưng một cánh chim trời đã mang tôi đến đây. Anh vui lòng cho phép tôi nằm nghỉ tại đây, tôi sẽ không làm gì để chống lại anh đâu.
Anh đường sắt vẫn với giọng kiêu ngạo trả lời:
- Được, mi cứ nghỉ yên đó đi, nhưng hãy coi chừng nhé. Đoàn xe lửa sẽ đi qua đây và mi có thể bị nghiền nát như chơi.
Hạt giống yên lặng không trả lời. Một đoàn xe chạy qua, hai, ba...và hàng trăm đoàn xe đi qua, nhưng hạt giống vẫn nằm im đó. Lúc rảnh rỗi, nhờ vắng xe qua lại, anh đường sắt hỏi hạt giống với giọng khinh dể:
- Mi vẫn còn sống sót đấy hả?
Hạt giống vẫn im lặng không trả lời. Rồi mùa mưa đến, hạt giống nảy mầm, rễ ăn sâu vào lòng đất. Sự ẩm ướt giúp cho rễ của nó phát triển mau lẹ và trở nên mạnh mẽ hơn. Hạt giống trở thành cây con ốm yếu, anh đường sắt lại mỉm cười khinh bỉ:
- Ngươi sẽ bị nghiền nát trong chuyến xe tới.
Cây con vẫn không trả lời. Ngày qua ngày nhanh như chớp, anh đường sắt không dè cây con kia có thể phát triển mau lẹ trở thành cây to, và rễ nó vừa đâm mạnh xuống đất đẩy đường sắt cong qua một bên... Không một đoàn xe nào dám chạy qua đấy nữa.
Hạt giống đã thành công phá tan sức mạnh của đường sắt.
Một hạt giống thật nhỏ thế mà khi trở thành cây nó đã có một sức mạnh đến thế.
Vậy khi Chúa muốn so sánh “Nước ấy giống như hạt cải”. Thì thử hỏi Chúa muốn nói với mọi người điều gì. Câu trả lời là Chúa muốn cho mọi người hiểu rằng Nước Trời là nước của Thiên Chúa, do Thiên Chúa thiết lập. Lúc khởi đầu Nước đó cũng rất nhỏ bé, nhỏ bé như một hạt cải. Thế nhưng cũng như hạt cải tự nó lớn lên vì bên trong đó có “nguyên lý sự sống” thì Nước của Thiên Chúa cũng vậy. Nước đó sẽ tự lớn lên vì Nước đó sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Chính vì thế mà không ai được hồ nghi. Phải luôn tin tưởng vào Thiên Chúa.
Chúng con hãy nhớ lại xem, khi Chúa Giêsu thành lập Nước Trời thì lúc đó có những ai. Chỉ vỏn vẹn có một nhóm người không quyền thế và không ai biết đến. Phong trào mà Đức Chúa Giêsu đang dẫn đầu có thể nào là nước vinh hiển mà các tiên tri đã báo trước? Họ quá nhỏ bé mà thế giới thì quá mênh mông, làm sao họ có thể thay đổi và chinh phục cả thế giới này được. Vậy mà ngày hôm nay sau bao nhiêu thăng trầm, nhiều lúc bị thế gian muốn tiêu diệt, Nước của Thiên Chúa tức là Giáo Hội như thế nào thì mọi người đã thấy.
Vậy thì lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta hôm nay là: “Xin cho nước Chúa trị đến và bắt đầu từ chính con”. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B