Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
Mt 3,13-17
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. (Mt 3,17)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
1. Thánh Matthêu vừa thuật lại cho chúng ta một câu chuyện hơi lạ. Chuyện Chúa Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Ngài
Cha hỏi chúng con: Chúa Giêsu có cần phải làm như vậy không ?
Chắc chắn là không rồi.
Tại sao thì chúng con đã biết câu trả lời rồi. Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa Sám Hối. Phép Rửa cần cho những người có tội. Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chúa đâu có tội gì mà phải sám hối đâu.
Vậy thì tại sao Chúa lại đến với ông Gioan ngày hôm nay xin ông làm phép Rửa cho Ngài ?
Chúng ta hãy nhìn vào cách Chúa làm lúc đó, chúng ta sẽ có câu trả lời. Lúc Gioan một mực can Chúa khi ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” thì Chúa đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15)
Thế nào là giữ trọn Đức công chính ? Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo đoàn Rôma bảo được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật (Rm 2,13) Vậy lề luật của Chúa Giêsu muốn tuân giữ ở đây là Lề Luật nào ? Thưa là Ý muốn của Thiên Chúa Cha, mà ý muốn của Thiên Chúa Cha khi cho Chúa Giêsu xuống trần gian là để cứu chuộc loài người là gì nếu không phải là quên đi địa vị của mình trở nên giống như mọi người để từ trong loài người Chúa thực hiện việc cứu chuộc ấy.
Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo đoàn Philipphê đã viết rất hay về vấn đề này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phil 2,5-7)
Cha kể cho chúng con câu chuyện vui này: Đây là câu chuyện tưởng tượng nhưng rất phù hợp với ý nghĩa ở đây: Một người kia bị rơi xuống hố tối tăm. Anh ta cố gắng leo lên, để ra khỏi cái hố, nhưng lại bị tụt xuống. Tình cờ Đức Khổng Tử đi qua, ngài nhìn xuống hố thấy anh bèn thương hại bảo:
- Thật tội nghiệp cho con, nếu con chịu khó nghe lời ta dạy bảo, thì con đâu có bị rơi xuống hố như vậy!
Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi. Sau đó Đức Phật Thích Ca đi tới. Ngài cũng nhìn xuống hố thấy anh và nói:
- Thật tội nghiệp con, con hãy tự cố gắng leo lên đi, nếu leo lên được ta sẽ cho đi theo ta.
Nói rồi Đức Phật lại tiếp tục bước đi.
Sau cùng Chúa Giêsu đi tới. Ngài nhìn xuống hố rồi nói:
- Thật tội nghiệp cho con.
Rồi Ngài nhảy xuống hố, nâng anh lên, và giúp cõng anh trên lưng đưa ra khỏi hố.
Đức Khổng Tử chỉ dạy điều hay lẽ phải, Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra con đường giải thoát và kêu gọi hãy đi theo Ngài nhưng mỗi người hãy tự sức mình mà đi chứ Ngài không giúp đỡ được gì cả. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã sẵn sàng làm người, chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc ta khỏi hố sâu tội lỗi.
Chúng ta hãy nhìn ngắm Ðức Giêsu bên bờ sông Giođan. Ngài đứng xếp hàng cùng với dân tộc của Ngài. Ngài trà trộn với những tội nhân muốn sám hối. Ngài chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông. Hỏi có ai nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Ðấng xóa tội trần gian không ?
Ðấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên kẻ tội lỗi. Ðấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần nay lại xin được chịu phép rửa trong nước. Đó là một hành vi khiêm hạ tột cùng nhất là khi được dìm mình xuống nước trước mặt mọi người.
Hơn nữa khi nhìn Ðấng Cứu Ðộ cúi mình xin chịu phép rửa, Chúa cho chúng ta chúng ta hiểu thế nào là đồng hành và liên đới.
Ðồng hành với người khác đòi ta phải đi chậm lại.
Liên đới với người khác đòi ta phải nhỏ bé đi.
Ðồng hành đòi ta có chung một tâm tình với người khác.
Ðấng vô tội nếm được cái ray rứt của tội nhân và cảm được nỗi khát khao đổi đời của họ.
Ðức Giêsu đã đồng hành với con người cho đến chết.
Ngài đã chia sẻ thân phận của người nghèo, người khổ đau, người bị bỏ rơi, bị thất bại, bị kết án và cả thân phận khắc khoải của tội nhân.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đồng hành.
Thiên Chúa làm người để hiểu được con người.
Ngài cúi xuống để nâng con người lên.
Chúa đồng hành và liên đới với con người để làm gương cho mọi người biết bắt chước noi theo.
Thế nhưng thử hỏi con người hôm nay đã biết sống với nhau như Chúa muốn chưa ?
Chúng con hãy nghe câu chuyện này:
Đây là câu chuyện do một nhật báo xuất bản tại Manila, đăng tải, một câu chuyện lạ đời nhưng có thật, do hãng UPI phổ biến. Đó là câu chuyện về ông hoàng: Mohamét Alfassi.
Ông có một nơi nghỉ mát rộng 02 ha nằm bên bờ Đại Tây Dương thuộc bang Florida, Hoa Kỳ. Khi hay tin có 12 con mèo của thành phố New Jersey bị chính quyền địa phương đem giết, ông hoàng này lên tiếng sẵn sàng nhận nuôi 12 con mèo đó. Thế là 12 con mèo được gởi bằng máy bay từ New Jersey xuống Miami, rồi được đưa về nơi nghỉ mát của ông. Ông này dành riêng cho chúng một căn phòng để sinh sống và một căn phòng khác gần bên để chúng được dạo chơi, nô đùa.
Hãng tin UPI, nhân dịp này có kể thêm một “thành tích” khác nữa của ông hoàng đối với những con mèo đó.
Vào năm 1986, ông đã dành trọn một ha đất tại nơi nghỉ mát của ông và bỏ ra hai triệu rưỡi để xây một nhà thương chăm sóc sức khỏe cho những con mèo được ông nuôi tại đây. Nhà thương mèo này được giao cho một bác sĩ thú y và một nhóm y tá coi sóc.
Chúng ta nghĩ gì về hành động của ông hoàng Mohamét Alfassi ?
Hiện trên thế giới có hàng chục triệu người không có nơi ăn chốn ở xứng đáng. Thế mà ông Hoàng này đã bỏ ra hàng triệu dollars để chăm sóc cho một lũ mèo. Phải chăng đây là những dấu chỉ cho thấy nền văn minh đang bắt đầu xuống dốc ? Bởi vì trong đó chỉ có những người nghĩ đến sở thích riêng của mình, không màng chi đến sự liên đới hoặc sự trợ giúp cho những người anh chị em.
Phải chăng đôi khi chúng ta cũng có hành động tương tự khi chúng ta quý trọng các của cải vật chất hơn những người anh chị em sống bên cạnh chúng ta đang cần chúng ta giúp đỡ, trợ lực ?
Khi Ðức Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa. Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý, mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa, Ðức Giêsu đã hòa mình vào dòng người tội lỗi cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Ðức Giêsu không cho mình cái quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B