Bài 51: Phép lạ trừ quỷ của Đức Giê-su | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 51 :
PHÉP LẠ TRỪ QUỶ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
Tin Mừng Chúa nhật thứ IV Thường niên năm B sắp tới kể rằng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um, bỗng xuất hiện một người bị thần ô uế nhập, anh ta kêu lớn tiếng, và Đức Giê-su đã quát mắng thần ô uế, bắt nó phải xuất khỏi người đó (x. Mc 1,21-28).
Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phép lạ trừ quỷ của Đức Giê-su.
Như chúng ta biết, trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su đã làm rất nhiều phép lạ (x. Ga 20,30) có thể tạm phân loại như sau : 1/phép lạ trên thiên nhiên, 2/phép lạ trên con người, và 3/phép lạ trừ quỷ. Những phép lạ là những dấu chỉ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giê-su.
Trừ quỷ là trục xuất thần dữ ra khỏi một người. Đức Giê-su dùng quyền năng của chính Người mà xua trừ ma quỷ. Người cũng trao quyền ấy cho các môn đệ : “Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14b-15). “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1).
Đức Giê-su trừ quỷ khiến “mọi người đều kinh ngạc, đến nỗi họ bàn tán với nhau. Thế nghĩa là gì?... Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “ (Mc 1,27 ; Lc 4,36 ; Mt 12,25-28). Đức Giê-su thể hiện uy quyền trên các tà thần chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa hiện diện nơi Người và vương quốc của Xa-tan bị đánh bạ (x. Mt 12,29 ; Mc 3,27 ; Lc 11,21-22).
Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu xem thần ô uế hay ma quỷ là ai. Các tác giả Tân Ước sử dụng những thuật ngữ khác nhau để chỉ những thực thể thiêng liêng đối kháng với Thiên Chúa.
1- Thần ô uế : danh từ Hy-lạp là pneu-ma a-ka-thar-ton (πνεũμα ἀκάθαρτον - x. Mt 10,1 ; 12,43 ; Mc 1,23.26.27 ; Lc 6,18 ; Cv 5,16 và Kh 18,2). Đây là cách gọi phổ biến của người Do-thái để chỉ ma quỷ. Ô uế ở đây không hẳn theo nghĩa luân lý nhưng đúng hơn là sự đối lập với sự thánh thiêng. Nhiều lần Thiên Chúa đòi hỏi dân Người chớ để mình ra ô uế vì các ngẫu thần (x. Ed 20,7.18) vì thế có thể nói thần ô uế là mãnh lực tăm tối chống lại Thiên Chúa và con người.
2- Ma quỷ : danh từ Hy-lạp là đai-mo-ni-on (δαιμόνιον). Danh từ này được sử dụng nhiều nhất trong Tân Ước, hơn 30 lần để chỉ các thần dữ làm hại con người (x. Mt 7,22 ; Mc 1,39 ; Lc 4,35 ; Ga 7,20 ; 1 Cr 10,20 ; Gc 2,19 ; Kh 16,14…)
3- Quỷ : danh từ Hy-lạp là đi-a-bo-los (διάβολος) : Tác giả Mác-cô không sử dụng từ này, nhưng trong trình thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ, cả hai tác giả Mát-thêu và Lu-ca cùng sử dụng từ này để chỉ tên quỷ cám dỗ Chúa (x. Mt 4,1.5.8.11 // Lc 4,2.3.6.13). Tác giả Gio-an chỉ dùng 3 lần, mà 2 lần để ám chỉ Giu-đa Ít-ca-ri-ốt (Ga 6,70 ; 13,2). Các tác giả khác cũng sử dụng từ này để chỉ ma quỷ (x. Ep 4,27 ; 1 Tm 3,6 ; 1 Pr 5,8 ; Kh 12,12).
Tác giả Mác-cô sử dụng hai từ pneu-ma a-ka-thar-ton và từ đai-mo-ni-on với cùng ý nghĩa như nhau (so sánh : Mc 6,7 và 13 ; 7,25 và 26). Danh từ đai-mo-ni-on (δαιμόνιον) do bởi động từ đai-mo-ni-zo-mai (δαιμόνιζομαι) hầu hết là của hai tác giả Mát-thêu và Mác-cô, động từ này luôn luôn đặt ở lối động tính từ, dạng thụ động và được dịch là “kẻ bị quỷ ám” ( x. Mt 4,24 ; 8,16.28.33 ; Mc 1,32 ; 5,15.16.18).
Tác giả Tin Mừng, đặc biệt là Mác-cô đã thuật lại những lần Chúa Giê-su trừ quỷ bằng một lối văn sống động, nhưng không có những chi tiết ly kỳ để thoả tính hiếu kỳ của độc giả. Đây là lần trừ quỷ thứ nhất trong 4 lần được Tin Mừng Mác-cô kể lại (x. Mc 1,23-26 ; 5,1-20 ; 7,24-30 và 9,14-29).
Trong câu chuyện trừ quỷ của Chúa nhật này, tác giả thuật lại rằng kẻ bị thần ô uế nhập đã la lên, thì phải hiểu là chính thần ô uế la to qua miệng kẻ bị quỷ ám. Câu nói của thần ô uế nguyên văn là : Này ông Giê-su Na-da-rét ! Có điều gì cho chúng tôi và ông? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa !
Câu hỏi : “Có điều gì cho (chúng) tôi và ông ?”, là một công thức khá quen thuộc trong một vài trình thuật Kinh Thánh, nó mang ý nghĩa từ chối can dự vào việc do người khác đề xuất. Chúng ta tìm thấy trong 1 V 17,18 (bản LXX) ; lời bà goá ở Xa-rép-ta trách ông Ê-li-a, chỉ vì ông mà đứa con trai của bà bị chết ; hoặc 2 V 3,13 lời ông Ê-li-sa nói với vua Ít-ra-en khi vua đến xin ông thỉnh ý Đức Chúa. Sau này, chính Chúa Giê-su cũng dùng kiểu nói này với Đức Ma-ri-a trong tiệc cưới Ca-na, và thường được dịch cho dễ hiểu là “chuyện đó can gì đến bà và tôi?” (Ga 2,4). Tuy nhiên, ở Mc 1,24 và 5,7 câu “Có điều gì cho (chúng) tôi và ông ?” được ma quỷ dùng như một sự phòng bị để chống lại việc Đức Giê-su sẽ làm là trục xuất ma quỷ.
Đức Giê-su đến trần gian để khai mở một triều đại mới, là vương quốc Thiên Chúa. Ma quỷ biết rõ điều này, và sự xuất hiện của Đức Giê-su là mối đe doạ cho chúng, nên trong câu hỏi, thần ô uế tự xưng là “chúng tôi” như thể nói thay cho cả thế giới của ma quỷ. Trong thế giới cổ đại, đặc biệt trong Kinh Thánh, đặt tên cho vật nào hay biết rõ tên của một người có nghĩa là có quyền trên người đó. Vì thế lúc này tên quỷ chuyển sang danh xưng “tôi” : “Tôi biết ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên tất cả mọi thụ tạo, vì thế Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Kết quả là thần ô uế đã bị khuất phục trước lời đầy quyền năng của Đức Giê-su và bị trục xuất khỏi kẻ bị quỷ ám (x. Mc 1,26).
Chứng kiến Đức Giê-su làm phép lạ xua đuổi thần ô uế, biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, cũng như được nghe những lời giảng dạy đầy uy quyền của Người, hơn hẳn những kinh sư trong Do-thái giáo, dân chúng rất đỗi kinh ngạc. Chẳng mấy chốc tin tức đã lan truyền khắp nơi, đến cả những vùng lân cận miền Ga-li-lê (x. Mc 1,27-28).
Mác-cô đã dùng câu chuyện Đức Giê-su đụng độ với tà thần, để mở đầu sứ vụ công khai của Người ngay sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (1,16-20) và Mác-cô lấy câu chuyện trừ quỷ này làm khuôn mẫu cho những lần trừ quỷ sau đó. Khuôn mẫu ấy gồm những bước tuần tự như sau :
(1) cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với ma quỷ (1,23) ;
(2) ma quỷ cố chống lại quyền năng Thiên Chúa (1,24) ;
(3) lời quát mắng đầy quyền năng của Đức Giê-su (1,25a) ;
(4) lệnh truyền phải xuất khỏi người bị ám (1,25b) ;
(5) quỷ phải mau chóng thi hành (1,26) ;
(6) thường có lệnh truyền phải giữ kín (x. 3,12) ;
(7) những phản ứng : kinh ngạc, thắc mắc hoặc câu chuyện được lan truyền (x. 1,27-28).
Cách trình bày câu chuyện trừ quỷ của Mác-cô cho chúng ta thấy rõ chân tính của Đức Giê-su. Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24b) mà ngay cả quyền lực tà thần cũng phải tuyên xưng. Hơn nữa, Mác-cô muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là Đấng mạnh mẽ hơn ma quỷ (x. Mc 1,7.13) và đã đuổi chúng ra khỏi nơi chúng cư ngụ (x. Mc 3,23-27). Lời Người mạnh mẽ đến nỗi ma quỷ phải run khiếp và van xin Người nương tay cho chúng (x. Mc 5,12).
Kết luận
Qua những điều tìm hiểu dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, ma quỷ thực sự hiện hữu trong thế giới và Giáo Lý Công Giáo dạy rằng ma quỷ cũng là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên vốn tốt lành, nhưng là thụ tạo sa ngã và làm cho mình ra xấu xa và gian ác (GLHTCG, 391). Ngay từ khởi thuỷ ma quỷ đã muốn lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa (x. St 3), và trải dài suốt dòng lịch sử, ma quỷ luôn tìm mọi cách để cám dỗ và làm hại con người. Nhưng dù ma quỷ có quyền lực đến đâu thì nó vẫn chỉ thụ tạo có giới hạn. Những hoạt động do ma quỷ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội, trong lãnh vực tinh thần cũng như vật chất, ấy là vì được sự cho phép của Chúa Quan Phòng, Đấng điều khiển lịch sử loài người. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động là mầu nhiệm về sự dữ, nhưng “chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.” (GLHTCG, 395).
Để kết thúc bài học hôm nay, chúng ta hãy dùng Tv 57 để xin Chúa che chở gìn giữ chúng trước những tấn kích của tà thần :
Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
xin Ngài thương xót con,
này con đến ẩn náu bên Ngài ;
dưới bóng Ngài, này con ẩn náu,
tới khi nào hết tai hoạ khổ đau.
Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi.
Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,
hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.
Xin Chúa Trời gửi xuống
tình thương và lòng thành tín của Người.
Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người ;
nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,
lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.
Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.
Dưới chân con, chúng đã giăng lưới sẵn,
cho con phải mắc vào.
Trước mặt con, chúng đào hầm đào hố,
chính chúng lại sa chân.
Con an lòng, lạy Thiên Chúa, con vững dạ an lòng,
Này con xin đàn hát xướng ca.
(Tv 57,2-7.8)
bài liên quan mới nhất
- Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa