Bài 24: Nước Trời giống như chuyện... | Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa nhật 17 Thường niên năm A
Bài 24 :
NƯỚC TRỜI GIỐNG NHƯ CHUYỆN…
Trong Tin Mừng của các Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nghe Chúa Giê-su kể nhiều dụ ngôn về Nước Trời. Trong Chúa nhật 17 thường niên này, chúng ta được nghe tiếp 3 dụ ngôn nữa, và đều bắt đầu bằng câu “Nước Trời giống như chuyện…”. Đó là :
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng…
Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp…
Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển..." (Mt 13,44.45.47).
Chúng ta không lạ gì hai từ Nước Trời và Nước Thiên Chúa vì được các sách Tin Mừng nhắc đến nhiều lần.
Trong bài học hỏi này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa của Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, cách riêng là qua lối so sánh trong các dụ ngôn của Đức Giê-su.
A. Cựu Ước
Tiếng Híp-ri có từ mā-laḵ (מָלַךְ) để chỉ việc cai trị, thống trị hoặc làm vua (x. 2 Sm 5,4 ; 1 V 1,13 ; 16,23). Động từ mā-laḵ (מָלַךְ) không chỉ áp dụng cho vua chúa trần gian, mà còn áp dụng cho Thiên Chúa nữa :
“Chúa làm vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên. Vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !” (Tv 97,1)
“Con cái Xi-on hãy nhảy mừng, vì được Chúa làm vua hiển trị.” (Tv 149,2)
Bởi động từ mā-laḵ (מָלַךְ) mà có danh từ me-leḵᵊ (מֶלֶךְ) có nghĩa là ông vua và được dùng rất nhiều trong Cựu Ước (khoảng 2.200 lần), và từ này cũng được áp dụng cho Thiên Chúa. Ví dụ, ngôn sứ Sa-mu-en nói với dân Ít-ra-en rằng : “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em mới là vua của anh em” (1 Sm 12,12).
Cũng do từ gốc này mà có các danh từ như :
vương quốc (Xh 19,6 ; 2 Sb 9,19), vương quyền (1 Sm 11,4), vương triều (Am 7,13), triều đại (x. Er 4,5 ; 7,1 ; Nkm 12,22).
Tác giả thánh vịnh 145 chúc tụng Chúa rằng:
“Triều đại Ngài thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.” (Tv 145,13).
Mặc dù Ít-ra-en luôn nhìn nhận địa vị tối cao của Thiên Chúa, nhưng khái niệm về một vương quốc của Thiên Chúa đã phải tiến triển dần dần qua các giai đoạn. Và đến thời Tân Ước, với lời giảng dạy của Chúa Giê-su, đặc biệt là qua những dụ ngôn, khái niệm về một vương quốc của Thiên Chúa mới đầy đủ. Vì thế chúng ta cùng tìm hiểu xem Tân Ước, đặc biệt là các Tin Mừng nói gì về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa.
B. Tân Ước
Trong Tân Ước, cả ba từ ngữ : vương quốc, vương quyền và triều đại đều dịch từ một danh từ Hy-lạp là ba-si-lêi-a (βασιλεία), mà danh từ này bởi động từ ba-si-lêu-ô (βασιλευω) có nghĩa là thống trị, cai trị, làm vua (x. Mt 2,22 ; Lc 1,33 ; Rm 6,12). Tuỳ theo ngữ cảnh, danh từ ba-si-lêi-a (βασιλεία) có nghĩa là vương quốc (Mt 4,8 ; Mc 6,23 ; 13,8 ; Kh 16,10) ; hoặc vương quyền (x. Lc 19,12.15 ; Kh 17,12) ; hay triều đại (x. Mt 12,28).
Trong các sách Tin Mừng, danh từ “Nước” hay “Vương quốc” thường đi liền với chữ “Trời” hay “Thiên Chúa”, làm thành danh từ “Nước Trời” (βασιλεία τῶν οὐρανῶν) hay “Vương quốc Thiên Chúa” (βασιλεία τοῦ θεοῦ).
1. Nước Trời
Trong Tân Ước, kiểu nói Nước Trời (βασιλεία τῶν οὐρανῶν) xuất hiện trước tiên nơi Thánh Gio-an Tẩy Giả khi người rao giảng rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Đó cũng là lời rao giảng của chính Chúa Giê-su khi Người khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. Mt 4,17).
Trong Tin Mừng Mát-thêu, hạn từ Nước Trời xuất hiện khoảng 30 lần, còn Nước Thiên Chúa thì chỉ 4 lần (x. Mt 12,28 ; 19,24 ; 21,31.43). Điều này có thể được giải thích là do ảnh hưởng từ truyền thống Do-thái, vốn uý kính Thiên Chúa, nên người ta thường tránh nhắc đến danh Thiên Chúa mà dùng từ Trời để thay thế.
Người Do-thái coi Trời là nơi Thiên Chúa ngự trị (x. Tv 102,20 ; Is 63,15) và chính Chúa Giê-su cũng xác định điều này khi nói về Chúa Cha : “Cha anh em, Đấng ngự trên trời” hoặc “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16 ; 6,9 ; 12,50 ; 18,19).
Trời không chỉ là nơi Thiên Chúa ngự trị, Trời còn là chính Thiên Chúa, như ông Giu-đa Ma-ca-bê trong cuộc kháng chiến chống quân Hy-lạp, đã kêu gọi dân chúng rằng : “Chúng ta hãy kêu lên Trời, xin Người thương đến chúng ta” , và ông tin tưởng rằng Trời sẽ ban sức mạnh để chiến thắng địch thù (x. 1 Mcb 3,18-19 ; 2 Mcb 9,20).
Khi người ta nói đắc tội với Trời cũng có nghĩa là đắc tội với Thiên Chúa, như lời xưng thú của người con hoang đàng khi gặp lại cha mình : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.” (Lc 15,21)
2. Nước Thiên Chúa
Cụm từ Nước Thiên Chúa (βασιλεία τοῦ θεοῦ), được tác giả Mát-thêu sử dụng 4 lần, Mác-cô 14 lần, Lu-ca hơn 40 lần, còn trong Tin Mừng Gio-an chỉ có 2 lần Chúa Giê-su nói đến Nước Thiên Chúa với ông Ni-cô-đê-mô (Ga 3,3.5). Một số tác giả khác trong Tân Ước cũng nói đến Nước Thiên Chúa (x. Cv 1,3 ; Rm 14,17).
3. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là gì ?
Sau khi tìm hiểu về mặt từ ngữ, chúng ta đã biết Nước Trời cũng là Nước Thiên Chúa. Vậy, Nước Thiên Chúa là gì ? Tin Mừng cho chúng ta biết đó là nội dung chính yếu trong những lời rao giảng của Chúa Giê-su ; hơn nữa, sứ mạng của Chúa Giê-su là khai mở Nước Thiên Chúa nơi trần gian này (x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 3).
Nước Thiên Chúa được khai mở qua việc Chúa Giê-su thiết lập Hội Thánh như là hạt giống và là khởi điểm cho Nước ấy trên trần gian.
Nước Thiên Chúa phải được phát triển và lan rộng khắp thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 18,36).
Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm, một vương quốc siêu việt đến từ trời, nên không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ thực tại này. Chỉ có Chúa Giê-su, với phương pháp sư phạm rất hữu dụng và cũng là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người, đã giúp các môn đệ và dân chúng khám phá ra mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đó là việc dùng dụ ngôn, tức là lối so sánh từ những sự kiện quen thuộc trong đời sống hằng ngày, để diễn tả những khía cạnh khác nhau và ý nghĩa phong phú của Nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su cho thấy điều đó khi hỏi rằng : Nước Thiên Chúa giống cái gì đây ? Tôi phải so sánh Nước ấy với cái gì đây ? (Lc 13,18).
Nước Thiên Chúa có được nhìn dưới nhiều khía cạnh, xin nêu một vài khía cạnh tiêu biểu :
a. Phổ quát : Nước Thiên Chúa được ban cho tất cả mọi người, nhưng để vào được Nước Thiên Chúa, người ta phải hoán cải và đón nhận Lời Chúa như hạt giống được gieo vào mảnh đất tốt, rồi sinh hoa kết trái (x. Mt 13,23).
b. Âm thầm nhưng mạnh mẽ : Nước Thiên Chúa có sức bành trướng bên ngoài, như một hạt cải bé nhỏ trở thành cây cao bóng cả (Mt 13,31-32 ; Lc 13,19), hay có sức biến đổi từ bên trong, với một chút men làm dậy cả khối bột (Mt 13,33 ; Lc 13,21).
c. Giá trị cao quý hơn mọi sự trên trần gian : Khi khám phá ra mầu nhiệm Nước Thiên Chúa người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được Nước ấy, như dụ ngôn kho tàng trong thửa ruộng và dụ ngôn viên ngọc quý trong Tin Mừng Chúa nhật tuần này đã cho thấy (x. Mt 13,44-46).
d. Chúa Giê-su là hiện thân của Nước Thiên Chúa : Chúa Giê-su không chỉ rao giảng về Nước Thiên Chúa, mà chính Người là Nước Thiên Chúa, như Người đã trả lời cho những người Pha-ri-sêu khi họ thắc bao giờ Nước Thiên Chúa mới đến : “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21), đó chính là Đức Giê-su đang ở giữa họ.
Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giê-su dạy chúng ta cầu xin cho Nước Cha trị đến hay là Triều đại Cha mau đến (Mt 6,10). Khi giải thích lời cầu này, thánh Síp-ri-a-nô cho rằng Triều đại của Thiên Chúa chính là Đức Ki-tô, thánh nhân đã viết : “Chính Đức Ki-tô là triều đại của Thiên Chúa. Ngày ngày chúng ta mong cho triều đại ấy mau đến, chúng ta muốn cho triều đại ấy sớm trở thành hiện thực. Bởi chưng, nếu chính Người là sự sống lại, vì trong Người chúng ta được sống lại, thì cũng có thể hiểu chính Người là triều đại của Thiên Chúa.” (bài đọc Kinh Sách, thứ Tư, tuần XI).
đ. Thánh Phao-lô thì dạy rằng :
“Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao ? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp.” (1 Cr 6,9-10)
“Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17)
Kết
Như vậy, khi các Ki-tô hữu sống những giá trị Nước Trời như Đức Giê-su đã rao giảng thì Nước Trời đang đến và hiện diện cách sống động ngay giữa lòng trần thế.
Lời nguyện
Lạy Chúa,
muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài : thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
Chúa gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời ! (Tv 145,10-21)
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Lm Vinh Sơn Nguyễn Xuân Hưng, OP
bài liên quan mới nhất
- Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa