Bài 11: Hình ảnh Mục Tử trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Vì thế các bài đọc Lời Chúa xoay quanh đề tài Mục Tử.
Bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ cho chúng ta biết công việc mục vụ của thánh Phê-rô thời Giáo Hội Sơ Khai. Rồi trong bài Tin Mừng và bài đọc hai, chúng ta được biết thêm, Đức Giê-su mới chính là Mục Tử Tối Cao, là Cửa đưa đàn chiên vào cõi sống. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem, Sách Thánh nói về hình ảnh Mục Tử và Đàn Chiên như thế nào !
Chăn chiên là một trong những nghề cổ xưa nhất tại Pa-lét-tin và vùng phụ cận. Việc sở hữu những đàn vật cho thấy uy thế và sự giàu có của người chủ. Ví dụ như tài sản hàng ngàn chiên cừu, lạc đà, bò bê và lừa … được kể là phúc lộc của ông Áp-ra-ham (St 24,35). Đôi khi, người sở hữu cũng trực tiếp chăn dắt đàn vật. A-ben là người “chăn chiên” (St 4,2tt). Gia-cóp cũng chăm sóc đàn chiên (St 30,40). Công việc này có thể được giao phó cho con cái của người chủ. Chẳng hạn như cô Ra-khen chăm sóc đàn chiên cho cha mình là ông La-ban (St 29,6). Người con út của ông Gie-sê là cậu Đa-vít cũng được giao cho trách nhiệm này (1 Sm 16,11 ; 17,15). Tuy nhiên, đặc biệt nhất chính là việc Thiên Chúa cũng được hình dung như vị mục tử, Đấng kiểm điểm đàn chiên tản mác của Người (Ed 34,12).
Công việc chính của người mục tử là lo liệu đủ đầy thức ăn và nước uống cho đàn vật (x. Tv 23). Việc trông coi đàn vật là việc rất quan trọng, vì đàn vật có thể dễ dàng trở thành mồi ngon cho dã thú (1 Sm 17,34-35 ; Am 3,12) hay kẻ trộm (Ga 10,1).
Người chăn chiên giỏi là người đặc biệt lưu tâm đến hiện trạng của đàn chiên, cẩn thận xem đàn vật có ở trong tình trạng bị quá sức hay không (x. St 33,13-14). Người mục tử nhiều khi còn phải lấy tay mà dắt dìu đàn chiên (x. Is 40,11), vác chúng trên vai như được diễn tả qua bức tượng thần Héc-mét Cri-ô-phô-rô của Hy-lạp.
Khi chiều về, chiên cừu thường được quây lại bằng các phên giậu được làm từ cây gai bện lại, để tránh bớt thời tiết khắc nghiệt và các mối nguy cho chúng (Ds 32,16 ; 2 Sb 32,28 ; Tv 78,70 ; Xp 2,6 ; Ga 10,1). Các hang động cũng có thể được sử dụng để bảo vệ đàn vật tốt hơn (Tl 5,16 ; 1 Sm 24,3-4). Bản chất công việc của người chăn chiên là giữ cho đàn vật được toàn vẹn, phải kiểm đếm từng con một bằng cách cho chúng lần lượt đi qua dưới tay mình (Gr 33,12-13 ; x. Gr 31,10-11 ; Tv 49,15 ; 77,21).
Từ công việc chăn dắt thường nhật như thế mà các dòng tộc cổ thời được mở rộng và phát đạt thêm. Theo đó, hình tượng người chăn chiên và đàn vật phát triển rộng khắp vùng Cổ Cận Đông. Đây cũng là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất của loài người và được sử dụng rất nhiều trong Kinh Thánh để minh hoạ về Thiên Chúa hay các nhà lãnh đạo quốc gia. Không chỉ ở vùng Lưỡng Hà và Ai-cập, mà người Hy-lạp cũng sử dụng hình tượng này để diễn tả nhiều ý niệm trừu tượng khác nữa. Và tất nhiên, Hội Thánh thời đầu cũng đã chân nhận Đức Giê-su là Vị Mục Tử Vĩ Đại và là hình ảnh hoàn hảo của người mục tử tốt lành.
Hình ảnh Mục Tử trong Cựu Ước
Việc dùng hình tượng mục tử và đàn chiên khắp trong Kinh Thánh rất có thể bắt nguồn từ những năm tháng ban đầu gắn liền với nếp sống du cư hay bán du cư của Ít-ra-en. Các truyền thống về đời sống của dân Chúa trong sa mạc thường tôn vinh Người là Mục Tử và là Đấng Che Chở duy nhất (St 48,15 ; 49,24 ; x. Đnl 26,5-8 ; Gr 13,17 ; Mk 7,14). Ý niệm về Thiên Chúa là Mục Tử dần dà trở nên phổ biến hơn và trở thành “đặc ngữ” ưa thích trong suốt dòng lịch sử Ít-ra-en (x. Tv 31,4 ; 80,2). Thiên Chúa được mô tả là Đấng che chở những con vật không thể tự bảo vệ. Người nâng niu chiên non và không để chúng cùng kiệt (Is 40,11 ; x. St 33,13 ; Tv 28,9).
Nhiều tác giả cũng thích hoạ lại hình ảnh biểu tượng này nơi cuộc Xuất Hành. Trong Bài ca của ông Mô-sê, tức một trong những truyền thống cổ xưa nhất của Ít-ra-en, cũng hàm ẩn hình ảnh Thiên Chúa là Mục Tử dẫn đưa đoàn dân tới những đồng cỏ bình yên (Xh 15,13. 17). Suy tư sau này về sự kiện xuất hành cho thấy Thiên Chúa là nhà lãnh đạo quyền năng đã ra tay trục xuất chư dân để lấy chỗ cho “đàn chiên” của Người (Tv 78,52-55.70.72). Một số đoạn văn sử dụng hình tượng mục tử để so sánh cuộc hồi hương từ nơi lưu đày Ba-by-lon với biến cố Xuất Hành (Gr 23,1-8 ; 31,8-14 ; Is 40,11 ; 49,9-13). Lòng thành tín và sự tận tâm của Thiên Chúa đối với từng con chiên còn được diễn tả trong Thánh vịnh Mục Tử kinh điển là thánh vịnh 23. Thánh vịnh này cũng có thể minh hoạ cho cộng đoàn lưu đày và là một kiểu nhấn mạnh mang tính biểu tượng của cuộc hồi hương về đất Pa-lét-tin (x. Is 49,9-13 và Tv 121).
Hình ảnh Mục Tử trong Tân Ước
Các ý niệm trong Cựu Ước về vị mục tử như là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm được tiếp tục nơi các môn đệ của Đức Giê-su, Đấng đã dùng kiểu mẫu này để đặc trưng hoá vai trò và sứ vụ của Người. Lời mô tả về Đức Giê-su như vị Mục Tử của Ít-ra-en bắt đầu bằng cảnh những người chăn chiên trên những cánh đồng quanh Bê-lem nghe biết Đấng Cứu Độ đã giáng sinh khi các thiên thần loan tin “bình an” cho nhân trần (Lc 2,8-20). Thuật truyện này gợi nhớ đến lời tuyên bố trong Cựu Ước về chồi non thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ xuất hiện, sẽ đem đến một “giao ước bình an” (Ed 34,23-25 ; x. 1 Sm 16,1.12-13 ; Gr 23,1-8 ; Mk 5,2-4).
Đức Giê-su được trình bày như là Đấng chạnh thương “đàn chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34 ; Mt 9,35–10,6 ; 15,24 ; x. Lc 19,10). Thuật ngữ xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô dường như dựa trên các câu Ds 27,16-17, đoạn văn mà ông Giô-suê được bổ nhiệm làm người lãnh đạo Ít-ra-en, và cũng có thể có nền tảng từ Ed 34, tức chương sách nói đến đàn chiên tản mác và vắng bóng mục tử đang chờ đợi một Đa-vít mới (Ed 34,1-10 ; 23-24).
Hình tượng người mục tử và đàn vật đạt tới đỉnh cao trong Tin Mừng Gio-an. Các câu Ga 10,1-18.22-29 cho biết mối quan tâm của Đức Giê-su dành cho Ít-ra-en thật tương phản với sự chăm sóc vờ vĩnh của hàng ngũ lãnh đạo đương thời. Như là một mục tử biết cảm thương và đáng tin, sứ vụ và phẩm tính lãnh đạo của Đức Giê-su được đóng ấn qua việc sẵn lòng chịu chết vì đàn chiên (c. 11 ; x. 1 Sm 17,34-35). Tác giả Tin Mừng thứ tư xác định căn tính sứ vụ và cái chết của Đức Giê-su qua vai trò mục tử của Người bằng cách sử dụng những ý tưởng về người mục tử thuộc dòng Đa-vít đã từng được nói đến trong Ed 34,11-16.23-24, kể cả hình ảnh vị mục tử chịu khổ nhục của Ed 13,7 (x. Mc 14,27). Các chương Dcr 9–14 cũng có một ý nghĩa đặc biệt để so sánh với các môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su, và cũng để giải thích và hiểu được kế hoạch cánh chung của Đức Giê-su qua lời phát biểu, “đánh mục tử thì đàn chiên sẽ tan tác”. Ngoài ra, đoạn văn nói về cái kết của thân phận mục tử (Dcr 11,4-14 ; x. Mt 27,9) cũng có thể được xem là những lời lý giải về đời sống và cái chết của Đấng Cứu Độ. Bối cảnh trong sách Da-ca-ri-a gây hiệu ứng rõ rệt về mặt cảm xúc trên các môn đệ khi họ trông thấy thủ lãnh của mình bị bắt giữ và các tông đồ cũng tản lạc giống như đoàn chiên không nơi nương tựa. Cả Ed 34 và Dcr 9–13 đều là nguồn mạch phong phú để gẫm suy thêm về vai trò người mục tử trong các Tin Mừng.
Thời sau hết, các dân nước sẽ được tập hợp lại trước Con Người như những đàn chiên dê thật lớn (Mt 25,31-33). Sách Khải huyền cho biết thêm hình ảnh về vị mục tử trông coi người dưới quyền theo kiểu nhà binh (2,27 ; 19,15 ; x. Tv 2,8-9). Tuy vậy, dựa trên quan điểm Đức Giê-su là Vị Mục Tử và Đấng che chở các linh hồn (1 Pr 2,25 ; 5,4), Hội Thánh thời đầu đã sử dụng biểu tượng này để mô tả công trình của các vị lãnh đạo, những vị được trông mong rập khuôn cuộc đời và việc làm của mình theo vị Mục Tử Tối Cao (1 Pr 5,1-4 ; Hr 13,17.20-21).
Các vị lãnh đạo của Giáo Hội được hướng dẫn để “chăn dắt đoàn chiên” của Thiên Chúa (1 Pr 5,2), và các tước hiệu được dành riêng cho họ, chẳng hạn như bậc kỳ mục (presbyteros), người giám hộ, giám mục, hay giám thị (episcopos) … luôn gắn liền với công việc mục vụ đầy trách nhiệm và cũng là ơn gọi của họ (x. Cv 11,30 ; 14,23 ; 15,2.4.6.22-23 ; 16,4 ; 20,17.28-29 ; 1 Tm 3,2 ; 4,14 ; 5,17 ; Tt 1,5 ; 1 Pr 5,2-3).
Để kết thúc bài tìm hiểu chủ đề Mục Tử và Đàn Chiên hôm nay, chúng ta cùng nhau cầu nguyện với Vị Mục Tử Tối Cao với lời Thánh vịnh đáp ca của Chúa nhật tuần IV Phục Sinh hôm nay :
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa,
dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn,
vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ,
con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.”
A-men.
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
bài liên quan mới nhất
- Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa