Anh tôi
Anh tôi

TGPSG -- Gia đình tôi có bảy anh chị em, anh là người con thứ .

Được sinh ra trong gia đình nơi một giáo xứ có truyền thống đạo đức thuần túy lâu đời, anh chị em chúng tôi từ nhỏ đã được Bố Mẹ nhen nhóm vào lòng những tâm tình đạo đức. Đời  sống đạo, giữ đạo đã in sâu vào lòng anh chị em chúng tôi. Nhưng khác với chúng tôi, Anh không như vậy.

Với mỗi người Kitô hữu cũng như anh chị em trong gia đình tôi, việc đi lễ và các sinh hoạt nơi nhà thờ, giáo xứ gắn liền với cuộc sống, nhưng với Anh tôi thì đó là điều miễn cưỡng phải làm, đi lễ chỉ vì bố mẹ bắt buộc.

Khi Anh  chưa xưng tội rước lễ lần đầu, mỗi lần cả nhà đi lễ hoặc tham gia các buổi đọc kinh, ngắm nguyện Anh tôi luôn xung phong ở nhà coi nhà. Khi đó Bố Mẹ tôi không để ý nhiều nên nghĩ ờ thì có một đứa ơ ở nhà cho an tâm, đi lễ, đọc kinh cầu nguyện cho đỡ phải chia trí.

Nhưng dần dần Bố Mẹ tôi nhận thấy như vậy không ổn, nên không để Anh ở nhà coi nhà nữa. Đến khi Anh xưng tội rước lễ lần đầu, việc đi lễ Chúa nhật là bắt buộc nên Anh tỏ rõ thái độ ngại ngùng mỗi khi đến ngày Chúa Nhật. Bố thấy vậy thì sốt ruột nên càng để ý đến Anh tôi nhiều hơn để thúc giục Anh.

Với ý nghĩ làm như vậy Anh sẽ chăm chỉ đi lễ, nhà thờ hơn. Bố tạo mọi điều kiện để Anh có thể tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ. Nhưng dường như điều đó càng làm cho Anh cảm thấy miễn cưỡng, ngại ngùng hơn…

Năm đó Anh tôi 12 tuổi. Vào một ngày Chúa Nhật như những Chúa nhật khác,   Bố nhắc nhở chúng tôi và cả Anh chuẩn bị đi lễ. Lúc đó chúng tôi đang chơi trò trốn tìm với nhau, còn Anh đang đẽo súng cao su.

Chúng tôi nghe Bố nói thì đi tắm rửa mặc quần áo để chuẩn bị đi lễ, còn Anh cứ mải miết với chiếc súng cao su đang đẽo giở. Bố thấy thế liền nhắc:

  • Thế, mau đi tắm rửa còn đi lễ con!

 Lời của Bố dường như anh bỏ ngoài tai. Bố tôi vốn dĩ là người khá điềm tĩnh và kiên nhẫn nên nhắc nhẹ lần nữa:

  • Thế, đi tắm còn đi lễ con!

Anh tôi vẫn không động đậy, mải miết với cái súng cao su đang làm giở. Lúc này Bố nghiêm giọng nhắc lần thứ ba:

  • Thế, Có nghe Bố nói gì không?

 Anh tôi quay lại nhìn Bố và nói:

  • Bố! Tại sao lại cứ phải đi lễ? Con không muốn đi lễ!

Bố tôi có chút bất ngờ với câu nói của anh, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh trả lời Anh theo cách nghĩ của một giáo dân bình thường như bao người khác:

  • Mình là người có đạo, ngày Chúa nhật là ngày của Chúa nên mình đi lễ, mình đến với Chúa, mình giữ đạo con ạ.

 Nhưng Anh tôi cự lại:

  • Con thấy thật là mất thời gian, không đi lễ có sao đâu, từ nay con không đi lễ đâu!

Bố tôi giật mình, trợn tròn mắt với câu nói đó của anh tôi. Bố tiếp:

  • Cái thằng này, ai dạy con như thế, mau đứng dậy đi lễ, con xưng tội rước lễ lần đầu rồi phải giữ lễ ngày Chúa nhật, không là phạm tội trọng đó, biết chưa?

 Anh tôi:

  • Con đi học thầy giáo dạy lịch sử bảo ngày xưa nhiều Cha là những người chống đối nhà nước, tiếp tay cho giặc Pháp, giặc Mỹ chiếm đất nước.

Bố tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những phản biện của Anh. Bố giải thích cho Anh hiểu… tuy nhiên Anh tôi dường như không muốn lắng nghe Bố nói và vẫn giữ ý nghĩ đó trong lòng.

Với mơ ước trở thành nữ tu, tôi chăm chỉ đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, tham gia các sinh hoạt ca đoàn, giáo lý viên giáo xứ. Anh tôi lấy làm khó chịu lắm, nhưng vì có bố mẹ ủng hộ nên Anh không làm được gì, chỉ càu nhàu mỗi khi tôi trên nhà thờ về.

Năm tháng trôi qua, Anh tôi lớn dần. Anh thi vào đại học không đậu, nên ở nhà ôn thi một năm. Còn tôi, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi gia nhập Đệ tử Dòng Mến Thánh Giá. Bố mẹ và các anh chị trong gia đình đều ủng hộ tôi. Chỉ có mình Anh là không đồng ý.

Anh không muốn tôi đi tu, nhưng vì cả gia đình đều ủng hộ tôi nên Anh cũng đành kệ tôi vậy. Tuy nhiên mỗi lần tôi về và khi đi, Anh chở tôi vào bến xe buýt, trên đường đi Anh khuyên tôi hãy suy nghĩ lại. Với Anh dường như việc đi tu là cái gì đó rất hoài phí thanh xuân và cuộc đời.

Có lần trên đường đi Anh nói với tôi

  • Đừng đi nữa, mày đâu đến nỗi ẩm ương, sứt môi lồi rốn... mà phải đi tu?

 Lúc đó tôi mới chập chững bước vào đời tu nên cũng chưa biết cách giải thích cho Anh hiểu, chỉ nói đơn giản rằng:

  • Em thích thì em đi chứ, Anh nói linh tinh gì vậy?

Đến khi Anh tôi lập gia đình, có con cái, vốn tính khô khan nguội lạnh nhưng vì giữ thể diện nên Anh vẫn đi lễ mỗi Chúa Nhật. Vì không có lòng đạo nên Anh chỉ giữ cho có và hậu quả là các cháu con Anh bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Gia đình là trường học đầu tiên và có sức ảnh hưởng lớn nhất tới con cái.

Anh tôi không những không thúc giục con cái siêng năng đi lễ, mà mỗi khi Mẹ tôi gọi các cháu dậy đi lễ sáng là Anh lại khó chịu, muốn để các cháu ngủ. Rồi mỗi khi tôi về, các cháu chơi với tôi, Anh dường như không thoải mái lắm, mặc dù Anh tôi vẫn thương tôi nhưng tôi lấy làm lạ là Anh không thích cho các cháu đi cùng với tôi nhiều.

Một hôm tôi nghe bé lớn nhà Anh hỏi khiến tôi giật mình suy nghĩ:

  • Cô sao cô lại đi tu? Bố con bảo cấm không được đi theo cô.

Dẫu biết rằng anh không phải là một tín hữu sùng đạo, nhưng tôi không ngờ Anh mình lại ác cảm với người tu đến như vậy, tôi cảm thấy hơi chạnh lòng.

Buồn hơn nữa là tôi nhận thấy các cháu của mình vì sống xa nhà thờ, nên dễ học theo những thói đời. Đó cũng là nỗi lo của Bố Mẹ tôi mỗi khi đi lễ, nhà thờ mà không nhìn thấy cháu mình đâu.

Tôi tìm cách nói chuyện với Anh. Tôi bắt đầu với câu hỏi trực tiếp, khi tôi có dịp về quê vào lễ Phục sinh:

  • Anh, bao lâu rồi Anh chưa xưng tội?

Anh tôi trả lời tỉnh bơ:

  • Ơ! cô này, Anh có tội gì mà xưng?

Tôi nói với Anh:

  • Nếu vậy thì phải sang Tòa Thánh xin Đức Thánh Cha phong thánh cho Anh, vì chỉ chó Thánh mới không có tội gì”.

Anh tôi nói thêm:

  • Anh có tội gì đâu, cùng lắm là cãi Bố Mẹ vài câu, quát vợ con mấy câu, chứ có ăn cắp, ăn trộm của ai cái gì…

Tôi cố phân tích cho Anh hiểu, nhưng Anh dường như bỏ ngoài tai. Rồi Anh phản kháng lại tôi:

  • Cô đi tu, chỉ có khổ sở, phí hoài thanh xuân. Ngày xưa Anh nói thì không nghe, đấy bây giờ chịu lấy, tiền thì không có, điện thoại không được dùng.
  • Đấy, như hôm nọ có hai sơ lên Giáo xứ mình tập hoa xong trên đường về hư xe, chả có đồng nào trong túi, may ở đây toàn người có đạo người ta biết là Sơ người ta cho tiền sửa xe, chứ giả sử là cô đi đến một nơi họ không có đạo, không biết Sơ là ai, thì lúc đó làm sao?
  •  Trong túi không có lấy một đồng tiền, điện thoại cũng không có luôn, thật quá là khổ.
  • Thời đại bây giờ có ai còn chịu như vậy... Anh nói thật với cô, 3 đứa con gái nhà Anh, cấm không được đứa nào đi tu. 

Tôi nghe như vậy thì biết rằng lời nói của mình lúc này sẽ không có tác dụng. chỉ có những lời cầu nguyện và Chúa mới có thể biến đổi Anh.

Một hôm, cháu gái con cả của Anh nói với tôi:

  •  Cô! Bố con bảo cấm không cho đi tu theo cô. Con hỏi tại sao, Bố con bảo, mày thấy, trong các dịp họp gia đình đông đủ, có mặt cô không? Gia đình có việc gì, có thấy mặt cô không? Anh em đám cưới vui linh đình, có thấy cô khôngĐi tu để mà như vậy à?!

Tôi giải thích cho cháu:

  • Cô cũng có về đó thôi, nhưng chỉ dịp nào thật sự cần thiết thôi.

Rồi tôi âm thầm cầu nguyện xin Chúa biến đổi Anh mình.

Một biến cố xảy ra trong gia đình Anh. Cháu gái con út của Anh đã 3 tuổi mà không biết nói. Tệ hơn nữa cháu có những hành vi bất thường, không giống với các trẻ khác. Thấy cháu có dấu hiệu của trẻ tự kỷ, tôi khuyên Anh gửi cháu ra nhà dòng, vào lớp đặc biệt để các sơ giúp. Nhưng Anh không chịu.  Rồi càng ngày cháu càng bị nặng.

Anh tôi tìm cách chạy chữa cho con. Anh gửi cháu vào một trường tư nhân gần nhà. Cháu không những không đỡ mà còn bị nặng hơn. Rồi Anh tôi lại gửi cháu tôi qua một trường khác với học phí đắt hơn gấp đôi với hy vọng con gái có thể nói được một hai câu và hành vi bình thường như các trẻ khác, nhưng tiền mất tật mang, cháu tôi vẫn không có thay đổi gì.

 Đã 3 tuổi mà một câu ngắn, thậm chí một từ Mẹ, Bố, cháu tôi cũng không nói được. Những hành vi bất thường như đập đầu vào tường, hét to, quậy phá càng ngày càng tăng.

Cuối cùng Anh cũng nghe theo lời tôi, đến trường của nhà Dòng để xin các Sơ cho con vào học. Nhưng đã qua kỳ nhập học nên Anh tôi không xin cho con vào trường được nên tôi phải đích thân từ trên nhà chính về, đến gặp các sơ để xin cho cháu. Vì nể tôi nên các sơ nhận thêm cháu.

Sau khi vào trường của nhà dòng được một thời gian, cháu đã có những tiến triển. Sự thay đổi tích cực của con khiến Anh tôi tò mò, muốn biết các sơ dạy dỗ, chăm sóc con mình như thế nào? Thế rồi khi có cơ hội là Anh đưa đón cháu đi học.

Anh để ý thấy các sơ chăm sóc không chỉ con mình mà cả các bé khác nặng hơn. Cả các bé khuyết tật. Anh nhận thấy có sự khác bit giữa các sơ và các các cô giáo trường ngoài xã hội.

Sự chăm sóc chu đáo, tận tâm, tận tình và có chuyên môn của các sơ khiến Anh tôi dường như nhận ra rằng phải có điều gì đó là động lực bên trong rất mạnh mẽ thì các sơ mới có thể làm những chuyện như vậy.

Anh tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Anh tôi có thiện cảm với các sơ nhiều hơn. Không còn cho rằng đó là những người ẩm ương, không bình thường mới đi tu. Dường như anh đã anh nhận ra trong suy nghĩ của mình có gì đó sai sai từ bao lâu nay về hình ảnh người tu và người có đạo Anh siêng năng đến nhà thờ hơn, khi Cha có việc gì cần giúp hoặc cần đóng góp gì cho giáo xứ Anh sẵn sàng.

Sự thay đổi trong cách nhìn của Anh, khiến Anh siêng năng đi lễ, tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ hơn và thúc giục con cái cũng như vậy.

Giờ đây, Anh tôi đã trở thành một ông trùm giáo họ. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì sự thay đổi đó của Anh. Không chỉ là bên ngoài nhưng hẳn từ sâu trong nội tâm Chúa đã biến đổi Anh qua một biến cố.

Ước gì tất cả những ai đã và đang cứng lòng, đời sống đạo hời hợt, khô khan đều được biến đổi, không cần phải có một biến cố, nhưng từ tâm lòng ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời mà phụng sự, yêu mến Ngài luôn.

                                                                                         Mary Trần

Top