Ánh sáng của Thượng Hội Đồng trong bóng tối của thế gian

Ánh sáng của Thượng Hội Đồng trong bóng tối của thế gian

Ánh sáng của Thượng Hội Đồng trong bóng tối của thế gian

ÁNH SÁNG CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG TRONG BÓNG TỐI CỦA THẾ GIAN

Andrea Tornielli

Đối với một nhân loại đang bên bờ vực thẳm, những gì đã diễn ra trong bốn tuần qua ở Rôma là một dấu hiệu hy vọng. Thượng hội đồng mở đường cho một Giáo hội truyền giáo mà, bằng cách áp dụng Công đồng Vatican II, sẽ không sợ những điều mới mẻ do Chúa Thánh Thần gợi ý.

Trong một thế giới đang rực nóng, bên bờ vực thẳm của một cuộc xung đột toàn cầu mới, trong một thế giới được đánh dấu bằng việc bất lực lắng nghe và bị tổn thương bởi lòng hận thù vốn đã gây ra chiến tranh và bạo lực cho đến cả trong lục địa kỹ thuật số, sự kiện bốn trăm người quy tụ xa nhà một tháng để cầu nguyện, lắng nghe nhau và thảo luận chắc chắn tạo nên một thông tin. Giáo hội hiệp hành mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh ngày nay đại diện cho một hạt giống hy vọng nhỏ bé: vẫn còn có thể đối thoại, đón nhận nhau, gạt bỏ cái tôi ưu việt của mình để vượt qua sự phân cực nhằm đạt được sự đồng thuận chung rộng rãi. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ đen tối, một thời kỳ mà chiến tranh và khủng bố, vốn tàn sát thường dân và trẻ em, tiếp tục được hỗ trợ bằng bạo lực bằng lời nói và tư duy độc nhất. Một thời kỳ đen tối mà ngay cả “hòa bình”, “đối thoại”, “đàm phán” và “ngưng bắn” cũng đã trở thành những từ không thể phát âm được. Một thời giờ đen tối được đánh dấu bằng sự thiếu can đảm, tầm nhìn xa và khả năng sáng tạo ngoại giao ở mọi cấp độ, bắt đầu từ các chính phủ và tầng lớp lãnh đạo.

Vẫn còn lời cầu nguyện để bám vào. Vẫn còn một tiếng nói ngôn sứ có khả năng nổi lên và vượt qua các lợi ích, ý thức hệ và thành kiến, cần được ủng hộ và tuân theo: tiếng nói của Giám mục Rôma. Trong một thế giới chìm trong lửa, Thượng hội đồng được tổ chức vào tháng Mười này đại diện cho một hạt giống nhỏ mà chúng ta hy vọng sẽ mang lại những hệ quả cho tương lai của Giáo hội và của toàn thể nhân loại.

Tìm lại ý nghĩa của việc phục vụ

Liên quan đến Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội, nếu chúng ta phân tích bản báo cáo tổng hợp của khóa họp đầu tiên này của Thượng hội đồng duy nhất vốn sẽ có phần kết trong một năm nữa – một bản văn được bỏ phiếu với sự đồng thuận rất cao – , thì chúng ta khám phá ra một số điểm mới mẻ. Trước hết, một nhận thức mới về sự cần thiết phải áp dụng những giáo huấn của Công đồng Vatican II, nếu chúng ta dựa vào lời mời gọi duy nhất liên quan đến tất cả chúng ta với tư cách là những người đã được rửa tội. Trên mỗi trang Tin Mừng, Chúa Giêsu, Đấng đến gần mọi người và nói chuyện với mọi người, đã bị các giai cấp, các giáo sĩ thời đó chống đối, quen đặt gánh nặng lên vai người khác, các kinh sư, các tiến sĩ luật, các thầy dạy giáo lý. Cần phải hướng về Đấng Nazarêen để tìm thấy lại trong Giáo hội, ở mọi cấp độ, từ Giáo triều Rôma đến giáo xứ nhỏ nhất, ý thức rằng mọi thừa tác vụ đều là một sự phục vụ chứ không phải một quyền lực, và nó thực sự “phục vụ” nếu nó tập hợp mọi người lại với nhau, hiệp nhất họ, làm cho họ đồng trách nhiệm, tạo ra tình huynh đệ, làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải nếu nó làm xa lánh, nếu nó đào sâu những đặc ân, nếu nó vạch ra những ranh giới ngăn cách giữa những người được phong chức và những người không được phong chức, nếu nó coi (có lẽ bằng hành động hơn là bằng lời nói) giáo dân là người đã được rửa tội hạng hai.

Thừa tác vụ không được phong chức

Đồng thời, về phía những người đã được rửa tội vốn không được kêu gọi vào ơn gọi linh mục nhưng vào các hình thức làm chứng và phục vụ khác trong chức tư tế phép rửa duy nhất, cũng cần phải tránh nguy cơ muốn giáo sĩ hóa bản thân và để cho mình được giáo sĩ hóa, vượt ra ngoài các đẳng cấp nhỏ của “giáo dân dấn thân”. Thượng hội đồng về tính hiệp hành sẽ là hạt giống hy vọng nếu thời gian ân sủng được trải nghiệm bởi những người nam (đa số, và đặc biệt là các giám mục) và người nữ quy tụ tại Rôma được chứng tỏ ​​như một phương pháp cần áp dụng một cách kiên nhẫn trong mọi biểu hiện của đời sống của các cộng đồng Kitô hữu. Nó sẽ không phải là hạt giống hy vọng nếu nó bị giảm thiểu thành một việc thực hiện quan liêu, có lẽ bằng cách pha trộn nó giữa “chủ nghĩa giáo hội” và ngôn ngữ quy ngã, một sự pha trộn giữa các phạm trù giáo sĩ cũ kỹ. Những phạm trù của một Giáo hội nói bằng lời rằng mình muốn áp dụng Công đồng nhưng sau đó lại hành động với các phạm trù tiền công đồng thông qua các thực hành đã thành nếp, với các giám mục và linh mục quyết định và những người đã được rửa tội khác phải hạn chế đưa các quyết định của mình vào thực hành.

Chỗ đứng của nữ giới

Bản báo cáo tổng hợp vừa được công bố tiếp đến nói về nhu cầu chung phải dành một chỗ lớn hơn cho nữ giới, cho thiên tài nữ giới, cho nguyên tắc Maria rất quan trọng trong Giáo hội. Ở đây cũng vậy, chỉ cần có can đảm nhìn vào Tin Mừng nhiều hơn và tín thác vào Chúa Giêsu hơn nữa là đủ. Dưới thập giá, trong khi các Tông đồ và các môn đệ (trừ Gioan) chạy trốn, thì có các phụ nữ. Khi Người chết, họ vẫn ở lại. Và chính nhờ sự sáng suốt và lòng can đảm của họ khi rời phòng tiệc ly mà chúng ta mang nợ lời loan báo đầu tiên về sự phục sinh. Tại ngôi mộ trống, trước hết có các phụ nữ, chứ không phải đàn ông, không phải các Tông đồ sợ hãi vẫn nhốt kín trong nhà. Lời loan báo đầu tiên về điều mới lạ gây sốc nhất trong lịch sử nhân loại – về việc Thiên Chúa đã làm người, chết vì chúng ta và phục sinh bằng cách liên kết chúng ta với vận mệnh của Người – đã được thực hiện bởi phụ nữ, chứ không phải bởi đàn ông. Họ làm chứng về điều họ đã thấy, ngôi mộ trống. Họ là những người đầu tiên nói rằng Chúa Giêsu đang sống. Họ công bố bài giảng đầu tiên về kerygma, về điều thiết yếu của đức tin chúng ta, trước mặt các Tông đồ và các môn đệ vẫn còn kinh hãi trước biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh. Bắt đầu từ đó là đủ để tất cả chúng ta nhận thức được rằng phụ nữ phải được đánh giá cao hơn nhiều ở mọi cấp độ của Giáo hội, bằng cách vượt qua tai họa của chủ nghĩa giáo sĩ trị, một căn bệnh bất hạnh thay vẫn còn ăn sâu và bị người kế nhiệm thánh Phêrô nhiều lần tố giác. Cần phải hy vọng rằng báo cáo tổng hợp của Thượng hội đồng sẽ thể hiện một điểm không thể quay lại trong việc khôi phục nguồn gốc Tin Mừng cũng trong lĩnh vực này.

Đón tiếp, gần gũi và thương xót

Một yếu tố khác nổi lên từ bản văn được các thành viên Thượng hội đồng biểu quyết: việc đón tiếp những người bị tổn thương. Việc đón tiếp người nghèo – sự gần gũi và ưu tiên lựa chọn họ là giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và truyền thống của các Giáo phụ, chứ không phải là một phạm trù xã hội học hay một khám phá của các nền thần học giải phóng – và việc đón tiếp những người di cư trong đó các Kitô hữu không thể không nhìn thấy hình ảnh phản chiếu những khuôn mặt của Thánh Gia Nazarét đang trốn chạy. Nhưng cũng đón tiếp những người “bất thường”, xa cách hoặc “không thể trình diện được”. Một lần nữa, cần phải quay trở lại với Tin Mừng và với bản tổng hợp rất hiệu quả này được chứa đựng trong những lời mà Đức Giám mục Rôma đã thổ lộ với giới trẻ của Đại hội Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, khi lặp đi lặp lại rằng trong Giáo hội thực sự có một chỗ dành cho tất cả mọi người, “todos (tất cả mọi người), todos, todos”. Trong mỗi trang Tin Mừng, chúng ta thấy Đấng Nazarêen phá vỡ những điều cấm kỵ và những truyền thống đã được thiết lập, phá vỡ vẻ bề ngoài đáng kính và đạo đức giả, để đón nhận những người tội lỗi, những người bị tổn thương, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người vô tín ngưỡng và vô luật pháp, những người tham nhũng, những người ngoại kiều, những người không phải là “người của chúng ta”. Sẽ rất hữu ích cho chúng ta khi quay trở lại với động lực của những gì đã xảy ra ở Giêricô vào tháng 3 năm 30, một vài ngày trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, khi Thầy đi ngang qua dưới gốc cây sung, nhìn lên và kêu gọi người thu thuế tham nhũng, nhỏ con, bị mọi người ghét bỏ, đồng thời mời về nhà ông. Giakêu đón tiếp Đấng Nazarêen, nhìn nhận tội lỗi của mình và hoán cải. Nhưng sự hoán cải này là kết quả của việc trước tiên được nhìn với tình yêu, được đón nhận và tràn đầy lòng thương xót. Đây không phải là điều kiện cần. Điều cần thiết, đó là một Giáo hội có khả năng nhìn vào mỗi người nữ và mỗi người nam, với những khốn khổ, tội lỗi của họ, với cùng một cái nhìn như Chúa Giêsu, để đón tiếp và đồng hành với họ với lòng kiên nhẫn và dịu dàng, tin tưởng vào công trình của ân sủng, vào hành động của ân sủng theo thời gian và theo cách của Thiên Chúa trong tâm hồn con người và trong lịch sử của họ.

Quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng

Cuối cùng, để kết luận, làm sao không đề cập đến những điểm mà bản tổng hợp của Thượng hội đồng kêu gọi xem xét lại giáo luật, theo đuổi con đường đối thoại đại kết với niềm xác tín và cụ thể hơn, và sử dụng nhiều hơn các cơ cấu hiệp hành hiện có. Và cũng đi theo con đường đã được thánh Gioan Phaolô II chỉ ra một cách uổng công vào năm 1995 liên quan đến thừa tác vụ của Đức Giáo hoàng, đó là “tìm ra một hình thức thực thi quyền tối thượng được mở ra cho một hoàn cảnh mới” (Ut unum sint /Xin cho họ nên một).

Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo  Vatican News (30.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (10.07.2023)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top