Âm thầm
Âm thầm là một giá trị.
Có những tia nắng âm thầm. Âm thầm mà vẫn soi sáng dưỡng nuôi.
Có những dòng nước âm thầm. Âm thầm mà vẫn tưới gội bồi bổ.
Có những ngọn núi âm thầm. Âm thầm mà vẫn chở che, làm nên hùng vĩ.
Có những những con người âm thầm. Âm thầm mà vẫn dạy dỗ, đỡ nâng, cứu độ, phấn đấu.
Có những nơi chốn âm thầm. Âm thầm mà vẫn là nơi Chúa ưa thích tìm đến con người, gặp gỡ con người và tỏ mình ra cho con người.
Chúa muốn chúng ta có những âm thầm lành mạnh. Nên Người đã gởi đến chúng ta nhiều sứ điệp về sự âm thầm.
1. Sứ điệp về âm thầm qua Lời Chúa
Phúc Âm Thánh Matthêu ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ phải âm thầm, khi làm các việc lành. Người nhấn mạnh đến sự âm thầm. Âm thầm là một giá trị không thể thiếu. Người phán:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.
Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả hình thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen.
Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được thưởng công rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,1-4).
Tiếp đó, Chúa Giêsu nói đến việc cầu nguyện và ăn chay. Chúa cũng khuyên đừng phô trương. Ai phô trương sẽ được coi là đã được phần thưởng rồi. Phần thưởng đó là tiếng khen của thế gian. Còn Chúa, Người sẽ ban thưởng cho kẻ làm việc lành trong âm thầm. Phần thưởng cao quý nhất là được tha tội, được cứu rỗi (x. Lc 18 và 9-14), được lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Lời Chúa khuyên dạy về sự âm thầm rất cần cho chúng ta hiện nay.
Hiện nay, lời Chúa sau đây cũng đang là điểm tựa âm thầm cho tôi và cho nhiều người. Lời đó là lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Thầy bảo cho con biết, con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Lời Chúa phán trên đây là nền tảng chắc chắn, để chúng tôi mến yêu nâng đỡ Đức Thánh Cha, và hàng giáo phẩm hiệp thông với Ngài.
Trong mọi trường hợp, các ngài vẫn theo gương Chúa Giêsu: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình. Có Đấng tìm cho tôi và xét xử cho tôi” (Ga 8,50). Lương tâm như thế luôn hướng về Chúa một cách trọn vẹn và tuyệt đối. Lương tâm ấy sẽ phải chiến đấu rất nhiều. Rất âm thầm, nhưng rất cam go. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
Như vậy, người âm thầm trong Thánh Linh sẽ rất năng động, nhưng sâu lắng. Một sự sâu lắng tự nó có sức làm chứng cho Chúa.
2. Sứ điệp về âm thầm qua nhóm nhỏ
Nhiều nhóm nhỏ cũng được Chúa dùng như những sứ điệp về sự âm thầm. Tiêu biểu là Thánh Gia.
Thánh Gia là một nhóm nhỏ chỉ gồm 3 người: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Sự sống đạo đức của nhóm nhỏ này là rất âm thầm. Đạo đức của nhóm khởi đi từ những việc nhỏ của đời thường. Nhưng tất cả mọi việc nhỏ đó đều hướng về Thiên Chúa tình yêu. Hướng về bằng đức tin, đức cậy, đức ái.
Có thể nói, cầu nguyện là hồn của Thánh Gia. Cầu nguyện để xin ơn. Cầu nguyện để tạ ơn. Sẽ không sai, nếu nói rằng: đời sống Thánh Gia là một lời cầu nguyện kéo dài. Cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện không ngừng. Bởi vì tâm trí lúc nào cũng yêu mến Chúa, lúc nào cũng sống vâng phục thánh ý Chúa. Âm thầm như thế là nguồn ơn thánh.
Sống thánh như thế giữa đời thường, Thánh Gia có những liên đới với mọi người xung quanh đủ mọi giai cấp đạo đời. Những liên đới đó mang sự sống đạo đức vào xã hội một cách âm thầm.
Từ Thánh Gia của Phúc Âm đến nay, trải qua bao thế hệ, Chúa đã dùng biết bao nhóm nhỏ kiểu Thánh Gia, để gởi sứ điệp về âm thầm cho Hội Thánh và xã hội. Những nhóm nhỏ đó là những gia đình đạo đức, là những tu hội nhỏ sống đời thánh hiến giữa đời, là những nhóm cầu nguyện phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn.
Cả đến những nhóm nhỏ vô danh suốt đời chỉ lo chu toàn bổn phận của mình, với lương tâm đạo đức, chấp nhận quên mình. Những nhóm nhỏ đó sống đời bé nhỏ, làm những việc nhỏ, nhưng đầy tình mến Chúa, yêu người, trung thành với Hội Thánh và tổ quốc. Họ sống cuộc đời ẩn dật với Thiên Chúa ẩn dật. Âm thầm mà đầy chân lý và tình yêu.
Thời nay là thời tái truyền giáo. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta nên khẳng định lại vai trò của âm thầm trong việc giữ đạo, bênh đạo và truyền đạo. Nếu đó là thánh ý Chúa, thì những phấn đấu để có sự âm thầm chính đáng phải được coi là một ơn gọi của chúng ta.
Sẽ là một lỗi lầm nguy hiểm, nếu chúng ta không vâng ý Chúa, để biết sống khiêm tốn âm thầm, như một ơn gọi làm chứng cho Chúa giữa thế giới ồn ào náo động hiện nay, với những tham vọng quyền lực và tham vọng thống trị đầy toan tính của Satan.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19