60 ngày kỷ niệm đẹp tại bệnh viện dã chiến
TGPSG-- Thấm thoắt hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến đã kết thúc. Nhớ ngày đầu tiên làm lễ ra quân, mưa xối xả, mưa như trút bầu tâm sự, mưa như tiếng khóc than bệnh nhân vẫy gọi.
Hôm nay là giây phút chia tay, bầu trời lại thật trong xanh dọi chiếu những tia nắng ấm áp. Chúng tôi ra về nhưng lòng rạo rực sự xúc động khó tả. Tia nắng ấy báo hiệu với chúng tôi rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, dịch bệnh sẽ mau chấm dứt, bệnh nhân sẽ sớm trở về với gia đình.
Giây phút chia tay 71 tình nguyện viên tại Nhà Thiếu Nhi diễn ra thật ấm cúng với những chia sẻ hết sức đơn sơ nhưng đong đầy ý nghĩa. Bác sĩ Lê Anh Tuấn - phó Giám đốc bệnh viện hồi sức covid - đã cảm ơn sự hiện diện của từng tình nguyện viên và cho biết số bệnh nhân được xuất viện khá nhiều. Thực vậy, khi phục vụ tại bệnh viện dã chiến, niềm vui lớn nhất của tôi là nghe tin bệnh nhân được trở về gia đình.
Giây phút này đây, tôi muốn tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, cảm ơn Hội Dòng đã cho tôi có cơ hội được phục vụ. Khoảng thời gian quý báu tại đây đã cho tôi được trải nghiệm và dấn thân vào công việc tông đồ của Chúa, trở thành người cộng tác và là cánh tay nối dài để lan tỏa yêu thương. Bản thân tôi đã học được thế nào là yêu, thế nào là phục vụ, thế nào là loan báo Tin Mừng và thế nào là sự bất lực giữa ranh giới sự sống và cái chết. Những "hạt giống" mà tình nguyện viên đã gieo mầm, đã kết nối nơi bệnh viện dã chiến này chắc chắn sẽ lan tỏa tình yêu thương. Điều dưỡng Phước - người phục vụ tại khoa cấp cứu của bệnh viện Nhân Dân Gia Định - đã xúc động trong lúc chia tay các tình nguyện viên: "Xin cám ơn các sơ, các thầy - những tình nguyện viên xuất sắc, dũng cảm và nhiệt huyết đã cùng với chúng con chung sức đẩy lùi dịch Covid. Chúng con sẽ luôn nhớ đến mọi người, nhớ những kỉ niệm cùng nhau phục vụ bệnh nhân nơi đây. Các thầy, các sơ giữ gìn sức khỏe". Điều đó đã diễn tả được phần nào cảm xúc lưu luyến của người đi và nỗi nhớ của người ở lại.
Bé Lan - một Phật tử nhí - ngậm ngùi: "Sơ về chúng con nhớ lắm...các bệnh nhân cũng nhớ sơ nữa, cứ hỏi sơ hoài. Sơ nhớ giữ liên lạc, nếu có dịp con sẽ đến thăm sơ...
Tuy thời gian hai tháng không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn để mỗi người trong chúng tôi cảm nghiệm được sự nối kết yêu thương đặc biệt trong thời kỳ giãn cách này. Tại ngôi nhà thiếu nhi quận 9 đơn sơ nhưng ấm áp tình gia đình, chúng tôi đã không còn phân biệt tôn giáo để hòa chung nhịp đập yêu thương. Tuy giãn cách về không gian địa lý nhưng lòng lại gắn kết với nhau về mặt tinh thần. Hằng ngày, chúng tôi cùng đi làm, cùng ăn, cùng sẻ chia những kinh nghiệm để giúp bệnh nhân mau khỏe hơn. Vì thế, nơi đây thực sự đã để lại bao kỉ niệm đẹp về nhau trong mỗi người chúng tôi. Tôi sẽ khắc ghi trong tim những kỉ niệm đẹp này, sẽ nhớ mãi...nhớ để cầu nguyện, nhớ để quyết tâm hành động, nhớ để biến đổi cuộc đời.
Trong giây phút chia tay, chân bước đi nhưng đầu vẫn muốn ngoảnh lại. Ngoảnh lại một chút để nghe những lời chúc và nhắn nhủ giữa các tình nguyện viên đi về và ở lại, bùi ngùi và xúc động. Ngoảnh lại để thấy những cánh tay vẫy chào nhau đầy lưu luyến. Ở đó có cả lời chào, lời chúc phúc và cả nỗi buồn đọng trên mí mắt của cả hai. Ngoảnh lại để chào chỗ ở thân quen, ghế bố, hàng cây, sân rộng; chào những người bạn thân thương, từ xa lạ đã trở nên thân quen. Ngoảnh lại để mang theo, ôm tất cả vào trong lời cầu nguyện và lời cầu chúc bình an. Ngoảnh lại để cảm ơn các bạn đã cùng làm việc và luôn sống chan hòa tình yêu thương.
Ngồi trên xe, tôi bắt đầu hồi tưởng và cảm thấy mọi thứ trôi qua thật nhanh. Nhớ ngày đầu, bao nhiêu bỡ ngỡ trước sự cập rập, chuẩn bị không chu đáo; bỡ ngỡ trước người bên cạnh; bỡ ngỡ trước công việc chưa từng làm qua. Ngày đầu đó, cớ sao dài đằng đẵng. Ngày qua ngày, từng bước một quen dần nhịp sống, thì đã đến giờ chia tay. Quả thật, từ khắp mọi nơi không hẹn mà gặp, những tình nguyện viên đầy vui tươi và nhiệt huyết đã cùng nhau hội tụ tại đây để chung tay đẩy lùi nạn dịch. Họ đến với nhau bởi tình yêu thương giữa con người với con người, bên nhau như những người đồng đội, cùng chung một mục đích, cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả để rồi khép lại một hành trình thật đẹp với nhiều ý nghĩa.
Đối với mỗi tình nguyện viên, bệnh viện dã chiến như một gia đình thứ hai, nơi nuôi dưỡng, vun đắp những tâm hồn cho bệnh nhân, nơi có những người bạn không phân biệt tôn giáo đã ngày đêm gắn bó trong tình yêu thương, trách nhiệm, sự đoàn kết trong suốt quá trình phục vụ. Vì thế, chuyến đi tình nguyện này đã giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn để vững bước trên con đường phía trước và thấm thía hơn tình yêu mà Giêsu đã dành cho tôi.
Chắc hẳn chuyến phục vụ này không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều nhận được rất nhiều, có khi những gì nhận được còn lớn hơn cả những gì đã cho đi: nhận về sự chúc lành, lời cầu nguyện, sự động viên nơi hậu phương vững chắc; nhận về những mối quan hệ mới với nhân viên y tế, gia đình bệnh nhân và tình nguyện viên; nhận về những ánh mắt sáng lên niềm vui, những cái nháy mắt, gật đầu chào nhau qua bộ đồ bảo hộ.
Giờ đây, tôi về trước, nhưng tôi vẫn là "hậu phương" vững chắc để đồng hành và gắn bó với các bạn còn ở lại qua lời cầu nguyện và hướng về mục đích chung là mong cho các bệnh nhân sớm được trở về bên gia đình thân yêu của họ.
Teresa Nguyễn Vui
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly