Yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội với lòng can đảm và chân thành
Yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội với lòng can đảm một cách sâu xa và chân thành. Đó đã là điều chúng ta có thể học được từ gương sống của thánh nữ Caterina thành Siena.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 24-11-2010.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Caterina thành Siena, một phụ nữ nổi bật của thế kỷ XIV, đặc biệt trong bối cảnh nhiều chao đảo của Giáo hội và xã hội Italia cũng như toàn Âu châu thời đó. Nhưng trong những lúc khó khăn nhất Chúa không ngừng chúc lành cho Dân Người, bằng cách khơi dậy các vị Thánh Nam Nữ lay động tâm trí, khiến cho con người hoán cải và canh tân. Thánh nữ Caterina đã là một trong các vị ấy. Cả ngày nay nữa, người nói với chúng ta và thúc đẩy chúng ta can đảm tiến bước trên con đường nên thánh để luôn là các môn đệ trung thành của Chúa. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh Caterina thành Siena như sau:
Sinh tại Siena năm 1347 trong một gia đình rất đông con. Thánh nữ qua đời năm 1380. Năm lên 16 tuổi, được thúc đẩy bởi một thị kiến của thánh Đa Minh, Caterina gia nhập Dòng Ba Đa Minh, trong nhánh nữ gọi là các chị “Mặc Áo Choàng”. Chị ở trong gia đình, và khi còn là thanh nữ đã khấn sống đồng trinh một cách riêng tư, tận hiến cho đời cầu nguyện, hãm mình và làm việc bác ái, đặc biệt là trợ giúp các người bệnh tật.
Khi hương thơm thánh thiện của chị tỏa lan, chị đã trở thành người rất hoạt động trong việc cố vấn thiêng liêng cho mọi hạng người: quyền quý cũng như các chính trị gia, thường dân cũng như các người sống đời thánh hiến, hàng giáo sĩ và cả Đức Giáo Hoàng Gregorio XI nữa, hồi đó đang sống bên Avignon; và chị Caterina đã khích lệ ngài trở về Roma một cách mạnh mẽ và hữu hiệu. Chị du hành nhiều nơi để khuyến khích canh tân bên trong Giáo hội và giảng hòa giữa các quốc gia. Chính vì thế Vị Đáng Kính Gioan Phaolo II đã muốn tuyên bố người là Đồng Bổn Mạng Âu châu: Ước gì đại lục già nua này đừng bao giờ quên đi gốc rễ Kitô, là nền tảng lộ trình của mình, và tiếp tục kín múc từ Tin Mừng các giá trị nền tảng bảo đảm cho công lý và sự hòa hợp.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói thánh nữ Caterina cũng đã phải đau khổ nhiều giống như nhiều vị Thánh khác. Có người không tin tưởng chị đến độ năm 1374, tức sáu năm trước khi qua đời, Tổng tu nghị dòng Đa Minh buộc chị phải đến trình diện tại Firenze để tra hỏi chị. Chị được để bên canh một tu sĩ thông thái nhưng khiêm tốn là Raimondo thành Capua, sau này là Bề trên tổng quyền dòng Đa Minh. Tu sĩ trở thành cha giải tội của chị và cũng là ”con thiêng liêng” của chị nữa, và là người đã viết cuốn tiểu sử đầu tiên đầy đủ về thánh nữ. Caterina thành Siena được phong thánh năm 1461.
Là người không biết chữ, Caterina đã học viết cách khó khăn khi đã lớn tuổi. Giáo lý của chị được chứa đựng trong cuốn ”Đối thoại của Chúa Quan Phòng” hay “Sách giáo lý thiên linh”, một tuyệt tác của nền văn chương thiêng liêng, cũng như trong “Các Thư” và trong các “Lời Cầu”. Giáo huấn của thánh nữ phong phú đến độ năm 1970, Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã tuyên bố chị là Tiến sĩ Giáo hội, thêm vào tước hiệu Đồng Bổn Mạng Roma, do ý muốn của Chân phước Giáo Hoàng Pio IX, và Bổn Mạng Italia theo quyết định của Đấng Đáng Kính Pio XII.
Trong một thị kiến không phai nhòa, Caterina trông thấy Đức Mẹ giới thiệu chị với Chúa Giêsu. Chúa cho chị một chiếc nhẫn tuyệt đẹp và nói: “Ta là Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, Ta thành hôn với con trong đức tin, mà con sẽ luôn luôn gìn giữ tinh tuyền cho tới khi con sẽ cử hành lễ cưới vĩnh cửu với Ta ở trên trời” (Raimondo da Capua, S. Caterina da Siena, Legenda maior, n. 115, siena 1998). Chỉ có mình Caterina trông thấy chiếc nhẫn ấy. Giai thoại này cho chúng ta thấy Kitô học là trọng tâm nền tu đức của thánh nữ và của mọi nền tu đức đích thực. Đối với chị, Chúa Kitô là Phu Quân, với Người chị có một tương quan thân tình, hiệp thông và trung thành. Ngài là sự thiện được yêu mến trên mọi sự thiện khác.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự hiệp nhất sâu xa ấy với Chúa được minh họa bằng một giai thoại khác trong cuộc đời của vị thánh thần bí này: đó là việc trao đổi trái tim với Chúa. Chúa Giêsu hiện ra với chị, trên tay cầm một trái tim người mầu đỏ rạng rỡ, Ngài mở lồng ngực của chị và đặt trái tim vào đó rồi nói: “Caterina con gái bé bỏng ơi, như hôm trước Cha đã lấy trái tim con dâng cho Cha, giờ đây Cha ban cho con trái tim của Cha, và từ nay trở đi nó sẽ thay thế trái tim của con” (ibid.). Caterina đã thật sự sống các lời thánh Phaolo nói: “... không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Với thánh nữ thành Siena mọi tín hữu cảm thấy nhu cầu trở thành đồng hinh dạng với các tâm tình của trái tim Chúa Kitô để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Kitô yêu thương họ. Và chúng ta tất cả đều có thể để cho con tim của mình được biến đổi, và học yêu thương như Chúa Kitô, trong sự thân tình với Chúa, được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện, việc suy niệm Lời Chúa và các Bí Tích, nhất là bằng cách năng rước Chúa với lòng tôn sùng...
Nhiều người bị lôi cuốn bởi uy tín luân lý của người phụ nữ có mức sống cao cả này và bởi các hiện tượng thần bí mà họ chứng kiến cũng như các lần xuất thần của chị, đến độ họ làm thành một gia đình thiêng liêng bao quanh Caterina. Và họ gọi chị là ”mẹ”, vì họ giống như các người con kín múc từ chị của nuôi tinh thần.
Cả ngày nay nữa, Giáo hội cũng được hưởng nhờ việc thi hành chức làm mẹ thiêng liêng của biết bao nhiêu phụ nữ, các phụ nữ sống đời thánh hiến cũng như các nữ giáo dân. Họ nuôi dưỡng tư tưởng về Thiên Chúa trong các linh hồn, củng cố đức tin và hướng dẫn cuộc sống Kitô tới các đỉnh cao ngày càng cao hơn...
Còn một nét đặc biệt khác nữa trong nền tu đức của thánh nữ Caterina thành Siena: đó là ơn nước mắt. Chúng diễn tả một sự nhậy cảm tinh tuyền sâu xa, một khả năng cảm động và hiền dịu. Không ít các thánh đã có được ơn này, bằng cách canh tân sự cảm động của chính Chúa Giêsu, là Đấng đã không cầm được nước mắt trước mồ của bạn mình là Ladarô, và trước nỗi đau đớn của Maria và Marta, và khi nhìn thành Giêrusalem trong những ngày cuối cùng của cuộc sống dương thế. Theo thánh Caterina nước mắt của các thánh trộn lẫn với Máu của Chúa Kitô, và thánh nữ khuyên mọi người nhớ tới Chúa Kitô chịu đóng đinh, chạy đến ẩn náu nơi các vết thương ấy và chết chìm trong máu của Chúa Kitô chịu đóng đanh (Epistulario, Letttera n. 16: Ad uno il cui nome si tace).
Từ đó chúng ta có thể hiểu được tại sao, mặc dù ý thức được các thiếu sót nhân loại của các linh mục, thánh Caterina vẫn luôn luôn có lòng kính trọng rất lớn đối với các vị: vì qua các Bí Tích các linh mục phân phát Lời Chúa và sức mạnh cứu độ của Máu Chúa Kitô. Thánh nữ cũng luôn mời gọi các linh mục và cả Đức Giáo Hoàng, mà chị gọi là ”Chúa Kitô hiền dịu dưới thế”, trung thành với các trách nhiệm của các vị, chỉ vì chị được thúc đẩy bởi tình yêu mến sâu xa và liên lỉ đối với Giáo hội. Từ cuộc sống của thánh nữ Caterina thành Siena Đức Thánh Cha rút tỉa ra bài học như sau:
Như thế, từ thánh Caterina chúng ta học được khoa học cao siêu nhất: hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội Ngài. Trong cuốn ”Cuộc đối thoại của Chúa Quan Phòng”, với một hình ảnh đặc biệt chị miêu tả Chúa Kitô như là một chiếc cầu bắc giữa trời và đất. Cầu được làm thành bởi ba chiếc thang bắc từ chân, từ cạnh sườn và từ miệng của Chúa Giêsu. Khi bước lên trên ba chiếc thang đó, linh hồn bước qua ba chặng của mọi cuộc sống nên thánh: xa rời khỏi tội lỗi, thực hành nhân đức và tình yêu thương, kết hiệp dịu ngọt và trìu mến với Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi thánh nữ Caterina yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội với lòng can đảm, một cách sâu xa và chân thành. Và chúng hãy lấy lại làm của mình các lời thánh nữ viết trong phần kết luận cuốn ”Đối thoại của Chúa Quan Phòng” như sau: ”Vì lòng thương xót, Chúa đã cứu vởt chúng con trong Máu, vì lòng thương xót, Chúa đã muốn chuyện vãn với các thụ tạo. Ôi, Đấng Điên Dại vì tình yêu! Nhập thể cũng chưa đủ, Chúa lại còn muốn chết... Ôi lòng thương xót! Tim con nghẹt thở khi nghĩ đến Chúa: bởi vì con có quay hướng nào để suy nghĩ đi nữa, cũng chỉ tìm thấy lòng xót thương” (cap 30, tr.79-80).
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau. Ngài nhắc tới lễ thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo Việt Nam và mời gọi người trẻ hiên ngang làm chứng cho các giá trị Kitô, luôn luôn trung thành với Chúa. Ngài xin các bệnh nhân tín thác nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, và cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới tạo dựng một gia đình kitô đích thực, bằng cách kín múc sức mạnh cần thiết từ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, để thực hiện chương trình tình yêu trong đời hôn nhân.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô