Đức Lêô XIV dâng lễ ở Castel Gandolfo: Hãy noi gương Đức Kitô, Người Samari nhân hậu
TGPSG/Vatican News -- Đức Giáo hoàng Lêô XIV cử hành Thánh lễ Chúa Nhật tại Giáo xứ Thánh Tôma Villanova ở Castel Gandolfo, và nhắc nhở rằng chúng ta phải hướng nhìn về Chúa, Người Samari nhân hậu; đồng thời nhấn mạnh rằng khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và sự chữa lành của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể trao ban cùng một sự ủi an ấy cho những người mình gặp gỡ.
“Khi đã được chữa lành và yêu thương bởi Đức Kitô, chúng ta cũng có thể trở thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài trong thế giới này.”
Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã đưa ra lời nhắc nhở đầy an ủi này trong Thánh lễ tại giáo xứ giáo hoàng Thánh Tôma Villanova ở Castel Gandolfo - nơi ngài đang nghỉ Hè - khi ngài suy niệm về dụ ngôn Người Samari nhân hậu.
Đức Giáo hoàng bắt đầu bằng cách bày tỏ niềm vui khi được cùng họ cử hành Bí tích Thánh Thể, và gửi lời chào đến tất cả những người hiện diện.
Ngài sau đó nhắc lại rằng trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay theo Thánh Luca, “chúng ta nghe một trong những dụ ngôn đẹp nhất và cảm động nhất của Chúa Giêsu” - dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Ngài thừa nhận rằng dụ ngôn này “liên tục thách thức chúng ta suy xét về chính cuộc sống của mình,” “đánh động lương tâm đang ngủ yên hoặc xao nhãng của chúng ta,” và “cảnh báo về nguy cơ của một đức tin tự mãn, chỉ hài lòng với việc tuân giữ luật lệ bên ngoài mà không thể cảm nhận hay hành động với lòng xót thương như Thiên Chúa.”
Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn người khác
Đức Giáo hoàng Lêô nói rằng dụ ngôn này thực chất nói về lòng trắc ẩn. Ngài nói với các tín hữu: “Cách chúng ta nhìn người khác mới là điều quan trọng, vì nó phản ánh điều gì đang có trong lòng ta.”
“Chúng ta có thể nhìn rồi bỏ đi, hoặc có thể nhìn và động lòng trắc ẩn,” ngài nói, và nhắc rằng dụ ngôn trước hết nói với chúng ta về cách Thiên Chúa nhìn con người: “để rồi chúng ta học cách nhìn hoàn cảnh và con người bằng đôi mắt của Ngài - tràn đầy yêu thương và lòng xót thương.”
Ngài nhắc lại rằng Người Samari nhân hậu thực sự là hình ảnh của Chúa Giêsu, “Người Con Vĩnh Cửu mà Chúa Cha đã sai vào lịch sử của chúng ta, chính vì Ngài nhìn nhân loại bằng lòng trắc ẩn và đã không bỏ đi.”
“Giống như người trong Tin Mừng đang đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, nhân loại cũng đang lao xuống vực thẳm của sự chết,” Đức Giáo hoàng Lêô nói và nhận định, “Ngày nay, chúng ta cũng phải đối diện với bóng tối của sự ác, đau khổ, nghèo đói và bí ẩn của cái chết.”
Chữa lành vết thương bằng tình yêu và lòng thương xót của Ngài
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha trấn an: “Thiên Chúa đã nhìn chúng ta với lòng trắc ẩn; Ngài muốn bước đi cùng con đường với chúng ta và ngự xuống ở giữa chúng ta. Trong Đức Giêsu – Người Samari nhân hậu – Ngài đã đến để chữa lành các vết thương của chúng ta và đổ tràn lên chúng ta dầu thơm của tình yêu và lòng thương xót của Ngài.”
Ngài cũng nhắc lại rằng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và từ bi, và đã từng gọi Chúa Giêsu là “lòng trắc ẩn của Chúa Cha dành cho chúng ta.” Thánh Âu-tinh cũng đã giải thích rằng, giống như Người Samari đã đến giúp chúng ta, Chúa Giêsu “muốn được biết đến như là người thân cận của chúng ta. Quả thật, chính Chúa Giêsu Kitô giúp chúng ta hiểu rằng Ngài là Đấng đã chăm sóc người bị cướp đánh gần chết và bị bỏ lại bên vệ đường.”
“Chúng ta có thể hiểu tại sao dụ ngôn này lại là một thách đố lớn đối với mỗi người,” ngài nhận định. “Nếu Đức Kitô tỏ cho chúng ta thấy gương mặt của một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, thì tin vào Ngài và làm môn đệ của Ngài có nghĩa là để cho mình được biến đổi và mặc lấy những tâm tình của chính Ngài.”
Một trái tim biết rung động
Đức Giáo hoàng nói rằng điều này đòi hỏi chúng ta học cách có một trái tim biết rung động, một đôi mắt biết nhìn và không ngoảnh mặt, đôi tay biết giúp đỡ và xoa dịu vết thương cho người khác, và đôi vai biết gánh lấy gánh nặng của những ai khốn khó.
“Nếu chúng ta thật sự nhận ra rằng Đức Kitô, Người Samari nhân hậu, yêu thương và chăm sóc chúng ta,” ngài nói, “thì chúng ta cũng sẽ được đánh động để yêu thương giống như Ngài, và trở nên giàu lòng trắc ẩn như chính Ngài.”
“Khi đã được Đức Kitô chữa lành và yêu thương,” Đức Giáo hoàng Lêô tiếp tục, “chúng ta cũng có thể trở thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Ngài trong thế giới này.”
Đức Giáo hoàng Lêô XIV cử hành Thánh lễ tại Castel Gandolfo (@Vatican Media)
‘Cuộc cách mạng của tình yêu’
Với tâm tình đó, Đức Giáo hoàng Lêô nhấn mạnh: “Ngày nay chúng ta cần đến một ‘cuộc cách mạng của tình yêu.’”
Ngài ví rằng hôm nay, con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêricô chính là con đường mà tất cả những ai sa vào tội lỗi, đau khổ và nghèo đói đang bước đi.
“Đó là con đường,” ngài nói, “của tất cả những ai đang mang nặng gánh lo âu hay bị cuộc đời làm tổn thương…,” “của những ai bị gục ngã, mất phương hướng và chạm đáy tuyệt vọng…,” “của những dân tộc bị lột trần, cướp bóc, tàn phá, là nạn nhân của các thể chế chính trị độc tài, của nền kinh tế đẩy họ vào cảnh nghèo cùng, và của các cuộc chiến tranh tước đoạt giấc mơ và cả mạng sống của họ.”
‘Chúng ta có thể làm gì?’
Từ đó, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì?”
“Chúng ta sẽ nhìn rồi bỏ đi, hay mở lòng ra với người khác như người Samari? Chúng ta có hài lòng khi chỉ làm tròn bổn phận, hay chỉ xem những người cùng nhóm, cùng suy nghĩ, cùng quốc tịch hay tôn giáo với mình là ‘người thân cận’?”
Ngài nhắc lại rằng “Chúa Giêsu đã đảo ngược cách nghĩ ấy khi giới thiệu một người Samari - một kẻ xa lạ hay bị coi là lạc giáo - lại chính là người thân cận với kẻ bị thương,” “và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy.”
Đức Bênêđictô: “Chúa Giêsu đảo lộn toàn bộ vấn đề”
Người Samari, Đức Bênêđictô XVI viết trong Chúa Giêsu thành Nazareth - được Đức Giáo hoàng Lêô trích dẫn - “đã không hỏi nghĩa vụ liên đới của mình phải mở rộng đến đâu. Cũng không hỏi điều kiện nào để được sống đời đời. Một điều khác đã xảy ra: trái tim ông bị lay động… Nếu câu hỏi là: ‘Người Samari có phải là người thân cận của tôi không?’ thì với hoàn cảnh lúc bấy giờ, câu trả lời chắc chắn là không.”
“Nhưng Chúa Giêsu,” Đức Giáo hoàng Bênêđictô viết tiếp, “đã đảo lộn hoàn toàn vấn đề: chính người Samari, kẻ xa lạ, lại làm cho mình trở nên người thân cận, và cho tôi thấy rằng tôi phải học cách trở thành người thân cận từ trong sâu thẳm, và câu trả lời đã ở sẵn trong tôi. Tôi phải trở thành người đang yêu - người có một trái tim sẵn sàng lay động trước nỗi khổ đau của người khác.”
Hãy noi gương Đức Kitô“
Biết nhìn mà không bỏ đi, biết dừng lại giữa guồng quay hối hả của đời sống, biết để cho cuộc đời của người khác - bất kể họ là ai, với bao nỗi lo và nhu cầu - chạm đến trái tim mình,” Đức Thánh Cha chia sẻ, “chính là điều làm cho chúng ta trở thành người thân cận với nhau, điều tạo ra tình huynh đệ đích thực và phá vỡ mọi bức tường, mọi ngăn cách. Cuối cùng, tình yêu chiến thắng và tỏ ra mạnh hơn sự dữ và cái chết.”
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đưa ra lời mời gọi: “Hãy nhìn lên Đức Kitô, Người Samari nhân hậu. Hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe lại tiếng Ngài. Vì Ngài nói với từng người trong chúng ta: ‘Hãy đi, và anh em cũng hãy làm như vậy.’”
Đức Giáo hoàng Lêô XIV cử hành Thánh lễ tại Castel Gandolfo (@Vatican Media)
Tác giả: Deborah Castellano Lubov
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Đức Lêô XIV nói về cái chết trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Castel Gondolfo
-
Phỏng vấn thần học gia Simone Morandini về Thánh lễ “cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng” -
Miễn trừ nghĩa vụ tham dự Thánh lễ cho di dân đang sợ bị truy quét -
Đức Lêô nói với người cao tuổi: Hy vọng là nguồn vui -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ V năm 2025: “Phúc cho ai không mất hy vọng” -
Đức Thánh cha Lêô XIV cử hành Thánh lễ đầu tiên cầu cho việc “bảo vệ công trình tạo dựng” tại Làng Laudato Si’, Castel Gandolfo -
Đức Lêô XIV: Khủng hoảng sinh thái & cái nhìn chiêm niệm -
Thượng Hội đồng: Đức Lêô XIV lập nhóm suy tư về phụng vụ -
Hướng dẫn mới cho giai đoạn thực hiện Thượng Hội Đồng -
Đức Lêô XIV: Chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt tại Texas
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y