Xuân Canh Tý và Mục vụ Giới Trẻ

Xuân Canh Tý và Mục vụ Giới Trẻ

Xuân Canh Tý và Mục vụ Giới Trẻ

Xuân về, cánh én lượn bay
Trăm hoa đua nở ngất ngây lòng người…[1]

Mùa Xuân đang đến rất đẹp, rất hân hoan, và năm nay, mùa Xuân đã khởi đi từ tháng Giêng dương lịch 2020, một tháng Giêng đặc biệt bao trùm cả hai cái Tết – Tết dương lịch vào ngày 1-1 và Tết âm lịch vào ngày 25-1.

XUÂN CANH TÝ

Tết âm lịch 2020 có tên là Tết Canh Tý. Cách đây 1980 năm, tức là cách nay đúng 33 lục thập hoa giáp (33 chu kỳ can chi: 33 x 60 = 1980), cũng vào năm mang tên Canh Tý (năm 40), Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của ngoại bang, đánh đuổi thái thú Tô Định chạy về Nam Hải. Đây là cuộc khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên trong thời Bắc thuộc, mà lãnh đạo lại là nữ giới, đã lên ngôi để trở thành vị nữ  vương đầu tiên của Việt Nam: Trưng Vương. Vì thế Xuân Canh Tý 2020 ắt phải tràn ngập niềm vui hào hùng của dân Việt.

Năm Tý 2020 cũng làm dân Việt hãnh diện nhớ đến hai năm Tý oanh liệt khác trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ và kiên cường:

- Năm Giáp Tý (544): Lý Bôn đánh đuổi ngoại xâm, lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức. 

- Năm Mậu Tý (1228): Trần Hưng Đạo đại thắng trên sông Bạ‌ch Đằng, bắ‌t sống tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi, làm sụp đổ giấc mộng xâm lăng của nhà Nguyên.

ĐỨNG ĐẦU 12 CON GIÁP

Năm Canh Tý 2020 mang tên con chuột, con giáp đầu tiên của một chu kỳ mới 12 con giáp. Nói đến chuột thì phải nói đến mèo:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Những câu ca dao dí dỏm về ‘chuột và mèo’ trên đây của dân Việt khiến ta liên tưởng đến loạt phim hoạt hình ‘Tom và Jerry’ của Mỹ, được thực hiện suốt từ năm 1940 đến nay (80 năm), đã sản xuất được hơn 160 tập.

Loạt phim này diễn tả cuộc chiến bất tận giữa một chú mèo nhà và một chú chuột con. Mỗi tập phim đều tập trung vào mưu đồ của mèo Tom, thực hiện vô vàn kế hoạch tinh vi để bắt cho được chú chuột Jerry, nhưng thường là thất bại vì chú chuột Jerry quá thông minh, nhanh nhẹn và may mắn.

Điều thú vị là, ít khi mèo Tom có ý định bắt giữ chuột Jerry để ăn thịt mà thường là đuổi bắt Jerry do những mâu thuẫn cùng với trách nhiệm đương nhiên "mèo là phải bắt chuột": Jerry ăn đồ ăn trong tủ lạnh khiến Tom bị mắng, Tom trả thù vì Jerry cứu những con thú khác khỏi cạm bẫy của Tom... Dù vậy, trong suốt quá trình rượt đuổi, giữa Tom và Jerry đã phát triển một mối quan hệ thân thiết không thể thiếu.

ĐÁM CƯỚI CHUỘT

Để nói lên quan hệ giữa chuột và mèo, dân Việt ta cũng tạo ra một bức tranh Đông Hồ nổi tiếng mang tên “Đám cưới chuột”, thường dùng để treo trong nhà vào ngày Tết.

Bức tranh mô tả Ông Nghè Chuột vinh quy về làng. Dân hàng tổng hàng huyện hò nhau đem cờ quạt, võng lọng, trống phách ra đón rước, và theo thông lệ thì “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Lại có cả một anh chuột vênh váo vác cờ biển vua ban đi giữa đám rước.

Đám rước thật linh đình, long trọng, vui vẻ, nhưng có một điều hơi làm phiền lòng Ông Nghè Chuột một chút, đó là sự hiện diện của một Ông Mèo to tướng, đang ung dung ngồi  vểnh râu giữa đường cản lối! Ông Nghè Chuột là người “biết điều” nên đã cho hai chú chuột - một chú đem chim, một chú xách cá - để dâng kính Ông Mèo. Lại có hai chú chuột khác đang phùng mang thổi kèn “tò toe, tí toe” - vừa để át những tiếng mèo dọa nạt “meo, meo” giúp cho Bà Nghè bớt run, lại vừa làm cho đám rước thêm phần nhộn nhịp náo nhiệt.

Như vậy, bức tranh này cũng diễn tả tệ nạn tham nhũng hối lộ. Không biết Ông Mèo sau đó có nhận hối lộ hay không, vì có vẻ như Ông Mèo đang giơ tay ra, không biết là để xua tay khước từ hay để đón nhận.

Về tệ nạn tham những, Việt Nam ta cũng có câu chuyện cổ tích mang tên “Chuột Vàng (Kim Thử)”.

Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một viên tri phủ rất mực thanh liêm, suốt cả đời làm quan không bao giờ nhận của đút lót. Ngài lại rất nhân hậu, thương yêu dân như con cái cháu chắt trong nhà; ai cũng một lòng mến phục.

Khi quan sắp về hưu, tổng lý trong phủ sắm lễ vật vào từ tạ, nhưng biết tính ngài, nên không dám tới văn phòng bái yết, mà theo cửa sau ra mắt quan bà. Nhìn đống lễ vật lù lù trên bàn, quan bà cằn nhằn:

- Các thầy hẳn đã biết cụ lớn nhà tôi liêm khiết như thế nào rồi. Thế mà còn đem những món này vào đây. Tôi không dám nhận đâu.

Tổng lý hàng phủ năn nỉ hết lời, quan bà vẫn nhất định không nhận. Nhưng rồi khi thấy các vị này quả là chí tình, quan bà bèn nghĩ giúp cho một tuyệt kế:

- Tôi thấy các thầy có lòng tốt, không quên công ơn của cụ lớn tôi. Vậy ngài tuổi Tý, các thầy thử làm một con chuột bằng vàng để biếu làm vật kỷ niệm xem sao. Rồi lúc đó tôi sẽ cố nói thêm vào, may ra ngài nghĩ lại mà nhận chăng.

Các vị tổng lý ra về, vội vã hùn tiền nhau đến tiệm kim hoàn ở phố phủ, nhờ đúc một Ông Tý bằng vàng ròng. Sau đó lệ khệ mang Ông Tý vào hầu quan theo lối cửa hậu như cũ. Quan bà vui vẻ nhận Ông Tý đem cất kỹ vào hòm, không nói cho quan ông biết.

Làm quan thanh liêm, nên sau khi về hưu được vài năm, gia đình ngày càng túng thiếu. Bấy giờ quan bà mới lôi Ông Tý bằng vàng ra, đem bán. Thấy của lạ, quan ông hỏi lấy vật này ở đâu ra. Quan bà vui vẻ kể lại đầu đuôi câu chuyện. Sau khi nghe rõ sự tình, quan ông nổi trận lôi đình, đập bàn quát mắng:

- Đàn bà thật ngu như con bò! Sao bấy giờ mụ không bảo với chúng là tao tuổi Sửu, mà dại dột đi nói tao… tuổi Tý!

Không biết quan ông quát nạt như thế chỉ để chọc ghẹo quan bà cho vui thôi, hay là đang nói thật lòng - vì đang túng thiếu quá mà bỗng thấy ‘chuột vàng’ trở thành cứu tinh của mình trong lúc cùng quẫn này?

CHUỘT VÀ THÁNH MARTIN DE PORES

Con chuột thường là nỗi sợ hãi của con người vì nó xấu xí, hôi hám, bẩn thỉu, phá hoại mùa màng và đồ đạc, gây ra bệnh truyền nhiễm, tạo ra những đại họa như nạn dịch hạch nhiều lần giết chết bao nhiêu con người.

Tuy nhiên nó cũng có ích, được các nhà khoa học sử dụng trong các phòng thí nghiệm, và được một số vị thánh cưng chiều vì nó cũng là tạo vật của Chúa.

Các sách viết về Thánh Martin de Pores - người da đen, gốc châu Mỹ La Tinh - có thuật lại rằng: Thánh nhân là một thầy tu được giao nhiệm vụ coi bếp cho nhà dòng. Các chú chuột thấy thầy hiền lành, mỗi tối kéo tới cả sư đoàn để được thầy cho ăn, nhẩy múa và ca hát chít chít với chúng.

Khi biết chuyện này, cha bề trên đã ra lệnh cho thầy Martin phải lập tức di tản đoàn chuột ra khỏi nhà dòng trong thời gian ngắn nhất. Thầy chờ đến nửa đêm, họp đại hội đồng chuột, báo cáo tình hình khẩn trương, ra lệnh di tản và khuyên anh em không được phá phách một tí gì trên đường rút lui khỏi nhà dòng.

Thế là sau giờ Tý canh ba, thầy Martin đi trước dẫn đầu, sư đoàn chuột hàng ngũ chỉnh tề theo sau, vừa hát vừa nhẩy múa, vui vẻ kéo nhau ra cánh đồng, trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của cha bề trên và các tu sĩ khác.

HÌNH TƯỢNG LOÀI CHUỘT

Ai cũng biết tính cách chính xác của loài chuột là xấu xí, hôi hám và nhỏ nhoi, được mô tả cách sống động trong văn chương bình dân, ví dụ trong những câu ca dao, tục ngữ:

Chuột chù chê Khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mầy thơm?
Đi cùng bốn bể chỉn chu
Trở về xó bếp, chuột chù gậm chân. 

Nhăn nhó như chuột. Lù rù như chuột chù phải khói. Mặt như chuột kẹp. Cháy nhà ra mặt chuột. Đầu voi đuôi chuột. Nhí nhắt như chuột ngày. Mắt dơi, tai chuột.  

Hoặc truyện “Rùa và Chuột” trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

Con chuột chạy nhung nhăng khắp nhà, gặp con rùa đang lịch kịch kéo cái mai, ra bộ nặng nề lắm. Chuột liền đến bên cạnh, quật đuôi, nhếch miệng, than thở hộ cho con rùa rằng:

- Mày ở trong cái mai ấy khác gì ở trong ngục tối, thế mà mày chịu được! Tao đây, cả một tòa lầu đài trang hoàng rực rỡ, trên dưới, trong ngoài, tao chơi đâu cũng được.

Rùa nghe nói đáp rằng:

- Nơi tôi trú thân chật chội thật, nhưng đúng là nhà của tôi. Bác ở trong nhà cao rộng thật, nhưng là nhà của người khác. Nhà của mình, mình ở, dầu bé nhỏ cũng hơn lâu đài của người khác.

Đề cập khá nhiều về tính cách xấu xí của loài chuột, nhưng ông bà ta xưa cũng có lúc rất thâm thúy khi biến loài chuột nhỏ nhoi thành một hình tượng tốt đẹp, được đưa ra để dạy đời trong truyện ngụ ngôn “Hổ và Chuột”:

Một hôm, con chuột nhắt chạy qua gần con hổ. Hổ thò chân ra chộp được. Chuột năn nỉ: “Trăm lạy ông, thân con bé bỏng, ông tha cho làm phúc.”

Hổ bảo rằng: “Ừ mày bé thế nầy, tao chẳng thèm ăn thịt. Thôi tha cho.”

Chuột sung sướng thỏ thẻ: “Cảm ơn ông, cái ơn tái tạo ấy, con không dám quên. Chắc ông ở hiền rồi sẽ gặp lành!”

Được ít lâu, hổ bị mắc vào lưới. Hổ gầm thét, vùng vẫy hết sức cũng không thoát ra được, đành nằm ép một bề để chờ chết. May sao, chuột nhắt đi qua đấy, trông thấy, chạy về gọi cả nhà chuột ra cắn một lát đứt mặt lưới, hổ mới thoát ra được.

Ngoài ra, còn có những ca dao, tục ngữ mô tả những điều thú vị về loài chuột, hoặc dùng hình tượng chuột để diễn tả những điều lãng mạn, những tình huống đặc biệt của con người, hay những điều cần cảnh giác:  

Cần chi cá Lóc, cà Trê,
Thịt Chuột, thịt Rắn nhậu mê hơn nhiều.
Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay.

Chuột chạy cùng sào. Chuột đi vỏ trứng. Chuột sa hũ nếp. Chuột sa chĩnh gạo. Chuột sa lọ mỡ. Ném chuột vỡ bình. Chuột gặm chân Mèo.

Từ những hình ảnh phong phú ấy về Xuân Canh Tý và loài chuột nhỏ bé, chúng ta cùng nhìn về Mục vụ Giới Trẻ đã được Hội đồng Giám mục đề ra cho những năm Canh Tý sắp tới.

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Giáo hội Việt Nam đã đề ra hướng đi mục vụ giới trẻ cho ba năm 2020 - 2022 với những điểm nhấn theo tinh thần Á Đông “tu thân, tề gia, trị quốc”:

  • Tu thân: đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện;
  • Tề gia: đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình;
  • Trị quốc: đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. [2]

Như vậy, hướng mục vụ của năm Canh Tý 2020 mang nét tu thân: đồng hành với người trẻ để giúp họ hướng tới sự trưởng thành toàn diện cả xác và hồn.

Về việc giúp cho giới trẻ tu thân, phát triển và trưởng thành, Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới 2018 nhấn mạnh: Tâm hồn của mỗi người trẻ phải được xem là “đất thánh”, nơi mang các hạt giống của sự sống thần linh; do đó, chúng ta cần phải “cởi giày ra” để trân trọng đến gần và đi sâu vào mầu nhiệm” (CV 67).

Nơi người trẻ có thể có nhiều va vấp, thất bại, có những ký ức buồn bã hằn sâu trong tâm hồn, có cả những thương tích tinh thần, tức là sức nặng của những lỗi lầm đã phạm, của mặc cảm tội lỗi sau khi phạm sai lầm. Nhưng giữa những thập giá người trẻ đang vác lấy này, có Đức Giêsu đang sống ở đó và tặng cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành.

Vì thế, Giáo hội phải là khí cụ của Đức Giêsu trên con đường hiệp hành này, con đường dẫn đến phục hồi nội tâm và bình an cho tâm hồn.

Trước những người trẻ có vấn đề, Giáo hội và các bậc phụ huynh cần phải “tìm ra những ngọn lửa còn cháy leo lét, tìm thấy con đường nơi những bức tường ngăn lối, nhận ra tiềm lực nơi những hiểm họa…” Về điều này, ta đã có thể tìm thấy được những minh họa khi bàn về hình ảnh ‘Canh Tý’ của mùa Xuân mới 2020, với hình tượng chú chuột mang nhiều tính cách nhỏ nhoi thấp bé, nhưng đã tạo ra nhiều niềm vui trong “Tom và Jerry”, “Đám cưới chuột”, “Hổ và Chuột”, nhiều nét hào hùng của những năm Tý đại thắng của dân tộc, với các chiến công lẫy lừng của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Trần Hưng Đạo… là những thần tượng rất đẹp của người trẻ Việt Nam.

Và để trao đổi với người trẻ, Giáo hội không nên đưa ra những câu trả lời có sẵn, nhưng khơi gợi để người trẻ tự đặt ra những câu hỏi mới mẻ, đặc biệt khi bàn về ba đề tài lớn mà hầu hết các người trẻ hằng quan tâm: thế giới kỹ thuật số, di dân, và mọi hình thức lạm dụng người trẻ.

  •  Thế giới kỹ thuật số là đặc trưng của thế giới hôm nay, một thế giới đang được “số hóa toàn diện”. Tại nhiều quốc gia, internet và các mạng xã hội là nơi không thể thiếu để tiếp cận giới trẻ và mời gọi họ tham gia. Nhưng thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, mà cực điểm là các trang web đen. Để tránh những tai hại khi đưa bất cứ điều gì lên mạng xã hội, cần phải luôn tự hỏi: điều này có đúng, có ích lợi và có thích hợp để đăng lên hay không?
  • Hiện tượng di dân đang ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực trên rất nhiều người trẻ. Các cuộc di dân có thể diễn ra trong cùng một quốc gia hay giữa các quốc gia khác nhau, nhắc chúng ta nhớ lại thân phận “ngoại kiều và lữ khách trên mặt đất” của tất cả mọi người (Dt 11,13) (CV 91). Di dân luôn cần phải được hỗ trợ từ nơi đi và nơi đến.
  • Chấm dứt mọi hình thức lạm dụng phải là nỗ lực của mọi người. Tai họa lạm dụng trẻ vị thành niên là một hiện tượng phổ biến  trong tất cả các nền văn hóa và xã hội, đặc biệt là ngay trong các gia đình và trong nhiều tổ chức. “Hiện tượng này nhan nhản trong xã hội, nhưng khi xảy ra trong Giáo hội, nó càng lộ ra tính quái gở, và trong cơn giận dữ chính đáng của mọi người, Hội Thánh nhìn thấy sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Đấng bị phản bội và xúc phạm” (CV 96). Có nhiều loại lạm dụng khác nhau: lạm dụng quyền lực, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục. Hội Thánh thấy cần phải xóa sạch những hình thức thực thi quyền bính tạo điều kiện cho sự lạm dụng, và phải chống lại tinh thần thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch vốn đã dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng như chủ nghĩa giáo sĩ trị.

NGƯỜI TRẺ & MÙA XUÂN

Giáo hội đồng hành cùng giới trẻ với xác tín của Đức Thánh Cha Phanxicô: Người trẻ không chỉ là tương lai của thế giới. Họ đã là hiện tại của thế giới, đã bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Giáo hội. Họ chính là mùa Xuân của nhân loại.

Vi Hữu - Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng - Mừng Xuân Canh Tý

 

[1] Tác giả: Đỗ Lan

[2] ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn: Gợi ý mục vụ năm 2020 – Bài 01: “Các con là hiện tại của Thiên Chúa”

 

Top