Xin đừng quên tôi
WGPSG -- Ngày xửa ngày xưa, có một đôi nam nữ yêu nhau. Một sáng mùa Xuân tươi đẹp, họ dắt nhau dạo chơi bên bờ một con suối, nơi có những cành hoa nhỏ xinh mọc dày, cố vươn cành, nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Cô gái la lên: “Em muốn có đóa hoa xinh đẹp đó!”. Chàng trai cố nhoài người ra bờ suối hái mấy cành hoa, chẳng may chàng bị trượt chân ngã xuống dòng nước. Bị vướng víu bởi sức nặng của bộ áo giáp hiệp sĩ, chàng không thể vượt qua được bờ sông trơn trợt dù đã cố gắng hết sức. Cảm thấy mình đang nhanh chóng bị chìm xuống, chàng ném hoa lên bờ cho người yêu, và bằng những hơi thở tàn cuối cùng của mình chàng thều thào lời trăn trối: “Xin đừng quên nhau!”
Trong Thánh lễ cầu cho các linh hồn, cha chủ tế đã bắt đầu bài giảng bằng chuyện tích Hoa Lưu ly (Forget me not) để nhắc nhở cộng đoàn hãy luôn nhớ đến người thân đã ly trần. Khi không còn được nhớ thương nữa thì các ngài sẽ chìm vào trong cô đơn vô vọng. Tháng Mười Một là thời gian của yêu thương hiệp thông giữa các thế hệ trong gia đình. Những Thánh lễ, những việc hy sinh hãm mình của con cháu sẽ mang lại niềm hân hoan vui mừng cho ông bà cha mẹ đã qua đời. Cùng với việc nguyện cầu cho thân nhân, những lời cầu kinh dâng cho quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những vị khi còn sống đã yêu mến và xây dựng cho họ đạo.
Có một câu chuyện kể về một người bị đắm tàu trôi dạt vào đảo hoang. Ông ta đã cố gắng hết sức để nhặt nhạnh tất cả những gì còn lại làm nên một cái chòi che mưa nắng. Nhưng vào một buổi sáng, ông ta ra ngoài mà quên tắt bếp, căn chòi đã bị bốc cháy. Ông đang than thân trách phận thì có một chiếc tàu nhìn thấy ngọn lửa đã ghé vào đảo hoang cứu ông ta. Khi những người còn sống, thương nhớ dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, quý ân nhân và thân nhân là cũng như thắp lên những ngọn lửa mang ơn Chúa đến giải thoát các ngài. Các ngài được hưởng Nhan Thánh Chúa sẽ cầu bầu cho tất cả mọi người còn nơi dương gian.
Ông bà cha mẹ ngày xưa thường nhắc nhở con cháu siêng năng đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, lo thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Trong tháng các linh hồn, các ngài khuyên viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân mau hưởng phúc Thiên đàng. Cùng với biến đổi của thời đại, nghĩa trang càng ngày càng biến mất, trẻ ở thành phố không có khái niệm về nơi dành cho người qua đời. Việc học văn hóa được đặt lên trên cả việc sống đạo. Và vì thế, việc nhớ đến người quá cố càng là điều họa hiếm, dù đã có Nhà Hài Cốt hay Nhà chờ Phục sinh. Biết sau này ai còn nhớ đến ai!
Mỗi khi đứng một mình giữa khoảng không bao la, hoặc nhìn lên bầu trời đêm mát lạnh sau cơn mưa, có ai liên tưởng đến cảnh cô đơn tuyệt vọng của người đã khuất mà thân nhân không còn nhớ tới. Và có ai nghe đâu đây trong gió có tiếng nhắn gởi: "Xin đừng quên tôi!"
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19