Virus Phẫn Nộ làm hại chúng ta
TGPSG / Shalom -- Sự yếu đuối không thể biện minh cho cách cư xử thiếu bác ái với người khác.
Chúng ta thường xuyên gặp những điều không vừa ý và chúng ta có thể có những phản ứng khác nhau trước những tình huống ấy. Khi phản ứng ấy chỉ là một cảm xúc trỗi dậy nhất thời ở bên trong và nhanh chóng biến mất, thì nó mới chỉ là phản xạ của con người trước một kích thích bên ngoài mà thôi, chưa phải là tội.
Tuy nhiên, khi nó khơi dậy bên trong chúng ta một mong muốn kháng cự lớn hơn, nghĩa là nó không qua đi ngay lập tức và chúng ta tự nguyện đồng ý, nuôi dưỡng cho đến khi nó trở thành cơn thịnh nộ, thù hận, thậm chí là bạo hành, thì chúng ta đã mắc tội phẫn nộ rồi.
Phẫn nộ là gì? Giáo lý Hội thánh Công giáo (HTCG) định nghĩa: phẫn nộ là một ước muốn trả thù (Giáo lý HTCG số 2302) và như đã đề cập trên đây, ước muốn điều ác cho người khác là một tội nặng vì nó xúc phạm đến đức bác ái. Chúa xác định rất rõ khi Ngài nói: "Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà". (Mt 5, 22)
Điều chúng ta phải làm khi có ai đó làm điều ác là sửa chữa lại với lòng bác ái (xem Mt 18, 15-20), nhưng nhiều khi chúng ta lại thích oán hận người ta, đi ngược lại với Lời Chúa phán: “Con đừng oán hờn người thân cận khi họ xúc phạm đến con.” (Hc 10, 6)
Khi cảm xúc này phát triển, một cách tự do và tự nguyện, nó trở thành sự căm ghét. Đó là một trong những tình trạng tồi tệ nhất mà một người có thể có trong mối quan hệ với người khác. Giáo lý khẳng định: “Cố ý thù ghét người khác là điều nghịch với đức bác ái. Sẽ là một tội khi ta thù ghét tha nhân, cố tình ước muốn cho người ấy bị hại. Và sẽ là tội nặng khi ta muốn cho họ bị tai hại nặng nề. ‘Còn Thầy, Thầy bảo anh em: phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời…’ (Mt 5, 44-45).” (Sách Giáo lý HTCG số 2303)
Cơn phẫn nộ làm hại chúng ta
Bên cạnh sự căm ghét, cơn phẫn nộ còn đem đến những hành động khủng khiếp như trả thù, gây thương tích, phỉ báng, chia rẽ, tạo ra những khắc nghiệt, bạo lực, thậm chí là cái chết.
Khi nói về phẫn nộ, cần phải chỉ ra sự khác biệt giữa phản ứng tự nhiên với sự bực dọc của tội lỗi. Hãy nhìn cho kỹ. Tất cả chúng ta đều gặp những điều khó chịu, tởm lợm, xúc phạm và phiền hà. Khi chúng ta gặp những điều này, thì thật là bình thường khi trong ta trỗi dậy cảm xúc đối kháng và tức giận. Điều này là bình thường và các yếu tố dẫn đến cảm xúc này sẽ khác nhau tùy theo từng người.
Điều tương tự cũng xảy ra liên quan đến cường độ phản ứng - có thể khác nhau do những giá trị cá nhân hoặc tính khí, hay năng khiếu hài hước thất thường của một người. Tội lỗi chỉ bắt đầu có - như đã nói trong mục đầu tiên về nghiện ngập - khi ta thuận theo cảm xúc này.
Cấu trúc con người của ta có thể khiến ta dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc đã đề cập. Tùy theo tính khí từng người, mà người ta có thể có những phản ứng bùng nổ hay bốc đồng. Sự cáu kỉnh quá mức có thể cho thấy sự thiếu trưởng thành và bốc đồng trong hành động - thể hiện sự thiếu tự chủ. Mặc dù vậy, không gì có thể biện minh cho những thái độ như thế.
Sự yếu đuối không thể biện minh cho cách cư xử thiếu bác ái. Cấu trúc con người chúng ta cũng không thể biện minh cho điều này. Những người có xu hướng này phải nỗ lực nhiều hơn những người không có xu hướng ấy để khỏi lỗi đức bác ái, nhờ đó họ sẽ có công phúc nhiều hơn. Điều quan trọng là không ai được bất cẩn và chịu thua những đam mê, không được lệ thuộc vào hoàn cảnh.
Juan José Léniz Ulloa (Shalom)
N.Nguyễn & Biên Tú (TGPSG) chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19