Viết cho Mẹ nhân Mother’s Day

Viết cho Mẹ nhân Mother’s Day

Khi đặt tựa đề là “Viết cho Mẹ nhân Mother’s Day” chỉ là cách nói cho hoa mỹ một chút chứ con biết mẹ không đọc được, may mắn thì ai đọc cho mẹ nghe vì mẹ đâu có biết chữ. Hơn thế nữa, con dùng từ Mother’day là viết cho chúng con chứ mẹ cũng không biết đó là ngày gì, có ý nghĩa thế nào và là ngày dành cho ai. Vì thế giới của mẹ là nơi góc vườn mảnh ruộng với những cọng rau muống, bó lúa, cây rơm, bước chân của mẹ là bước chân đon đá trên con đường quê, những con đường đầy nắng gió và khắc khổ gian lao. Nhưng thế giới đó lại là một thế giới của tình yêu bao la, của một kỳ quan tuyệt nhất như lời của Bernard Saw "Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Con thật hạnh phúc và chỉ biết tạ ơn Thiên Chúa và gửi ngàn lời cảm ơn tới mẹ, dù biết rằng nói bao nhiêu cũng không đủ với tình yêu bao la này.

  1. Ngàn lời cảm ơn mẹ

Chính mẹ là người mang con vào đời trong ý định của Thiên Chúa, mẹ như là thiên thần tuyệt vời nhất mà Chúa đã ban cho con khi con cất tiếng khóc chào đời. Con được kể lại rằng, ngày con chào đời mẹ đã phải đánh đổi ranh giới giữa cái chết và sự sống. Vì con lớn quá mà người mẹ lại bé nên không sinh tự nhiên được, phải cấp cứu cả đêm và đến bệnh viện người ta phải hút con ra mới cứu được mẹ và con. Đó như là bắt đầu hành trình đầy khó khăn của mẹ khi có thêm con với những công việc không tên, không lương, âm thầm lặng lẽ mà ít được coi trọng, với những nỗi lo không đầu không đuôi, những lận đận hàng ngày trong lặng lẽ.

Rồi những bước chập chững đầu tiên vào đời của con cũng là tay mẹ dìu dắt, những tiếng ê a đầu đời cũng nhờ mẹ dạy con. Đặc biệt, mẹ dẫn con đến với đức tin vào Thiên Chúa, một đức tin rất thuần khiết, chân chất của một người mẹ quê. Với những lời nhắc nhớ đọc kinh mân côi, đi tham dự thánh lễ đôi khi có phần khắt khe. Cứ như thế, mẹ can đảm hướng con đến đời sống thánh hiến, vì mẹ biết rằng chính Thiên Chúa mới là chủ sự sống, là cùng đích của cuộc đời con người. Có thể mẹ không biết nhiều đến Kinh Thánh, nhưng con thấy nơi mẹ hình ảnh của người mẹ can trường trong sách Macabê, những sự hướng dẫn, những hành động của mẹ cũng như nói với chúng con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con Thần Khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.” (2 Mcb 7, 22 -23).

Xác tín vào Thiên Chúa và mong muốn chúng con lớn lên trong sự hiểu biết, mẹ đã chấp nhận hi sinh để chúng con được học những thứ mẹ không bao giờ biết, đến những nơi mẹ chưa bao giờ đến, thưởng thức những thứ mà mẹ chỉ có thể nhìn thấy qua truyền hình. Chúng con được tiếp xúc với một thế giới mà với mẹ như là một thế giới khác và hoàn toàn xa lạ. Mẹ mỉm cười hạnh phúc với những niềm vui của con, mắt mẹ rạng rỡ hẳn lên khi nghe những câu chuyện hạnh phúc trên đường đời của con. Nhưng ngay cả những lúc chênh vênh nhất, cũng chính mẹ luôn lặng lẽ đứng cạnh con, và thủ thỉ cùng con: “Dù con có hết lần này đến lần khác chịu tổn thương, loay hoay rồi thất bại, nhưng con hãy nhớ Mẹ mãi luôn ủng hộ con. Nên con đừng sợ gì hết” 

Những lúc con ốm đau, tay mẹ ôm con vào lòng, xoa dầu, tìm những phương thuốc mà chỉ có tình yêu của người mẹ mới nghĩ ra chứ không có trong tài liệu hướng dẫn của Y Khoa. Hành trình làm người của con từ lúc mở mắt chào đời cho đến những bước đi chập chững, rồi qua những thăng trầm, những vui buồn trong hành trình ơn gọi, luôn có mẹ bên cạnh, mẹ là người thầy, người bạn, là chỗ dựa cho con như cảm nhận của Đào Hoàng Diệu “Một người mẹ có thể có học thức hoặc không, nhưng bà ấy là người dạy dỗ tốt nhất và là niềm hi vọng cuối cùng của tôi trên thế giới này khi tôi thất bại.” ( Trong Vườn Thanh Xuân).

Quả thật, sự hiện diện của mẹ là kỳ tích tựa như phước lành đối với con. Vì có mẹ nên con được sống là chính mình. Con biết rằng nhờ có mẹ nên cuộc đời con mới tươi đẹp và đủ đầy như hôm nay. Biết ơn là thế, cảm nhận được công lao to lớn của mẹ là thế, nhưng trong hành trình làm con của mẹ, con mang lại cho mẹ nhiều nước mắt hơn là tiếng cười, mang lại cho mẹ nhiều sự lo lắng hơn là bình an, mang lại cho mẹ những muộn phiền hơn là sự toại nguyện và  con chỉ biết nói với mẹ những lời xin lỗi, dù có muộn màng.

  1. Những lời xin lỗi

Khi viết những dòng này gửi mẹ, con lại nghĩ đến một đoạn trích trong quyển sách Mong Mẹ Hãy Yêu Lấy Chính Mình:  “Tôi thầm nghĩ khi đăm đăm nhìn theo bóng lưng mẹ, mong rằng mẹ hãy yêu lấy chính mình, giống như mẹ yêu tôi. Mong sao trong từng khoảnh khắc, dù là lúc rửa bát, dọn dẹp hay nấu cơm, mẹ cũng đừng quên bản thân là sự hiện diện vĩ đại, đáng quý và đẹp đẽ đến nhường nào. Mong sao từ nay mẹ không còn phải mơ giấc mơ của người khác. Mong sao mẹ có thể tự do mơ những ước mơ tươi đẹp của riêng mẹ. Mong sao những ước mơ ấy sẽ trở thành hiện thực”. Nhưng rồi con thảng thốt vì biết rằng, tấm lưng đó, ước mơ đó, sự tự do mơ mộng đó mẹ đều dành cho những đứa con. Sự hoang hoải trong những giấc mơ của con bỗng ùa về với những lời tự đáy lòng.

Xin lỗi mẹ bởi những lần đã to tiếng với mẹ vì cứ đòi hỏi của con. Nào là những bữa cơm ngon, nào là quần áo đẹp, vì con chưa hiểu cho mẹ, không cảm nhận được rằngMẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ cần phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu ăn cho các con rồi còn đi học. Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con” (Hãy chăm sóc Mẹ). Nếu cảm nhận được như thế, con đã biết những bữa cơm của mẹ bấy lâu là tất cả tấm lòng của mẹ dành cho con, mẹ nhìn con trong hạnh phúc lớn lên chứ không phải nghĩ về những mệt nhọc của bản thân khi phải nấu cơm, phải lo chạy bữa no bữa đói. Quần áo con mặc cũng là một sự cố gắng hi sinh, tiết kiệm đến mức keo kẹt mới có thể mua được.

Xin lỗi bởi những lần làm mẹ không vui vì những chuyện bao đồng. Con luôn biết ơn, cảm ơn ríu rít những người xa lạ vì những nghĩa cử nhỏ nhặt; hào phóng với một ai đó dù không quen biết, nhưng lại gắt gỏng và ki bo với mẹ; có những lúc có thể cầm tiền mồ hôi nước mắt của mẹ để tiêu xài vào những thứ vô bổ. Chắc chắn mẹ đã rất buồn phiền vì như Kinh Thánh có dạy “Con khôn làm cha vui sướng, con dại làm mẹ buồn phiền” (Cn10, 1).

Xin lỗi vì bao lần làm mẹ tốn thương bởi những lời không suy nghĩ, những đòi hỏi mẹ phải thế này thế kia mà không hiểu cho thế giới của mẹ, suy nghĩ của mẹ. Nhiều lúc nghe mẹ nói “cho bây ăn học chỉ về để cãi lại mẹ thôi à?”, con ngây ngô mà ức nghẹn. Vì không đủ rộng lượng và thông cảm cho mẹ, không đặt bản thân mình vào trong hoàn cảnh của mẹ.

Xin lỗi vì đến giờ vẫn là những long đong trên hành trình chọn lựa, còn để mẹ dù đã già vẫn lắng lo suy nghĩ cho con, chưa dành tặng mẹ những gì tốt đẹp nhất, xứng đáng nhất với những hi sinh của mẹ. Không những thế, có những lúc còn sống đức tin được đón nhận từ mẹ một cách hời hợt và thiếu thiết tha.

Tình yêu thương lớn lao mà mẹ dành cho con quả là một điều hết sức thiêng liêng, nhưng đôi khi con lại xem những việc đó là vô cùng hiển nhiên. Cuộc sống xô bồ và bận rộn ngoài kia, đã làm con dường như ít dừng lại và dành thời gian nhiều để hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Vì cứ lo cho lý tưởng bản thân, vì ước mơ của mình mà quên đi những lắng lo lạng đạng của mẹ, cứ ngụy biện kiểu những người Pharisêu khi xưa “những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, nên con không phải thờ cha kính mẹ nữa” ( Mt 15, 6). Rồi khi rảnh rỗi, không bận bịu thì lại thích chu du đâu đó, thích đi đến những phong cảnh đẹp, đến với người này người khác mà quên đi ở nhà có một người mẹ già đang mong mỏi con về, không biết rằng “Đưa mắt nhìn non sông bát ngát, không bằng thương yêu người bên cạnh. (Tô Thanh, Có Một Ngày Bố Mẹ Sẽ Già Đi).

Trải lòng ra với mẹ như thế, con cũng chỉ biết gọi mẹ ơi và lần nữa cho con xin lỗi mẹ:

“Con xin lỗi vì năm tháng con được làm người

chỉ nhìn thấy buồn vui của mình hơn tất cả

những nửa đêm con về đều sót lại trong lòng vết thương hay sỏi đá

con biết đôi khi mình đã đi xa quá

để có thể quay về…

Con xin lỗi

vì có lẽ kiếp này con cũng không thể trả hết được

dù chỉ một hơi ấm của ngày bé thơ…”

( Phong Việt).

Dù biết rằng “xin lỗi thì phải thay đổi”, nhưng có lẽ mẹ cũng biết chọn lựa của con, nên con chỉ biết dâng những tâm tình, những ước mơ của con nơi mẹ cũng như ước mơ nơi con cho Chúa cùng với mẹ.

  1. Dâng lên những ước mơ

Mấy hôm nay, trên mạng vẫn truyền tay nhau về những ca từ rất hay của ca khúc “Vẽ lại Bức Tranh” trong bộ phim Lật mặt 7: “Vẽ lại ước mơ của mẹ, Vẽ lại những bữa cơm của mẹ, Vẽ lại bức tranh của mẹ với những gam màu tươi nét hơn, nhiều màu sắc hơn”. Bản thân con không có những ước mơ táo bạo như thế, vì con biết bức tranh của mẹ đã vẽ, đã dệt nên chính cuộc đời mẹ thì con không thể thay đổi. Có thể con thấy đó là những gam màu đen, những gam màu u buồn nhưng mẹ lại cho đó là hạnh phúc, là niềm vui, là những chọn lựa mẹ thấy xứng đáng vì với mẹ hạnh phúc của chúng con là hạnh phúc của mẹ, nụ cười của chúng con là nụ cười của mẹ. Mẹ biết rằng, không quan trọng ăn gì mà là ăn với các con, mẹ nhìn thấy chúng con ăn ngon là mẹ hạnh phúc rồi. Mẹ sống cuộc đời với những cung bậc mà một người chưa một lần làm mẹ như con thì làm sao hiểu được. Vì với mẹ “trước khi kịp có một ước mơ đúng nghĩa, trước khi thử làm điều gì đó để biến nó thành hiện thực, đã phải vứt bỏ chính mình. Những ngày tháng mất sạch sự tự tin do oằn mình chịu đựng thực tại đắng cay đã biến mẹ thành một cái vỏ rỗng. Thứ duy nhất còn sót lại là khoảng thời gian sống như một người mẹ. Nhưng mẹ lại cho đấy là may mắn. Mẹ bảo, nếu đến điều ấy cũng không còn, hẳn mẹ đã đành mất toàn bộ lẽ sống, nếu đến điều ấy cũng mất đi, không biết cuộc đời mẹ sẽ thành thế nào nữa”( Mong Mẹ Hãy Yêu Lấy Chính Mình).  Đúng thật, trái tim của một người mẹ đã biến những thứ đắng cay thành ngọt bùi, những bữa cơm thanh đạm thành những cao lương mỹ vị, những cử chỉ nhỏ nhặt thành vĩ đại, vì mẹ đã làm những điều nhỏ nhặt bình thường với một tình yêu lớn lao.

Con không thể làm được những điều như mẹ vì con không có tình yêu của một người mẹ, một tình yêu thuần khiết như Mitch Albom khẳng định: "Khi bạn nhìn vào mắt của một người mẹ, bạn sẽ biết được tình yêu tinh khiết nhất mà mình có thể tìm thấy trên trái đất". Con cũng không có những ước mơ như người ta, con không ước mơ cao xa như thế, không đủ khả năng quay ngược lại thời gian để vẽ lên những bữa cơm ngon cho mẹ, những chuyện vui vẻ hạnh phúc cho mẹ thay vì nỗi buồn; vẽ lại cho mẹ những nụ cười thay vì những giọt nước mắt. Con chỉ có thể ước: “Khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời; con sẽ cho mẹ chút thời gian, chờ mẹ chút, cho mẹ suy nghĩ thêm chút cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì mẹ cũng quên. Con đủ kiên nhẫn với mẹ như mẹ đã kiên trì với con để lắng nghe những câu chuyện vụn vặt trong nhà của tuổi già. Con đủ nhẫn nại không giục giã mẹ vì giờ mẹ thường quên cài nút áo, ăn cơm vãi đầy vạt áo, chải đầu tay bẩn bật run. Cũng ước mong sao những lần về bên mẹ sẽ đủ dịu dàng với mẹ và hiểu rằng mẹ chỉ cần có con ở bên cạnh là đủ. Và cũng sẵn sàng đưa tay ra cho mẹ nắm, dìu bước chân mẹ chậm lại như những năm đầu đời mẹ đã dìu con bước đi vì bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước” ( Bài Thơ Viết Trên Bức Tường Dưỡng Lão).

Con cũng không ước mẹ sẽ ở mãi với con vì biết rằng rồi đến ngày mẹ sẽ rời xa con. Nhưng con ước mong những ngày còn lại trên cõi đời này của mẹ là những ngày hạnh phúc, an bình với sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa như mẹ đã dạy chúng con. Mong rằng mẹ sẽ được bước vào trong sự sống mới vĩnh cửu, nơi có ông bà tổ tiên, có cha và mọi người một đời sống tín thác như mẹ, nơi là hạnh phúc đích thực của một con người, nơi đó mới là niềm vui vĩnh viễn mà mẹ xứng đáng được hưởng sau một đời lao lung lo lắng cho chúng con.

Con cũng ước bản thân mình sẽ sống kiên trung trong đức tin như mẹ và sống đời thánh hiến của bản thân là tràn đầy niềm vui, sinh ra nhiều hoa quả tốt lành  để “Cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ” (Cn 23, 25).

 Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam

 

Top