Vẻ đẹp của Tình Yêu trong Tông huấn ‘Niềm Vui của Tình Yêu’

Vẻ đẹp của Tình Yêu trong Tông huấn ‘Niềm Vui của Tình Yêu’

Vẻ đẹp của Tình Yêu  trong Tông huấn ‘Niềm Vui của Tình Yêu’

WGPSG -- Tình yêu có đẹp không, mà sao đọc những lời trong một số bài hát, ví dụ bài “Chữ Tình” của Lê Dinh, ta khó mà thấy được những nét tươi tắn và hân hoan của ái tình:

Chữ tình rắc rối quá ai ơi! Chữ tình là khúc mắc quá đi thôi! 
Chữ tình là số kiếp thương đau con người. 
Chữ tình là vô vàn nước mắt. Chữ tình là đêm dài thức trắng.
Cuối cùng vòng tay rã rời, là buồn nhiều hơn vui…

Chữ tình thuốc đắng đã trao nhau
Uống vào chuốc lấy lắm thương đau 
U sầu và chất ngất lo âu đêm ngày…

Tình yêu trong nhạc phẩm này thật u ám và phủ ngập đau thương. Chả lẽ u ám đau thương cũng là một nét đẹp?

Thắm sáng hơn, tình yêu trong bài hát “Tình Ca Cho Em” của Nguyễn Nam đã có những nét thanh thoát và cao quý:

Tình yêu là chiếc lá xanh 
là những đám mây bồng bềnh trong nắng.
Tình yêu là những cánh chim,
là tiếng hát em trong xanh êm đềm.
Hãy giữ lấy tình yêu, giữ lấy mùa Xuân 
Vì tình yêu là chiếc lá trên cành mãi màu xanh
Vì tình yêu là cánh én
mang đến cho đời hạnh phúc mùa Xuân
Hãy giữ lấy tình yêu, hãy giữ lấy đời nhau…

Nhưng những nét tươi sáng ấy của tình yêu dường như cũng nhanh chóng chuyển qua những gam màu u tối:

Tình yêu là những tiếc thương 
là những vấn vương, mờ tựa làn sương dịu êm
mà sao đắng cay, mà sao đổi thay như chim xa bầy!

Không những u tối, tình yêu có khi còn mang tính hủy hoại tàn khốc của một cuộc đại chiến, trong một bài hát của Trịnh Công Sơn:Tình yêu như trái phá con tim mù lòa…

Vậy tình yêu có thực sự đẹp không, mà sao nó luôn hấp dẫn con người? Nó mang lại những niềm vui nào khiến người ta phải đắm đuối? Niềm vui ấy đúng đắn và bền bỉ đến mức nào? Phải chăng nếu không nâng niu, giữ gìn và vun xới rất kỹ lưỡng và miệt mài, thì nét đẹp cũng như niềm vui của tình yêu sẽ mau chóng tan biến như sương khói? Lạc thú của tính dục hoặc những đau khổ có vai trò gì trong tình yêu? Chúng có làm vẩn đục hoặc dập tắt tình yêu không? Đây là những câu hỏi xem ra cũng rất quan trọng vì không ai có thể sống mà không yêu. Ta hãy cùng đọc Tông huấn “Niềm Vui của Tình Yêu” từ số 126 đến số 164 để tìm được câu trả lời chuẩn xác cho những vấn nạn này.

Niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu

Trong hôn nhân, niềm vui của tình yêu cần được vun xới. Niềm vui khác với lạc thú ở chỗ nó mở rộng khả năng hưởng nếm niềm hoan lạc, giúp đôi bạn hân hoan một cách thật mới mẻ khi cùng nhau vượt qua những khổ đau, thúc đẩy họ luôn chăm sóc cho nhau. Niềm vui mang tính cách tình bạn này của hôn nhân giúp người ta nhận biết và trân trọng vẻ đẹp đích thực - là “giá trị cao cả” của người kia. Vẻ đẹp ấy - khác với dáng vẻ thể lí hay tâm lí - giúp họ cảm nếm và chiêm ngắm tính thánh thiêng của một nhân vị, với thái độ dịu dàng, quan tâm và kính trọng, không cảm thấy nhu cầu bức bách phải chiếm hữu bạn đời, nhưng biết chờ đợi đón nhận sự tự do dâng hiến cho nhau cách vô cầu. (126-130)

Kết hôn vì tình yêu

Trong định chế hôn nhân, sự kết hợp của đôi bạn đạt được sự bền vững nghiêm túc và trưởng thành, dứt khoát thuộc về nhau để phát triển tình yêu cách cụ thể mà hoàn tất sứ mạng xã hội của mình. Hai con đường sẽ chỉ còn là một, bất chấp mọi thử thách. Không vội vã cũng không trì hoãn, quyết định kết hôn luôn hàm chứa một phần liều lĩnh đáng phải có để nói lên tình yêu đích thực với người mình yêu. Là một khế ước hôn nhân tự do được thực hiện trước nhiều nhân chứng, phát sinh những bổn phận, lời ưng thuận của đôi bạn nói lên sự gắn bó với nhau suốt đời, bất chấp mọi hoàn cảnh. (131-132)

Một tình yêu tự biểu lộ và tăng trưởng

Những cử chỉ bày tỏ tình yêu phải được thường xuyên vun trồng; đặc biệt phải thường xuyên lập đi lập lại ba từ: ‘Làm ơn’, ‘Cám ơn’, và ‘Xin lỗi’. Tình yêu sẽ lâm nguy nếu không tăng trưởng nhờ những hành động từ ái ngày càng thường xuyên hơn, nồng nhiệt, quảng đại, dịu dàng và vui tươi hơn. Cần chấp nhận những giới hạn, những thách đố và những bất toàn, và chú tâm lắng nghe tiếng gọi lớn lên cùng với nhau, đưa tình yêu đến mức trưởng thành và củng cố mối kết hợp, dù có bất cứ điều gì xảy ra. (133-135)

Đối thoại

Đối thoại là một cách thức ưu việt và thiết yếu để sống, bày tỏ và làm triển nở tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình. Cần có một quá trình thực tập lâu dài và cam go mới có thể đối thoại thích ứng với từng đối tượng. Cần biết giữ thinh lặng nội tâm để thường xuyên lắng nghe nhau. Phải tôn trọng người khác, đặt mình vào chỗ của họ, cố gắng nhìn vào trái tim của họ, hiểu ra những bận tâm sâu xa nhất của người ấy và lấy đó làm khởi điểm cho một cuộc đối thoại sâu xa hơn. Cần cởi mở trong suy nghĩ, biết kết hợp cách nghĩ của mình và cách nghĩ của người khác. Cần biết lựa lời để những gì mình nói không gây tổn thương cho người khác, mà còn được người kia chấp nhận cách dễ dàng, nhất là khi thảo luận những vấn đề gay cấn. Tránh xả cơn giận như một hình thức trả thù; tránh giọng điệu dạy đời chỉ cốt tấn công, châm chọc, tố cáo và gây tổn thương. Hãy bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đối với người kia. Cần nuôi dưỡng nội tâm phong phú bằng việc đọc sách, suy tư cá nhân, cầu nguyện, và cởi mở ra với xã hội; nếu không, các cuộc trò chuyện sẽ trở nên chán ngán và tầm thường. (136-141)

Tình yêu đam mê

Đam mê có một chỗ quan trọng trong đời sống hôn nhân vì một tình yêu thiếu khoái cảm và đam mê thì không đủ để làm biểu tượng cho sự kết hợp giữa trái tim con người với Thiên Chúa. Đặc trưng của mọi hữu thể sống động là vươn tới hữu thể khác với những tình cảm hoan lạc hay đau đớn, vui hay buồn, dịu dàng hay sợ hãi. Đức Giêsu đã sống với mọi cảm xúc như thế. Một cảm xúc tự nó không phải là tốt hay xấu. Nó chỉ trở nên xấu khi người ta quyết định nuôi dưỡng nó để rồi thực hiện những hành động xấu xa kèm theo. Các cảm xúc vĩ đại mà thiếu nỗ lực thực hiện thì chỉ nhằm che đậy một thái độ vị kỉ. Nhưng ngược lại, gia đình sẽ trưởng thành hơn khi tình cảm của các thành viên trở nên nhạy bén, không bị đè nén, nhằm mạnh mẽ thúc đẩy nỗ lực xây dựng một cuộc sống gia đình phong phú, hoàn thiện và hòa điệu vì thiện ích chung của mọi người. (142-146)

Thiên Chúa yêu thích niềm vui của con cái Ngài

Không hề bác bỏ nhục cảm theo đúng nghĩa của nó, nhưng Hội Thánh lên án thứ nhục cảm biến dạng và hủy diệt. Thần thánh hóa nhục cảm cách giả hiệu là tước mất phẩm giá thần linh và nhân tính của nó. Cần phải có chương trình giáo dục cảm xúc và bản năng. Điều này không có nghĩa là khước từ những khoảnh khắc vui thú cao độ, nhưng cần hội nhập chúng với những khoảnh khắc khác của sự quảng đại hiến thân, của niềm hi vọng bền bỉ, của sự mệt mỏi không tránh được và của sự nỗ lực để đạt lí tưởng. Thiên Chúa yêu thích niềm vui thú của con người, Ngài đã dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6,17). Nhưng niềm vui thú có thể có những cách diễn tả khác nhau vào những giai đoạn khác nhau của đời sống, phù hợp với các nhu cầu của tình yêu hỗ tương.  (147-149)

Chiều kích tính dục của tình yêu

Chính Thiên Chúa tạo dựng nên tính dục để làm quà tặng kì diệu cho các thụ tạo của Ngài. Quà tặng tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, mà là một ngôn ngữ liên vị, trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của họ. Ái tình là sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người, tạo nên ý nghĩa hợp hôn của thân xác và phẩm giá đích thực của tặng phẩm trao hiến. (150-152)

Bạo lực và thao túng

Tình dục rất thường bị “phi nhân vị hóa” và trở thành bệnh hoạn, chỉ để thỏa mãn cách ích kỉ các ham muốn của bản năng. Bị nhiễm độc bởi não trạng “sử dụng và vứt bỏ”, người ta có khi coi thân xác của tha nhân như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn, và khinh dể khi nó không còn hấp dẫn nữa. Tính dục phải liên quan đến tương giao vợ chồng; nhưng ngay trong hôn nhân, tình dục cũng có thể trở thành nguồn của đau khổ và thao túng. Một hành vi vợ chồng áp đặt trên người phối ngẫu mà không xem xét đến điều kiện hay ý muốn của người đó,  thì không phải là hành vi yêu thương, nên sẽ xúc phạm nặng nề đến tương quan vợ chồng. Trong tâm thức thống trị, ngay cả người thống trị rốt cuộc cũng phủ nhận phẩm giá của chính mình. Phải chống lại bất kì một hình thức nô lệ tình dục nào. Trong hôn nhân, sự “tùng phục” nhau phải được hiểu như là ý muốn tự do chọn lựa thuộc về nhau với sự trung tín, kính trọng và quan tâm giúp nhau sống viên mãn. Tuy nhiên, nếu người ta chỉ mong muốn trở thành tinh thần thuần túy mà loại bỏ xác thịt, không muốn biểu lộ và đón nhận tình yêu nơi thân xác, thì cả tinh thần và thân xác đều mất đi phẩm giá của nó. (153-156)

Hôn nhân và trinh khiết

Nhiều người không kết hôn để toàn tâm lo cho gia đình, cộng đoàn hoặc sống đời thánh hiến. Trinh khiết - trong một cuộc sống như thế - cũng là một hình thức của tình yêu: dành trọn tình yêu cho Nước Trời, cho cộng đoàn, cho việc truyền giáo, phản ánh sự viên mãn trên thiên quốc. Cuộc sống ấy hướng về sự toàn thiện, nhưng đời sống hôn nhân cũng hướng tới sự trọn hảo; cả hai bổ sung ý nghĩa cho nhau. Trong khi trinh khiết là một dấu chỉ “cánh chung” của Đức Kitô Phục sinh, thì hôn nhân là một dấu chỉ “lịch sử” cho những người đang trên đường lữ hành trần thế, một dấu chỉ của Đức Kitô tại thế. (158-162)

Sự biến đổi của tình yêu

Có những người kết hôn vẫn giữ được lòng trung thành của họ khi bạn đời của họ trở nên hư hỏng, xấu xí, già nua, bệnh tật… Khi đó, phẩm giá của họ tỏa sáng vì cho thấy bản chất đức ái hệ tại ở “yêu người” hơn là ở “được người yêu”. Việc sống lâu đòi hỏi phải thường xuyên làm mới lại tình yêu ban đầu. Thân xác trở nên già nua nhưng vẫn cảm thấy niềm hoan lạc thuộc về nhau, vì có một “bạn đường” biết tất cả cuộc đời và lịch sử của mình và chia sẻ với mình mọi sự. Vượt trên mọi cảm xúc, mọi tâm trạng bất thường, đôi bạn tiếp tục yêu thương, tha thứ cho nhau, để hoàn thành hành trình tăng trưởng. Trên hành trình này, tình yêu mở hội ở mỗi bước đi và ở mỗi chặng đường mới. Khi yêu một người vì chính con người của họ, chứ không chỉ vì thân xác của họ, người ta sẽ không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để diễn tả tình yêu và làm cho tình yêu tăng trưởng không ngừng. Điều này luôn cần đến Chúa Thánh Thần là Đấng mà đôi bạn luôn cần cầu xin để Ngài ban xuống muôn hồng ân giúp lứa đôi diễn tả được một tình yêu tươi đẹp và hân hoan đích thực. (163-164)

Mạnh Tú (x. NSTM 5.17) / Nguồn: WGPSG

Top