Vào bệnh viện tìm tình thương?
Trong cuộc sống, chẳng ai mong mình phải vào bệnh viện. Chẳng đặng đừng lắm người ta mới tìm đến bệnh viện để tìm thầy tìm thuốc để chữa căn bệnh mà mình đang mắc phải. Tìm thầy tìm thuốc là điều hiển nhiên đối với người bệnh nhưng hơn những điều ấy là tìm một chút tình người giữa chốn đau thương. Tưởng chừng vào bệnh viện người ta sẽ nguôi ngoai nhưng phần đông vào đó khi trở về lòng nhủ lòng cứ đau đáu một niềm đau khôn tả.
Chuyện là những ngày vừa qua, người viết có cái “duyên” là vào bệnh viện để lo cho người thân.
Hết sức bình thường trước khi phẩu thuật thì bệnh nhân phải khám tai mũi họng, răng hàm mặt. Thế nhưng mà sau khi nhận được giấy chỉ định đó thì bệnh nhân lẫn người nhà hết sức choáng khi phòng khám tai mũi họng và răng hàm mặt của bệnh viện nằm cách xa bệnh viện – nơi bệnh nhân đang điều trị - non kém một cây số! Hỏi ra thì phòng khám tai mũi họng – răng hàm mặt ấy có “họ” với bệnh viện – nơi bác sĩ ra giấy chỉ định!
Vì bệnh nên đành phải chữa trị chứ không còn con đường nào khác. Thế là người nhà dìu người bệnh lê từng bước chậm ra cái phòng tai mũi họng và răng hàm mặt theo như bác sĩ điều trị ghi trên giấy. Ra đến phòng khám, chờ đến lược khám và trở về gặp bác sĩ điều trị thì hình như bệnh nhân mệt hơn nhiều trước khi nhận giấy chỉ định!
Một bệnh viện chuyên khoa lớn của Sài Thành mà lại không có chỗ cho hai cái phòng be bé để khám răng hàm mặt – tai mũi họng phải chăng là chuyện nhỏ, chuyện bình thường ? Chỉ có ai bệnh và ai dẫn bệnh nhân đi đến cái phòng khám răng hàm mặt – tai mũi họng mới hiểu được những bước chân, những hơi thở nặng nhọc của những con người vốn đã yếu nay lại yếu hơn.
Tại sao bệnh viện không có phòng khám răng hàm mặt – tai mũi họng để bệnh nhân vất vả như thế ? Câu hỏi này chẳng ai dám hỏi và câu trả lời nằm trong lòng bàn tay của những người có trách nhiệm.
Một đêm kia, hai bệnh nhân: một truyền nước và một vào máu. Cả hai bệnh nhân đều gặp chuyện không may khi truyền dịch và truyền máu. Người nhà đến nhờ nhân viên can thiệp thì đón nhận được một thái độ hết sức “tế nhị” mà chỉ có những ai trong phòng ngày hôm ấy mới thấu hiểu. Cam lòng chịu cay đắng trong những ngày còn trong vòng tay “âu yếm” của y tá và bác sĩ.
Vẫn biết, vẫn hiểu nỗi bận tâm, nỗi lo lắng cộng thêm sức ép của công việc trên y công, trên bác sĩ nhưng đâu phải vì thế mà bao nhiêu thái độ, bao nhiêu nỗi hằn học lại đè nén lên đầu bệnh nhân. Bệnh nhân cũng hiểu được công việc trong bệnh viện bù đầu bù cổ nhưng đâu phải vì thế mà coi bệnh nhân không được như một con người. Bệnh nhân cần lắm sự chăm sóc, lời hỏi han ân cần của những vị lương y mà họ đang được đón nhận để điều trị bệnh.
Có và vẫn có những bác sĩ, những lương y luôn nhoẻn nụ cười thật dễ thương trên môi bên cạnh gò má thấm đẫm mồ hôi. Có và vẫn có những bác sĩ, những lương y hết sức nhẹ nhàng tử tế. Thế nhưng, thật đáng tiếc tìm được những vị bác sĩ, những lương y có tấm lòng “từ mẫu” ngày hôm nay quả là hiếm hoi. Có chứ không phải không có nhưng con số có đó thật hiếm hoi so với những người cư xử thiếu tình người.
Bệnh nhân nằm vài ngày xong thì cũng phải đến ngày rời viện chứ chẳng lẽ ăn dầm nằm dề nơi cái chỗ ngột ngạt thiếu lòng nhân ấy ! Người nhà đến phòng “Viện phí” để thanh toán trước khi rời bệnh viện. Vô cùng ngạc nhiên và hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy tờ giấy thông báo của phòng thu viện phí : “Bệnh nhân cần bảng tính chi tiết xin vui lòng đi phôtô”.
Thanh toán xong, người nhà bệnh nhân nhẹ nhàng thắc mắc về chuyện hết sức vô lý ấy ! Bệnh nhân thanh toán hóa đơn có hóa đơn nào dưới 1 triệu đồng đâu mà bệnh viện lại tiếc nuối với bệnh nhân và “nhờ” bệnh nhân vui lòng nếu cần thì đi phôtô.
Ngạc nhiên và sửng sốt khi đi tìm quanh khu ấy chẳng hề có tiệm photô. Muốn phôtô bảng chiết tính ấy một lần nữa bệnh nhân hay người nhà phải lội bộ ra ngoài đầu đường cũng non kém 1 cây số mới có thể phôtô bảng chiếc tính của bệnh viện. 1 triệu đồng, 10 triệu đồng và có trường hợp 100 triệu đồng vậy mà chỉ thêm có 1 tờ giấy A4 bảng tính chi tiết mà bệnh viện lại tính toán!
Thử hỏi cách làm này của bệnh viện là như thế nào? Phải chăng là để cho bệnh nhân tập thể dục bằng cách đi bộ thật là xa để phôtô bảng chiết tính ấy rồi mới quay lại bệnh viện để thanh toán.
Đây cũng chỉ là những chuyện vô cùng nhỏ mà con người bỗng dưng tạo ra cho nhau, dành cho nhau ở cái nơi mà lẽ ra tình thương, lòng bác ái cần được bày tỏ. Ai nào đó đã hơn một lần nhập viện sẽ phần nào hiểu thấu thời gian, sức khỏe và tình người người ta dành cho nhau trong bệnh viện.
Sự thật vẫn là sự thật ! Bệnh nhân vào bệnh viện thì đa phần được chữa khỏi căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải nhưng bên cạnh đó cũng đa phần bệnh nhân cảm thấy ngao ngán với những ngày sống trong bầu khí ngột ngạt, thiếu thốn tình bác ái yêu thương.
Cũng thật lòng mà nói chẳng ai muốn bệnh vì lẽ bệnh thì phải vào bệnh viện vì ai nào đó một lần nhập viện cũng ít nhiều nếm thử cách đối nhân xử thế của những người được mệnh danh như “từ mẫu”. Ngay như cả người viết những dòng suy tư này cũng cầu xin ơn trên cho người viết được chết thì chết ngay chứ đừng cho lây lất trong bệnh viện và đặc biệt hơn xin đừng chết trong bệnh viện vì nếu lỡ chết trong bệnh viện thì càng tăng thêm phần hao tốn cho gia đình, cho bè bạn.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Bệnh viện phải đặt con người ở trung tâm và thúc đẩy nghiên cứu khoa học
-
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng -
Thủy trị liệu -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Giấc ngủ bình an -
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Giới y tế Công giáo TGP Sài Gòn: Thực thi bác ái -
Caritas TGP Sài Gòn: Khám chữa bệnh cho học sinh nghèo -
Giới thiệu phương pháp Billings với Linh mục đoàn Tổng Giáo phận TP.HCM -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng
bài liên quan đọc nhiều
- Giấc ngủ bình an
-
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Đã có một nơi cai nghiện như thế -
Tản mạn vui về hút thuốc lá -
Thủy trị liệu -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu -
Ngẫm nghĩ nhân Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9) -
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng