Đã có một nơi cai nghiện như thế
Có một cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, HIV, tội phạm, dẫn đến cái chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên. Đó là vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội hôm nay; thậm chí, của cả Giáo Hội nữa. Bởi lẽ, không ít các gia đình Công giáo đã có những người nghiện ma túy, rồi chuyển sang HIV.
Qua một bài báo, tôi được biết, có “Khóa cai nghiện bằng phương pháp tâm linh”. Những người khởi xướng, thực hiện và duy trì, hầu hết là người Công giáo: gồm các linh mục, nữ tu và giáo dân thiện nguyện.
Nằm sát bờ sông Sàigòn, khu nhà Tịnh Tâm Bình Triệu của dòng “Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo”, tọa lạc trên một khu đất nhỏ, thật yên tĩnh và rất nên thơ, với những căn nhà nhỏ, như các tịnh thất hoặc am cốc của những vị thiền sư mỗi khi nhập thất. Chính giữa là Nhà nguyện nhỏ, với hai hàng ghế; gần đó là cái ao, với cây cầu nhỏ xinh xắn bắc ngang.
Bước vào cánh cổng nhỏ, là phần dành riêng cho khu cai nghiện, được gọi là “Nhà xã hội”. Qua một khoảng sân hẹp, ta sẽ gặp nhà bếp, phòng ngủ, phòng cách ly để cắt cơn.
Khu đất nhỏ, ao nhỏ, nhà nguyện nhỏ: tất cả đều nhỏ. Nhưng chúng được bài trí thật hài hòa xinh đẹp, bên cạnh dòng sông lững lờ trôi, khiến cho ta có cảm giác yên bình thanh thản đến lạ thường.
Một công việc đầy gian nan nguy hiểm
Nghiện ngập ma túy không loại trừ một ai hay một giới nào; từ kẻ bình dân ít học đến những người chữ nghĩa đầy mình.
Thật vậy, đã có quá nhiều tên tuổi tài danh nghiện ngập; thậm chí, ngay cả giới bác sĩ cũng “tham gia”. Những kẻ nghiện, trừ một số rất nhỏ là các “đại gia”, như siêu sao bóng đá Diego Maradona hoặc Vua nhạc Rock Elvis Presley; còn hầu hết, sau thời gian sử dụng ban đầu, có vẻ hưng phấn khỏe mạnh, nhưng thời gian sau, họ chỉ còn là những cái xác biết đi và chưa được đem chôn mà thôi.
Họ như một đám âm binh giữa lòng dương thế. Thân thể suy nhược, ghẻ lở gớm ghiếc. Họ không có khả năng làm việc, cũng không thể giúp ích cho bất cứ ai. Bởi lẽ, khi có đủ thuốc, họ chỉ muốn nằm “phê”; còn lúc thiếu “hàng”, chân tay bủn rủn, toàn thân như có ngàn vạn con ròi đục khoét trong xương, thì họ có thể làm bất cứ chuyện gì để giải thoát cơn nhức buốt. Lúc này, họ trở nên rất nguy hiểm và thật đáng sợ. Vì thế, tội phạm ngày càng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng là điều không lạ.
Họ đang dãy chết cả xác lẫn hồn, ngay khi còn hít thở, đi đứng, nằm ngồi. Nhân cách xuống cấp trầm trọng, tâm lý bị tổn thương. Nếu phải chung sống với họ, quả là một điều hết sức gian truân. Lường gạt, dối trá, trộm cắp, bạo hành và vô vàn những điều tệ hại khác, là những điều mà gia đình người nghiện nào cũng phải chịu đựng họ. Khi đi cai nghiện, họ cũng mang theo tất cả những tài sản bất khả ly thân ấy, vì đã trở thành nếp sống và cách nghĩ một thời của họ. Do đó, những người làm công tác cai nghiện nào cũng phải ít nhiều gánh chịu các di chứng ấy như một điều tất nhiên. Mặt khác, nguy cơ bị lây nhiễm HIV là có thật, nếu thiếu ý thức phòng ngừa. Không ít những ca nhân viên y tế bị lây nhiễm từ những người nghiện mang bệnh HIV.
Nhưng điều gian nan có thể làm nản lòng những người thiện chí nhất, đó là con số tái nghiện luôn ở tỷ lệ quá cao, xác suất những người cai nghiện thành công lại luôn quá thấp. Trừ những người làm công để ăn lương, nếu được phép lựa chọn, không mấy ai lựa chọn một công việc nhiều vô vọng này. Giống như trồng cây, ai cũng vui khi thấy cây mình trồng đơm bông kết trái. Đó là niềm vui hết sức chính đáng và rất tự nhiên. Nhưng niềm vui chính đáng và tự nhiên ấy, người làm công việc cai nghiện cũng ít khi được hưởng, bởi nó quá hiếm hoi. Do đó, dễ dàng nhận thấy, cai nghiện là một công việc đặc biệt, chỉ dành cho những tâm hồn đặc biệt, với những phẩm chất và ân sủng đặc biệt; nếu không, sẽ dễ dàng xuôi tay đầu hàng hoặc bỏ chạy mất dép.
Cây thuốc phiện và việc cai nghiện
Đang khi ngồi chờ trên chiếc ghế đơn, bên hàng rào “Nhà Tịnh tâm”, tôi miên man nghĩ đến những loại thuốc cai ma túy mỗi ngày một mới lạ và hiện đại hơn, rồi nghĩ đến công trình nghiên cứu thành công cấp nhà nước của bác sĩ lừng danh Nguyễn Tài Thu, người được tôn vinh là “Thần châm”, không chỉ của Việt Nam mà còn của Châu Á về châm cứu cai nghiện.
Tôi liên tưởng đến cây thuốc phiện đã được trồng nhiều trên cao nguyên Thái Lan của người Hmong, bởi trồng nhiều thuốc phiện nên cũng lắm người Hmong bị nghiện ngập.
Một vị sư đầy tâm huyết của chùa Wat Tham Krabok đã bỏ công nghiên cứu, rồi mày mò tìm cách cứu họ. Từ đó, chùa Wat Tham Krabock đã trở thành một địa chỉ cứu sinh cho người nghiện ngập. Dần dần, cả thế giới đã biết chương trình cai nghiện Heroin và ma túy ấy. Bắt đầu từ năm 1959, với hơn 100.000 lượt người nghiện đã qua chương trình cai nghiện của chùa này bằng các liệu pháp, kể cả hành Thiền và uống thảo dược... Một số lượng lớn các con nghiện phương Tây, sau khi thất bại với nhiều phương pháp, họ đã tìm đến ngôi chùa này để chữa trị; trong số đó, có cả bạn trai của Nhạc sỹ Punk Rock, người anh của Kate Moss là Pete Doherty, ca sỹ nhạc Rock Christy Dignam và cả nhà văn Mỹ Patrick K. Kroupa cũng đã đến điều trị ở đây. Đáng tiếc, vì nhiều lý do, sau đó, ngôi chùa này không còn được tự do thăm viếng.
Một ông cậu ăn chay vì con cháu
Thật là kém duyên, khi tôi đến đây hai lần, nhưng không gặp được vị phụ trách, vị mà lúc khởi đầu Khóa Phục sinh I mới chỉ là thày, nay đã là Linh mục phụ trách ngôi “Nhà xã hội”.
Bù lại, tôi đã được nghe nhiều người kể về người “cậu” của họ, một người cậu luôn ở bên họ ngày đêm khi họ đến đây cai nghiện, người cậu tối nào cũng nguyện kinh với họ, người cậu đã xoa bóp bấm huyệt, giúp họ bớt đau đớn khi vật vã lên cơn, người cậu rất đỗi ân cần và dịu dàng, đến nỗi có những lần như “năn nỉ” từng đứa cháu mình. Nhưng họ cũng không quên kể những nghiêm khắc của người cậu yêu dấu của họ. Đến đây, không phải ai cũng là người Công giáo, nhưng ngay cả người Công giáo, họ vẫn thường gọi vị Linh mục phụ trách của họ là cậu, vì Ngài muốn thế. Bởi tiếng “cậu” nó gần gũi, thân thương và ấm áp tình gia đình.
Người cậu ấy đang ăn chay, rất ít người biết điều này. Người cậu mà gần 10 năm trước có lần đã nói đại ý rằng: “Chẳng những phải đón người nghèo vào nhà mình, nhưng phải đón họ vào lòng mình nữa; phải phục vụ thật tế nhị, vì người càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương”. Và ai cũng biết, người nghiện là người rất nghèo: nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tình thương, và nhất là: nghèo nhân cách.
Thăm viếng “Nhà xã hội”
Lần thứ nhất, tôi chưa dám vào khu “Nhà xã hội”, vì không ai cho phép.
Lần thứ hai, phải nói dối (nhưng không gây hại cho ai) mới vào được. Thật may mắn, vì tôi được thấy một Sr dòng Mến Thánh Giá, đang trao đổi hoặc giảng bài cho các bạn cai rượu và ma túy. Không biết họ trao đổi những gì, nhưng vẻ mặt tươi vui rạng rỡ của họ đã nói thay cho tất cả. Họ đều có da thịt hồng hào, có người còn đẹp trai như diễn viên điện ảnh. Tuy nhiên, tôi cũng gặp một cảnh trái ngược: có hai người đang ở trong phòng cách ly để cắt cơn. Cả hai đều gầy guộc xanh xao, mắt thất thần, phờ phạc, trán toát mồ hôi, nhìn qua song cửa. Không cần nói, ai cũng biết họ đang vất vả lắm để chiến đấu với cơn vật vã của mình. Một trong hai người mệt quá, nằm uể oải ngáp vặt trên chiếc võng. Những người này đang được chữa trị theo phương pháp tâm linh.
Cai nghiện theo phương pháp tâm linh, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam năm 2001. Lúc ấy, chỉ có 10 người cai nghiện. Phương pháp được Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và thầy Giuse Đỗ Duy Châu khởi xướng và thực hiện. Khóa đầu tiên mang tên Phục Sinh I, có sự cộng tác rất nhiệt tình của những tên tuổi quen thuộc như: Bác sĩ Lan Hải, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, hai bác sĩ Đông y: anh Quân và anh Việt, một y sĩ, anh Rớt đảm trách phần điều trị thể lý. Cha Sơn, Sr Hồng Quế và Sr Hồng Hà đảm trách phần củng cố tâm linh.
Khóa Phục Sinh I được gọi một cách rất khôi hài là “Khóa cai liều mạng”, vì phiêu lưu theo tiếng Chúa gọi, như tổ phụ Abraham ngày xưa, để với trái tim tràn đầy yêu thương, họ chăm sóc cho những con nghiện, mà người đời coi là những thân phận “rác rưởi, kinh tởm và khốn cùng”.
Khởi đầu, từ Khóa Phục Sinh I (2001) cho đến nay (2010), đã gần 10 năm, một khoảng thời gian chưa gọi là dài, nhưng đủ để nói lên sự tồn tại và duy trì của nơi cai nghiện này. Tất nhiên, sẽ chẳng thể tồn tại và duy trì được, nếu không có những thành công nhất định.
Và dù thành công hay thất bại, nơi đây vẫn luôn mang một vẻ đẹp đáng trân trọng, vẻ đẹp của tình người và sự hy sinh vô bờ bến…
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Bệnh viện phải đặt con người ở trung tâm và thúc đẩy nghiên cứu khoa học
-
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng -
Thủy trị liệu -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Giấc ngủ bình an -
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Giới y tế Công giáo TGP Sài Gòn: Thực thi bác ái -
Caritas TGP Sài Gòn: Khám chữa bệnh cho học sinh nghèo -
Giới thiệu phương pháp Billings với Linh mục đoàn Tổng Giáo phận TP.HCM -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng
bài liên quan đọc nhiều
- Giấc ngủ bình an
-
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Tản mạn vui về hút thuốc lá -
Thủy trị liệu -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu -
Ngẫm nghĩ nhân Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9) -
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng -
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng