Tản mạn vui về hút thuốc lá
WGPSG --Thói xấu giống như cỏ dại, không ai muốn trồng nhưng nó vẫn tự mọc và lan ra rất nhanh. Hút thuốc lá cũng vậy, ít người nhớ được mình đã hút từ lúc nào và do ai bày vẽ hoặc bị ảnh hưởng từ đâu, nhưng chỉ biết khi kịp nhìn lại thì đã lỡ nghiện mất rồi.
Người ta thường nói, nhân đức là những thói quen tốt được lập lại nhiều lần. Không ai dám nói hút thuốc lá là thói quen tốt; do đó, những tay hút thuốc lá vẫn bị coi là những kẻ nghiện. Đã là nghiện, dù là nghiện bất cứ thứ nào, thì cũng chẳng có gì hay ho, vì nghiện là trói buộc, nghiện là nô lệ, nghiện là khó lòng dứt bỏ.
Nhân đức luôn giúp nâng cao, nghiện thì ngược lại; nhân đức thuộc về phần NGƯỜI; nghiện thì luôn kéo xuống, gần cái phần CON của sinh vật được gọi là con người.
Nghiện thuốc lá là một trói buộc, nhưng là sự trói buộc nhẹ nhàng êm ái, một trói buộc có sức lôi cuốn và hấp dẫn rất đặc biệt.
Nghiện thuốc lá là một nô lệ, nhưng là một kiểu nô lệ dễ chịu cùng với ít nhiều thi vị và hưng phấn khoái cảm, nên nhiều người không muốn bỏ, và nhiều người khác, tuy rất muốn bỏ nhưng lại không bỏ được.
Bỏ khó hay dễ?
Đường và sữa thì ngọt, nhưng chẳng ai ghiền các món này. Ngược lại, người ta thường chỉ nghiện những thứ cay nồng đắng đót như rượu, thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện hoặc ma tuý nhiều loại. Các thứ này đều có chung đặc tính là cay và đắng, không biết vì sao người ta chỉ ghiền các thứ này, nhưng ai cũng dễ dàng nhận thấy cay và đắng là dấu chỉ đầu tiên và chắc chắn cho những ai nghiện.
Dấu chỉ cay đắng trước tiên là hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Dấu chỉ này đã được cảnh báo bằng một giòng chữ rất rõ ràng, được ghi trên mỗi bao thuốc. Những giòng chữ bắt buộc phải ghi trên mỗi bao thuốc. Sức khoẻ quý hơn vàng, ai cũng biết thế. Nhưng người ta chỉ đặc biệt quý trọng và cay đắng nhận ra điều ấy khi bị mất đi.
Thật vậy, chỉ khi phải ngồi trên xe lăn hoặc phải vất vả dò dẫm tập đi từng bước một trên đôi nạng gỗ, ta mới thấy quý giá biết bao và thèm muốn đến dường nàonhững bước chân tự nhiên mỗi khi thong dong đi dạo.
Hít vào thở ra hoặc thở ra hít vào, những điều quá đỗi tự nhiên và hết sức bình thường này có gì đáng quan tâm đâu, nhưng chỉ đến khi bị tức ngực hoặc nặng đầu hoa mắt vì ngộp thở hoặc khó thở. Chỉ đến lúc phải thở Oxy hoặc khí ZUNG bằng các máy móc và thiết bị phức tạp, cùng với những dây nhợ lủng củng chụp lên mặt, hoặc lằng nhằng gắn vào mũi ta mới thấy một hơi thở quý giá biết bao! Đầy rẫy những hình ảnh kém vui này trong viện Lao Phạm Ngọc Thạch và các bệnh viện khác. Hơi thở, phải, chỉ một hơi thở thôi. Ranh giới sống chết cách nhau chính là hơi thở. Sẽ hết sống nếu không còn thở.
Những khói thuốc hít vào phổi với hơn 80 loại hoá chất độc hại, sẽ ảnh hưởng đến hơi thở, nghĩa là sẽ trực tiếp có những tác động xấu lên phổi. Từ đó, sẽ gây ra lao phổi, nám phổi, hoặc ung thư phổi và nhiều bệnh lý về phổi khác nữa.
Thực ra, các nghiên cứu sâu về tác hại của khói thuốc lá đều chỉ ra rằng, về lâu dài, khói thuốc sẽ ảnh hưởng hết sức xấu và là tác nhân chính của rất nhiều chứng bệnh về tim mạch và huyết áp.
Nhất là ung thư với các khối u và cục thịt bất thường có thể nhìn thấy rõ trên các tấm phim X quang. Những cơn đau toát hết mồ hôi, những đau đớn kinh khủng không thể nói hết bằng lời, đến nỗi chỉ mong dược chết liền, chết ngay lập tức để thoát khỏi cái đau đớn đang đêm ngày hành hạ. Những bọc mủ thối tha cùng với lượng dịch nước tanh nồng trong phổi được rút ra bằng một cây kim sắt rùng mình. Những cơn sốt muốn nổ tung cả đầu, toàn thân như cả một khối lửa nóng ran với cảm giác có thể gây bỏng cho bất cứ ai ở gần. Đó là một vài hình ảnh rất quen thuộc của ung thư, một loại bệnh có nguyên nhân xa gần đến từ khói thuốc.
Ôi! thật là nản chí và đáng sợ khi phải nghĩ về các loại bệnh do hút thuốc lá. Không có gì chán bằng phải nghĩ và phải nói về bệnh tật khi người ta bị bệnh. Các Bác sĩ còn biết rõ về những điều này hơn bất cứ ai, nhưng không ít bác sĩ vẫn hút thuốc lá, và nghiện thuốc lá.
Họ lý luận để tự trấn an, đại khái rằng, hút thuốc chưa chắc đã bị ung thư. Mà nếu có bị ung thư, cũng chưa chắc đã chết. Bao nhiêu người đã chết vì bị ung thư dù không hút thuốc. Vậy tôi bỏ làm gì, vì dù sao hút thuốc cũng có nhiều thú vị.
Nhưng thực sự, họ không muốn bỏ, vì những thú vị và hưng phấn của thuốc lá vẫn đủ sức hấp dẫn lôi kéo họ?
Hoặc là họ không bỏ được, dù lòng họ rất muốn nhưng nghị lực và ý chí của họ quá yếu kém?
Chẳng mấy người đủ dũng cảm để nhận điều tồi tệ ấy về phần mình. Dù rằng, có thể họ là người đã vượt qua được rất nhiều nghịch cảnh. Dù rằng, có thể họ đã có nhiều thành công lớn lao trước cộng đồng và xã hội, nhưng khi đối diện với chính mình, họ lại thường thiếu dũng khí để tự ru ngủ, tự trấn an và tự dối lòng, đại khái rằng, hút thuốc lá ư? Ôi! chuyện nhỏ như con thỏ, có gì đâu mà phải lao xao ồn ào. Tôi muốn bỏ lúc nào cũng được, dễ quá mà. Họ nhại thơ của cụ Trần Tế Xương hoặc Tản Đà (không nhớ rõ) khi có dịp nói về cái thú phê pho từ khói thuốc:
“ ….Những lúc phê pho cũng muốn chừa.
Muốn chừa, nhưng tỉnh lại hay ưa.
Hay ưa đến nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa …”
Quả thật, số người không chừa được vì hay ưa và tự cho là chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa hơi bị nhiều. Họ nguỵ biện để tự bào chữa cho mình hay đó là sự thực thì điều ấy chỉ có họ biết và trời biết mà thôi.
Trên thực tế, đã có những người nghiện thuốc lá rất nặng và rất lâu, nhưng khi quyết định, họ đã bỏ cái một, rất dứt khoát và nhẹ nhàng để từ bỏ và thay đổi một thói quen. Thay đổi thói quen cũng chính là thay đổi một lối sống.
Nhưng thật đáng tiếc, số người ấy không nhiều, họ là người có bản lãnh sống, cùng với một sức mạnh nội tâm đủ để lướt thắng bản thân. Nơi họ, tính tự chủ thật đáng nể, họ chẳng cần khoe khoang, cũng không lớn tiếng ồn ào, nhưng họ hoàn toàn có thể tự hào và lặng lẽ mỉm cười khi nhớ lời Đức Phật đã nói:
“Thắng trăm vạn quân không bằng thắng chính mình. Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất.” Họ đã vượt qua được chính mình, ít ra là đã vượt qua được tật xấu là hút thuốc lá của mình.
Như thế, bỏ thuốc khó hay dễ đều tuỳ nghị lực và ý chí mỗi người.
Có tội hay không?
Ngày 31 tháng 5 là ngày Thế giới không thuốc lá. Trước và trong ngày này, người ta đã làm nhiều điều, từ tuyên truyền, vận động đến các biện pháp nhằm hạn chế và chấm dứt hút thuốc. Nhiều công ty đã không nhận công nhân nghiện thuốc, cấm không hút thuốc nơi công cộng… Ở nhiều nước phát triển, người lịch sự và có văn hoá phải là người không hút thuốc. Những nguy cơ từ hút thuốc lá luôn được chỉ rõ và nhấn mạnh.
Dù vậy, vẫn không có ai bị truy tố ra toà vì hút thuốc lá, người ta tôn trọng tự do của bạn. Cũng chẳng có ai phải vào toà hoà giải để xưng thú tội hút thuốc lá. Thiên Chúa càng tôn trọng tự do của bạn hơn nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hút thuốc lá là không trách nhiệm và chẳng có tội lỗi gì. Chỉ một chút bình tâm, ai cũng thấy rõ người nghiện thuốc lá ít nhất là đã phạm vào các tội sau:
1. Tội đốt đền thờ
Thánh Phaolô đã dậy rằng: “…. Anh em không biết sao, thân xác anh em chính là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi …” Thân thể con người là một bộ máy vô cùng vi diệu, là một quà tặng tuyệt vời của Thượng Đế mà Ngài đã giao cho mỗi người quản lý và xử dụng, để mưu ích cho chính mình, cho anh em và cũng là làm vinh danh Ngài.
Mỗi điếu thuốc khi đốt lên là một cục than nhỏ, nhiều cục than nối tiếp sẽ không còn nhỏ nữa. Thử hình dung, một người nghiện thuốc lá trung bình là 20 năm, mỗi ngày hút 1 gói là 20 điếu thuốc. Chỉ cần làm một con tính nhân đơn giản (360 ngàyx20nămx20 điếu) ta sẽ có hàng ngàn hàng vạn cục than, để đủ hình thành một lượng than lớn có thể đốt bất cứ thứ gì. Từng đó than, cộng thêm nhiều đám mây dầy đặc với khói độc nhả ra để hun và đốt, chỉ nhằm để thoả mãn bản thân với một chút thú vị hưng phấn, bất chấp tất cả mọi hậu quả.
Dù chỉ đốt từ từ, dù chỉ hun mỗi ngày một chút, nhưng sẽ nói thế nào về những hành động ấy, nếu không phải là đốt đền thờ? Huỷ hoại thân thể, dù chỉ là huỷ hoại dần dần, song cũng là huỷ hoại, cũng chính là đốt đền thờ, làm sao có thể nói khác hơn được.
2. Tội đầu độc
Đã đành người hút thuốc lá là kẻ tự đầu độc mình, nhưng điều tệ hại nhất chính là họ làm ô nhiễm bầu khí nơi họ nhả khói. Những ai vô tình hít phải những khói ấy sẽ biến thành những người hút thụ động. Khoa học đã chỉ ra rằng, so với kẻ hút chủ động thì tác hại đối với người hút thụ động chẳng khác nhau bao nhiêu.
Thật là kém vui và khốn khổ, khi bước lên xe kín cửa có máy điều hoà mà lại phải ngồi gần một kẻ hút thuốc.
Thật là bất hạnh và khổ sở, nếu trong gia đình lỡ có một người hút thuốc nhưng nhà lại chật chội, vì mọi người đều đang bị đầu độc bởi khói thuốc hàng giờ mỗi ngày. Chắc chắn, trước sau gì những thành viên trong gia đình ấy cũng bị các triệu chứng ho, khan cổ, váng đầu và nhiều tai nạn khác. Những tai nạn có nguyên nhân từ khói thuốc.
3. Tội ích kỷ dửng dưng
Chẳng ai biếu không, mà thuốc lá đều phải mua bằng tiền. Số tiền bắt buộc phải chi ra trong 20 năm cho thuốc lá sẽ là một khoản tiền không nhỏ, đáng lẽ số tiền ấy có thể làm được bao điều ích lợi khác hơn là khói thuốc, và còn có thể giúp được bao nhiêu cảnh đời bất hạnh đang nhiều lắm ở xung quanh.
Xin đừng nói, tôi có tiền thì tôi muốn tiêu dùng thế nào là quyền của tôi. Người phú hộ giầu có trong Phúc Âm cũng đã nghĩ như thế và đã bị loại.
Có 1001 lý do để hút thuốc lá. Lý do nào nghe cũng hay, và mỗi người đều có lý do riêng để tự cho phép mình hút thuốc, dù ai cũng biết rõ hút thuốc là điều tai hại. Từ đây, mới thấy rõ rằng, khuyên bảo người khác thì dễ hơn là khuyên bảo chính mình. Và nếu chưa khuyên bảo được chính mình, nhưng lại thích cao giọng khuyên bảo người khác thì thật đáng ngại.
Vài hàng tản mạn ngăn ngắn, tạm cho là vui, nhưng nghĩ lại, thấy khó lòng mà vui nổi về khói thuốc lá, và nếu có gì nói được là vui, thì đó chỉ là niềm vui gượng mà thôi.
Còn bạn, bạn nghĩ sao, hỡi người bạn nghiện thuốc lá của tôi? Nói với bạn cũng chính là đang nói với tôi trước hết!
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Bệnh viện phải đặt con người ở trung tâm và thúc đẩy nghiên cứu khoa học
-
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng -
Thủy trị liệu -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Giấc ngủ bình an -
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Giới y tế Công giáo TGP Sài Gòn: Thực thi bác ái -
Caritas TGP Sài Gòn: Khám chữa bệnh cho học sinh nghèo -
Giới thiệu phương pháp Billings với Linh mục đoàn Tổng Giáo phận TP.HCM -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng
bài liên quan đọc nhiều
- Giấc ngủ bình an
-
Chữa trị những trẻ chậm nói -
Đã có một nơi cai nghiện như thế -
Thủy trị liệu -
Nhóm Tông đồ Mục vụ Sức khỏe Việt Nam: Mừng bổn mạng -
Khoa học chứng minh rằng đến thăm bảo tàng và phòng triển lãm có thể giúp con người tăng tuổi thọ -
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu -
Ngẫm nghĩ nhân Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9) -
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng -
Để giúp người trẻ đối diện với khủng hoảng của sự tuyệt vọng