Vai trò giáo dục của Phụng vụ

Vai trò giáo dục của Phụng vụ

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA PHỤNG VỤ

Sứ điệp của ĐHY Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone gửi ĐC Felice di Molfetta
Giám Mục Cerignola – Ascoli Satriano
Chủ Tịch Trung Tâm Azione Liturgica, Italia
dịp tổ chức Tuần Lễ Học Hỏi Phụng Vụ lần thứ 62, tại Trieste, Italia từ ngày 22-26 tháng 8 năm 2011

Kính gửi
Đức Cha Felice di Satriano
Giám Mục Cerignola – Ascoli Satriano

Vatican ngày 10-8-2011

Kính thưa Đức Cha,

Tôi vui mừng gửi lời chào thân ái của Đức Thánh Cha tới Đức Cha và các Tham Dự Viên Tuần Lễ Quốc Gia về Phụng Vụ lần thứ 62, được cử hành từ ngày 22 đến 26 tháng 8 tại Trieste. Chủ đề của Tuần Lễ này là : “Thiên Chúa giáo dục Dân của Ngài. Phụng Vụ, nguồn suối bất tận của việc dạy Giáo Lý” – được nằm trong viễn tượng của các Định hướng Mục Vụ của Giáo Hội tại Ý trong thập niên 2010 – 2020, một chủ đề được đưa ra để ứng phó với vấn đề nổi cộm hiện nay về giáo dục, và có ý đưa ra ánh sáng “một cách không nghi ngờ Ưu tiên thứ nhất của Thiên Chúa... trước hết mọi sự là Thiên Chúa” (J. Ratzinger, Teologia della liturgia, Opera Omnia, XI, tr. 5), vai trò trước tiên của vấn đề giáo dục của Phụng Vụ.

Giáo Hội, nhất là khi cử hành các mầu nhiệm thánh, nhận ra mình và tỏ mình ra như là thực thể mà người ta không thể thu hẹp lại chỉ trong khía cạnh trần thế và có tổ chức. Trong các mầu nhiệm này phải làm cho hiện tỏ ra một cách rõ ràng là con tim đập phập phồng của cộng đoàn phải vượt hẳn lên những ranh giới chật hẹp và lại được là cần thiết của các nghi thức, bởi vì Phụng Vụ không là những gì con người làm, nhưng là điều Thiên Chúa làm với lòng nhân từ đoái thương nhìn xuống một cách lạ lùng và hoàn toàn nhưng không. Tính siêu vượt này của Thiên Chúa trong hành động Phụng Vụ đã được Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI làm sáng tỏ vào dịp kết thúc Công Đồng Vaticano II trong khi Ngài công bố Hiến chế về Phụng Vụ “Thánh Công Đồng Chung”, như sau : “Trong sự kiện này chúng tôi lưu ý rằng trật tự đúng các giá trị và các bổn phận phải được kính trọng và như thế chúng ta nhận ra rằng chỗ đứng danh dự phải được dành cho Thiên Chúa; và với chúng ta bổn phận trước tiên mà chúng ta phải giữ đó là dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện; Chớ gì Phụng vụ Thánh là nguồn đầu tiên của việc trao đổi thiêng liêng này, trong đó sự sống của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta; Phụng vụ là trường học thứ nhất của linh hồn chúng ta, là ơn huệ thứ nhất mà chúng ta phải thực hiện cho dân Kitô giáo…” (Phaolô VI, Diễn từ kết thúc giai đoạn họp thứ II của Công đồng chung Vaticano II, ngày 4-12-1963, trong AAS [1964] 34).

Phụng Vụ, ngoài việc diễn tả tính cách trước hết và tuyệt đối của Thiên Chúa, còn bày tỏ thực tại của Thiên Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, bởi vì “ngay từ đầu đời sống Kitô của chúng ta không hề có một quyết định mang tính cách luân lý hoặc một ý tưởng lớn lao nào, trái lại là cuộc gặp gỡ một biến cố, gặp Một Người, Vị đem lại cho sự sống một chân trời mới và cùng với điều này có một hướng đi quyết định” (Beneđicto XVI, Thông điệp Deus caritas est, 1). Theo nghĩa này Thiên Chúa là nhà giáo dục vĩ đại của Dân của Người, là vị lãnh đạo đáng yêu mến, khôn ngoan, không mỏi mệt trong và qua Phụng Vụ, hành động của Thiên Chúa trong thời điểm hôm nay của Giáo Hội.

Đi từ khía cạnh mang tính cách nền tảng này, Tuần lễ quốc gia học hỏi Phụng Vụ đã được triệu tập để suy tư về chiều kích giáo dục của hành động Phụng Vụ, được coi như là “trường học thường xuyên huấn luyện chung quanh Chúa Kitô phục sinh, là nơi giáo dục và mặc khải trong đó đức tin mang một hình thức và được truyền đạt” (Hội Đồng Giám Mục Italia, Giáo dục một đời sống tốt của Phúc Âm, s. 39). Với mục đích đó luôn cần phải đào sâu hơn nữa mối tương quan giữa giáo huấn và Phụng Vụ, tuy nhiên phải loại bỏ mọi hình thức không đúng sử dụng Phụng Vụ vào mục đích “huấn giáo thuần túy”. Về điểm này, truyền thống sống động của các Giáo Phụ của Giáo Hội dạy chúng ta rằng chính buổi cử hành Phụng Vụ, không mất đi nét chính yếu của mình, luôn có một chiều kích huấn giáo quan trọng (xem Hiến chế Thánh Công đồng chung, số 33). Thực vậy, Phụng Vụ được coi như là “nguồn thứ nhất và lại rất cần thiết từ đó các tín hữu có thể kín múc lấy một tinh thần Kitô giáo đích thực (nt, s. 14), Phụng Vụ có thể được gọi là huấn giáo thường xuyên của Giáo Hội, nguồn suối không bao giờ vơi cạn của việc dạy Giáo Lý, đó là Giáo Lý thật quý báu đang được cụ thể hóa (Xem Hội Đồng Giám Mục Italia, Canh tân việc dạy Giáo Lý, 7 tháng 2 năm 1970, số 113). Phụng Vụ, như là kinh nghiệm trọn vẹn của Huấn giáo, của việc cử hành, của đời sống, ngoài ra biểu lộ việc đồng hành đầy tình mẫu tử của Giáo Hội, do đó đóng góp vào việc phát triển sự tăng trưởng của đời sống Kitô giáo của tín hữu và sự trưởng thành của lương tâm của họ.

Đức Thánh Cha Beneđicto XVI vui lòng và bảo đảm lời cầu nguyện của Ngài, để Tuần Lễ Quốc Gia Học Hỏi Phụng Vụ lần thứ 62 đạt được kết quả phong phú cho các tham dự viên và cho toàn thể Giáo Hội tại Italia. Ngài cầu mong rằng Đại Hội, cũng như các sáng kiến do Trung Tâm Azione Liturgica, luôn luôn sẵn sàng phục vụ ý nghĩa chính thực của Phụng Vụ, cổ võ một việc huấn luyện vững chắc về thần học và mục vụ trong thái độ hoàn toàn hòa hợp với Giáo Quyền Tuyên Huấn và truyền thống sống động của Giáo Hội. Để được như thế, Đức Thánh Cha cầu xin trên tất cả mọi tham dự viên sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Maria Rất Thánh và vui lòng ban Phép Lành Tông Tòa đặc biệt cho Đức Cha, cho Đức Tổng Giám Mục Trieste, cho các Giám Mục và các linh mục hiện diện, cho các vị thuyết trình và cho mọi tham dự viên của Đại Hội.

Với lời chào thăm huynh đệ và lời cầu chúc chân thành, Tôi xin chào thăm Đức Cha.

+ Tarcisio Bertone
Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

(Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả dịch từ nguyên bản tiếng Ý).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top