Ung thư và nỗi đau còn lại

Ung thư và nỗi đau còn lại

WGPSG -- Giữa chốn thị thành hoa lệ với nhịp sống năng động vui tươi, đâu đó ở góc khuất của các bệnh viện, cuộc sống xem ra cũng nhộn nhịp không kém. Tuy nhiên, nhộn nhịp của bệnh viện khác với nhộn nhịp ngoài phố xá bởi bao sự lo lắng cả tinh thần lẫn vật chất cho người bệnh. Người bệnh chính là người thân trong gia đình đang đối diện với từng nỗi đau thể xác. Càng là cha là mẹ, là anh chị em ruột thịt thì càng đau da diết trước cơn bệnh đang hành hạ cơ thể của người thân.

Bệnh nào thì cũng gây đau đớn, nhưng phải nói đau đớn nhất vẫn là cơn đau của bệnh ung thư.

Đang vui vẻ, bỗng nhiên, một ngày đẹp trời kia nhận kết quả ung thư, hẳn nhiên người bệnh sẽ suy sụp vì cuộc sống chợt nhanh chóng khép dần trước mắt.

Một chàng thanh niên người mẫu với bao mộng đẹp của cuộc đời, nhất là vừa mới  xây dựng gia đình được vài tháng, nay bỗng phải đối diện với căn bệnh ung thư. Anh, vợ anh, người thân và những người đồng loại như tôi khi thấy anh, ai cũng phải chạnh lòng thương. Chạnh lòng với những đau đớn do chứng bệnh quái ác gây ra cho anh. Đau đớn vô cùng!

Một ca sĩ nọ cũng đã ra đi ở cái tuổi còn khá trẻ bởi bệnh ung thư. Ung thư quả là không “nể nang” một ai, giống như người ta vẫn thường nói: "Trời kêu ai, nấy dạ".

Vâng ! "Trời kêu ai, nấy dạ" đấy, tuy nhiên, nhìn lại những thập niên trước đây, khi cuộc sống chưa phát triển như ngày nay, bệnh ung thư cũng có, nhưng số lượng bệnh chỉ là con số nhỏ. Ngày nay, khi xã hội năng động và phát triển thì căn bệnh này càng tăng theo. Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư tại một số tỉnh và thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… ước tính mỗi năm có từ 130 ngàn đến 160 ngàn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 ngàn đến 115 ngàn người tử vong do căn bệnh này.” Mỗi năm có thêm khoảng 150,000 ca mắc bệnh và 75,000 ca tử vong do ung thư. Ở Sài Gòn, ung thư là một trong những bệnh phổ biến nhất và đang có dấu hiệu gia tăng nhanh. Theo ước tính hơn một năm sau, mỗi năm sẽ tăng lên tới 160,000 người bị bệnh ung thư mới. 

Theo bản phúc trình trong buổi hội thảo về ung thư, các nguyên nhân chính yếu dẫn đến bệnh này là do uống rượu, hút thuốc lá quá độ, môi trường sống độc hại và thực phẩm đầy hóa chất.

Những thống kê trước đây nói 30% các trường hợp ung thư tại Việt Nam có hậu quả từ thuốc lá. Ai cũng biết rõ tác hại của thuốc lá như thế nào nhưng chỉ vì sở thích của mình để rồi để lại bao nỗi đau cho người thân, gia đình và xã hội. Dù sao, cũng có thể nói rằng: đây là chuyện ai làm nấy chịu. Nhưng bi đát ở chỗ là người khác làm mà mình phải chịu.

Ai ai cũng biết rằng môi trường sống và thực phẩm là nguyên nhân chính đưa đến các loại bệnh và đặc biệt bệnh ung thư. Chỉ vì cái lợi của cá nhân hay nhóm nhỏ mà nhiều người đã thải những chất độc ra môi trường sống chung quanh. Dòng sông Thị Vải là nhân chứng sống cho biết bao nhiêu con sông đầy ô nhiễm. Dòng kênh nổi tiếng mang tên Nhiêu Lộc dù người ta có cố gắng làm sạch thế nào đi chăng nữa thì muôn đời cũng chẳng bao giờ sạch được vì quá nhiều dòng nước thải ô nhiễm ngày đêm đổ ra dòng kênh đang cố gắng làm cho sạch. Không bao giờ sạch được bởi vì quá nhiều chất thải đổ trên dòng kênh Nhiêu Lộc mỗi ngày. Từ cái môi trường sống độc hại mà nhiều người nhủ với nhau "không sao đâu", đến khi vào viện mới thấy "không còn cách chữa trị đâu"!

Kinh khủng nhất, tác hại lớn nhất và mạnh nhất đang hủy hoại con người chính là thực phẩm. Ngày nay, ai ai cũng chạy theo lợi nhuận để rồi không có thức ăn, thực phẩm nào mà không "ngậm" hóa chất. Nhìn những trái dừa tươi ruột trắng nõn, không ai ngờ rằng nó đã "ăn" một số độc dược tẩy trắng. Nhìn những hạt gạo thật mẩy và bóng, ai cũng thích, nhưng chỉ có người trồng mới biết trong hạt gạo thành phẩm đó đang chứa biết bao nhiêu hóa chất từ ngày gieo hạt. Thèm ăn mãng cầu nhưng người bán thân cận cho biết nó được trồng và chăm sóc lớn lên bằng hóa chất. Dưa hấu và đặc biệt sầu riêng thì ngày nay có thèm ăn cũng chớ có dại mà ăn vào vì ăn sầu riêng đồng nghĩa với ăn hóa chất!

Chỉ vì cái lợi nho nhỏ của cá nhân hay tập thể mà người ta đã làm như thế, không thèm quan tâm đến nỗi đau của căn bệnh ung thư quái ác do hóa chất mình đã đưa vào đồ ăn. Cái lợi mà người ta vun vén bao năm - khi kiếm lợi bằng buôn bán thực phẩm chứa hóa chất đó - sẽ tan biến khi bước chân vào cổng bệnh viện. Chính mình đã hại mình, hại người thân, hại đồng loại, nhưng rồi người ta cứ vui vẻ hại nhau không hề suy tính. Ai cũng nghĩ rằng mình bán món này chỉ mang tí hóa chất thôi, có sao đâu! Ai cũng nghĩ thế nên cứ bước chân ra ngoài đường là dính hóa chất!

Dân nghiện cà phê chắc cũng đoán được thứ nước đen đen, thơm thơm, đắng đắng mà mình uống mỗi sáng đang có bao nhiêu phần trăm hóa chất trong đó. Biết thế nhưng đành phải uống vì ghiền, vả lại thật khó mà kiếm được cà phê "sạch". Ngày xưa vào quán cà phê uống nước trà, người ta hay chê là bình trà sao có nhiều cặn trà thế! Ngày nay vào quán uống trà thì có lấy kính lúp để tìm xác trà cũng không thấy bởi lẽ trà ngày nay đa số được pha chế bằng nước máy cho thêm tí màu và tí mùi. Thế là làm thật nhanh mà lại rẻ, hương vị trà lại thật ngon, nhưng đậm đầy hóa chất!

Thử hỏi mỗi ngày cứ đều đều nạp vào mình những thứ đó thì cơ thể làm sao chịu được sự tác hại của vô vàn hóa chất độc hại. Chuyện ung thư tràn ngập xã hội là điều dễ hiểu và cũng chẳng khó để tìm nguyên nhân. Nguyên nhân có đó nhưng mấy ai can đảm nói không với hóa chất?

Và rồi, vì hoàn cảnh nên khám phá và điều trị quá trễ (70%), phần lớn các con bệnh ung thư tại Việt Nam đã không qua khỏi; họ qua đời chỉ trong vòng ít tháng kể từ khi biết mình mắc bệnh. Nếu khám phá sớm, nhiều loại ung thư có thể chữa được hay ít nhất tuổi thọ bệnh nhân cũng kéo dài hơn. Dường như cuộc sống nghèo về vật chất đã kéo thêm cả cái nghèo về tinh thần và nhận thức. Và như thế, gánh nặng về nỗi đau đã làm thêm đau cho con người.

Nỗi đau càng đau khi con người càng ích kỷ, càng tìm lợi ích cho riêng tư mà không nghĩ đến sức khỏe, mạng sống của anh chị em đồng loại.

Micae Bùi Thành Châu

Top