Tưởng niệm Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng
WGPSG -- “Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh giá, dưới ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô". Đó là lời Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng.
Trong tâm tình hoài niệm, tưởng nhớ một mục tử đáng kính – một nhà thơ lớn trong dòng văn học Công giáo hiện đại, Lm. PX Bảo Lộc và Lm. Trăng Thập Tự đã mời quý thi hữu Công giáo đến hiệp nguyện và dự Thánh lễ “Tưởng niệm Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng” (XLB) vào lúc 14g30 ngày 17.8.2017, tại Trung tâm Mục vụ TGPSG.
Hiện diện gồm có 8 nhóm văn thi hữu: BVH & ĐXT Qui Nhơn, Viết Văn Đường Trường, Văn Thơ Công giáo, Có Một Vườn Thơ Đạo, BVH & ĐXT Phan Thiết, Ban Đối Thoại Liên Tôn – TGPSG, Ban Truyền Thông – TGPSG, BVH & ĐXT Sài Gòn.
Trong đó có các linh mục: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung – Nhà thơ Trần Địa Đàng; Lm. Nguyễn Văn Lừng – Phó Giám đốc Chủng viện St. Nicôla – Phan Thiết; Lm. Võ Tá Khánh – Nhà thơ Trăng Thập Tự - Trưởng BVH GP Qui Nhơn; Lm. Giuse Nguyễn Tiến Mỹ, SDB; Lm Cao Gia An, S.J, ở Roma - Ban Giám khảo Giải Viết văn đường trường; Lm. Vũ Hữu Hiền – Trưởng ban Truyền Thông TGPSG; Lm. PX. Bảo Lộc - Giám học Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn - Trưởng ban Mục vụ Đối thoại liên tôn.
Chương trình gồm 2 phần. Phần I: từ 14g30 đến 16g30, giới thiệu con người và cuộc đời của XLB, cùng những chia sẻ về XLB; Phần II Thánh lễ và bữa cơm Agape.
Đúng 14g30, Lm. Bảo Lộc đã hân hoan chào mừng quý linh mục và các nhóm văn thi hữu. Cha đã cử hành giây phút thánh hóa, khai mạc Chương trình.
Sau đó, nhà thơ An Thiện Minh đã giới thiệu “Cuộc đời và tác phẩm của Xuân Ly Băng”.
Cuộc đời
Đức ông GB Lê Xuân Hoa, bút hiệu: Xuân Ly Băng sinh 23.04.1926 tại Nghệ An, thụ phong linh mục 19.07.1959, ngài từng là giáo sư các chủng viện cũng như chánh xứ thuộc GP Phan Thiết và Bình Tuy. Năm 1986: Tổng Đại diện GP Phan Thiết; ngày 25.01.1998: Giám chức Danh Dự của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II; Năm 2006: Tòa GM Phan Thiết; Năm 2009: Nghỉ nhà hưu dưỡng Phan Thiết. Ngày 19.07.2017, về với Chúa, hưởng thọ 91 tuổi, 58 năm linh mục.
Tác phẩm
Gồm 27 thi phẩm, có tổng cộng trên 1000 bài thơ; 1 kịch; 4 tác phẩm dịch; 4 bản thảo bị thất lạc. Có trên 120 bài thơ đã được phổ nhạc.
Thơ chia làm 3 giai đoạn: GĐ I: 1945-1953, ý thơ chưa sâu nhưng lời thơ dễ dàng, hồn nhiên; GĐ II: 1953-1975, GĐ sung sức nhất, tiêu biểu là tập Thơ Kinh và bài Say Noel; GĐ III: 1975-2017: Chuyên làm thơ cầu nguyện, như Trầm Hương I, II, III. Có 2 bài trong Trầm Hương I được đưa vào sách Phụng Vụ.
Tư tưởng sáng tác
- Xuất phát từ Tình Yêu Thiên Chúa. Nói đến nghệ thuật nói đến thơ là nói đến sự diễn tả Tình Yêu và ca ngợi Tình Yêu.
- Ngài cũng nói: “Tình yêu tôi hướng trọn về Thiên Chúa nên khi tôi nói yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật… là yêu trong tình yêu của Thiên Chúa”.
- Dùng văn hóa để diễn tả đức tin cho phù hợp với cách cảm nhận của dân tộc và thời đại.
Đặc điểm sáng tác
- Cầu nguyện: Sử dụng Thơ để chuyển tải thông điệp
- Huấn giáo: Dùng Vè, Kịch để dạy giáo lý.
- Tinh thần dân tộc: Dùng thơ nói lên tâm tình.
Những lời tâm huyết
- Hãy là những người làm nghệ thuật dưới bóng cây Thánh giá và Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Kitô.
- Nguồn thơ lấy từ Thánh Kinh và tứ thơ lấy từ lời Cầu Nguyện.
- Vườn thơ Thánh Kinh rộng mênh mông như trời biển, kỳ diệu và phong phú vô cùng, chứa đựng toàn Chân Thiện Mỹ.
- Thơ là để nói lên cái đẹp là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa đều đẹp. Chúng ta ca tụng Thiên Chúa bằng cái đẹp thể hiện qua văn chương, qua thơ ca. Đó là thơ Tôn giáo. Theo tôi nghĩ, thơ tôn giáo phải chân thật, phải thành tâm yêu Chúa, trung thực với lòng mình.
- Nhà thơ cần đọc nhiều, học nhiều, giao lưu nhiều với những giá trị giúp thăng tiến trong sáng tácThơ.
- Nhà thơ cần có 2 đức tính: thành thực và khiêm nhường.
Cảm nhận
Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa – Cố Giám mục Nha Trang - đã nhận xét: “XLB đã đem niềm tin vào linh hồn bất tử, vào thế giới vô hình, niềm tin và sự ngưỡng vọng Thiên Chúa”.
Xen giữa những bài phát biểu giới thiệu là những cảm nghiệm về thơ ca, những vần thơ của Thi sĩ Xuân Ly Băng được diễn tả qua giọng ngâm truyền cảm của nghệ sĩ Ngọc Anh và Đan Thụy, qua các bài thơ: Suy nghĩ cúi đầu; Sao Không và Say Noel.
Lm Nguyễn Thiên Cung đã chia sẻ đề tài “Thần học trong thơ Xuân Ly Băng”.
Sau khi chia sẻ những câu chuyện về mối quan hệ thân thương giữa XLB và Lm. Nguyễn Thiên Cung, cha chia sẻ đề tài “Thần học trong thơ XLB”. Theo một nhà thần học: “Thần học nảy sinh từ kinh nghiệm và nở bung thành tiếng nói sau cùng nhờ Thần khí”. Thần học trong thơ XLB cũng qua con đường kinh nghiệm. Nhìn quá trình thơ của XLB có thể thấy bi kịch cá nhận của đời mình, hoa thơ ca nở trên thập giá. Biến cố phân ly Bắc Nam dẫn đến nhiều cuộc phân ly khác… là chất liệu cho sự ra đời của các tác phẩm thơ về tình hoài hương hay về tình mẫu tử. Cha đã trưng dẫn nhiều bài thơ của XLB, đong đầy cảm xúc cho người nghe.
Kết thúc chia sẻ cha nói: “Trong thơ ca của XLB những bài thơ về quê hương, về mẹ, nhất là về Mẹ Maria là những bài thơ hay nhất mang ý nghĩa và suy tư thần học”.
Tiếp theo, Lm. Nguyễn Văn Lừng đã chia sẻ đề tài “Xuân Ly Băng trong tôi”. Cha đã chia sẻ những kỷ niệm quý bàu có được với XLB.
Ông Dzuy Sơn Tuyền cũng đã có những cảm nghiệm về XLB. Ông ấn tượng nhất bài thơ “Mẹ đừng cười con nhé”. Ông cảm nhận được tất cả những lời thơ đơn sơ, mộc mạc nhưng chân thật, giàu cảm xúc.
Lm. Trăng Thập Tự đã chia sẻ Di khảo của nhà văn quá cố Phạm Đình Khiêm viết về XLB, tại Thanh Xuân ngày 15.7.1995 - “Dưới bóng Thánh Đường Đức Micae”. Nhà văn nhận xét “Thơ Xuân Ly Băng cho người ta được khai phá và chiêm ngưỡng một linh hồn trong như tuyết, sáng như trăng, đẹp như hoa huệ ngoài đồng, đầy ắp tình người, bởi vì tràn ngập tình yêu của chính Đấng là TÌNH YÊU”. Và ông đã rưng rưng hàng lệ, bừng bừng con tim dâng lời tạ ơn Cha trên Trời cho có XLB mà những vầng “Thơ Rất Đạo” được vang nơi xứ Đạo mà vọng tới trời cao.
Tiếp theo, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền – Trưởng ban MVTT TGPSG - bày tỏ niềm vui khi tham dự, và xúc động khi được nghe chia sẻ về thơ XLB. Cha cảm nghĩ: Thơ xuất phát từ những gì rất thật trong lòng và trong cuộc sống, được diễn tả súc tích, cô đọng, chắt lọc mỗi từ như những những viên ngọc quý, tuy đơn sơ nhưng gây xúc động lòng người. Cha ước ao có được những tác phẩm của XLB và của Trăng Thập Tự.
Sau đó, nhóm trẻ trong Câu lạc bộ Văn hóa và ĐXT Qui Nhơn chia sẻ về những hoạt động và tác phẩm trong Tập San Mục Đồng. Nhóm đã kêu gọi các thi hữu liên kết và giới thiệu đến nhiều người.
Sau cùng, anh Jos Thái – TV BVH & ĐXT Sài Gòn chia sẻ những cảm nhận về XLB. ĐXT SG kính tặng tập thơ vừa được xuất bản mang tên “Rợp Bóng Mây Trời” đến những người tham dự.
Phần I “Tưởng niệm Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng” kết thúc lúc 16g40, chuẩn bị vào phần Thánh lễ.
Thánh lễ
Thánh lễ do cha PX Bảo Lộc chủ sự. Đồng tế với ngài có quý cha đã tham dự.
Quý thi hữu cùng hiệp dâng Thánh lễ cảm tạ Thiên Chúa cùng với Đức ông GB Nguyễn Xuân Hoa, đã ban nhiều ơn trong hành trình 91 năm làm người, 58 năm linh mục, xin Chúa nhận lấy ngài vào thế giới vĩnh hằng.
Sau Thánh lễ, quý cha cùng các thi hữu chung vui trong bữa cơm Agape.
Trong bữa Agape, Đức Hồng y cũng đã ghé thăm các thi hữu.
Lời kết:
Buổi “Tưởng niệm Đức ông – Nhà thơ Xuân Ly Băng” kết thúc lúc 19g, để lại trong lòng nhiều người niềm vui cùng với những khắc khoải cho phát triển trong tương lai của nền thơ ca Công giáo, đặc biệt nơi các thi sĩ trẻ. XLB nói với những người cầm bút trẻ: “Tất cả mọi vẻ đẹp đều xuất phát nơi Chúa và tất cả mọi sáng tác của con người đều là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa hoặc chỉ là sự mô phỏng Thiên Chúa. Cho nên, xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến». XLB cũng mong: “Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh giá, dưới ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô».
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023