Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ

Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ

Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ

TGPSG -- Có những chiếc lá gói được ước mơ của cả một đời người. Chúng đi vào cuộc sống, làm sống mãi những ước mơ, nối dài những giấc mơ tuyệt vời mà làm nên hạnh phúc cho những ai chạm đến chúng…

Chặt lá dừa

Đi theo Ba Mẹ trên những chiếc thuyền vào tận dưới U Minh để chặt lá dừa nước, Thành đã quá quen thuộc với những tàu lá còn trong búp trắng muốt và dài, mà Ba Mẹ để đầy cả một thuyền. Khi thuyền về đến nơi, cả nhà Thành sau đó được chất đầy lá dừa, không chỗ nào mà không có những chiếc lá thật dễ thương ấy.

Phơi lá

Bộp…bộp…

Ba đang đập búp lá dừa. Tiếng bộp bộp vang cả một góc sân. Lá bung ra khỏi búp trắng xóa, cả một sân trắng những lá dừa. Mẹ cẩn thận dọc lá rồi xếp lại từng bó. Thành giúp Mẹ ôm những bó lá vào nhà. Sau đó, Mẹ phân loại lá dừa: dài, ngắn, già và trắng hơn…

Công việc của Ba kết thúc ở khâu đập búp dừa và vót tre cho Mẹ. Còn công việc của Mẹ thì thật nhiều và đầy kiên nhẫn. Thành thấy Mẹ mang lá dừa đi hấp rồi đem phơi, nâng niu từng lá rồi xếp cẩn thận lên khuôn nón và chăm chỉ khâu từng mũi kim kết nối những chiếc lá riêng lẻ thành những chiếc nón lá xinh xắn.

Nón lá

Nếu chiếc nón lá là vật làm duyên làm dáng cho những cô gái hay là vật che nắng che mưa cho người đi làm thì với Mẹ, chiếc nón lá là một phần của cuộc sống: không chỉ làm nón lá bán cho người ta để có thu nhập, nhưng nghề làm nón còn là nghề gia truyền của Mẹ.

Đã bao đời những chiếc nón lá vẫn được dùng như một nét đặc sắc của quê hương trong ấy gói ghém cái đơn sơ mộc mạc của người miền Nam, cái cao quý của sự khéo léo của đôi tay và tình yêu khi giữ gìn cái di sản quý giá của ngành nghề. Mặc dù Ba Mẹ Thành vất vả làm ruộng, nhưng những chiếc nón lá vẫn đều đặn được bán đi cho những người đặt hàng, cũng vì đó mà gia đình Thành khá hơn trong nghề tay trái này.

Lễ Lá & giấc mơ linh mục

Là con trai nên Thành không biết giúp Mẹ thế nào trong công việc làm nón lá, và chỉ được Mẹ sai vặt thu lá dừa giúp Mẹ khi trời mưa thôi. Nhưng với Thành, lá dừa không chỉ để Mẹ làm nón. Nó còn là thứ đồ chơi của Thành nữa như để làm chong chóng nè, hay là lựa một cái lá dừa dài đưa cho Ba kết thành con cào cào, hay con rồng nữa. Nhất là, đến Chúa nhật Lễ Lá, cả xóm đến nhà Thành kết lá dừa cho buổi lễ rước Lá nữa cơ. Hôm ấy, Mẹ sẽ không làm nón nhưng để hết số lá dừa ấy cho mọi người kết lá như một đóng góp nhỏ cho Giáo xứ. Ngày ấy, nhà của Thành vui lắm, người ra, người vào, cắt lá, kết lá, nói cười rôm rả...

Thành chú ý đến một cành dừa lớn mà mọi người xúm lại để kết thành hình một trái tim có nhiều bông hoa nữa, lại có thêm Thánh Giá ở giữa. Với đôi mắt tò mò, năm nào Thành cũng thấy mọi người chăm chút cho cành lá dừa ấy rất cẩn thận, nên năm ấy Thành đánh bạo hỏi Mẹ:

- Mẹ ơi, sao mọi người lại phải kết một cành dừa lớn và đẹp như vậy để làm gì, và ai là người cầm cành dừa bự đó, hả Mẹ?

Mẹ mỉm cười:

- À cành dừa ấy là của Cha Cố sẽ cầm trong ngày lễ Lá. Cha Cố cầm đi trước vào nhà thờ, rồi mọi người đi theo sau, tiến vào nhà thờ như dân thành Giêrusalem đi đón Chúa Giêsu.

Chẳng biết Thành có hiểu hết hay không, vì những năm trước, vào Lễ Lá, sợ Thành mệt vì Thánh lễ dài, nên Ba Mẹ không đưa Thành đi lễ chung, mà Ba Mẹ thay nhau đi lễ sáng và chiều để có người ở nhà trông coi Thành.

Nhưng từ Chúa nhật Lễ Lá năm ấy, Thành đã được Mẹ dẫn đi lễ, tham dự rước lá. Năm ấy, Thành lên 5 tuổi, khi thấy Cha Cố, Thành reo lên:

- Cha Cố cầm cành lá dừa bự hôm qua kìa Mẹ!

Mẹ Thành mỉm cười, vui vẻ ngắm nhìn đứa con trai nhỏ của mình đang đong đầy ngạc nhiên trong đôi mắt ngây thơ.

Khi về nhà, Thành nói với Mẹ: “Mai mốt lớn lên con sẽ làm Cha để cầm cành lá dừa đẹp đi đón Chúa Giêsu, vì Chúa bị đóng đinh con thương Chúa lắm”. Câu nói đơn sơ của đứa trẻ lên năm như chứa đựng cả một giấc mơ trong cành lá dừa ấy.

Bánh lá dừa

Lá dừa là thế, với bao nhiêu công dụng như trên, lại còn cho con người có thể dùng nó mà gói bánh nữa. Thành thích nhất là những ngày Tết Nguyên Đán, hay Tết mùng Năm tháng Năm, Mẹ sẽ gói bánh lá dừa biếu ông bà Nội, ông bà Ngoại và cả các cô chú hàng xóm nữa. Bánh lá dừa Mẹ gói là ngon nhất vì mỗi dịp Mẹ gói bánh xong, mọi người ai cũng xuýt xoa: bánh ngon ghê, ăn một cái là ghiền, muốn ăn cái thứ hai!

Và rồi Mẹ cũng hay sai Thành đi biếu bánh lá dừa: bánh dây màu xanh của bác Hai có nhiều đậu xanh, bánh dây màu đỏ nhân chuối biếu cô Mười, bánh dây màu vàng biếu gia đình chú Sáu công an không có đạo… Đặc biệt, bánh dây màu trắng biếu ông bà Nội vì ông bà đều bị cao huyết áp nên bánh nhạt hơn một chút. Bánh biếu ông bà Ngoại là nhân chuối và có thêm hạt đậu đen. Mẹ thuộc khẩu vị của từng người để gói bánh biếu cho thích hợp, chính vì thế mà nhắc đến tên Mẹ, người ta sẽ nhắc đến bánh lá dừa của Mẹ ngay.

Có lần Thành hỏi Mẹ:

- Tại sao Mẹ lại gói bánh lá dừa riêng cho từng người như thế.

Mẹ nói:

- Bánh lá dừa là loại bánh bình thường và rẻ, ai cũng có thể mua. Nhưng Mẹ muốn gói bánh với cả tấm lòng và đặt vào đó tình yêu thương Mẹ dành cho từng người, khi biết một chút về sở thích của họ. Để khi nhận bánh, họ cũng nhận được sự quan tâm của mình.

- Sao Mẹ lại thích gói bánh lá dừa vậy Mẹ?

- Lá dừa là loại lá gắn liền với cuộc sống của Mẹ và gia đình mình. Lá dừa không làm mất đi màu sắc của hạt nếp, nhưng đi vào trong hạt nếp, làm cho hạt nếp dẻo và thơm mùi lá dừa, mà vẫn giữ nguyên được màu trắng của hạt nếp. Làm người cũng thế, muốn giúp đỡ người khác biết về Thiên Chúa thì đừng chỉ mong họ thay đổi bên ngoài, nhưng giúp họ nhận biết và thay đổi từ bên trong bằng tình yêu và sự trân trọng, con ạ!

- À - tiếng Thành ngân dài -  con biết rồi, qua cái bánh, Mẹ muốn làm cho nhiều người nhận biết Chúa, phải không Mẹ!

- Đúng rồi, vì xóm mình còn nhiều gia đình chưa biết Chúa, mình sống sao cho tốt để làm chứng cho Chúa.

Những điều Thành học được từ gia đình được lưu lại mãi trong ký ức, đặc biệt về chiếc lá dừa, để rồi cũng từ đấy, ơn gọi của Thành được lớn lên trong môi trường gia đình.

Đuông dừa

Cuộc sống của Thành cứ êm ả trôi đi với đồng ruộng, khóm dừa, với những bạn bè dân quê chân chất. Có lần Thành cùng với mấy đứa bạn nghe người ta nói về món đặc sản “Đuông dừa”. Thế là Thành theo chúng bạn xuống rừng dừa gần đó để bắt đuông dừa.

Theo những kinh nghiệm tìm đuông, đám nhóc đốn dừa và tìm cho ra những con đuông dừa mập tròn. Suốt một buổi chiều Thành và đám bạn cũng chặt được một cây dừa rồi chẻ cây dừa tìm đuông, nhưng hỡi ôi đuông dừa đâu dễ tìm và cây dừa thứ hai rồi thứ ba bị chặt cuối cùng chỉ bắt được một vài con đuông dừa, bắt chướcc người lớn dầm mắm ớt ăn đuông.

Thành hí hửng cầm con đuông dừa đang ngọ nguậy chấm nước mắm ớt ăn trước mặt chúng bạn với cái oai phong của một người sành điệu. Nhưng ngay sau đó Thành cảm thấy khó chịu trong người, cả người quay cuồng và mắc ói. Đám bạn nhìn Thành sợ hãi khi thấy Thành ngất xỉu, vội đưa Thành vào bệnh viện cấp cứu được biết Thành bị ngộ độc do ăn nhầm con vật gì đó mà không phải con đuông dừa.

Được cấp cứu kịp thời nên Thành tạm ổn. Ba Mẹ vất vả chăm sóc Thành cả tuần lễ. Về sau, Thành mới kể lại cho Ba Mẹ nghe là: “Thành và đám bạn cả buổi chiều chặt dừa tìm đuông mà không có, nên khi chặt một câu dừa xuống thấy trong bẹ dừa có mấy con màu trắng giống đuông nên bắt luôn tưởng là con Đuông dừa”.

Kể từ đó Thành không xuống rừng dừa nữa, mà ở nhà chăm chỉ học tập; khi được nghỉ học thì phụ giúp ba làm ruộng, giúp Mẹ vót tre làm nón.

Một cuộc tình đi qua

Giấc mơ hiến thân cho Chúa, xuất hiện từ Lễ Lá thuở ấu thơ năm nào, kéo dài nhiều năm sau đó, nhưng có lúc tưởng chừng như bị cắt đứt. Những năm lên Sài Gòn học đại học, Thành chơi rất thân và gắn bó với cô bé Vy đến mức ai cũng nghĩ đôi bạn này không thể tách rời nhau được, chắc chắn sẽ nên nghĩa phu thê.

Một hôm, Vy gợi ý: Chúng mình kết hôn đi, em sẽ xin Bố Mẹ em bảo lãnh anh qua Mỹ vì Bố Mẹ em bên đó cả, hết năm nay em sẽ sang định cư với Bố Mẹ.

Thành rất phân vân về để nghị này, vì anh và Vy còn quá trẻ để kết hôn. Anh cũng không muốn sang Mỹ vì Ba Mẹ anh còn sống ở quê. Nhưng nếu kết hôn với Vy thì một tương lai tươi sáng hơn có vẻ sẽ đến với Thành. Cứ ngập ngừng đắn đo hoài như thế, cuối cùng cũng đến ngày Thành tiễn Vy sang Mỹ trong nỗi buồn thầm kín đấy tiếc nuối về người bạn gái ấy.

Ngã ba đường

Thành tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng kỹ sư Tin học, Thành đứng trước một nghề nghiệp xem ra có thể hái ra tiền mà chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính, khi nhận được lời mời của một công ty nổi tiếng.

Cùng lúc đó, cuộc thi vào Chủng viện lại sắp diễn ra, khiến Thành như một người đứng trước ngã ba đường, không biết phải đi tiếp thế nào.

Thành trở về quê để suy nghĩ cho những lựa chọn kế tiếp. Trở về với ngôi nhà thân thương, nơi Ba vẫn đang dọc lá dừa ngoài sân, Mẹ vẫn đang chăm chỉ khâu từng mũi kim trên chiếc nói mới. Những công việc thường ngày của Ba Mẹ như nhắc Thành về sự trung tín của Thiên Chúa, ngày và đêm nối tiếp nhau không sai trật, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ba Mẹ vẫn ngày qua ngày làm việc chăm chỉ, dệt đời mình trong thời gian Chúa ban.

Cha Cố cầm cành lá dừa

Đang ngủ trưa, Thành uể oải thức giấc trong tiếng cười nói của những người kết lá dừa trong nhà Ba Mẹ Thành, chuẩn bị cho Lễ Lá ngày mai. Quan sát mọi người kết lá và chú ý đến một cành dừa lớn, Thành chợt cảm thấy tim mình nhói lên khi nghe thấy một tiếng người nói nho nhỏ: “Cha Cố năm nay yếu quá rồi, làm cành dừa nhẹ thôi để Cha Cố đỡ mệt. Lễ Lá dài, sợ Cha Cố chịu không nổi…”

Giấc mơ làm Cha Cố cầm cành lá dừa của Thành như bừng sáng lên trong Thánh Lễ Lá hôm ấy. Hình ảnh Cha Cố cầm cành lá dừa tiến vào nhà thờ chợt dội lại một lời hứa nào đó của thuở xa xưa. Sau Thánh lễ, Thành trở về nhà, lòng bỗng thấy bình an vô cùng như vừa tìm được câu trả lời cho tương lai bất định của mình.

Chủng viện

Thành thi đậu vào Chủng viện. Cuộc sống của Thành đã rẽ đúng hướng với ơn gọi Linh mục trong suốt những năm tu học. Thành nhận ra giấc mơ thuở nào của mình đã như một hạt giống, được Thiên Chúa yêu thương cho mọc lên và lớn dần trong nhà Chúa.

Cha cố Lá Dừa

Nhiều năm trôi qua, cứ gần đến Tuần Thánh, người ta lại trông thấy một linh mục loay hoay tự kết cho mình một cành dừa để sử dụng trong Lễ Lá của xóm đạo nghèo nơi vùng quê hẻo lánh. Nông dân trong vùng ấy có 'nghề tay trái' là làm nón và gói bánh lá dừa. Và vị linh mục của xóm đạo ấy được người ta thân thương gọi là Cha cố Lá Dừa…

Hồng Hà (TGPSG - NSTM)

 

Top