Truyện ngắn: Có Mẹ trong đời
TGPSG -- Ai cũng có một người mẹ. Dù có những người chưa từng thấy mặt mẹ mình, hoặc không được ở với mẹ trong cùng một mái nhà, nhưng ‘Mẹ ơi!’ luôn là tiếng gọi đưa con tim của ta về một chốn bình an, mời ta trở về đó những khi mệt mỏi.
Dù ta có to lớn thế nào đi nữa thì trong mắt mẹ, ta vẫn mãi là đứa bé cần được chở che. Mẹ thân thương quá vì nhờ mẹ mà ta có mặt trong đời. Ta lớn lên nhờ dòng sữa thơm của mẹ, nhờ cơm ăn áo mặc mẹ lo cho, và trưởng thành nhờ tình thương bao la của mẹ. Thế giới chỉ trở nên tươi đẹp khi có bàn tay dịu dàng của mẹ ôm ẵm cuộc đời của những đứa con sống và hoạt động trong đó…
- Là con gái, con phải biết làm những công việc này, để mai mốt lớn lên mới có thể làm một người phụ nữ đảm đang được, biết chưa?
Vừa nói, Má vừa cầm tay Hoài Ân, hướng dẫn Ân đưa mái chổi cho đều tay. Má nói: “Khi quét nhà, không được hất bụi lên làm cho nhà sẽ dơ trở lại”.
Từ 5 tuổi cô bé đã được Má dạy cho những công việc trong nhà, từ quét nhà đến lau dọn bàn ghế. Có lần Hoài Ân thắc mắc với Má:
- Tại sao ngày nào con cũng quét nhà, mà nhà vẫn cứ có bụi và rác vậy má?
Mỉm cười, Má nói:
- Cũng giống như con vậy. Con vẫn có những lỗi sai trong mình, cho dù con đi xưng tội rồi, mấy tháng sau đi xưng tội lại, con vẫn kể ra những tội ấy, đúng không?
Cô bé gật đầu và như hiểu thêm một điều gì mới mẻ cho tâm hồn của một đứa trẻ vừa tròn mười tuổi.
Hôm nay đi học về, Má đưa cho nó xem một trái khóm và dạy nó gọt. Thật lạ, trái khóm nhiều mắt thế gọt làm sao được! Từng bước, Má đã dạy để tìm ra quy luật của mắt khóm gọt cho đúng hàng. Má nói: “Không có việc gì khó cả, đừng thấy nó phức tạp khó khăn rồi bỏ, nhưng hãy tìm ra quy luật để đối diện và giải quyết công việc cách kiên nhẫn, nghe con!”
Từng công việc Má dạy, Má đều mong sẽ trở thành nếp sống tốt đẹp cho đứa con gái đang chập chững bước vào tương lại. Nhưng với cô bé Hoài Ân tinh nghịch và lắm chiêu trò thì những gì Má dạy xem ra chưa thấm vào người cô bé được. Những việc nhà Má giao, cô bé chỉ làm quơ quào cho xong.
Và khi lên mười ba tuổi, Hoài Ân còn được Má dạy cho đi chợ chọn mua đồ ăn thế nào. Cô bé thật khó chịu khi đi chợ với Má. Nào là phải lựa rau thế nào, trái cây từng loại thế nào, thịt nào là thịt còn mới, cá loại nào thì còn tươi, ôi thật nhiều thứ phải nhớ… Có lần Hoài Ân nói với Má:
- Sao không dùng điện thoại mua đồ trên mạng rồi người ta mang đến nhà cho khỏi mất công đi chợ vậy Má?
- Con à, đồ trên mạng là đồ quảng cáo khi mua có giống hình ảnh khi người ta giao đồ hay không? Gia đình mình tuy có khá một chút, nhưng ba Má làm ra tiền không đơn giản đâu con. Mình mua ngoài chợ mất công đi một chút nhưng sẽ rẻ hơn. Và khi mua hàng, đừng chỉ dựa vào mặt hàng để mua nhưng còn phải nhìn đến những người “buôn thúng bán bưng”, mua để giúp đỡ họ nữa. Đừng quá khắt khe trả giá với họ, vì họ còn phải nuôi sống gia đình họ nữa. Vả lại, còn những mối tương quan giữa con người với con người, nên cũng cần một chút quan tâm, đừng sống vô cảm, cho dù họ không có liên hệ gì đến chúng ta.
Cô bé lặng người khi Má nói như thế và hầu như những lần đi chợ, Má hay mua đồ của những người ngồi bệt trong lòng chợ. Khi nhìn thấy Má, những người bán hàng rất vui. Họ nói chuyện hỏi han nhiều thứ và Má cũng rất lịch sự với họ khi mua hàng. Có lần, nó quên không chào họ, Má còn nhắc “Chào các cô, các thím đi con gái!” Trong đầu đứa con gái ở tuổi ngang ngạnh chống đối, “họ chỉ là người bán hàng mắc gì mà phải chào họ chứ, nhưng thôi, vì thể diện của Má nên chào qua cho xong”. Nhưng hôm nay, Hoài Ân đã hiểu thêm nhiều điều khi nghe Má nói những điều trân quý về những người bán hàng.
Rồi mẹ còn dạy cho Hoài Ân những mẹo nấu ăn thế nào cho ngon nữa. Hoài Ân thật vụng về, thái rau có khi còn làm đứt tay nữa… Nhưng Má không bỏ cuộc, vẫn kiên nhẫn để cô bé làm. Có nhiều khi Hoài Ân nấu ăn cùng Má, làm cho công việc chậm chạp hơn, rồi còn đổ bể nữa: không vỡ cái chén thì bể cái rổ; có lần Hoài Ân khóc nức nở vì nồi canh mặn quá nhưng Má vẫn khích lệ và chữa lại.
Một lần, cô bé hỏi:
- Má ơi, tại sao làm con gái thì phải biết nấu ăn vậy?
Má mỉm cười nói:
- Có thể bây giờ con chưa hiểu nhưng phải nhớ là ‘khi nào bếp còn nóng thì thì gia đình còn ấm êm’. Má không ở bên cạnh con mãi được, con phải biết làm để nuôi sống chính mình và những người mà con thương yêu. Nấu ăn không chỉ làm cho xong, đồ ăn cho chín, nhưng trong đồ ăn con nấu, phải có tình yêu. Và muốn nấu ngon, con phải nghĩ là con ‘nấu cho người mà con thương yêu nhất’ thì tự nhiên nấu ăn sẽ ngon thôi.
Má vừa nói vừa xoa đầu đứa con gái ở cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’. ‘Không biết nó có hiểu gì không’ - Má khẽ thở dài…
Có lần Hoài Ân để dành tiền tiết kiệm, lén mua một cây son và hộp phấn nhỏ sử dụng cho hợp thời với các bạn trong lớp. Biết chuyện, Má chỉ nói:
- Con à, tuổi của con là tuổi đẹp nhất. Khi con sử dụng phấn và son quá sớm, và còn chưa biết cách sử dụng nữa, sau này da con sẽ có mụn và nám, không thể chữa được. Son môi sẽ làm môi thâm lại; có sử dụng son loại nào cũng sẽ không làm đẹp được. Khi nào đến tuổi cần trang điểm, con hãy sử dụng cho phù hợp. Mẹ không cấm con sử dụng, nhưng hãy suy nghĩ những gì mẹ nói.
Hoài Ân giận mẹ vì mẹ đã phát hiện ra cô bé sử dụng phấn son rồi, làm thế nào bây giờ?
Có lần thấy ba đi làm về sớm, nằm trên ghế bành xem báo, Hoài Ân hỏi Ba:
- Con thấy chú Bảy ở công ty Ba hay rủ Ba đi nhậu, sao Ba không đi với chú ấy để chú ấy gọi điện thoại hoài?
Ba buông tờ báo nhìn đứa con gái cưng mà nói:
- Vì Ba nghĩ đến mâm cơm tối của mẹ con đã chuẩn bị sẵn rất ngon nên khi xong việc ở công ty là Ba muốn về nhà ngay con à!
- Ba ơi, Ba cho con hỏi nhỏ nha: Sao ngày xưa Ba quen Má con vậy?
Ba tủm tỉm cười:
- Vì có lần Ba đi công tác xa không có nhà trọ ở nên ghé đại vào một ngôi nhà để xin ở nhờ qua đêm, và được đón tiếp rất tử tế, lại còn được ăn cơm nữa. Bữa cơm tuy đơn giản nhưng nấu rất ngon. Gia đình ấy gia giáo, theo Đạo Chúa, có cô Út hiền hiền làm giáo viên nên Ba ngỏ ý làm quen. Lúc đó, Ba chưa biết Chúa, nhưng quen Má con rồi mà muốn làm đám cưới thì phải theo Đạo Chúa. Ba thử học đạo và thấy Đạo Chúa hay lắm. Má con cũng nói với Ba nhiều điều về Đạo Chúa, ví dụ Má con bảo, làm người tốt, sống lương thiện như Chúa dạy, phải để cho tâm mình ngay, thì sống Đạo mới được. Ba đã quyết định theo Đạo Chúa cho giống Má con.
Sau khi trò chuyện với Ba, Hoài Ân dường như hiểu nhiều hơn về Má. Má đi dạy học vất vả, mà còn lo ba bữa cơm cho cả nhà. Má còn dạy cho Hoài Ân biết khâu vá, biết giữ gìn cơ thể sạch sẽ, biết ăn uống hợp vệ sinh, không ăn vặt quá nhiều.
Nhất là Má dạy cô bé sống Đức tin. Ngày nào Má cũng đi lễ buổi sáng và gọi Hoài Ân đi cùng. Có khi Má đi lễ rồi, cô bé quay về, lên giường ngủ tiếp. Khi đến nhà thờ không thấy Hoài Ân, Má vội về nhà tìm thì thấy con bé đang cuộn mình trong chăn. Má chẳng la mắng gì, chỉ thở dài nói với Hoài Ân:
- Con à, làm gì thì làm, không có Chúa trong ngày sống của mình, thì ngày đó coi như bỏ đi đó con! Má không ép con đi lễ hằng ngày với Má, nhưng nếu đó trở thành một thói quen, con sẽ thấy có Chúa luôn đồng hành với mình suốt ngày. Từ khi con được 2 tháng tuổi, Má đã ẵm con đi lễ rồi. Ước mong con luôn có Chúa làm động lực sống.”
Hoài Ân cúi đầu nhận lỗi: “Dạ, con hiểu rồi Má”. Và từ đó trở đi, cô bé không bỏ một thánh lễ nào. Mỗi sáng, khi chiếc đồng hồ báo thức đổ chuông 5 giờ, là cô bé thức dậy ngay và cùng Má đi lễ. Mỗi tối trong ngôi nhà của Hoài An, luôn đều đặn vang lên tiếng kinh của Ba trầm trầm, tiếng Má dịu dàng và tiếng kinh của hai trẻ thơ thánh thót vui tươi.
Hôm nay, Ba đột xuất đi công tác xa nhà, một tuần mới về. Buổi sáng, Hoài Ân dậy đi lễ nhưng không thấy Má đâu. Lấy xe ra rồi mà sao Má vẫn chưa thức dậy nhỉ? Không bao giờ Má lại thức dậy trễ hơn nó.
Qua phòng Má gõ cửa nhưng không nghe tiếng trả lời, linh tính mách bảo có gì đó không ổn, cô bé vội mở cửa phòng của Má, thấy Má nằm im trên giường, bèn lay gọi: “Má ơi! Đi lễ! Sao Má nóng thế? Má có sao không Má?”
Cô bé hốt hoảng khi không thấy Má trả lời, vội run rẩy cầm điện thoại gọi cho Ba. Ba trả lời:
- Bình tĩnh, Ba đang ở xa, con bấm số 115 gọi cấp cứu rồi đưa Má đến bệnh viện, Ba sẽ về ngay.
Hoài Ân gọi cấp cứu, và nhanh chóng đánh thức thằng em:
- Chị đưa Má đi bệnh viện, Cò ở nhà coi nhà, chờ chị về. Nếu đói, tự làm mì ăn nghe chưa?
Thằng Cò mắt nhắm mắt mở, chẳng hiểu gì cả. Khi tỉnh hẳn thì thấy xe cứu thương đến, đưa Má và Hoài Ân đến bệnh viện. Cò chạy với theo: “Má ơi, Má ơi!”
Chiếc xe cứu thương đến bệnh viện, bác sĩ nói Má bị hạ Kali nên ngất đi. Rất may là đến bệnh viện kịp, nếu không đã nguy hiểm đến tính mạng rồi.
- Ai là người thân của cô Nguyễn Thị Út,
- Dạ con.
- Có người lớn đi kèm không?
- Dạ không, ơ… nhưng Ba con sẽ đến ạ!
- Cô Út tỉnh lại rồi, khi có người lớn thì cầm tờ giấy này đi đóng viện phí nghe!
- Dạ.
Hoài Ân sợ hãi run rẩy chạy đến phòng bệnh ôm chầm lấy Má: “Má ơi, Má có sao không?”
Mở đôi mắt mệt mỏi, Má khẽ nhếch nụ cười: “Má không sao.”
Hoài Ân cứ ôm lấy Má, nước mắt chảy ròng ròng:
- Con sợ mất Má, con sợ lắm, Má ơi!
Má khẽ nói:
- Má sẽ ổn thôi, con về nhà xem em ở nhà có sao không? Em còn bé, Má không yên tâm lắm, trưa rồi, về nấu cơm cho em ăn, nó còn đi học nữa.
- Dạ, nhưng Má ở đây một mình có sao không Má?
Má khẽ đẩy Hoài Ân: “Về đi con!”
Hoài Ân bước ra khỏi phòng bệnh, đi ngang qua phòng của bác sĩ, lấy hết can đảm bước vào và nói:
- Bác ơi, Má con nằm ở phòng 102 tên Nguyễn Thị Út, con phải về nhà có việc, nếu Má con có việc gì, xin qua giúp Má con ạ! Chút nữa Ba con sẽ vô ạ!
Vị bác sĩ trẻ đưa đôi mắt nhìn cô bé và khẽ gật đầu. Hoài Ân ra cổng bệnh viện đón xe buýt về nhà. Vừa về đến nhà, thằng Cò chạy ra: ‘Chị Hai, Má sao rồi chị, cho em vô thăm Má đi chị!’
Khuôn mặt phờ phạc, Hoài Ân khẽ nói: “Má tạm ổn, chắc chiều Ba mới về tới nơi quá!”
Cô bé nhanh nhẹn nấu cơm và cũng không quên đặt nồi cháo cho Má, lấy cơm cho đứa em ăn và Hoài Ân cũng ăn vội một miếng cơm, đưa đứa em đến trường học và dặn:
- Tan học ở trường, chờ chị đến đón, không được tự về đâu. Nếu ngoan, mai thứ Bảy, chị cho vào bệnh viện thăm Má.
- Dạ.
Rồi sau đó cô bé nhanh nhẹn trở vô bệnh viện với Má: ‘Má ơi ăn chút cháo nè Má!’
Đỡ Má ngồi dậy, Hoài Ân đút từng muỗng cháo cho Má, khẽ hỏi: ‘Con nấu cháo ngon không Má?’ Má mỉm cười khẽ gật đầu.
Thấy bóng Ba từ xa với chiếc ba lô, Hoài Ân gọi: ‘Ba ơi, Má ở bên này nè!’
Ba không về nhà nhưng ghé bệnh viện ngay. Hoài Ân dẫn Ba đến phòng bệnh của Má. Ba nắm tay Má hồi lâu, rồi choàng tay ôm Hoài Ân vào lòng khẽ nói: ‘Con làm tốt lắm!’
Ngày Má xuất viện là ngày cả nhà được đoàn tụ, Hoài Ân thấy mình lớn hơn một chút khi tự tay làm một bữa cơm mà không có Má bên cạnh dù canh hơi mặn, trứng hơi nhạt nhưng với cả tình yêu Hoài Ân đặt vào từng món ăn như Má dạy ‘nấu cho người mà mình thương mến nhất’.
Một lần trong đời, biến cố ấy làm cô bé thêm can đảm hơn trong cuộc sống. Những gì Má dạy thật không thừa cho cuộc đời cô bé, nhưng có lúc cũng thật khó khăn để lắng nghe, thật vất vả khi làm việc do tính tình ngang ngạnh của cô bé.
Quả là hạnh phúc cho Hoài Ân khi bước vào cuộc sống tương lai mà có một người mẹ tuyệt vời như vậy ở bên cạnh, và cũng thật là chới với khi có lúc tưởng chừng như đã mất mẹ.
Má ơi, con cần Má trong đời con!
Nữ tu Maria Hồng Hà CMR. (TGPSG - NSTM 41)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới thiệu toàn bộ tập sách về câu đối Tết và Phụng Vụ
-
Chén trà chân thật -
Truyện ngắn: Giấc mơ Linh Mục một thời ngây thơ -
Truyện ngắn: Mùa Hoa tím -
Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ -
Truyện ngắn: Ước nguyện của con -
Tình yêu nở muộn -
Truyện ngắn: Tình yêu rực nắng -
Truyện ngắn: Cậu bé xóm tôi -
Sự kỳ diệu của đôi bàn tay