Câu chuyện chiếc ống nghe
TGPSG -- Mở cánh cửa sổ cho nắng tràn vào căn phòng nhỏ, Vũ khẽ hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành của buổi sáng. Đâu đó tiếng ve kêu ngoài vườn vọng lại như tiếng ai thì thầm, hay như tiếng thở của vạn vật.
Tiếng chuông nhà thờ đổ dồn, Vũ gấp cuốn sách kinh Phụng vụ lại, đi xuống nhà thờ nơi anh đang mục vụ, dọn đồ lễ để chuẩn bị cho Thánh Lễ. Bỗng Vũ nghe thấy giọng nói quen quen:
- Vũ à, sao bạn đi tu vậy?
Câu hỏi làm Vũ trầm tư phút chốc, quay lại mỉm cười nhận ra đứa bạn thân.
- Có một Tình yêu lớn hơn gọi mình đáp trả.
Câu trả lời như chẳng thể thỏa mãn được sự tò mò khó hiểu của đứa bạn đồng nghiệp cũ vô tình gặp lại nhau trong sân nhà thờ. Vũ với chiếc áo chùng thâm đen trông lạ lắm. Nỗi thắc mắc của đứa bạn thân như vô tận: không thể hiểu được quyết định của Vũ…
Vũ sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo gốc. Nghe đâu trước đây, ba của Vũ cũng đi tu, song chiến tranh xảy ra, nhà Dòng bị giải tán, chẳng có chỗ mà tu, nên lập gia đình với mẹ của Vũ cũng con nhà gia giáo đạo hạnh. Gia đình Vũ chỉ có hai anh em trai.
Vũ thông minh từ nhỏ, đi học năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Và tính khí nghịch ngợm của Vũ thì cũng ‘giỏi’ luôn. Vũ thích tìm tòi, khám phá. Hôm bị sốt cao, Vũ được Ba chở đi khám bệnh trên trạm xá. Thấy bác sĩ lấy ống nghe đặt lên ngực mình, cậu bé tò mò, dù đang bị sốt:
- Bác sĩ ơi, ống nghe đó nghe được cái gì vậy?
- À để nghe nhịp tim của cháu, rồi nghe tiếng phổi của cháu nữa, xem cháu có bị bệnh không.
- Vậy là ống nghe đó nghe được tiếng ở trong người cháu, mà cháu thì không nghe được, phải không ạ?
- Ừ, cháu thông minh lắm!
Đây quả là một phát hiện mới mẻ hấp dẫn cho đứa trẻ lên 5 tuổi. Khi khỏi bệnh, Vũ đã tự làm một ống nghe bằng giấy để ‘khám bệnh cho mẹ’. Xoa đầu đứa con hay thắc mắc và khám phá này, Mẹ mỉm cười.
Có lần Mẹ làm thịt gà cho cả nhà ăn, Vũ thu nhặt lại tất cả xương gà rồi phơi khô ghép lại thành hình con gà. Cậu bé còn dùng băng keo dán chúng lại rồi treo lủng lẳng ở góc phòng nữa chứ! Khi mẹ phát hiện, đem đi bỏ vì sợ kiến ruồi bu bám làm mất vệ sinh, Vũ đã giận mẹ nhiều lắm. Với cậu bé, đó là một kỳ tích, thế mà lại bị mẹ phá hủy…
Rồi chẳng biết Vũ bắt được con ếch ở đâu đem về khám phá, làm mấy cái thí nghiệm gì đó mà cậu đọc được trong mấy cuốn sách trong thư viện. Con ếch bị ghim kim, co giãy mãi rồi cùng chết. Mẹ lại phát hiện ra, mang xác ếch quẳng đi.
Tuổi thơ của Vũ đầy những khám phá mới mẻ như thế, cho dù đối với người lớn thì đó chỉ là những trò nghịch ngợm tinh quái. Vũ đã lớn lên như thế trong sự kỳ vọng của Ba Mẹ về đứa con thích khám phá này.
Thời gian đong đầy những ước mơ, đã mở ra cánh cửa Đại học Y Dược cho Vũ. Anh chọn ngành học này vì một lý do đơn giản: có thể nghe được tiếng bên trong của con người! Cũng vì thế mà ngày nhập học, Ba mẹ đã tặng Vũ cái ống nghe:
- Con à! Ba mẹ không rành ngành Y lắm, nhưng thấy bác sĩ nào cũng đeo trên người cái ống nghe như thế này, nên Ba Mẹ tặng con.
Ba mở chiếc hộp lấy cái ống nghe, choàng lên vai cho Vũ, khẽ vỗ vai:
- Cũng ra dáng Bác sĩ lắm!
Tiếng cười đầy ắp ngôi nhà, nâng bước chân Vũ bước vào tương lai.
Với những năm tháng miệt mài đèn sách và những cánh cổng bệnh viện ra vào bước chân người sinh viên y khoa thực tập - nơi Vũ học nghe được nhịp đập của trái tim, nhịp thở của lá phổi, nhịp nhu động của ruột non để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, chiếc ống nghe như người bạn đồng hành của Vũ, theo Vũ đi vào các bệnh viện. Nó giúp anh nghe được nhịp đập bất thường của trái tim người bệnh, tiếng ran trong phổi bệnh nhân, và mọi tiếng động khác thường trong nội tạng của những người đau yếu mà chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Ngày ra trường, Vũ nhanh chóng tìm được công việc tại một bệnh viện, trong vai trò là một bác sĩ khoa cấp cứu. Anh tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân khác nhau với các căn bệnh khác nhau - những căn bệnh đến từ thói quen ăn uống, hoặc đến từ hoàn cảnh cuộc sống: tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, tự tử…
Công việc tất bật của một Bác sĩ đôi lúc làm Vũ rất mệt mỏi, đôi tai như muốn nổ tung vì phải hết sức tập trung để khám bệnh. Áp lực công việc vẫn có đó, và rồi đâu đó cái chết vẫn xảy ra ngay trước mặt Vũ: những bệnh nhân vì điện giật, vì tự tử, vì tai nạn… chết ngay khi đang được cấp cứu. Mầu nhiệm của sự sống và sự chết luôn có đó, trước mắt và trong tâm trí Vũ.
Chiều nay, tan ca trực Vũ định đi nhậu với mấy đồng nghiệp của mình, nhưng tiếng chuông nhà thờ đâu đó vọng lại, bất chợt Vũ cầm chiếc điện thoại mở ra: hôm nay là ngày Chúa Nhật. Vũ lái xe qua con hẻm nhỏ đến một nhà thờ để đi lễ.
Hòa mình vào dòng người đang vào nhà thờ, Vũ chợt nhìn thấy phía góc nhỏ của nhà thờ, Cha cố đang nghiêng người cố lắng nghe hối nhân xưng tội. Chẳng biết điều gì đã xảy ra nơi tòa giải tội ấy, Vũ chỉ thấy Cha cố đưa tay ban phép lành giải tội và người thanh niên kia đứng lên với giọt nước mắt trên khuôn mặt thanh thản. Hình ảnh ấy làm Vũ suy nghĩ miên man. Anh là một bác sĩ chữa bệnh cho người khác, anh chỉ nghe được họ kể bệnh, than thở đau đớn. Vũ phải sử dụng bao nhiêu máy móc dụng cụ y tế, thuốc thang điều trị bệnh. Còn vị linh mục ấy đã chữa bệnh tâm hồn cho người ta khi lắng nghe câu chuyện cuộc đời tội lỗi của họ và thay mặt Chúa ban ơn tha thứ và bình an: nơi đó, căn bệnh tâm hồn được chữa lành mà chẳng cần máy móc, dụng cụ hay thuốc thang gì cả.
Vũ quỳ lại nhà thờ khá lâu sau Thánh lễ chiều ấy. Có gì đó đang thay đổi trong anh, khi anh nghĩ về phận người. Người ta đến bệnh viện để khỏi bệnh, nhưng người ta cũng đến bệnh viện để chết nữa! Cái chết vẫn ẩn nấp ở nơi đó. Thế thì còn có cái gì lớn hơn, nằm ở phía sau cái chết không? Đức Tin Công Giáo đã dạy Vũ về một thực tại siêu nhiên phía sau cái chết: đó chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những suy nghĩ miên man ấy nằm trong đầu Vũ nhiều ngày, cuối cùng đã dẫn anh đến một quyết định táo bạo: anh xin đi tu…
Thời gian Triết học, Thần học tại Chủng viện đã giúp Vũ giải đáp những vấn nạn về con người cùng với mối liên kết giữa Đức Tin và Khoa Học. Hai lãnh vực ấy thực chất không mâu thuẫn với nhau nhưng bổ túc cho nhau để nhờ đó con người có thể khám phá ra chân lý cách hoàn hảo hơn.
Và rồi Đại dịch Covid 19 ập đến. Sự sống con người trở nên mong manh với những cái chết bất chợt và lạnh lẽo tại các khu bệnh viện Dã chiến hay nơi những khu nhà trọ. Mọi hoạt động bị dừng lại trong thời gian giãn cách. Chủng viện cũng phải thực hiện cách ly tại chỗ. Vũ như người bị vong thân: bây giờ phải thế nào đây? Anh không thể an tâm cầu nguyện được trong khi là một chủng sinh mang trong mình nghề nghiệp cần thiết để có thể đến với các bệnh nhân. Bao nhiêu anh chị em bác sĩ, điều dưỡng và đồng nghiệp của Vũ hối hả lao vào bệnh viện, còn mình thì cứ ở đây như không có chuyện gì xảy ra hay sao?
Và rồi anh tìm đến với Cha Giám Đốc để trình bày ước nguyện muốn dấn thân phục vụ bệnh nhân đang nhiễm Covid. Đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Cha Giám Đốc cũng đồng ý để Vũ vào bệnh viện:
- Con à, cẩn thận nhé! Con phải luôn nhớ mình đã tận hiến cho Chúa. Hãy chăm sóc anh chị em bệnh nhân như là phục vụ chính Chúa. Hãy làm hết những gì có thể được để nâng đỡ họ.
Lời dặn của Cha Giám Đốc như khuyến khích Vũ thêm can đảm trong công việc tại bệnh dã chiến. Chiếc áo chùng thâm được xếp lại cẩn thận trong tủ. Thay vào đó là bộ áo bảo hộ trắng nơi bệnh viện dã chiến, nơi ấy Vũ không làm mất bản chất của một người tận hiến cho Chúa mà còn làm sáng hơn khuôn mặt của Chúa trong công việc phục vụ các bệnh nhân đang đau đớn, đang hấp hối trong đại dịch Covid này. Nơi ấy, Vũ nghe được nhịp thở gấp gáp của bệnh nhân để kịp thời cấp cứu, nhịp tim chậm dần của những bệnh nhân không thể cứu được. Anh nghe được những chuyện đời đau khổ của những bệnh nhân không người thân bên cạnh, của những di dân về Sài Gòn kiếm sống rồi bị nhiễm bệnh phải vào cách ly. Vô vàn những mảnh đời cần được chăm sóc và sưởi ấm bằng tình người nơi đây.
Công việc của Vũ thật nhiều nhưng không gây áp lực cho Vũ, vì trong bệnh viện dã chiến này, Vũ làm việc không vì tiền lương, không vì để được thăng cấp, không vì tiếng khen chê của người khác, nhưng chỉ vì yêu Chúa và yêu con người.
Rời bệnh viện trở về chủng viện, Vũ thấy mình khám phá nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống này thật giá trị vì từng ngày Thiên Chúa vẫn đã và đang quan phòng chăm sóc con người, ngay cả trong những hoàn cảnh thương đau nhất. Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh thì tình yêu vô vị lợi con người dành cho nhau sẽ là điểm tựa vô cùng vững mạnh, mang lại ánh sáng bình an trong tăm tối mù mịt. Những gì Vũ học được từ đại dịch Covid sẽ thêm rất nhiều cho hành trang của Vũ trên con đường tu trì và mục vụ trong tương lai…
Maria Hồng Hà CMR (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới thiệu toàn bộ tập sách về câu đối Tết và Phụng Vụ
-
Truyện ngắn: Giấc mơ Linh Mục một thời ngây thơ -
Chén trà chân thật -
Truyện ngắn: Có Mẹ trong đời -
Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ -
Truyện ngắn: Mùa Hoa tím -
Truyện ngắn: Ước nguyện của con -
Tình yêu nở muộn -
Truyện ngắn: Tình yêu rực nắng -
Truyện ngắn: Cậu bé xóm tôi