Từ vựng Công Giáo: Tề gia
Sau khi kết thúc khoá họp lần thứ XII, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có thư chung gởi cộng đồng dân Chúa với chủ đề “Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và công cuộc tân Phúc-Âm-hoá” vào ngày 10-10-2013. Chương trình mục vụ được triển khai trong ba năm (2014-2016), năm đầu tiên 2014 là “Năm Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình”. Nói theo ngôn ngữ Nho Giáo là “Năm tề gia”.
1. Nghĩa của tề, gia.
1.1. Tề: Có nhiều chữ Hán, 齊 (齐), 斉, 劑 (剂), 薺 (荠), 臍 (脐), 蠐 (蛴). Trong trường hợp này là chữ齊. Chữ齊là chữ thuộc loại chỉ sự, tượng hình, một trong sáu cách tạo chữ của chữ Hán. Chữ trong Giáp Cốt Văn, trông như đầu lúa mì bằng nhau, Tiểu Triện có thêm hai ngạch dưới, ám chỉ mặt đất. Nên bằng nhau gọi là tề (齊). Chữ này qua các thời kỳ có nhiều thay đổi:
Giáp Cốt Văn | Kim Văn Đại Triện | Tiểu Triện | Lệ Thư |
Tề nghĩa là: (dt.) (1) Tên nước chư hầu tại Trung Quốc: Nước Tề. (2) Tên triều đại ở Trung Quốc: Nam Tề. (3) Họ Tề. (đt.) (4) Quản lý, điều hành: Tề gia. (5) Nhất trí: Tề tâm (cùng lòng, đồng lòng). (6) Ngang mức: Thuỷ tề yêu tế (nước lên ngang lưng). (7) Xếp hàng: Tề đội. (8) Song song, trình độ tiến hành đều ngang nhau: Tịnh giá tề khu (trình độ tiến ngang nhau). (tt.) (9) Không có so le lộn xộn, gọn gàng: Chỉnh tề. (10) Hoàn bị, sự gì cũng đủ cả, sẵn sàng: Tề toàn (đầy đủ). (11) Ngang hàng: Tề danh (đều nổi tiếng). (pht.) (12) Cùng nhau: Tề bộ (cùng bước đi).
1.2. Gia: Có rất nhiều chữ Hán: 家, 嘉, 爺, 爷, 加, 耶, 枷, 鷓, 鹧, 耞, 葭, 傢, 揶, 捓, 茄, 琊, 瑘, 珈, 哿, 鎵, 镓, 豭, 鴐. Ở đây là chữ家, nghĩa là: (dt.) (1) Chỗ ở, nhà: Tại gia (ở nhà). (2) Tổ ấm: Gia đình. (3) Người có học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia: Khoa học gia, chính trị gia. (4) Vợ gọi chồng. (5) Tiệm: Tửu gia (tiệm rượu). (6) Học phái, trường phía: Bách gia tranh minh (trăm nhà đua tiếng). (7) Người nhà: Nguyễn gia (nhà họ Nguyễn) (8) Tự xưng mình hay gọi người khác: Tự gia (nhà tôi), phụ đạo nhân gia (người đàn bà) (9) Gia tộc (tông tộc): Khu vực chính trị do khanh đại phu cai trị, thời nhà Chu. (10) Họ Gia. (tt.) Nuôi thuần: Gia súc. (11) Khiêm xưng thân nhân bậc trên của mình đối với người khác: Gia phụ (cha tôi), gia huynh (anh tôi) (12) Vợ gọi chồng là gia (家), cũng như chồng gọi vợ là thất (室). (13) Thuộc về gia đình: Gia nhân (người trong gia đình) (đt.) (14) Cư trú: Thiếp gia Hà Dương (em cư trú ở Hà Dương). (loại từ) (15) Căn, gian, từ giúp đếm nhà: Tam gia thương điếm (ba cửa tiệm).
2.Tề gia.
2.1. Xuất xứ. Trong Lễ Ký, Đại Học có ghi: “Vật cách, nhi hậu tri chí. Tri chí, nhi hậu ý thành. Ý thành, nhi hậu tâm chính. Tâm chính, nhi hậu thân tu. Thân tu, nhi hậu gia tề. Gia tề, nhi hậu quốc trị. Quốc trị, nhi hậu thiên hạ bình” (Sự vật được xét đến cùng, rồi sau mới có hiểu biết thấu đáo. Có hiểu biết thấu đáo, rồi sau mới có ý nghĩ chân thành. Có ý nghĩ chân thành rồi sau mới có lòng ngay chính. Có lòng ngay chính, rồi sau mới có sửa được bản thân. Có sửa được bản thân, rồi sau mới có điều hành được gia đình. Có điều hành được gia đình, rồi sau mới có cai quản được đất nước. Có cai quản được đất nước, rồi sau mới có làm cho thiên hạ thái bình). Nói tóm lại: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Thật ra, theo quan niệm của Khổng Tử “gia” trong “tề gia” là nói về gia tộc, tông tộc hơn là gia đình. Nhưng để phối hợp Năm đời sống gia đình, có thể tạm mượn ý tưởng của Khổng Tử để lồng vào đời sống gia đình cho phù hợp.
2.2. Ý nghĩa.
Muốn hiểu được ý nghĩa “tề gia”, thiết tưởng cần nhắc lại đôi điều về “tu thân” . Tu thân là đề cao quy chuẩn tư tưởng đạo đức bản thân, mà quy chuẩn đạo đức này là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Tất cả những đức tính này đều hướng ngoại, một quá trình dẫn đưa mình hài hoà với mọi hoàn cảnh, kết quả là hoà hợp với người khác. Đối với Công Giáo, nói cách đơn giản, tu thân là “những hình thức kỷ luật, bao hàm việc khước từ những ý muốn hoặc sở thích, nhằm thông dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô và tuân hành ý Chúa”
x. “Tu thân” trong BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, Số tháng 3 năm 2012.
Từ đây có thể tìm hiểu ý nghĩa của tề gia. Nhưng gia đình là gì? Người ta cho nhiều định nghĩa: (1) Đoàn thể cá nhân sớm nhất; (2) Quan hệ từ hai người trở lên, liên kết bởi hôn nhân, huyết thống hay nhận nuôi; (3) Đơn vị cơ bản để tình cảm được trưởng thành. Đối với người Công Giáo thì có thêm định nghĩa là: đơn vị cơ bản của Hội Thánh. Người ta còn thêm điều kiện cho đơn vị này, trong gia đình phải có đủ hai giới tính nam và nữ, và có thể truyền sinh. Trong Thư Mục Tử Mùa Vọng 2013 của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, có nói: “Cộng đoàn thờ phượng Chúa, mái ấm tình thương, trường dạy yêu thương, phải tích cực tham gia vào sứ mệnh Phúc-Âm-hoá”.
Đới với người Đông Phương, gia đình là vũ trụ, là bến cảng của cuộc sống, có sự liên kết rất lớn, bỏ nhà ra đi là “đi bụi”. Ngày Tết âm lịch, bất cứ mưu sinh ở đâu, đều phải về nhà, hàng triệu người phải di chuyển, nên mua vé tàu xe là một điều khổ sở. Gia đình Việt Nam có mối quan hệ giữa các thế hệ, quan hệ vợ chồng, ai nấy phải làm tròn bổn phận của mình, gọi là “nhân luân”. Thế hệ trẻ phải vâng phục thế hệ trước, gọi là đạo hiếu. Gia đình và đạo hiếu có một lý tính vĩ đại, tôn chỉ của đời sống là cá nhân phải chịu trách nhiệm với cộng đồng. Con cái phải theo họ của cha mẹ, nhấn mạnh liên kết trong gia tộc.
Thạch Thác nói: "Vua có nhân nghĩa, hạ thần có đức hạnh, người cha nhân từ, con cái hiếu thảo, người anh biết yêu thương em, em có lễ phép với anh, đó gọi là 'lục thuận'" (sáu việc hoà thuận). Yến Anh thì nói: “Vua thân thiện, thần khiêm cung; cha nhân từ, con hiếu thảo; anh yêu thương em, em lễ phép với anh; chồng ôn hoà, vợ dịu dàng; mẹ chồng hiền lành, nàng dâu vâng lời... như thế gọi là lễ”.
Nên tề gia tuy có thể định nghĩa là điều hành gia đình cho tốt đẹp, nhưng điều này bao gồm rèn luyện đời sống đạo đức cá nhân, và trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và đối với cộng đồng. Đúng như ĐHY Gioan Baotixita nói: “Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa”, hãy có “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Và hơn nữa: “Gia đình Công giáo có trách nhiệm giới thiệu Đạo Chúa cho những người chung quanh bằng chính đời sống gia đình của mình, nhất là đời sống tương thân tương ái với các gia đình trong khu xóm”.
Kết luận.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị kế hoạch mục vụ cho năm 2014 là Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình, “thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Ngày 26-10-2013 khi gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới, Đức Giáo Tông Phanxicô cũng khuyên các gia đình: “Ra đi và đồng hành với nhau, tay trong tay, tín thác vào bàn tay to lớn của Chúa”, “Không chạy trốn, không tự cô lập, không từ bỏ sứ mạng thành lập một gia đình và sinh ra những người con trên trần thế”, và “Hãy luôn kết hợp với Chúa Giêsu và mang Chúa đến cho tất cả mọi người qua chứng tá của anh chị em”. Đó chính là tề gia vậy.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới thiệu toàn bộ tập sách về câu đối Tết và Phụng Vụ
-
Truyện ngắn: Giấc mơ Linh Mục một thời ngây thơ -
Chén trà chân thật -
Truyện ngắn: Có Mẹ trong đời -
Truyện ngắn: Mùa Hoa tím -
Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ -
Truyện ngắn: Ước nguyện của con -
Tình yêu nở muộn -
Truyện ngắn: Tình yêu rực nắng -
Truyện ngắn: Cậu bé xóm tôi