Chén trà chân thật

Chén trà chân thật

Chén trà chân thật

Giữa cuộc sống náo động, nhịp sống vội vã dễ làm tinh thần con người mất quân bình. Và khi tâm thần mất sự hài hòa, đời sống tâm linh sẽ không khỏi chịu ảnh hưởng. Làm thế nào để quân bình cuộc sống? Có nhiều phương pháp thực hiện, từ bình diện tâm lý đến tâm linh. Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP xin giới thiệu gợi ý của tác giả Hồng Bối như một đề nghị thực hành khả thi nhằm tái lập sự thanh thản tinh thần.

*  *  *

Trà là một loại thảo dược độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho con người, từ đó trở thành sự sáng tạo văn hóa và nguồn cảm hứng vô bờ bến không thể thiếu của các thi nhân, ẩn sĩ. Nói đến trà, chúng ta khó có thể dùng ngôn từ mà diễn tả cho hết bản sắc vi diệu của nó. Vì vốn dĩ bản chất của trà là thực, là đạo, là tỉnh thức, là sống trọn vẹn ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Khi bạn nâng chén trà tức bạn đã hòa mình vào không gian vũ trụ, mà ở đó thường chỉ có thi nhân và ẩn sĩ mới thực nghiệm được toàn vẹn giá trị đích thực của chén trà.

Vũ trụ bao la, chén trà nhỏ bé. Thời gian vô cùng, không gian vô tận. Cá thể hữu hạn, bản thể vô hạn. Làm sao chúng ta có thể dùng trí năng khối óc để đo lường tính toán cho được khi khoa học vẫn chưa tìm ra căn nguyên của vũ trụ. Mà dẫu cho khoa học có tìm ra căn nguyên vũ trụ đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là căn nguyên trên ấn định giả tưởng mà thôi.

Đứng ở phương diện thực tại kiếp người mà nói, con người muốn có hạnh phúc đích thực thì chỉ khi nào con người biết dừng lại trước cái viển vông, ảo tượng của lối suy luận trần gian mà quay về lại với thực tại chính mình, để chiêm nghiệm thấy sự sống xung quanh quả thật mầu nhiệm. Một bông hoa, mỗi ngọn cỏ, một hạt sỏi, mỗi chén trà, tất cả đều có sự gắn kết liên hệ mật thiết với nhau. Trong chén trà chứa cả sương gió vũ trụ, trong sương gió vũ trụ mà thấy cả chén trà.

Nhờ vậy mà trong khoảnh khắn thời gian, thi nhân đã thấy sự mầu nhiệm của chén trà.

                      “Trong một chén trà thơm
                        có hồ sen bát ngát,
                        Trong một làn gió mát,
                        có muôn vạn trùng dương,
                        Trong trang giấy bình thường
                        có cổ kim nhân loại”.

Hay nói đơn giản, ngắn gọn như Viên Ngộ :

                     “Thong dong mỗi tách trà
                       Tâm rỗng rộng bao la
                       Uống trà trong nắng sớm
                       Vườn tâm đầy hương hoa”.

Và gần chúng ta hơn, Thầy Nhất Hạnh cũng đã nói lên nỗi giao cảm với chén trà, với đạo, với sự tỉnh thức thực tại chính mình, qua bài thơ :

“Chén trà trong hai tay
  Chánh niệm nâng tròn đầy
  Thân và tâm an trú
  Bây giờ và ở đây”.

Chỉ với chén trà bình dân Việt Nam mà Thầy đã đưa con người từ thế giới viển vông trở về lại thực tại cuộc sống bây giờ và ở đây, và cũng chỉ với cái thấy ấy mới giúp con người lột xác, tháo gỡ được những xiềng xích hủ bại, bế tắc, những cái vòng quanh của một kiếp người.

Lặng lẽ ngồi bên chén trà với bất kỳ tư thế nào đi chăng nữa, ta cũng cảm nhận trà là một người bạn chân tình ở mọi lúc mọi nơi. Nói về trà cũng như ta đang hát bài ca “Một đời người một rừng cây” của Trần Long Ẩn, hay “Tình xa” của Trịnh Công Sơn, tiết tấu âm điệu buông thả lên xuống êm đềm tự nhiên, làm cho tâm hồn ta rung động khi cảm cái hay cái đẹp ở mỗi vần điệu, nhịp độ.

Trà đưa thi sĩ trở lại con người thật của thi sĩ, đưa ẩn sĩ về lại cội nguồn ẩn sĩ, đưa tình huynh đệ xa cách trở nên gần gũi ấm cúng hơn bao giờ hết, “Một đêm tri kỷ chuyện trò, còn hơm xem sách lần mò mười năm”. Trong cuộc sống, mọi người thường cho rằng tình huynh đệ cao quý hơn cả, nhưng thiết nghĩ để có được tình huynh đệ thắm thiết chân thực thì không có gì quý bằng được ngồi bên nhau trong những cuộc thưởng trà. Trà không có tính chất đơn điệu lẻ loi như cà phê hay buồn sầu bất mãn như rượu. Trà nuôi dưỡng và đề cao sự tao nhã, nhẹ nhàng, thanh thoát, biểu lộ sự giản dị, chân thật tinh khiết vô cùng.

Uống trà để tâm hồn an nhàn thanh thản quên đi cái ồn ào, náo nhiệt của phố thị, cái lo toan của cuộc sống. Tại thư phòng, nói đúng nghĩa là góc yên thân, uống được chén trà là diễn tả cả quá trình phong cách nghệ thuật sống, bao tâm huyết tinh túy lịch lãm nhất của nội tại lẫn ngoại tại đều được phơi bày ở đây, nơi ta trở lại chính ta, nơi ta dành nhiều thời giờ để làm cuộc hành trình phá tan màn u tối.

Cuộc sống xã hội hiện đại chứa đựng một số yếu tố tiêu cực đang dần dần tiêm nhiễm đầu độc phá hoại tâm ý của chúng ta; đối phó với vấn nạn cấp bách này, mỗi con người cần có cơ hội để ý thức được mình và trở về chính mình. Ngồi bên ấm trà mặc nhiệm tự tại với tâm không lăng xăng cẩu thả, dùng hết kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay pha một bình trà và rồi nhẹ nhàng khoang thai nâng chén lên nhấp từng ngụm từ tốn của sự tỉnh thức và cẩn trọng, ta sẽ cảm nhận hương vị ngào ngạt toát ra từ trà. Nếm vị trà là nếm vị thiên nhiên. “Nhất nước, nhì pha, tam trà, tứ ấm”, tay chỉ dơ một chút, chén dính chút vết dầu mỡ là trà cũng mất hết hương vị. Cho nên pha trà đúng cách thì hương vị trà với ta là một, “Chén trà này khung cảnh này, ngàn năm đâu dễ có hôm nay, sống ngày nay biết ngày nay, xuân thu năm tháng chớ hay làm gì”.

Biến thể vũ trụ vận hành cuộc sống theo quy luật cũng biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nhưng những lúc được ngồi uống trà bên cạnh những người thân thương trong giờ phút trời đất giao hòa thì không có gì hạnh phúc bằng khoảnh khắc thiên thu đó. Nếu giờ phút này ta sống trọn vẹn với mọi người mà ta gặp bằng tấm lòng chân thật của tình thương và hiểu biết thì dù mai này không gặp nhau đi chăng nữa, ta cũng sẽ không ân hận, cũng chẳng hối tiếc, vì ta đã sống trọn vẹn hết lòng cho nhau. Thật tiếc cho những ai chưa từng biết thưởng thức trà bằng tâm chân thật như vậy.

Hãy thử uống trà đi! Vì uống trà là mở ra câu chuyện, từ chuyện đông đến chuyện tây, từ chuyện xưa đến chuyện nay, ngôn từ thầm lặng, hòa ái dạt dào đầy tình thương của trà sẽ gieo rắc, ban phát tưới mát dòng sông tâm thức chính ta, làm cho cõi lòng nhân sinh mỗi cá nhân uống trà có cùng chung một tiếng nói. Tiếng nói chân thật, Huynh Đệ Trà xưa nay.

Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam - Ấn phẩm Đông - Xuân 2011, tr. 40-42.
 

Top