Truyện ngắn: Tình yêu rực nắng
TGPSG -- Sao nó có thể làm dâu, làm vợ, làm mẹ, mà trước đó chỉ miệt mài chăn trâu?...
Ở vùng quê miệt sông nước này, mấy cô gái nhỏ nhứt nhà thường được đặt tên là Út. Đặc biệt là nhà chú Tư ròm, sau hai con trai thì tới một gái, bèn đặt tên ngay là Út vì tưởng hết đẻ rồi. Ai dè mỗi năm vẫn còn sinh thêm một cô con gái; nên mới có Út Nữa, Út Thôi và sau cùng là Út Hết!
Nghe nói lúc sáu đứa con còn nhỏ, nhà chú Tư đông con mà chỉ có hai công ruộng nên chỉ có thể lo cái ăn từng bữa. Cái đói như chực chờ trước cửa nhà hàng ngày. Sau hè nhà chú có bụi chuối già mà không bao giờ được ăn trái chín; buồng chuối vừa đủ lớn là đốn xuống đem luộc cho các con ăn. Thường ngày thím Tư nấu một nồi cháo cho cả nhà, cơm rất hiếm khi được ăn. Sáng ra, mấy đứa nhỏ chạy vòng quanh các rẫy rau trái trong làng, nơi nào thu hoạch xong cho vô mót là ùa vô ngay. Rau trái gì mót được liền chùi vô áo cho bớt đất rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, ngay cả khoai lang cũng vậy, được củ nào là ăn củ nấy, vậy mà không bị đau bụng. Người ta nói mấy đứa nhỏ này được 'Trời thương'.
Một năm chỉ có ba tháng nước nổi là chú Tư đỡ khổ hơn cả vì chú có tài 'sát cá'. Khi nước bắt đầu rút từ trong ruộng ra, tối chú đặt một cái hũ sành ngay đường nước, sáng ra được cả chục ký cá rô mề, con nào con nấy tròn ú, lớn gần bằng bàn tay. Ngoài ra, chú còn đặt dớn và ống trúm. Tiền kiếm được vào khoảng thời gian này, gia đình chú xài nhín nhín cũng kéo được hơn nửa năm. Dù cá lớn nhiều thế nào chú cũng đem bán hết, chỉ để lại những con cá vụn vằn kho quẹt cho cả nhà ăn.
Còn thím Tư chèo xuồng đi hái bông điên điển, sáng sớm đem ra chợ bán cũng được chút ít tiền chợ. Có lần thím Tư đi chợ về gần tới nhà, trong lúc bước gấp gáp thím đạp mạnh chiếc guốc gỗ lên mình một con rắn hổ trâu đang nằm trong bụi rậm. Thím hoảng hốt, miệng la thất thanh mà hai chưn cứ nhảy tưng tưng trên mình con rắn, nó bị gảy xương sống từ cái đạp mạnh đầu tiên nên không cựa quậy gì được. Khi chú Tư chạy tới thì cái đầu con rắn đã dẹp lép. Thím và mấy đứa nhỏ cứ nhắc hoài bữa 'đại tiệc' cháu rắn đậu xanh ăn 'ngon quên chết'.
Bây giờ con cái lớn rồi nên chú thím dễ thở một chút. Cả gia đình sáng sớm chia nhau đi làm mướn cho các nhà có nhiều đất. Gia tài đáng giá nhứt của chú Tư là con trâu Mun đi cày ruộng mướn. Con Mun này hay trở chứng bất tử, chỉ có Út Hết là trị được, nên chú Tư giao cho nó chăm sóc. Sáng sáng khi cả nhà đi làm rồi thì Út Hết mới thức dậy, ăn vội miếng cơm nguội rồi phóng lên lưng trâu tìm đến nơi có nhiều cỏ xanh thả cho trâu ăn, chiều hoặc mờ tối mới về nhà. Mỗi lần nghe tiếng nghêu ngao: "Ngồi mình trâu em vặn tai trâu và em nắm đuôi trâu" là chú Tư nói "Út Hết về tới rồi bà ơi!" Ba tháng nước lên, trâu phải gởi nhà người chú ở vùng cao, Út Hết được cho ra chợ ở với người dì.
Theo trâu ngày này qua tháng nọ nên tóc của Út Hết đỏ chạch như râu bắp (xưa gọi là 'như quỷ' giờ là 'như Mỹ'); còn da thì nhuộm nắng suốt ngày, lúc đầu rám nắng, sau dần dần đen nhẻm như da con Mun; người ốm nhom ốm nhách, cao lêu khêu. Mấy bà gặt lúa trên đồng gặp Út Hết cưỡi trâu đi ngang thì chọc ghẹo: "Đi chăn trâu riết coi chừng ế chồng nha mậy! Con gái mà cưỡi trâu sẽ bị chai… hết đó!" Út Hết đã 16 tuổi rồi mà tánh vô tư, ai chọc gì cũng không giận mà còn hát lớn: "Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ..."
Vậy mà cuối năm đó, một bà mối đến làm mai con trai nhà bán nông cụ ở chợ cho Út Hết. Thời cuối thập niên 70, làng quê này vẫn còn cưới hỏi qua mai mối. Tin tức truyền đi rất nhanh, người nói tốt cũng có, người ác miệng cũng không thiếu. Có người dèm pha: "Bộ hết con gái rồi sao mà lại đi cưới… ‘gái trâu’ vậy?" hoặc "Út Hết tối ngày chăn trâu có biết gì đâu, làm vợ ‘ba bảy hăm mốt ngày’ sẽ bị nhà chồng đuổi về thôi!"
Đầu năm 18 tuổi, Út Hết theo chồng về chợ. Trong chiếc áo dài cưới, cộng với một chút phấn son, Út Hết nhìn cũng ra dáng dịu dàng nữ tính. Lần đầu tiên, Út Hết biết khóc khi chia tay chú thím Tư; nước mắt làm lem luốc lớp phấn trắng. Thím Tư chỉ dặn con một câu "Hãy coi ba má chồng như tía má nhé!"
Tết năm sau, Út Hết về thăm nhà, trên tay ẵm thằng bé kháu khỉnh. Năm sau nữa, thằng anh chạy lon ton, còn em gái nó được mẹ bồng trên tay. Út Hết bắt đầu ‘phổng phao’ hơn, trắng da, dài tóc, có vẻ xinh ra, không còn đen nhẻm vì phơi nắng suốt ngày như thuở còn chăn trâu. Mà ánh mắt thì vẫn cứ rực sáng màu nắng của thôn nữ miệt vườn. Ai cũng thắc mắc sao con bé chăn trâu này thay đổi nhanh vậy, mà vẫn sinh động như thuở nào mới ‘chết’ chứ! Sao nó có thể làm dâu, làm vợ, làm mẹ, mà trước đó chỉ miệt mài chăn trâu?
Thật ra, Út Hết đã được chuẩn bị cho cuộc sống gia đình từ từ, hết năm này qua tháng nọ. Trước nhất là được luyện trong một cái lò đặc biệt: gia đình nghèo mà luôn vui vẻ hòa thuận. Chú thím Tư luôn dạy con biết sợ Chúa, không làm điều xấu, không tham lam của người khác. Mỗi năm ba tháng ở nhà người dì, Út học làm được nhiều món ngon vì nhà dì hay làm đám giỗ. Út có thể làm viên xôi nước có ba màu: xanh lá dứa, tím lá cẩm và đỏ cà rốt. Bánh tét thay vì nếp có màu xanh và nhân mỡ thì Út làm nếp màu tím và nhân thịt nạc với lòng đỏ vịt muối vv...
Tuy Út thanh mảnh, nhưng dẻo dai, hay lam hay làm, và biết vâng lời nên rất được lòng nhà chồng. Cách ăn nói cũng lễ phép, không cộc lốc. Vào bếp cũng được, ra buôn bán cũng giỏi, nên ai cũng thương. Đặc biệt là luôn tràn trề sức sống, như nắng ấm chói rực trong nhà chồng. Chồng Út là con trai một, được cưng chiều nên ham vui, chỉ cưới vợ theo ý ba má. Sau này, thấy vợ giỏi giang, linh hoạt, vui tươi, quan tâm đến mọi người trong nhà, má cậu lại nói khích vào, nên chồng Út bắt đầu 'cạnh tranh' làm việc với vợ.
Mỗi lần Út Hết về thăm nhà, chú Tư hay chọc con gái:
- Mày đi cả năm mới về một lần, không nhớ con Mun sao? Hồi đó lúc người ta muốn bỏ trầu cau, mày vùng vằng nói: 'Tía ưng thì tía làm đám cưới đi, tui không bỏ con Mun đâu'…
Út Hết cười vui:
- Tía ơi, bây giờ con phải lo cho hai ‘con nghé’ và chăm cho ‘ảnh’ nữa, không có giờ để 'vặn tai trâu và nắm đuôi Mun' nữa đâu!
Vâng, tình yêu chăm chút nơi cô Út ‘rực nắng’ này mới kỳ diệu làm sao!
Tóc Ngắn (TGPSG) - Nhịp Sống Tin Mừng 2.2018
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới thiệu toàn bộ tập sách về câu đối Tết và Phụng Vụ
-
Chén trà chân thật -
Truyện ngắn: Giấc mơ Linh Mục một thời ngây thơ -
Truyện ngắn: Có Mẹ trong đời -
Truyện ngắn: Mùa Hoa tím -
Truyện ngắn về Lễ Lá: Chiếc lá gói ước mơ -
Truyện ngắn: Ước nguyện của con -
Tình yêu nở muộn -
Truyện ngắn: Cậu bé xóm tôi -
Sự kỳ diệu của đôi bàn tay