Truyền giáo nơi miền sông nước

Truyền giáo nơi miền sông nước

Truyền giáo nơi miền sông nước

TGPSG -- Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi nơi” (Mc 16,9-18)

Lời bài hát dựa theo đoạn Tin Mừng thánh Marco đã lay động và đưa đoàn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong suốt một ngày (22-10-2023), tại giáo điểm, giáo xứ Rạch Vọp - Giáo phận Cần Thơ. Với quỹ thời gian ít ỏi nên “Ông cố” Gioan Baotixita Trương Thành Công đã chia sẻ và dặn dò rất chi tiết để đoàn tông đồ giáo dân và Hội đồng Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tận dụng quỹ thời gian ngắn ngủi đó tìm hiểu về công việc truyền giáo và các sinh hoạt tại giáo điểm này.

Nhà thờ Rạch Vọp cách thành phố Cần Thơ 30 cây số (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng). Đường đi khá thuận lợi so với nhiều tuyến truyền giáo khắc nghiệt, nhạy cảm như phía Bắc hoặc Tây Nguyên. Và số người biết Chúa thì lại là con số ít ỏi bởi nhiều lý do. Vì thế công việc giới thiệu Chúa và lôi kéo những người lương dân đến với nhà thờ luôn được các cha Sở quan tâm và có nhiều sáng kiến truyền giáo hiệu quả.

Năm giờ sáng, khi sương đêm còn bay là là trên dòng sông Hậu. Ba chiếc vỏ lãi đã đưa 16 thành viên mục sở thị đi đón bà con đến nhà thờ. Sau một giờ đồng hồ, chiếc vỏ lãi đã đưa chúng tôi đến được địa điểm đầu tiên cách nhà thờ Rạch Vọp 15 cây số để đón những lương dân đầu tiên. Và cứ thế, chiếc vỏ lãi đã đón hơn 40 “tín hữu rửa tội trong Thánh Thần”. Đây là cách gọi rất thần học mà cha Gioan Baotixita khi nói về họ với chúng tôi.

Những chiếc vỏ lãi đón đưa người lương dân đến nhà thờ

Sau khi đã lên nhà thờ có “Thánh Giuse quay”, các em thiếu nhi được nghỉ ngơi, ăn sáng, chuẩn bị tham dự thánh lễ. Còn người lớn sẽ tranh thủ vệ sinh cá nhân, thay trang phục tươm tất, xếp hàng thứ tự để thăm khám và nhận thuốc chữa trị những bệnh thông thường và cùng nhau tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật.

Ông bà tuổi cao khai bệnh và nhận thuốc 

Phần ăn sáng dành cho người lớn trước khi tham dự thánh lễ

Cha Sở Gioan Baotixita ôn lại giáo lý trước thánh lễ

Thánh lễ ngày Chúa nhật truyền giáo 22/10/2023 tại nhà thờ Rạch Vọp

Các em thiếu nhi tham dự thánh lễ Chúa nhật

Sau thánh lễ, cứ theo lớp lang từ già đến trẻ, từ nhỏ đến lớn, từ đã Rửa tội đến chưa Rửa tội lần lượt vào các lớp Giáo lý. Theo anh Fx Từ Minh Khang, Giáo lý viên lớp Dự Tòng, “Hiện nay, Rạch Vọp có tất cả 9 lớp giáo lý vào buổi sáng Chúa nhật. Họ đa phần không biết chữ và nhiều người cho đến giờ đã theo học giáo lý dự tòng 6, 7 năm và ít nhất cũng đã 2 năm. Ở đây ngoài việc học Giáo lý, Kinh Thánh, họ còn được dạy cách ứng xử, xưng hô trong nhà thờ, sự nhân bản”. Sau khi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, Cha Sở Gioan Baotixita đã mời đoàn tham quan các lớp học giáo lý.

Lớp học giáo lý dự tòng 

Chia sẻ của Ông FX Nguyễn Thái, đại diện Ủy ban Giáo dân TGP Sài Gòn

Cha Sở Gioan Baotixita chia sẻ: “Sau khi đến với nhà thờ, họ (những lương dân) đã được biến đổi hoàn toàn. Họ không chỉ nhận với lòng bác ái, nhận cách công bằng. Họ còn học thái độ cho đi với sự tự nguyện, chia sẻ, lòng quảng đại. Cuối cùng đó là cách thức đưa họ những lương dân đến với nhà thờ không chỉ vì miếng cơm manh áo mà chính họ nhận ra sự thay đổi nơi đời sống, bản thân và gia đình họ và như thế đã tác động đến những người lương dân xung quanh để cùng nhau đến với nhà thờ, tìm đến Giáo hội”. Trong cách nhìn nhận của cha Gioan Baotixita “Dù chưa rửa tội cách chính thức nhưng họ đã được rửa trong lửa, trong Thánh Thần” và nhiều người trong số đó đã và đang tham gia cách tích cực, đầy lòng mến vào các công việc phụng vụ như: đọc sách, giúp lễ, hát lễ…

Đoàn đại diện Tông đồ giáo dân và Hội đồng mục vụ tham quan nhà thờ Rạch Vọp, GP Cần Thơ

Với 7 năm gắn bó nơi này, cha Sở Gioan Baotixita đã sống chan hòa, chân thành và hết lòng với bà con nơi đây. Từ đó, ngài đã rút tỉa và đúc kết cách thức truyền giáo và đưa người lương dân đến với Chúa. Với một tổ chức được  sắp xếp chi tiết, cụ thể và chứa đầy tinh thần Tin Mừng như thế, chúng ta không khó để nói “Công việc truyền giáo không khó, không đòi hỏi điều kiện gì ngoài điều kiện là “Phải có Chúa trong lòng”, bởi nếu Chúa không hiện diện soi sáng, nâng đỡ, ban ơn thì không thể làm được gì.” Ví dụ: Cách thức đưa đón lương dân dự thánh lễ theo ngài chính là bắt chước cha ông mình làm từ thuở sơ khai của công cuộc truyền giáo. Rồi thực thi sứ vụ “tái Phúc âm hóa” khi nhiều Kitô hữu ở đây đã quá lâu không biết đến nhà thờ, thánh lễ, nhưng nay đã được cha đưa về để sống trong tình nghĩa Chúa. Và quan trọng hơn cả là giới thiệu Chúa cho người ngoại giáo theo lệnh Chúa truyền.

Cửa hàng quần áo và các vật dụng gia đình miễn phí 

Sau “Một ngày đàng học một sàng truyền giáo”, đoàn chúng tôi tạm biệt giáo điểm, giáo xứ Rạch Vọp để trở về. Nhiều thành viên đã bày tỏ sự khâm phục, lòng biết ơn bởi cách thức truyền giáo mà “Ông cố”  cùng với đội ngũ các soeurs, anh chị giáo lý viên và ông Câu, ông Biện... đang nhiệt tâm thực thi.

Cha Gioan Baotixita và đoàn chụp ảnh lưu niệm 

Dẫu rằng, mỗi nơi có những đặc điểm khác nhau nhưng có khi chúng ta không nhận ra Ơn Đức Tin chúng ta đang nhận cách nhưng không, thậm chí còn xem nhẹ. Tinh thần truyền giáo và câu chuyện nơi giáo điểm đã giúp cho mỗi thành viên thêm kinh nghiệm “trên đường Emmau” để lòng thêm bừng cháy và bước chân thêm nhanh, để trong vai trò của mình mỗi người sẽ có cách truyền giáo tốt nhất và hành động như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã dạy: “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thày giảng.

Bài & Ảnh: Trường Sơn (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top